a. Quan điểm hệ thống
Quan điểm này coi thiên nhiên là một hệ thống động lực, mỗi thành phần của tổng hợp tự nhiên đều có mối quan hệ với các thành phần khác và chịu tác động của quy luật tự nhiên. Sự biến đổi của mỗi thành phần sẽ dẫn đến sự biến đổi của các thành phần khác. Vận dụng quan điểm này để thấy được mối quan hệ biện chứng qua lại giữa các nhân tố tự nhiên, kinh tế - xã hội với các hệ sinh thái và tài nguyên rừng.
b. Quan điểm lãnh thổ
Quan điểm này coi nghiên cứu địa lý của một khu vực phải gắn liền với lãnh thổ cụ thể ( VQG Xuân Sơn) trong mối quan hệ với các vùng lãnh thổ liền kề phải thấy được sự khác biệt cũng như tương đồng về điều kiện tự nhiên – tài nguyên thiên nhiên của lãnh thổ này với các vùng lãnh thổ khác.
c. Quan điểm sinh thái
Quan điểm này nói về vai trò của sinh vật, trong đó có con người trong việc bảo vệ cân bằng sinh thái môi trường. Con người có khả năng cải tạo và biến đổi môi trường thông qua tác động vào hệ sinh thái nhằm ổn định và phát triển môi trường bền vững.
d. Quan điểm phát triển bền vững
Trong nhiều hội nghị quốc tế đã nhấn mạnh tậm quan trọng của việc bảo vệ các khu bảo tồn với việc đáp ứng nhu cầu của người dân địa phương. Từ ý tưởng đó đưa đến khái niệm về mối quan hệ giữa bảo tồn và phát triển, làm sao phát triển được nền kinh tế xã hội trong khi vẫn có thể giữ gìn, bảo vệ được thiên nhiên. Bảo tồn là để liên kết được việc bảo vệ nguồn tài nguyên thiên nhiên đặc thù với những nhu cầu phát triển có thể chấp nhận được của một bộ phận dân cư mà cuộc sống của họ phụ thuộc vào việc khai thác tài nguyên đó.
Quản lý bền vững đòi hỏi không được để suy giảm tổng các vốn môi trường, vốn tài nguyên con người, hay vồn mà con người tạo ra đảm bảo cho các thế hệ tương lai. Đó là sự đáp ứng tổng số vốn đại diện cho 3 thế hệ giá trị mà nó phải được duy trì liên tục cho thê hệ mai sau.