5. Đóng góp của luận văn
3.4. Thiên nhiên như phương tiện thể hiện nhân vật
Từ xưa đến nay thiên nhiên luôn là nguồn cảm hứng bất tận đối với người cầm bút. Tả cảnh ngụ tình trong thơ hay lối so sánh, ví von, hoán dụ trong văn xuôi khi mô tả thiên nhiên nhằm thể hiện con người là những thủ pháp quen thuộc, nhất là với các nhà văn miền núi. Nhận xét về vai trò của thiên nhiên trong văn xuôi miền núi, Phạm Duy Nghĩa đã khẳng định “Trong văn xuôi miền núi, sự kế thừa truyền thống với phương thức tả cảnh ngụ tình, lấy thiên nhiên làm giá đỡ cho tâm trạng trở thành môtip nghệ thuật trong nhiều tác phẩm”. Với các cây bút Cao Duy Sơn, Đỗ Bích Thuý, Phạm Duy Nghĩa trong quá trình xây dựng thế giới con người miền núi, họ luôn biết cách “lợi dụng” thiên nhiên như một thế mạnh để làm nền cho việc xây dựng thế giới con người. Đặc biệt đối với đời sống con người miền núi, thiên nhiên càng trở nên có ý nghĩa hơn bao giờ hết.
Mỗi con người từ khi sinh ra rồi lớn lên đều gắn với một miền đất, một vùng quê cụ thể, một không gian rộng lớn với cỏ cây, dòng suối, ánh trăng, bầu trời… Nói cách khác, con người cũng là một phần của tự nhiên, con người thuộc về tự nhiên và thiên nhiên là một phần không thể thiếu trong mỗi con người. Thiên nhiên ấy là khuôn mặt quê hương, là “Dòng sông Nho Quế bé như sợi chỉ dưới chân núi Mã Pì Lèng” trong văn Đỗ Bích Thúy, là sương mù đặc trưng cho mảnh đất SaPa trong văn Phạm Duy Nghĩa “Sương mù
trắng xoá mất cả thị trấn… sương tụ dày đặc như khói quẩn trên đường, nhét đầy các ngõ ngách”, đó là núi đồi trùng điệp ở mảnh Cô Sầu trong truyện Cao Duy Sơn “Đâu đâu cũng núi”, “Mở mắt ra thấy núi, một bước ra cửa vượt đèo”. Thiên nhiên đã gắn bó với mỗi tâm hồn người như thế. Cho dù con người có đi đâu thì sợi dây liên hệ với nơi mình sinh ra vẫn còn đó. Trong quan niệm của người miền núi, con người không tách rời thiên nhiên “Đàn ông sinh ra từ núi, đàn bà sinh ra từ suối” (Cạnh bếp có cái muôi gỗ), “Con suối gắn với cuộc đời người miền núi như cái đai lưng trên váy áo con gái”
(Đá cuội đỏ). Thậm chí tính cách của con người cũng là tính cách của núi
“Ngọn núi nhọn nhất là ngọn núi sinh ra những đứa như mày. Ngọn núi nhọn đẻ ra những đứa khó bảo, lớn lên thích làm theo ý mình” (Cạnh bếp có cái
muôi gỗ). Thế nên những đứa con của núi khi xa quê, luôn có một nỗi nhớ
cồn cào “Càng xa ngôi nhà này, càng nhớ nó, vóc dáng linh hồn của cả một vùng đất đều chứa đựng bên trong khung cửa, phía trên chín bậc cầu thang đã mòn bóng vì vết chân người. Ông nội anh sinh ra ở đây, bố anh cũng sinh ra ở đây và anh cũng được ủ ấm khi vừa chào đời bên bếp lửa này” (Như một con chim nhỏ).
Thiên nhiên gần gũi và gắn bó bền chặt với con người miền núi cho nên việc so sánh con người với thiên nhiên là một thao tác phổ biến trong văn học về đề tài miền núi. Như miêu tả ngoại hình nhân vật, các tác giả thường so sánh với thiên nhiên.Vóc dáng hao gầy của thầy Hạc được Cao Duy Sơn so sánh với cái màng tre mềm mại mỏng manh “người mỏng như màng tre”. Vẻ đẹp khoẻ khoắn, tràn trề sức sống của chàng thanh niên miền núi được Đỗ Bích Thuý so sánh rất độc đáo “vâm váp như cây gỗ lim trong rừng già, bước chân đi trên sàn nhà phầm phập như chân voi” (Như một con chim nhỏ). Lấy thiên nhiên làm chuẩn mực, làm cơ sở tạo hình để ngợi ca vẻ đẹp của con người, các nhà văn miền núi thường so sánh vẻ đẹp của người thiếu nữ với vẻ
đẹp của các loài hoa. Một lối so sánh thường gợi cho người đọc cảm giác, ấn tượng về màu sắc, sự ấm áp và trong trẻo. Hãy xem Cao Duy Sơn tả vẻ đẹp cô gái câm “cổ trắng như ruột cây chuối rừng, môi đỏ như cánh hoa gạo” (Dưới
chân núi Nục Vèn). Nàng Dình trong mắt Khơ mang một vẻ đẹp quyến rũ của
thiên nhiên cây cỏ với khuôn mặt “đẹp như bông đào trong nắng” (Hoa bay
cuối trời). Người con gái xứ tuyết lại mang sắc hồng rạng rỡ như những đoá
lay ơn “đôi má ửng hồng như sắc lay ơn của ngàn mùa xuân SaPa” (Hoa đào
xứ tuyết). Khuôn mặt em bé Lèng Hồ lại mang “sắc trắng của hoa mận, màu
hồng của hoa đào” (Thương nhớ Lèng Hồ). Ngay cả những phụ nữ đã có chồng, đã làm mẹ thì vẻ đẹp của họ vẫn tựa một đoá hoa rừng rực rỡ, mặn mà “Má Thinh đỏ như hoa đào” (Mặt trời lên quả còn rơi xuống), “Mẹ Hoa vẫn đẹp như bông lê đang nở rộ ngày trời ấm” (Tiếng đàn môi sau bờ rào đá).
