Quan niệm quản lý Nhà nước về Thuế đối với doanh nghiệp

Một phần của tài liệu luận văn nâng cao vai trò nhà nước trong quản lý thuế đối với doanh nghiệp ở việt nam (lấy ví dụ ở tỉnh hải dương) (2) (Trang 25 - 28)

Quản lý thuế là một lĩnh vực quản lý chuyên ngành. Vì vậy, để tiếp cận khái niệm quản lý thuế, trước hết, cần tiếp cận khái niệm quản lý.

Theo từ điển Tiếng Việt, quản lý là "Tổ chức và điều khiển các hoạt động theo những yêu cầu nhất định".

Theo các tác giả Giáo trình khoa học quản lý của Học viện Chính trị Quốc gia thì "Quản lý là các hoạt động do một hoặc nhiều người điều phối hành động của những người khác nhằm thu được kết quả mong muốn".

Theo các tác giả Giáo trình Quản lý hành chính Nhà nước thì "Quản lý là sự tác động có ý thức để chỉ huy, điều hành, hướng dẫn các quá trình xã hội và hành vi hoạt động của con người để hướng đến mục đích, đúng với ý chí và phù hợp với qui luật khách quan".

Như vậy, khi nói đến quản lý là nói đến hoạt động của con người trong việc thực hiện các hoạt động lập kế hoạch, tổ chức, lãnh đạo, phối hợp, kiểm soát và thúc đẩy hoạt động của những con người trong tổ chức đó nhằm thực hiện những mục tiêu đã định.

Theo các khái niệm về quản lý nêu trên, quản lý thuế có thể được hiểu là quá trình tác động có mục đích, có ý thức của Nhà nước lên các doanh nghiệp, các tổ chức sự nghiệp, các cá nhân thông qua các cơ quan chức năng nhằm thực thi tốt nhất các luật pháp và chính sách về thuế.

Trong đó, chủ thể của quản lý thuế là Nhà nước, bao tất gồm cả các cơ quan, tổ chức, đơn vị và cá nhân trong xã hội thay mặt cho Nhà nước có tham gia vào hoạt động quản lý thuế.

Hiểu theo phạm vi rộng, tất cả các tổ chức, cá nhân trong xã hội đều phải tham gia vào quá trình quản lý thuế để thực hiện tốt nhất hệ thống chính sách thuế, đạt được các mục tiêu trong quản lý thuế như đảm bảo nguồn thu, thực hiện tốt chức năng điều tiết nền kinh tế, xã hội, đảm bảo được tính công bằng và hiệu quả…

Nếu hiểu theo phạm vi hẹp, các cơ quan quản lý nhà nước là cơ quan được giao trách nhiệm tổ chức hoạt động quản lý thuế nhằm ban hành và thực thi đầy đủ, chính xác và kịp thời hệ thống chính sách pháp luật về thuế. Trong phạm vi nghiên cứu của đề tài, quản lý thuế được giới hạn trong các hoạt động của cơ quan quản lý thuế.

Do vậy, quản lý thuế được hiểu là hoạt động của cơ quan quản lý nhà nước nhằm tác động và điều hành hoạt động chấp hành pháp luật thuế của người nộp thuế.

Hoạt động tác động nói trên của các cơ quan quản lý nhà nước được hiểu dưới các góc độ sau:

(1) Là quá trình vận dụng bản chất, chức năng của thuế để hoạch định chính sách, bao gồm cả chính sách điều tiết qua thuế và chính sách quản lý; Là quá trình xây dựng tổ chức bộ máy ngành thuế và đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu quản lý thuế; Là việc vận dụng các phương pháp thích hợp tác động đến quá trình thực hiện nghĩa vụ thuế của người nộp thuế phù hợp

với quy luật khách quan, bao gồm các hoạt động tuyên truyền, hướng dẫn, hỗ trợ, thanh tra, kiểm tra thuế… Đây chính là cách hiểu về quản lý thuế theo nghĩa rộng. Theo đó, quản lý thuế bao gồm cả hoạt động xây dựng chính sách thuế, ban hành pháp luật thuế và hoạt động tổ chức hành thu.

(2) Quản lý thuế theo nghĩa hẹp chỉ bao gồm xây dựng thể chế quản lý thuế, tổ chức Bộ máy quản lý thuế và tổ chức hành thu thuế không bao gồm hoạt động xây dựng chính sách, pháp luật thuế.

Trong phạm vi nghiên cứu của Luận văn nghiên cứu quản lý thuế với các nội dung theo nghĩa hẹp.

So với các hoạt động quản lý khác, quản lý thuế có những đặc điểm cơ bản sau đây:

- Quản lý thuế là quản lý bằng pháp luật đối với hoạt động nộp thuế. Hoạt động quản lý của cơ quan thuế cũng như việc thực hiện nghĩa vụ nộp thuế của các tổ chức, cá nhân đều phải dựa trên cơ sở các qui định của các luật thuế với đặc trưng có tính bắt buộc cao và được đảm bảo thực hiện bằng quyền lực Nhà nước. Việc quản lý thuế bằng pháp luật đảm bảo sự thống nhất, minh bạch, công khai trong hoạt động quản lý của cơ quan Nhà nước. Qua đó, đảm bảo nguồn thu từ thuế vào NSNN được tập trung đầy đủ, kịp thời nhằm đáp ứng cho nhu cầu chi tiêu của Nhà nước; đồng thời, đảm bảo sự điều tiết qua thuế đối với các tổ chức, cá nhân được công bằng, bình đẳng.

- Quản lý thuế được thực hiện chủ yếu bằng phương pháp hành chính. Nội dung của phương pháp hành chính trong quản lý thuế là sự tác động có tổ chức và điều chỉnh, là sự thiết lập mối quan hệ giữa con người, giữa cơ quan thuế với các tổ chức, cá nhân trong xã hội; giữa cơ quan thuế các cấp với nhau và với các cơ quan Nhà nước, tổ chức khác. Trong các quan hệ đó thì cơ quan Nhà nước cấp dưới phải phục tùng mệnh lệnh của cấp trên theo thứ bậc hành chính, đối tượng bị quản lý (người nộp thuế) phải chấp hành mệnh lệnh của

các cơ quan Nhà nước trong việc đảm bảo nguồn thu vào NSNN. Đồng thời phương pháp hành chính trong quản lý thuế còn thể hiện trong qui trình, thủ tục thu, nộp thuế - đó là trình tự các bước công việc phải tiến hành và các giấy tờ, tài liệu cần thiết ghi nhận việc thực hiện nghĩa vụ thuế của người nộp thuế. Do đó, hoàn thiện pháp luật về quản lý thuế có ý nghĩa rất quan trọng trong việc đảm bảo qui trình quản lý thuế rõ ràng, minh bạch, thủ tục thu, nộp thuế đơn giản.

- Quản lý thuế là hoạt động mang tính kỹ thuật, nghiệp vụ chặt chẽ. Đặc điểm này thể hiện ở chỗ các thủ tục hành chính và các chứng từ kèm theo phục vụ cho quản lý thuế có quan hệ mật thiết với nhau, phụ thuộc nhau do các yêu cầu kỹ thuật của việc xác định số thuế phải nộp. Ví dụ: Tập hợp thuế GTGT đầu vào được khấu trừ trong ký tính thuế; xác định các khoản chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế để tính thuế TNDN phải nộp trong kỳ tính thuế của doanh nghiệp.

Một phần của tài liệu luận văn nâng cao vai trò nhà nước trong quản lý thuế đối với doanh nghiệp ở việt nam (lấy ví dụ ở tỉnh hải dương) (2) (Trang 25 - 28)