Mặt chủ quan của tội sản xuất,buôn bán hàng giả

Một phần của tài liệu tội sản xuất, buôn bán hàng giả theo điều 156 bộ luật hình sự lý luân và thực tiễn (Trang 30 - 33)

Tội phạm là một thể thống nhất của hai mặt khách quan và chủ quan. Mặt khách quan là những biểu hiện ra bên ngoài của tội phạm, còn mặt chủ quan của tội phạm là hoạt động tâm lý bên trong của người phạm tội. Mặt chủ quan của tội phạm bao gồm: lỗi, mục đích, động cơ, trong đó lỗi là dấu hiệu được phản ánh trong tất cả các cấu thành tội phạm.

“Lỗi là thái độ tâm lý của con người đối với hành vi nguy hiểm cho xã hội mình và đối với hậu quả do hành vi đó gây ra được biểu hiện dưới hình thức cố ý hoặc vô ý”. Một người thực hiện hành vi gây thiệt hại cho xã hội bị coi là có lỗi nếu hành vi đó là kết quả của sự tự lựa chọn của họ trong khi có đủ điều kiện khách

quan và chủ quan để lựa chọn và thực hiện xử sự khác phù hợp với đòi hỏi của xã hội.

Đối với “Tội sản xuất, buôn bán hàng giả”, hầu hết các nhà nghiên cứu đều

cho rằng: người thực hiện hành vi quy định tại Điều 156 được thực hiện với lỗi cố ý. Tuy nhiên, để xác định đây là lỗi cố ý trực tiếp hoặc lỗi cố ý gián tiếp thì có nhiều quan điểm trái ngược nhau:

Quan điểm thứ nhất cho rằng lỗi của tội phạm này là lỗi cố ý trực tiếp, người phạm tội biết rõ hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả do mình thực hiện là nguy hiểm cho xã hội trái pháp luật nhưng vẫn mong muốn thực hiện hành vi đó.

Quan điểm thứ hai cho rằng người thực hiện hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả là do lỗi cố ý (cố ý trực tiếp hoặc cố ý gián tiếp) người thực hiện các hành vi này, nhận thức rõ các hành vi của mình là trái pháp luật, thấy trước được hậu quả của hành vi và mong muốn cho hậu quả xảy ra hoặc bỏ mặc cho hậu quả xảy ra.

Chúng tôi đồng tình với quan điểm thứ nhất bởi tội sản xuất, buôn bán hàng giả có cấu thành hình thức. Hậu quả nguy hiểm cho xã hội không phải là dấu hiệu bắt buộc cho nên việc xác định ý chí của người phạm tội đối với hậu quả nguy hiểm cho xã hội không được đặt ra. Người phạm tội đã nhận thức tính chất nguy hiểm cho xã hội của các hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả song vẫn luôn mong muốn thực hiện các hành vi đó. Do vậy, lỗi trong trường hợp này phải được xác định là lỗi cố ý trực tiếp.

Vì tội sản xuất, buôn bán hàng giả gồm hai hành vi là hành vi sản xuất hàng giả và hành vi buôn bán hàng giả. Đối với hành vi sản xuất hàng giả luôn được người thực hiện hành vi với lỗi cố ý trực tiệp đối với hành vi buôn bán hàng giả thì vấn đề lỗi lại có quan điểm khác nhau:

Có quan điểm cho rằng hành vi buôn bán hàng giả có thể được thực hiện với lỗi cố ý của người phạm tội. Có nghĩa là có trường hợp người phạm tội thực hiện hành vi với lỗi cố ý: biết rõ là hàng giả mà vẫn buôn bán, nhận thức rõ hành vi của mình là nguy hiểm cho xã hội nhưng vẫn mong muốn thực hiện hành vi; có trường

hợp người phạm tội thực hiện hành vi với lỗi vô ý: họ thực hiện hành vi buôn bán hàng giả nhưng không biết hàng hóa mình đang buôn bán là hàng giả, họ không nhận thức được hành vi của mình là nguy hiểm cho xã hội mặc dù phải thấy trước hoặc có thể thấy trước. Do vậy, nếu một người nào có hành vi buôn bán hàng giả với lỗi vô ý nếu không xảy ra hậu quả nghiêm trọng thì không bị truy cứu TNHS.