Không chỉ miêu tả ngoại hình mà ngay cả việc khắc hoạ nội tâm nhân vật cũng được lồng ghép trong những bức tranh thiên nhiên. Khi nhân vật vui thiên nhiên hài hoà mang một vẻ đẹp lãng mạn, trữ tình. Khi nhân vật băn khoăn, thiên nhiên dường như cũng trở nên mờ ảo. Khi nhân vật đau khổ, thiên nhiên như cũng vật vã, than khóc và trở nên u ám. Ngày Ếm đi lấy chồng “Sinh buồn như con suối cạn nước” (Chợ tình). Nhưng con suối kia cạn còn có mùa, còn nỗi buồn của Sinh có bao giờ hết được? Một người con gái hiền thục, nết na và tràn đầy sức sống như Vi, lại không sao chống lại được định kiến về cái nghèo truyền kiếp, đành chấp nhận nhìn hạnh phúc và tuổi xuân trôi qua lặng lẽ. Ở cái tuổi đẹp nhất của đời người, Vi thấy cuộc đời mình tàn tạ, héo úa như bông tam giác mạch cuối mùa “Giờ thì Vi đã như một bông tam giác mạch cuối mùa, từ màu xanh chuyển sang màu hồng, từ màu hồng lại sang màu trắng, rồi tàn úa dần” (Giống như cái cối nước). Để cho Vi lấy được chồng, bố mẹ phải bán cả nhà để lấy tiền, nghèo lại thêm nghèo. Hạnh phúc của Vi đã được đánh đổi bằng sự vất vả, nhọc nhằn của cả gia đình
vậy mà Vi không hay biết. Ngày mang con về thăm nhà Vi mới hiểu ra tất cả. Nhưng mọi chuyện đã không thể làm lại, Vi đi ra suối, hoa bạch yến mang tâm trạng của Vi, chỉ một vị đắng ngắt “Bạch yến mọc hai bên bờ suối đang nở bừng bừng nhưng Vi không thấy mùi thơm của nó mà chỉ thấy đắng ngăn ngắt trong cổ”.
Coi thiên nhiên là một phương tiện nghệ thuật song phải thừa nhận thiên nhiên trước hết là thiên nhiên mang một vẻ đẹp rất thực, giản dị và quyến rũ đến mê hồn. Hoa tam giác mạch nở rộ vào ngày trời rét, hoa lê bật bông trắng muốt, tiếng gà gáy tách te trong bụi rậm hay cụm mần tang mọc trong thung lũng… Tất cả qua ngòi bút của Đỗ Bích Thuý đều mang “Một vẻ lãng mạn thấm từ cây cỏ, thiên nhiên trong trẻo, thể hiện tấm lòng ưu ái, trân trọng của tác giả đối với mỗi con người, mỗi cảnh đời, mỗi phong tục… của một miền đất xinh đẹp”. Một Phạm Duy Nghĩa yêu tha thiết sự “phóng túng đại ngàn, hoang sơ rừng suối” đã để thiên nhiên thoả sức “tràn trề”[47] trên từng trang viết, với những “trăng, mây, sương mù, hoa mận trắng, rừng tông qua mu… đẹp một cách sang trọng và khiến ta ám ảnh” (Hoàng Thu Phố). Một thiên nhiên Cô Sầu đẹp tự nhiên và chân thực như bản tính người miền núi: không kiêu sa, đài các mà xù xì, giản dị nhưng phóng khoáng, mạnh mẽ vô cùng trong những trang viết của Cao Duy Sơn. Tất cả đều mang một vẻ đẹp nguyên sơ, thánh thiện. Sống giữa thiên nhiên hồn nhiên, trong trẻo như vậy hẳn sẽ làm cho tâm hồn con người trở nên bớt khô khan và chai sạn. Vì thế thiên nhiên còn có khả năng thanh lọc tâm hồn con người. Từ miền xuôi lên Lèng Hồ dạy học, được sống giữa “một xứ sở gói trong mây trắng, xa vời những ham hố, ảo thuật, mưu mô” Thịnh nhận ra đây là “một vương quốc lý tưởng để thanh lọc tâm hồn, nguyên sơ như bãi cải nương nở vàng, đắng ngọt, sạch tinh, không biết đến mùi vị gì ngoài hương đất” và nhờ những tháng ngày gắn bó với nơi đây anh mới cảm thấy “lòng mình trong
vắt” (Thương nhớ Lèng Hồ). Giữa giấc mơ cơn mưa hoa mận trắng, mọi ham muốn dục vọng trong Thuận bỗng tiêu tan chỉ còn lại một tâm hồn “trong vắt, sạch tinh, tuyệt không còn ham muốn” (Cơn mưa hoa mận trắng).
