BLTTHS Cộng hòa liên bang (CHLB) Đức được ban hành ngày 7/4/1987. Lần sửa đổi gần đây nhất là sửa đổi Điều 5 tiểu mục 4 ngày 10/10/2013. Trong BLTTHS Đức, biện pháp bảo lĩnh được quy định tại chương 1, phần 9, cụ thể: Điều 123, Điều 124 BLTTHS và một số quy định mang tính dẫn chiếu như Điều 112, Điều 113, Điều 116, Điều 120, 125, 126.
Theo quy định trong BLTTHS CHLB Đức thì biện pháp bảo lĩnh được xem là biện pháp ít nghiêm khắc hơn biện pháp tạm giam. Các quy định mang tính tùy nghi trong BLTTHS CHLB Đức tạo điều kiện cho chủ thể có thẩm quyền lựa chọn hoặc không lựa chọn biện pháp tạm giam nếu xét thấy việc áp dụng các biện pháp ít nghiêm khắc hơn vẫn đảm bảo được mục đích của việc tạm giam. Có thể hiểu, biện pháp ít nghiêm khắc là biện pháp phục vụ cho việc đình chỉ thi hành tạm giam (Điều 116), đó là các biện pháp: đặt tiền hoặc tài sản để đảm bảo và bảo lĩnh.
Căn cứ áp dụng. Tuy BLTTHS CHLB Đức không quy định trực tiếp căn cứ áp dụng biện pháp bảo lĩnh nhưng xem xét căn cứ của biện pháp bắt cho thấy, căn cứ áp dụng biện pháp bảo lĩnh là dựa vào tính chất của vụ án, hình phạt dự kiến, các biện pháp cải tạo và phòng ngừa để xem xét khả năng áp dụng biện pháp bảo lĩnh. Bên cạnh đó, xem xét căn cứ áp dụng đối với tội phạm ít nghiêm trọng, cho thấy bảo lĩnh có thể được áp dụng đối với tội phạm chỉ bị áp dụng mức phạt tù giam đến 6 tháng, hoặc phạt tiền đến một trăm
tám mươi đơn vị tính theo ngày (daily units) nếu họ đảm bảo làm giảm đáng kể khả năng gây khó khăn cho việc thu thập chứng cứ.
Bị can được áp dụng biện pháp ít nghiêm khắc hơn với điều kiện phải thực hiện các nghĩa vụ sau (Điều 116): Yêu cầu phải báo cáo tại những thời điểm nhất định với Văn phòng của Thẩm phán, Cơ quan Công tố, hoặc với một cơ quan nào đó do Tòa án quy định; Yêu cầu không được rời nơi cư trú, hoặc một địa điểm nhất định mà không được phép của Thẩm phán hoặc Cơ quan Công tố; Yêu cầu không được rời khỏi nhà riêng, trừ khi dưới sự giám sát của người được chỉ định; Thực hiện các biện pháp an ninh phù hợp của bị can hoặc một người khác. Đặc biệt, có thể yêu cầu người bị tình nghi không được tiếp xúc với đồng phạm, nhân chứng, hoặc chuyên gia.
- Thẩm quyền áp dụng: Thẩm phán quyết định biện pháp áp dụng (Điều 126).
Trước khi có quyết định khởi tố, Thẩm phán của tòa án địa phương nơi có thẩm quyền xét xử, hoặc nơi bị can đang sinh sống có thẩm quyền đối với các quyết định và biện pháp tố tụng liên quan đến tạm giam hoặc đình chỉ thi hành lệnh bắt. Sau khi đã có quyết định khởi tố, tòa án đã thụ lý vụ án sẽ có thẩm quyền. Sau khi đã có kháng cáo thì tòa án nơi có bản án bị kháng cáo sẽ có thẩm quyền, trên cơ sở đề nghị của Công tố viên.
Đối tượng áp dụng. BLTTHS CHLB Đức quy định đối tượng áp dụng biện pháp bảo lĩnh là bị can. Theo Điều 157 thì bị can là người đã có quyết định truy tố.
Thủ tục áp dụng: Bất cứ khi nào, bị can bị tạm giam cũng có thể yêu cầu tòa án xem xét việc hủy lệnh bắt hoặc đình chỉ việc thi hành lệnh bắt (khi bị can bị bắt sẽ được tạo điều kiện thông báo cho một người họ hàng hoặc người mà tòa án tin tưởng, với điều kiện không ảnh hưởng tới mục đích của việc điều tra). Sau khi Thẩm phán chuyên trách xem xét và ban hành quyết
định về việc đình chỉ thi hành lệnh bắt và khi có người nộp tiền bảo lĩnh theo quy định thì bị can có thể được trả tự do.
Chủ thể nhận bảo lĩnh. BLTTHS CHLB Đức không quy định cụ thể người nhận bảo lĩnh mà quy định chung chung “người nộp tiền bảo lĩnh”, họ có thể là một người họ hàng hoặc người mà bị can tin tưởng.
