2.1.3.1. Chủ thể bảo lĩnh
Pháp luật TTHS hiện hành quy định cá nhân hoặc tổ chức có thể nhận bảo lĩnh. Trường hợp cá nhân nhận bảo lĩnh phải có ít nhất 2 người và là người thân thích của bị can, bị cáo. Tổ chức có thể nhận bảo lĩnh là thành viên của tổ chức mình. Theo Điều 75 BLTTHS năm 1988 trước đây thì cá nhân muốn đứng ra nhận bảo lĩnh cho bị can, bị cáo phải có ít nhất 2 người nhưng lại chưa quy định rõ ràng về điều kiện áp dụng biện pháp này. Sự thiếu sót này đã được nhà làm luật ghi nhận trong Điều 92 BLTTHS năm 2003. Cá nhân nhận bảo lĩnh phải có tư cách đạo đức tốt, nghiêm chỉnh chấp hành pháp luật. Việc nhận bảo lĩnh phải có xác nhận của chính quyền địa phương nơi người đó cư trú hoặc cơ quan, tổ chức nơi người đó làm việc. Đối với tổ chức nhận bảo lĩnh thì việc bảo lĩnh phải có xác nhận của người đứng đầu tổ chức. Ví dụ: Ông A, bà B, có con là C đang bị tạm giam về tội đua xe trái phép.
Nay muốn bảo lĩnh cho con thì phải có xác nhận của công an khu vực hoặc ủy ban nhân dân xã, phường nơi ông bà cư trú hoặc phải có xác nhận của người đứng đầu cơ quan nơi ông A, bà B đang làm việc xác nhận về tư cách đạo đức và quá trình chấp hành pháp luật.
Pháp luật quy định điều kiện về tư cách đạo đức và chấp hành nghiêm chỉnh pháp luật là nhằm hạn chế những người đã từng có tiền án, tiền sự, những người có ảnh hưởng xấu tới xã hội như nghiện hút ma túy, mắc bệnh tâm thần… trở thành chủ thể nhận bảo lĩnh. Một mặt sẽ khó giáo dục được bị can, bị cáo. Mặt khác, khi giao bị can, bị cáo cho những đối tượng trên thì không lường trước được những hậu quả có thể xảy ra. Vì thế, chủ thể nhận bảo lĩnh phải là người đáp ứng đủ các điều kiện theo quy định của Điều 92 BLTTHS và họ phải thực hiện đúng trách nhiệm của mình khi đứng ra nhận bảo lĩnh bảo đảm bị can, bị cáo sẽ không tiếp tục phạm tội và có mặt đầy đủ khi có giấy triệu tập của cơ quan THTT trong thời gian được bảo lĩnh.
Nếu như Điều 75, BLTTHS năm 1988 chưa đưa ra tiêu chuẩn, điều kiện đối với cơ quan, tổ chức nhận bảo lĩnh đến BLTTHS năm 2003 vấn đề này đã được khắc phục, cụ thể, một số điều kiện như: tổ chức nhận bảo lĩnh là nơi bị can, bị cáo là thành viên; nơi bị can, bị cáo làm việc, việc bảo lĩnh phải có sự xác nhận của người đứng đầu tổ chức đó.
2.1.3.2. Trách nhiệm pháp lý của các chủ thể
Theo quy định tại khoản 5 Điều 92 thì “Cá nhân hoặc tổ chức nhận bảo lĩnh vi phạm nghĩa vụ đã cam đoan phải chịu trách nhiệm về nghĩa vụ đã cam đoan và trong trường hợp này bị can, bị cáo được nhận bảo lĩnh sẽ bị áp dụng BPNC khác” [34].
So với quy định tại Điều 75 BLTTHS năm 1988 thì quy định tại khoản 5 Điều 92 BLTTHS năm 2003 về trách nhiệm của bị can, bị cáo khi người nhận bảo lĩnh vi phạm nghĩa vụ đã cam đoan là một điểm mới. Trường hợp cá nhân hoặc tổ chức nhận bảo lĩnh vi phạm nghĩa vụ đã cam đoan thì bị tước
quyền bảo lĩnh và chịu trách nhiệm về việc vi phạm nghĩa vụ. Trong trường hợp này, người đươc bảo lĩnh sẽ bị áp dụng BPNC khác nghiêm khắc hơn.