Bộ luật tố tụng hình sự Liên bang Nga

Một phần của tài liệu Biện pháp bảo lĩnh trong luật tố tụng hình sự Việt Nam (Trang 59)

BLTTHS Liên bang Nga được Đuma quốc gia thông qua ngày 22 tháng 11 năm 2001 và được Quốc hội phê chuẩn ngày 5 tháng 12 năm 2001. Biện pháp bảo lĩnh được ghi nhận tại Điều 97, 98, 99 và Điều 103, 105 trong BLTTHS.

Bảo lĩnh (được ghi nhận tại Điều 103 BLTTHS) là một trong bảy BPNC trong BLTTHS Liên bang Nga do Điều tra viên, Dự Thẩm Viên, Kiểm sát viên và Thẩm phán trong phạm vi thẩm quyền được giao có quyền áp dụng đối với người bị tình nghi, bị can khi có một hoặc một số người cam đoan bằng văn bản là họ sẽ bảo đảm người bị tình nghi hoặc bị can có mặt theo giấy triệu tập đúng thời gian quy định và không cản trở hoạt động tố tụng đối với vụ án bằng những hình thức khác.

Căn cứ áp dụng: Được quy định tại Điều 97 về những căn cứ áp dụng BPNC: 1. Điều tra viên, Dự thẩm viên, Kiểm sát viên và Thẩm phán trong phạm vi thẩm quyền được giao, có quyền áp dụng một trong những BPNC quy định tại Bộ luật này nếu có đủ căn cứ để cho rằng người bị tình nghi, bị can:

1) Trốn tránh việc điều tra ban đầu, điều tra dự thẩm hoặc xét xử; 2) Có thể tiếp tục thực hiện hành vi phạm tội;

3) Có thể đe doạ người làm chứng, những người khác tham gia TTHS, tiêu huỷ chứng cứ, cũng như có những hành vi khác cản trở hoạt động tố tụng đối với vụ án.

Thêm vào đó, Điều 99 BLTTHS nước này cũng quy định điều kiện phải xem xét khi áp dụng BPNC: “Khi quyết định việc lựa chọn

BPNC để áp dụng đối với người có hành vi phạm tội là người bị tình nghi, bị can khi có những căn cứ quy định tại Điều 97 Bộ luật này thì cần phải xem xét tính chất, mức độ nghiêm trọng của hành vi phạm tội, nhân thân người bị tình nghi hoặc bị can, tuổi tác, tình trạng sức khoẻ, hoàn cảnh gia đình, nghề nghiệp và những tình tiết khác”. Như vậy, nếu Điều 97 được coi là điều kiện cần, thì Điều 99 được xem là điều kiện đủ, là những yếu tố cần thiết khi đánh giá người bị tình nghi hoặc bị can liệu có được áp dụng BPNC không [49].

Đối tượng áp dụng (Điều 46 và Điều 47). Người bị tình nghi là người đã khởi tố vụ án hình sự theo những căn cứ và thủ tục quy định; bị bắt giữ theo quy định theo Điều 91 và 92 của Bộ luật; bị áp dụng BPNC trước khi khởi tố bị can theo quy định tại Điều 100 của Bộ luật. Bị can là người bị tống đạt quyết định khởi tố bị can; bị tống đạt cáo trạng; bị tống đạt bản cáo trạng (bị can đưa ra xét xử được gọi là bị cáo, bị can đã có bản án tuyên là có tội được gọi là người bị kết án).

Thẩm quyền áp dụng. Điều 101 BLTTHS quy định việc quyết định áp dụng BPNC, Điều tra viên, Dự thẩm viên, Kiểm sát viên, Thẩm phán và Tòa án ra quyết định về việc áp dụng BPNC, trong đó nêu rõ tội phạm mà người đó bị tình nghi hoặc bị khởi tố và những căn cứ của việc áp dụng BPNC.

Chủ thể nhận bảo lĩnh. Theo như khoản 2 Điều 103 được hiểu là một cá nhân hoặc một số cá nhân có thể là người nhận bảo lĩnh. Điều luật không có quy định về tiêu chuẩn để cá nhân trở thành người nhận bảo lĩnh cho người bị tình nghi.

Thủ tục bảo lĩnh. Khi nhận bảo lĩnh thì người nhận bảo lĩnh phải cam đoan bằng văn bản bảo đảm người bị tình nghi hoặc bị can phải thực hiện các nghĩa vụ sau: Có mặt theo giấy triệu tập của Điều tra viên, Dự thẩm viên, Kiểm sát viên, Thẩm phán đúng thời gian quy định; không cản trở hoạt động tố tụng

đối với vụ án bằng những hình thức khác. Khi làm giấy cam đoan người nhận bảo lĩnh được giải thích về bản chất của việc người được bảo lĩnh bị tình nghi hoặc bị khởi tố và nghĩa vụ, trách nhiệm trong việc theo dõi, giám sát của người nhận bảo lĩnh liên quan đến việc thực hiện bảo lĩnh của cá nhân. Bên cạnh đó nhận bảo lĩnh phải có sự đồng ý của người bị tình nghi hoặc bị can.