Quan điểm khác cho rằng hành vi buôn bán hàng giả được quy định trong tội phạm này luôn được người phạm tội thực hiện với lỗi cố ý: biết rõ hàng hóa mình đang mua bán là giả nhưng vẫn mua bán để thu lợi bất chính.

Chúng tôi đồng tình với quan điểm thứ hai này vì theo quy định của Nhà nước và Pháp luật đối với cơ sở kinh doanh phải kiểm soát được chất lượng hàng hoá mà mình bán ra. Mặt khác trong thực tiễn xét xử tội này của các tòa án nước ta, thì tòa án rất ít quan tâm đến xác định hành vi phạm tội đó có lỗi cố ý hay vô ý mà chủ yếu quan tâm đến mức độ nguy hiểm cho xã hội để truy cứu TNHS hay không. Ngoài yếu tố lỗi, trong mặt chủ quan của tội phạm còn có các yếu tố khác như đông cơ phạm tội , mục đích phạm tội. Động cơ là động lực bên trong thúc đẩy người phạm tội thực hiện hành vi phạm tội cố ý. Nhìn chung, động cơ phạm tội không có ý nghĩa quyết định đến tính chất nguy hiểm cho xã hội của tội phạm. Hầu hết các điều luật đều không quy định dấu hiệu động cơ phạm tội trong cấu thành tội phạm. Đối với tội sản xuất, buôn bán hàng giả, thì động cơ phạm tội cũng không phải là dấu hiệu bắt buộc khi định tội hoặc quyết định hình phạt. Tuy nhiên việc làm rõ động cơ phạm tội trong từng trường hợp cụ thể để nắm bắt nguyên nhân của tội phạm sẽ giúp nhà nước đưa ra các giải pháp nâng cao hiệu quả công tác đấu tranh phòng chống tội phạm và xây dựng các chính sách kinh tế xã hội phù hợp. Thực tế động cơ phạm tội này chủ yếu là do lòng tham, vụ lợi.

Các chủ thể thực hiện tội phạm đều hướng tới những mục đích nhất định. Mục đích phạm tội là kết quả trong ý thức chủ quan mà người phạm tội đặt ra phải đạt được khi thực hiện hành vi phạm tội. Tội sản xuất, buôn bán hàng giả được thực hiện lỗi cố ý trực tiếp do vậy mục đích phạm tội là luôn tồn tại. Chủ thể thực

hiện hành vi này nhằm mục đích thu lợi bất chính và cạnh tranh không lành mạnh. Do vậy khi giải quyết vụ án phải xác định người phạm tội có mục đích thu lợi bất chính hay không? Nếu không có mục đích này thì không thể định tội danh là sản xuất, buôn bán hàng giả.

Ví dụ: Một người làm ra một loại hàng giả (giả chiếc võng xếp Duy Lợi ) nhưng chỉ để phục vụ cho gia đình người đó mà không dùng để bán hay kinh doanh, do vậy họ không có mục đích thu lợi. Họ không phạm tội sản xuất, buôn bán hàng giả.

Như vậy, mặt chủ quan của tội sản xuất, buôn bán hàng giả đều nhằm đạt được mục đích nhất định, nhưng mục đích thu lợi bất chính, cạnh tranh không lành mạnh là dấu hiệu bắt buộc của tội phạm này. Việc xác định động cơ phạm tội không có ý nghĩa đối với việc định tội.

Một phần của tài liệu tội sản xuất, buôn bán hàng giả theo điều 156 bộ luật hình sự lý luân và thực tiễn (Trang 30 - 33)