Bất cứ mạng nào cũng có thể xảy ra tắc nghẽn. Tắc nghẽn làm giảm thông lượng, tăng độ trễ và ảnh hưởng nghiêm trọng đến các tham số QoS. Điều khiển luồng là một thành phần đặc trưng để giảm tắc nghẽn. Việc hạn chế tối thiểu tắc nghẽn là một trong những mục đích quan trọng nhất của hoạt động định hướng lưu lượng và tài nguyên.
Có hai kịch bản để xảy ra tắc nghẽn. Kịch bản thứ nhất đơn giản là do không có đủ tài nguyên để cung cấp cho lưu lượng người dùng. Kịch bản thứ hai phức tạp hơn, đó là khi có đủ tài nguyên để hỗ trợ QoS cho người dùng nhưng các dòng lưu lượng không được sắp xếp hợp lý khi vào mạng. Khi đó, một vài phần tài nguyên mạng không được sử dụng đến trong khi các phần khác thì bị quá tải bởi lưu lượng người dùng.
Kịch bản thứ nhất: Được giải quyết khi xây dựng các mạng có băng thông rộng hơn. Trong trường hợp tăng băng thông mạng này thì hiệu quả sử dụng tài nguyên mạng là không cao trong khoảng thời gian có ít lưu lượng. Nó có thể chấp nhận được lưu lượng dồn dập của tất cả các thời điểm nhưng sẽ có thời điểm tất cả các đường đều trống rỗng gây lãng phí tài nguyên mạng.
Kịch bản thứ hai: Liên quan đến việc chỉ định tài nguyên không hiệu quả và được giải quyết bằng kỹ thuật lưu lượng. Tài nguyên là sẵn có trên mạng, điều quan trọng là tìm chúng và hướng lưu lượng người dùng tới chúng một cách hợp lý.
Trong hình 3.4, có hai tuyến đường từ bộ định tuyến C tới bộ định tuyến E được biểu thỉ bởi các đường 1 và 2, nếu sử dụng kỹ thuật đường ngắn nhất từ C tới E (C-D-E), thì tất cả các luồng lưu lượng đến đích E sẽ đi qua đường dẫn này. Dung lượng lưu lượng cuối cùng trên một đường có thể gây tắc nghẽn, trong khi một đường khác (C-F-G-H-E) không được sử dụng. Đường dẫn (C-F-G-H-E) đi qua nhiều nút hơn nhưng có cùng giá với đường (C-D-E).
Để toàn mạng hoạt động hiệu quả có thể thay đổi một phần của lưu lượng từ liên kết này tới liên kết khác. Để giải quyết vấn đề điều khiển lưu lượng có thể thiết lập các đường chuyển mạch nhãn (LSP - Label Switched Path) một cách đa dạng với nhiều kiểu điều khiển khác nhau. Ví dụ, kiểu điều khiển lưu lượng có thể thiết lập một đường chuyển mạch nhãn LSP từ B tới C tới F tới G tới H tới E (đường 1) và một đường khác từ A tới C tới D tới E (đường 2) (hình 3.4).
Hình 3.4. Tắc nghẽn gây ra bởi kỹ thuật chọn đường ngắn nhất
Các đường LSP bắt đầu từ bộ định tuyến biên đầu vào đến bộ định tuyến biên đầu ra của miền MPLS. Định tuyến ràng buộc có nhiệm vụ điều khiển các LSP này đi tới đích dựa vào điều kiện ràng buộc mà nhà quản trị mạng đưa ra.