Cùng với hoạt động, trước hết là hoạt động lao động sản xuất, ngôn ngữ là yếu tố quyết định tách hẳn con người ra khỏi thế giới động vật. Trong quá trình hình thành và phát triển của xã hội loài người, đồng thời với việc hình thành và phát triển NNTN từng vùng, từng lãnh thổ và đó cũng là một trong
những điều kiện để phân định các dân tộc, các quốc gia. Đối với một con người cụ thể, ngôn ngữ là phương tiện để giao tiếp, là biểu hiện của tư duy. Thông qua giao tiếp để truyền đạt và lĩnh hội thông tin, con người bộc lộ trình độ nhận thức, vốn văn hóa và tính cách của mình. NNTH (theo nghĩa hẹp) là ngôn ngữ được xây dựng trên hệ thống các ký hiệu TH. NNTH (theo nghĩa rộng) bao hàm NNTH theo nghĩa hẹp và các thuật ngữ TH, hình vẽ, mô hình, biểu đồ, đồ thị,…có tính chất quy ước nhằm diễn đạt các nội dung TH được chính xác, lôgíc và ngắn gọn. NNTH có hai phương diện: Ngữ nghĩa và cú pháp. Theo tác giả Nguyễn Bá Kim: Trong TH người ta phân biệt cái ký hiệu và cái được ký hiệu; cái biểu diễn và cái được biểu diễn. Nếu xem xét phương diện những cái ký hiệu, những cái biễu diễn, đi vào cấu trúc hình thức để xác định và biến đổi chúng thì đó là phương diện cú pháp. Nếu xem xét phương diện những cái được ký hiệu, những cái được biểu diễn, tức là đi vào nội dung, nghĩa của những cái ký hiệu, nghĩa của những cái biểu diễn thì đó là phương diện ngữ nghĩa [6]. Có thể nói ngữ nghĩa và cú pháp của NNTH có thể xem là các mặt nội dung và hình thức của phạm trù này. NNTH là kết quả của sự sáng tạo con người để biểu đạt các sự kiện TH, là sự khắc phục NNTN theo các khuynh hướng sau:
- Khắc phục sự cồng kềnh của NNTN; - Mở rộng khả năng biểu đạt của nó; - Loại bỏ tính đa nghĩa của NNTN.