Chế độ trách nhiệm. Trường hợp cá nhân nhận bảo lĩnh vi phạm nghĩa vụ đã cam đoan thì họ có thể bị phạt một khoản tiền đến 10 lần mức thu nhập tối thiểu theo thủ tục quy định. Trong trường hợp đó, người bị tình nghi hoặc bị can có thể bị áp dụng BPNC nghiêm khắc hơn biện pháp bảo lĩnh (khoản 4 Điều 103).

Bên cạnh đó, Bộ luật cũng chỉ rõ trách nhiệm xử phạt đuợc giao cho các cơ quan THTT như sau:

1. Việc phạt tiền do quyết định.

2. Nếu vi phạm xảy ra trong quá trình xét xử thì tòa án phạt tiền tại phiên toà, nơi vi phạm được xác định và tòa án ra quyết định về việc phạt tiền.

3. Nếu vi phạm xảy ra trong giai đoạn trước khi xét xử thì Điều tra viên, Dự thẩm viên, Kiểm sát viên lập bản vi phạm và chuyển cho tòa án quận. Thẩm phán phải giải quyết trong thời hạn 5 ngày kể từ khi nhận được biên bản vi phạm. Người có thể bị phạt tiền và người lập biên bản được triệu tập tham gia phiên toà. Việc người vi phạm vắng mặt tại phiên toà mà không có lý do chính đáng không cản trở việc xem xét biên bản vi phạm.

4. Sau khi xem xét biên bản vi phạm, Thẩm phán ra quyết định phạt tiền hoặc từ chối phạt tiền. Bản sao quyết định được gửi cho người lập biên bản và người bị phạt tiền.

5. Khi tiến hành phạt tiền, tòa án có quyền gia hạn hoặc cho phép thi hành dần quyết định trong thời hạn đến 3 tháng [49].

Qua nghiên cứu BLTTHS Liên bang Nga, cho thấy BLTTHS Việt Nam có nhiều nét tương đồng với BLTTHS Liên bang Nga, tuy nhiên có một số điểm khác biệt như:

Thứ nhất, BLTTHS Liên bang Nga chỉ chấp nhận bảo lĩnh cá nhân chứ không quy định chủ thể là tổ chức giống BLTTHS Việt Nam. Số lượng người bảo lĩnh có thể là một hoặc một số người và phải được sự đồng ý từ phía người bị tình nghi hoặc bị can.

Thứ hai, bên cạnh việc căn cứ theo quy định chung tại Điều 97 Bộ luật này, căn cứ vào tính chất, mức độ nghiêm trọng của hành vi phạm tội, nhân thân người bị tình nghi hoặc bị can” BLTTHS Liên bang Nga còn cụ thể hóa căn cứ áp dụng hơn BLTTHS Việt Nam như về tuổi tác, tình trạng sức khoẻ, hoàn cảnh gia đình, nghề nghiệp và những tình tiết khác. Quy định như vậy sẽ hỗ trợ các cơ quan THTT một cách thuận lợi, không gây lúng túng trong quá trình xem xét áp dụng BPNC.

Thứ ba, bên cạnh những người có thẩm quyền áp dụng biện pháp bảo lĩnh là điều tra viên, kiểm sát viên, thẩm phán được phân công giải quyết vụ án thì BLTTHS Liên bang Nga còn quy định dự thẩm viên có quyền ra quyết định áp dụng BPNC. Dự thẩm viên là người có chức vụ, quyền hạn, có quyền tiến hành điều tra dự thẩm đối với vụ án trong phạm vi thẩm quyền như: khởi tố vụ án hình sự; tiếp nhận vụ án hình sự để tiến hành điều tra hoặc chuyển đến CQĐT dự thẩm nơi có thẩm quyền điều tra; tự mình tiến hành các bước điều tra, quyết định tiến hành các hoạt động điều tra và các hoạt động tố tụng khác thuộc thẩm quyền…

Thứ tư, chế độ trách nhiệm được quy định trong BLTTHS Liên bang Nga cũng được quy định chi tiết hơn BLTTHS Việt Nam. Khi người nhận bảo lĩnh không thực hiện nghĩa vụ của mình thì họ có thể bị phạt một khoản tiền đến 10 lần mức thu nhập tối thiểu theo quy định của pháp luật. Từ đó, trách

nhiệm trong việc quản lý tiền sau khi xử phạt cũng được pháp luật TTHS Liên bang Nga chú trọng hơn, đây là một kinh nghiệm hay cần được xem xét để hoàn thiện chế định bảo lĩnh.

Một phần của tài liệu Biện pháp bảo lĩnh trong luật tố tụng hình sự Việt Nam (Trang 59)