Thiên nhiên vừa là bạn, vừa như người mẹ vĩ đại cho ta tìm lại sự bình yên trong tâm hồn. Những khi con người ngã lòng nhất, chỉ cần trở về với thiên nhiên sẽ có một mái nhà ấm áp cho ta nương náu tâm hồn. Mang trong mình hình hài của một con khỉ, Ò Lình đã bị mọi người xua đuổi và xa lánh ngay khi em mới chào đời. Và chính khu rừng hủi, nơi “không một ai dám đặt chân đến” lại trở thành bà mẹ thứ hai, mở rộng vòng tay che chở cho mẹ con em suốt mười bốn năm. Mười bốn năm mẹ con Ò Lình sống yên ổn giữa “đại ngàn không một bóng người”. Đại ngàn ấy đã che chở và trả cho Ò Lình nét tươi vui và hồn nhiên của một đứa trẻ - điều mà con người ngoài kia không ai làm được. Thiên nhiên còn là cội nguồn, gốc rễ của mọi ký ức là nơi còn người luôn khao khát trở về. Thông điệp “trở về với núi” xuất hiện khá dày đặc trong truyện của Đỗ Bích Thuý. Chỉ là “thứ hương cay cay, ngòn ngọt, nhằng nhặng đắng” của cỏ ngải thôi mà khiến Din chẳng bao giờ quên được. Những lúc mệt mỏi rã rời vì cuộc sống mưu sinh xứ người, Din (Ngải
đắng ở trên núi) lại khao khát trở về “vùi mặt vào ngực mẹ mà khóc cho thoả
thuê”. Thiên nhiên đã mang lại cho Din sự bình yên trong tâm hồn bằng những kỷ niệm có hình bóng của cha, những tháng ngày khát rau và rét mướt mà nhờ đó cô đã trưởng thành.
Những nhân vật của Phạm Duy Nghĩa dường như mỗi khi tâm hồn bị tổn thương, mỗi khi “chán cuộc đời, chán loài người”, mỗi khi cô đơn lạc lối cần kiếm tìm một sự an ủi thì bước chân lại đưa họ trở về với thiên nhiên tĩnh lặng, bao dung. Anh kỹ sư lâm nghiệp “Nhổ toẹt vào công tác, nhổ toẹt vào cộng đồng” hăm hở về với thiên nhiên, tìm thấy sự đồng điệu với loài cây
tông qua mu với cốt cách ngang tàng “Màu xanh ngằn ngặt của rừng như một chất moocphin làm nỗi đau đời trong tôi dịu lại”. Anh nhạc sĩ Vi Văn Quăm tài hoa mà bất hạnh, “con người nứt ra từ thiên nhiên hoang dại của núi rừng”, chỉ khi sống giữa thiên nhiên mới thấy “được sống đúng là mình thế này”
(Trăng trên rừng tông qua mu). Cứ đến với núi rừng “nghe tiếng rì rào ấm áp
của nó” Hiên lại thấy vợi cả nỗi lòng”. Cô nhận ra “con người có lúc độc ác nhưng cây cối lúc nào cũng hiền”. Trở về với rừng núi còn là cuộc hành trình tìm về bản thể. Ông sếp (Người đổi mặt) chỉ tìm lại bộ mặt thật của mình khi trở về sà mình vào lòng mẹ, ngụp lặn giữa một thiên nhiên hoang dại, soi mặt vào chum nước dưới trăng hiện lên “cái dung mạo nguyên thuỷ của ông nhẹ nhõm, thuần phác, lành hiền như nặn bằng đất thó”.
Thiên nhiên với vẻ đẹp quyến rũ mê hồn đã tồn tại song song với cuộc sống của con người, chứng kiến mọi buồn vui của đời người và cũng chính thiên nhiên đã nâng đỡ, chở che cho họ những khi ngã lòng nhất. Xây dựng hình tượng con người miền núi không thể không nhắc đến vai trò của thiên nhiên với tư cách là một phương tiện nghệ thuật quan trọng. Các tác giả miền núi hôm nay đã giành cho thiên nhiên những trang văn đẹp nhất, lung linh nhất và việc khắc hoạ con người qua thiên nhiên là một điểm nhấn nghệ thuật trong các sáng tác của họ.