Một là: Phân định rõ chức năng quản lý nhà nước và chức năng quản trị kinh
doanh của các doanh nghiệp nhà nước. Xóa bỏ tình trạng cơ quan chủ quản và cấp quản lý chủ quản can thiệp trực tiếp vào các hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.
- Quản lý nhà nước tập trung vào việc xây dựng hoàn thiện khung pháp lý và ban hành chính sách, cơ chế quản lý đối với doanh nghiệp nhà nước; chỉ đạo xây dựng quy hoạch và chiến lược phát triển của doanh nghiệp Nhà nước; tổ
chức kiểm tra, thanh tra việc thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật và chế độ quy định của Nhà nước tại doanh nghiệp.
- Kiên quyết xoá bỏ chế độ chủ quản và cấp hành chính chủ quản đối với doanh nghiệp nhà nước. Các cơ quan quản lý nhà nước phải căn cứ vào quy định của pháp luật và yêu cầu quản lý trong lĩnh vực mình phụ trách mà ban hành đầy đủ hệ thống văn bản pháp quy, thực hiện chức năng quản lý nhà nước đối với doanh nghiệp; không can thiệp trực tiếp, cụ thể vào hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.
- Quản lý điều hành sản xuất kinh doanh là nhiệm vụ của doanh nghiệp, trong đó người lãnh đạo doanh nghiệp quyết định và chịu trách nhiệm đầy đủ về mọi quyết định của mình trong sản xuất kinh doanh. Cán bộ quản lý doanh nghiệp có trách nhiệm quản lý, sử dụng có hiệu quả, bảo toàn và phát triển vốn nhà nước để thực hiện các mục tiêu kinh doanh và nhiệm vụ do Nhà nước giao; thực hiện đúng chế độ và các quy định về quản lý vốn, tài sản, các quỹ và hạch toán kế toán, chế độ kiểm toán và các chính sách khác do Nhà nước quy định; chịu trách nhiệm về tính trung thực và hợp pháp của hoạt động tài chính, các báo cáo tài chính của doanh nghiệp.
Hai là, tiếp tục đổi mới và hoàn thiện cơ chế quản lý theo hướng tăng
cường hơn nữa quyền tự chủ sản xuất kinh doanh, tự chủ tài chính, tự chịu trách nhiệm của doanh nghiệp. Cụ thể:
- Mở rộng quyền tự chủ cho các doanh nghiệp nhà nước trên các mặt huy động, quản lý và sử dụng các nguồn vốn, xử lý các tài sản dư thừa, vật tư hàng hóa ứ đọng. Doanh nghiệp nhà nước được huy động thêm vốn từ nhiều nguồn, và tự chịu trách nhiệm về hiệu quả sử dụng vốn và về trả nợ vốn vay; quyết định việc tuyển chọn lao động và chịu trách nhiệm giải quyết chế độ đối với người lao động do mình tuyển dụng theo chính sách, chế độ hiện hành của Nhà nước; được tự chủ trả lương, thưởng trên cơ sở nămg xuất lao động và hiệu quả sản
xuất kinh doanh của doanh nghiệp; chủ động lựa chọn và bố trí cán bộ quản lý theo hướng chủ yếu là thi tuyển; có quy chế khen thưởng, khuyến khích lợi ích vật chất thỏa đáng đồng thời nâng cao trách nhiệm của cán bộ quản lý doanh nghiệp.
- Hoàn thiện cơ chế thực hiện quyền sở hữu của Nhà nước đối với doanh nghiệp nhà nước theo nguyên tắc: Chính phủ thống nhất tổ chức thực hiện, không phân chia quyền sở hữu, có phân công, phân cấp hợp lý, không chồng chéo trùng lắp giữa các chủ thể quản lý trên các mặt quyết định thành lập, mục tiêu, chiến lược, kế hoạch dài hạn; nhân sự chủ chốt, tài chính và giám sát đối với việc thực hiện nhiệm vụ Nhà nước giao của doanh nghiệp nhà nước. Trên cơ sở phân công, phân cấp ủy Ban nhân dân tỉnh thực hiện quyền sở hữu của mình theo quy định của pháp luật.
- Đổi mới phương thức quản lý đối với phần vốn Nhà nước đầu tư vào các doanh nghiệp nhà nước, các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế khác theo hướng chuyển từ phương thức giao vốn, theo cơ chế thị trường. Phân biệt rõ quyền sở hữu về vốn của Nhà nước và quyền sử dụng vốn kinh doanh của doanh nghiệp.
- Tiếp tục rà soát, chỉ đạo sắp xếp đổi mới doanh nghiệp, phối hợp với các bộ chủ quản (đối với các doanh nghiệp Trung ương quản lý) hoàn thành cơ bản việc sắp xếp cơ cấu và đổi mới hoạt động của doanh nghiệp nhà nước hiện có. Hoàn thành cổ phần hoá những doanh nghiệp mà nhà nước không cần nắm giữ 100% vốn, hoàn thành việc sáp nhập, giao, bán,… hoặc giải thể, phá sản những doanh nghiệp không có vai trò quan trọng, thua lỗ kéo dài không có khả năng phục vụ (kể cả những doanh nghiệp đã sắp xếp khi không còn hiệu quả).
- Giải quyết cơ bản nợ tồn đọng không có khả năng thanh toán, lành mạnh hóa tài chính doanh nghiệp và giải quyết dứt điểm số lao động dôi dư.
- Thực hiện chuyển đổi doanh nghiệp nhà nước 100% vốn sang hình thức công ty cổ phần, trách nhiệm hữu hạn một hoặc nhiều thành viên mà chủ sở hữu là Nhà nước.