Chế độ trách nhiệm. Người nộp tiền bảo lĩnh cho bị can có thể được trả lại nếu việc tạm giam hoặc tù giam, biện pháp cải tạo không giam giữ đang được thi hành; nếu đảm bảo bị can có mặt trong thời hạn do tòa án quyết định hoặc thông báo những tin tức cho thấy bị can có ý định bỏ trốn để kịp thời bắt giữ (Điều 123).
- Tiền bảo lĩnh không được trả lại sẽ bị tịch thu, chuyển cho Kho bạc nếu bị can trốn tránh việc điều tra, khi thi hành hình phạt tù giam hoặc biện pháp cải tạo có giam giữ. Đối với người đã nộp tiền bảo lĩnh cho bị can, quyết định tịch thu sẽ có hiệu lực như một bản án cuối cùng do Thẩm phán Tòa Dân sự tuyên và được tuyên là có hiệu lực thi hành tạm thời. Sau khi thời hạn khiếu nại đã hết, quyết định sẽ có hiệu lực bắt buộc như một bản án dân sự cuối cùng (Điều 124).
- Thẩm phán sẽ ra lệnh thi hành lệnh bắt lại nếu: Bị can vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ và các hạn chế được áp dụng đối với tòa án; Bị can chuẩn bị bỏ trốn, vắng mặt không có lý do chính đáng khi được triệu tập, hoặc có biểu hiện khác cho thấy sự tin tưởng vào anh tòa án là không có cơ sở; hoặc có những tình tiết mới khiến cho việc bắt là cần thiết [52].
Qua nghiên cứu biện pháp bảo lĩnh trong BLTTHS CHLB Đức, cho thấy một số điểm khác biệt trong quy định BLTTHS năm 2003 của Việt Nam như sau:
Thứ nhất, khác với BLTTHS Việt Nam, biện pháp bảo lĩnh của BLTTHS Cộng hòa liên bang Đức được hiểu là việc người nhận bảo lĩnh nộp
một khoản tiền cho tòa án nơi có thẩm quyền để bị can được tại ngoại nhằm đảm bảo cho mục đích của việc tạm giam.
Thứ hai, có thể thấy rõ nhất đó là BLTTHS CHLB Đức không quy định một điều luật cụ thể về biện pháp bảo lĩnh như BLTTHS Việt Nam. Các quy định biện pháp này nằm rải rác và chủ yếu mang tính dẫn chiếu đến các điều luật có liên quan. Chỉ có Điều 123 có gọi tên biện pháp bảo lĩnh nhưng là quy định về điều kiện để được trả lại tiền bảo lĩnh và Điều 124 quy định điều kiện không được trả lại tiền bảo lĩnh, khiếu nại đối với quyết định không trả lại tiền và hiệu lực của quyết định đó.
Thứ ba, căn cứ áp dụng cụ thể đối với biện pháp bảo lĩnh thì không quy định giống với BLTTHS Việt Nam mà chỉ được nhà làm luật quy định trong căn cứ áp dụng đối với tội phạm ít nghiêm trọng nghĩa là “nếu tội phạm chỉ bị áp dụng mức phạt tù giam đến 6 tháng, hoặc phạt tiền đến một trăm tám mươi đơn vị tính theo ngày (daily units), thì tạm giam có thể không được áp dụng với lý do có khả năng gây khó khăn cho việc thu thập chứng cứ, nếu có các biện pháp ít nghiêm khắc đảm bảo làm giảm đáng kể khả năng gây khó khăn cho việc thu thập chứng cứ”.
Thứ tư, thẩm quyền áp dụng biện pháp bảo lĩnh thuộc về Thẩm phán của tòa án địa phương nơi có thẩm quyền xét xử có quyền quyết định được áp dụng biện pháp bảo lĩnh dựa trên kiến nghị của Công tố viên. Sau khi Thẩm phán chuyên trách xem xét và ban hành quyết định về việc đình chỉ thi hành lệnh bắt và khi có người nộp tiền bảo lĩnh theo quy định thì bị can có thể được bảo lĩnh.
Thứ năm, trách nhiệm của người nộp bảo lĩnh trong BLTTHS CHLB Đức quy định rõ khoản tiền nộp tiền bảo lĩnh cho bị can có thể được trả lại nếu việc tạm giam hoặc tù giam hoặc biện pháp cải tạo không giam giữ đang được thi hành; hoặc nếu đảm bảo bị can có mặt trong thời hạn do tòa án quyết
định hoặc thông báo những tin tức cho thấy bị can có ý định bỏ trốn để kịp thời bắt giữ. Tiền bảo lĩnh không được trả lại sẽ bị tịch thu, chuyển cho Kho bạc nếu bị can trốn tránh việc điều tra hoặc khi thi hành hình phạt tù giam hoặc biện pháp cải tạo có giam giữ.