Trên cơ sở những thay đổi của Nhà nước Trung ương đối với quản lý doanh nghiệp nhà nước nói chung, các giải pháp chủ yếu để sắp xếp lại các doanh nghiệp nhà nước tỉnh Quảng Ninh bao gồm:
Một là, phân loại, xác định rõ hai nhóm các doanh nghiệp nhà nước hoạt
động kinh doanh và hoạt động công ích.
- Cụ thể khi rà soát, sắp xếp lại các doanh nghiệp công ích phải thực hiện đồng thời các giải pháp sau:
+ Về cơ chế hoạt động: Xây dựng và ban hành hệ thống định mức kinh tế, kỹ thuật, tài chính cho sản phẩm dịch vụ công ích; chuyển từ cơ chế cấp vốn, giao nhiệm vụ sang cơ chế đặt hàng hoặc đấu thầu thực hiện sản phẩm và dịch vụ công ích với những tiêu chuẩn và chính sách rõ ràng; tách phần kinh doanh của doanh nghiệp công ích để bớt trợ cấp ngân sách nhà nước; thực hiện chế độ hạch toán kinh tế đối với doanh nghiệp nhà nước. Nhà nước nên khoán quỹ lương thông qua các định mức lao động hợp lý để doanh nghiệp xây dựng và thực hiện quy chế trả lương cho người lao động như các doanh nghiệp hoạt động kinh doanh hiện nay; xã hội hóa các hoạt động công ích để huy động các thành viên kinh tế khác tham gia thực hiện sản phẩm và dịch vụ công ích.
+ Về cán bộ quản lý doanh nghiệp: Chủ tịch ủy Ban nhân dân tỉnh quyết định bổ nhiệm Giám đốc và Phó giám đốc doanh nghiệp có thời hạn. Đồng thời có cơ chế khen thưởng, kỷ luật rõ ràng thông qua việc đánh giá hiệu quả công tác của nhiệm kỳ Giám đốc. Nếu sau một năm doanh nghiệp không hoàn thành nhiệm vụ được giao thì Giám đốc phải báo cáo giải trình trước ủy Ban nhân dân tỉnh về nguyên nhân, đề ra biện pháp khắc phục. Nếu doanh nghiệp không hoàn thành nhiệm vụ sau 2 năm liền thì Ban giám đốc và kế toán trưởng bị miễn nhiệm.
Đối với cán bộ quản lý khác thì thông qua hình thức thi tuyển để lựa chọn cán bộ có đủ năng lực, bố trí đảm nhiệm nhiệm vụ quản lý tại các phòng ban, bộ phận sản xuất của doanh nghiệp.
- Đối với các doanh nghiệp nhà nước hoạt động kinh doanh, phương pháp để sắp xếp lại lần này là phân thành 3 nhóm sau:
Nhóm 1, gồm những doanh nghiệp nhà nước có vai trò quan trọng, có ý
nghĩa lớn trong các cân đối kinh tế địa phương, cần duy trì 100% vốn nhà nước và dự kiến chuyển sang hình thức công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên.
Nhóm 2, gồm những doanh nghiệp nhà nước không cần duy trì 100% vốn
nhà nước, cần tiến hành cổ phần hoá.
Nhóm 3, gồm các doanh nghiệp nhà nước không quan trọng, có vốn nhỏ dưới 5
tỷ đồng, làm ăn yếu kém kéo dài mà Nhà nước không cần phải nắm giữ, không cổ phần hoá được thì tiến hành một trong các hình thức giao bán, khoán, cho thuê.
Để thực hiện phương hướng sắp xếp lại doanh nghiệp nhà nước tỉnh Quảng Ninh như đề cập ở trên, cần thực hiện đồng bộ các giải pháp sau:
- Tiếp tục làm công tác tư tưởng, quán triệt nhận thức về các giải pháp sắp
xếp lại doanh nghiệp nhà nước, tránh tình trạng làm bất ổn xã hội, mất vai trò chủ đạo của kinh tế Nhà nước, lo sợ tư nhân hóa các doanh nghiệp nhà nước sẽ làm mất định hướng xã hội chủ nghĩa của Nhà nước.
- Kiện toàn tổ chức và đẩy mạnh hoạt động của Ban đổi mới và phát triển
doanh nghiệp nhà nước tỉnh.
Đây là lực lượng chính, trực tiếp giữ vai trò quan trọng, có chức năng giúp Tỉnh uỷ và ủy Ban nhân dân tỉnh chỉ đạo thực hiện quả trình sắp xếp lại doanh nghiệp nhà nước.
- Cần phải có các giải pháp hỗ trợ cho sắp xếp lại như phát triển thị trường
vốn, cải cách thủ tục hành chính liên quan, phổ biến các biện pháp kỹ thuật đánh giá tài sản doanh nghiệp; cần ưu tiên đầu tư cho các doanh nghiệp có vai trò
quan trọng trong việc đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá và bảo vệ an ninh quốc gia, các doanh nghiệp xuất khẩu hàng chủ lực, các doanh nghiệp khai thác và chế biến sản phẩm có lợi thế của địa phương; cần thực hiện đồng bộ các giải pháp hỗ trợ khác như: Kiểm kê, đánh giá lại tài sản, chống thất thoát tài sản.
- Tích cực giải quyết dứt điểm số lao động dôi dư do sắp xếp lại doanh nghiệp nhà nước trên cơ sở thực hiện 5 biện pháp cụ thể sau:
+ Rà soát lại và xác định đúng định mức, định biên để xác định số lượng lao động cần thiết.
+ Thực hiện nghiêm chỉnh các quy định về hợp đồng lao động.
+ Chủ động xây dựng kế hoạch giải quyết số lao động dôi dư trên cơ sở đề án đổi mới, phát triển doanh nghiệp. Chú trọng việc đầu tư khoa học công nghệ tiến tiến, hiện đại để thay thế dần những thiết bị đã cũ kỹ, lạc hậu.
+ Phân loại lao động để xác định số lao động dôi dư và đưa ra phương án giải quyết cụ thể.
+ Xác định các nguồn kinh phí để giải quyết lao động dôi dư, tái tạo việc làm cho người lao động. Có chính sách đào tạo, tuyển dụng cán bộ giỏi, công nhân có trình độ kỹ thuật cao, lành nghề.
Ngoài ra, doanh nghiệp cần áp dụng những biện pháp có tính chất cơ bản như cải cách sản phẩm, cơ cấu lại sản phẩm, đa dạng hóa sản phẩm. Có sản phẩm mới sẽ có thêm việc làm cho người lao động.
- Giải quyết dứt điểm công nợ, lành mạnh hóa tài chính cho doanh nghiệp nhà nước.
- Tạo điều kiện cho doanh nghiệp tư nhân và các doanh nghiệp khác tham gia thực hiện một số giải pháp sắp xếp lại doanh nghiệp nhà nước.