Tại Trung Quốc

Một phần của tài liệu Nghiên cứu khả năng thích ứng của một số giống cao su nhập nội từ Trung Quốc tại vùng Trung Du và miền núi phía Bắc (Trang 29 - 30)

2. Nghiên cứu cải tiến và chọn tạo giống cao su trên thế giới

2.7.Tại Trung Quốc

Trung Quốc là một trong những quốc gia phát triển cao su rất đặc thù. Phần lớn diện tích cao su của nước này nằm ngoài vùng truyền thống. Chương trình cải tiến giống cao su ở Trung Quốc được thực hiện do SCATC (South China Academy of Tropical Crops) ở đảo Hải Nam và YRITC (Yunan Reaserch Institute and Tropical Crops) ở tỉnh Vân Nam. Trung Quốc đã tạo tuyển một số dòng vô tính chịu lạnh đạt năng suất cao và được khuyến cáo diện rộng: Yunan 2777-5 (2.036 kg/ha/năm), SCATC 7-33-97 (1977 kg/ha/năm), Dfeng 95 (1619 kg/ha/năm), SCATC 88-13 (1.592 kg/ha/năm) [16].

Trung Quốc có 3 vùng trồng cao su: đảo Hải Nam, Quảng Đông và Vân Nam. Vùng đảo Hải Nam thường xuyên chịu ảnh hưởng của gió bão. Vùng Quảng Đông và Vân Nam chịu ảnh hưởng của nhiệt độ thấp trong mùa đông. Hiện Nay, cơ cấu giống cao su được khuyến cáo trồng chủ yếu tại Trung Quốc gồm có: GT 1, RRIM 600, IAN 873, Vân Nghiên 77-2, Vân Nghiên 77-4, Vân Nghiên 277-5, Vân Nghiên 7-33- 97, Đại Phong 95. Hai giống Vân Nghiên 77-2 và Vân Nghiên 77-4 có khả năng sinh trưởng, cho năng suất mủ và khả năng chịu lạnh tốt hơn GT 1 [15],[38].

Nguồn vật liệu nghiên cứu, đánh giá khả năng thích ứng của cao su với vùng rét nặng (Vân Nam - Trung Quốc) gồm có nguồn giống được lai tạo trong nước và nhập nội. Ba giống nhập nội được sử dụng phổ biến cho vùng trồng cao su tại Vân Nam hiện nay: GT 1, RRIM 600 và IAN 873. GT 1 là giống có nguồn gốc từ Indonesia. RRIM 600 có nguồn gốc từ Malaysia và IAN 873 có nguồn gốc từ Brazil. Trong giai đoạn KTCB, một số chỉ tiêu chính được đánh giá trong quá trình chọn giống: Sinh trưởng vanh thân, tăng vănh, sinh trưởng chiều cao, bệnh hại (chủ yếu là bệnh phấn trắng) và khả năng chịu lạnh. Khả năng chịu lạnh của các giống cao su được đánh giá theo tỷ lệ thiệt hại và phục hồi phân theo cấp thông qua các đợt rét hại trên thực tế [15].

Vân Nghiên 77-2 biểu hiện sinh trưởng nhanh, chịu rét, cho năng suất cao. Kết quả đánh giá sau 6 năm cạo mủ tại Viện cây trồng nhiệt đới Vân Nam cho thấy: năng suất mủ bình quân đạt 1.475 kg/ha (3,6 kg/cây/năm), hàm lượng cao su khô trung bình đạt 33,4%. So với đối chứng tăng từ 16,4 - 17,7%. Vân Nghiên 77-2 được đánh giá có khả năng chịu lạnh tốt hơn GT 1: Mùa đông 1999/2000, rừng cao su non 1-3 năm tuổi bình quân bị hại cấp 0,3, nhưng đối chứng GT 1: cấp 0,75. Nông trường Mãnh Tinh, phân trường 1, phân trường 9 nông trường Mãnh Mãn, phân trường 7 nông trường Lý Minh, 3 điểm trên khi bắt đầu cạo mủ rừng cao su bình quân rét hại cấp 1,73 nhưng GT1 là cấp 1,84. Với bệnh phấn trắng, Vân Nghiên 77-2 rụng lá tương đối muộn, lá non mọc muộn nên nhiễm bệnh phấn trắng tương đối nhẹ. Năm 1997, Hội đồng giống tỉnh Vân Nam xếp Vân Nghiên 77-2 vào loại mở rộng diện tích trung bình. Tháng 12 năm 1999, Hội đồng giống Nhà nước cho phép mở rộng diện tích ở quy mô lớn [15].

Vân Nghiên 77-4 có khả năng sinh trưởng nhanh, sản lượng cao, chịu rét. Kết quả đánh giá sau 6 năm cạo tại Viện cây trồng nhiệt đới Vân Nam cho thấy: năng suất mủ bình quân 1.119 kg/ha (2,65 kg/cây/năm), hàm lượng cao su khô là 33,6%. Năng suất mủ vượt so với đối chứng GT1 từ 12,8 - 13,6%. Vân Nghiên 77-4 có khả năng chịu lanh tốt hơn GT1, nhiễm bệnh phấn trắng nhẹ hơn GT1. Qua 22 năm theo dõi đánh giá, giống Vân Nghiên 77-4 có đặc tính tốt, phát triển được ở vùng rét trung bình và rét nặng (Vân Nam). Năm 1997, hội đồng giống Vân Nam đề xuất VN 77- 4 trồng diện tích trung bình. Tháng 12-1999, hội đồng giống Trung Quốc cho phép mở rộng diện tích lớn [15].

Một phần của tài liệu Nghiên cứu khả năng thích ứng của một số giống cao su nhập nội từ Trung Quốc tại vùng Trung Du và miền núi phía Bắc (Trang 29 - 30)