Nghệ thuật miêu tả ngoại hình

Một phần của tài liệu Con người trong văn xuôi về miền núi của các tác giả trẻ đương đại (Cao Duy Sơn, Đỗ Bích Thúy và Phạm Duy Nghĩa) (Trang 62 - 67)

5. Đóng góp của luận văn

3.1. Nghệ thuật miêu tả ngoại hình

Ngoại hình là một trong những phương diện cơ bản để khắc hoạ nhân vật. Qua việc miêu tả nhân vật, nhà văn có thể khơi gợi cho người đọc những liên tưởng chính xác về một con người, một thực thể tồn tại giữa cuộc đời. Đối với người viết, việc miêu tả ngoại hình nhân vật không đơn thuần là vẽ lên trước mắt người đọc một con người sơ cứng, giản đơn mà là dựng lên chân dung một con người thực, một cá thể sinh động, hấp dẫn thể hiện được quan niệm, tư duy nghệ thuật của tác giả ở trong đó.

Người xưa từng nói “ Hoạ hổ, hoạ bì, nan hoạ cốt - Tri nhân, tri diện, bất tri tâm” (Vẽ hổ chỉ vẽ được da, khó vẽ được xương - Biết người, chỉ biết mặt, không thể biết lòng). Chính vì cái khó đó đòi hỏi nhà văn phải tìm cách lột tả cho được bản chất bên trong thông qua hình thức bên ngoài, phải làm sao “Trông mặt mà bắt hình dong”, giúp cho bạn đọc cùng quan sát được. Với các cây bút Cao Duy Sơn, Phạm Duy Nghĩa, Đỗ Bích Thúy, họ có cách dựng chân dung nhân vật khá độc đáo. Không chọn lối miêu tả tỉ mỉ, dài dòng mà thường dùng lối đặc tả thật ngắn gọn mà như thâu tóm hết hồn cốt, thần thái nhân vật, như lộn trái con người họ ra, vạch mặt chỉ tên họ là loại người nào.

Khắc hoạ chân dung nhân vật, các tác giả đã có nhiều nhân vật để lại ấn tượng khá đậm cho độc giả về vẻ đẹp ngoại hình mang đặc trưng của con người miền núi. Vẻ đẹp và sức khoẻ của chàng trai Pác Gà trong cuộc tranh đấu pháo được nhà văn Cao Duy Sơn miêu tả “Có cánh tay rất to, rõ những múi cơ gồng lên cuồn cuộn, gạt những bắp chân giày xéo trên mặt đất đổ rạp

như gạt những bẳng nước rỗng” (Hoa bay cuối trời). Hình ảnh người đàn ông La Chí Chải trong văn Đỗ Bích Thuý hiện lên “vâm váp như một cây lim trong rừng già, bước chân đi trên sàn nhà phầm phập như chân voi” (Như một

con chim nhỏ). Đây là chàng trai Tả Choóng với vẻ đẹp làm say lòng bao cô

gái “Dân cao lừng lững, ngực nổi vồng dưới lớp áo tà pủ mới, chân bước đi thình thịch, mắt sáng, lông mày rậm” (Mặt trời lên quả còn rơi xuống - Đỗ Bích Thuý). Giữa nơi đại ngàn xa thẳm, hình ảnh những chàng trai miền núi hiện lên thật khoẻ khoắn, tràn trề sức sống. Vẻ đẹp ấy như được kết tinh từ sức mạnh của chốn đại ngàn hoang sơ, hùng vĩ.

Đối với các nhân vật nữ, dường như các tác giả có phần ưu ái hơn. Nhân vật phụ nữ trong các tác phẩm này được miêu tả khá cụ thể từ gương mặt, vóc dáng, thần thái… nhưng lại ảnh hưởng khá rõ của thi pháp văn học dân gian mang tính ước lệ khi miêu tả ngoại hình nhân vật. Vẻ đẹp của người con gái miền sơn cước thường được tác giả so sánh, ví von với vẻ đẹp của cỏ cây hoa lá núi rừng. Đó là cô gái câm trong tác phẩm Dưới chân núi Nục Vèn

được Cao Duy Sơn miêu tả “có đôi mắt đẹp như con chim lửa, cổ trắng như ruột cây chuối rừng, môi đỏ như cánh hoa gạo”. Là em bé Dua với nét “xinh lạ lùng, răng như những hạt ngô non, khuôn mặt có sắc trắng như hoa mận, màu hồng của hoa đào” (Thương nhớ Lèng Hồ - Đỗ Bích Thuý). Nàng Dình với vẻ đẹp mơ hồ quyến rũ hiện lên trong mắt Khơ “Mặt nàng đẹp như bông đào trong nắng. Nụ cười bẽn lẽn, mắt chớp như cánh vẫy của loài bướm hoa”

(Hoa bay cuối trời - Cao Duy Sơn). Đó là vóc dáng nàng Lò “Xinh xắn, uyển

chuyển như con suối thu chân núi”. Là nàng Cạ với “cái miệng cười có hàm răng đều và đẹp như vành trăng, cái mắt nhìn như sao trên trời rơi xuống sông Quy” (Dưới chân núi Nục Vèn). Không chỉ miêu tả vẻ đẹp mơn mởn, tràn đầy sức sống của những cô gái trẻ, nhà văn Đỗ Bích Thuý còn vô cùng tinh tế và sâu sắc khi miêu tả nét đẹp có phần đằm thắm, mặn mà của người phụ nữ đã

làm vợ, làm mẹ. Đó là cô Thinh dù có tuổi vẫn đẹp “ Má Thinh đỏ như hoa đào mùa xuân, hai vai Thinh vẫn tròn như vai con gái mười sáu” (Mặt trời lên

quả còn rơi xuống). Là mẹ Hoa “Vẫn đẹp như bông lê đang nở rộ ngày trời

ấm” (Tiếng đàn môi sau bờ rào đá). Những nhân vật nữ này được các tác giả miêu tả về ngoại hình đều có đôi mắt đẹp, đôi vai tròn, răng trắng, da căng mịn, mái tóc đen và dài, cặp má đỏ hồng, nụ cười tươi tắn… Tất cả đều biểu trưng cho một vẻ đẹp thuần khiết, đầy nữ tính như được chắt ra từ núi rừng.

Ngoại hình nhân vật trong sáng tác của các tác giả thường quy định tính cách của nhân vật. Người đẹp thì thường tốt nết: Nhẻo (Như một con chim

nhỏ), Dình và Phủ (Hoa bay cuối trời)… Người xấu thì xấu người xấu nết.

Mụ Hử nanh nọc, chua ngoa thì được Cao Duy Sơn miêu tả thật xấu “Người thấp chỉ có đôi vú to, cong nhọn, mông rộng, da mượt mịn như mỡ đông”

(Những đám mây hình người). Lão Khàng độc ác và háo sắc khi nhìn thấy cô

gái câm thì ánh mắt trở nên điên dại “mắt vằn đỏ như mắt con hổ đói hau háu nhìn vào cái gáy nõn chuối rừng” (Dưới chân núi Nục Vèn). Tuy nhiên cũng có nhiều nhân vật dân tộc thiểu số mà ngoại hình không phản ánh được bản chất con người bên trong. Đó là bé Ò Lình trong Nơi đây không một bóng

người (Cao Duy Sơn) với diện mạo của một con khỉ “thân thể trần truồng đỏ

hỏn, phủ một lớp lông màu vàng, ướt nhớp nháp” nhưng bên trong cái ngoại hình xấu xí ấy lại là một tâm hồn trẻ thơ ngây thơ trong sáng, một trái tim giàu tình yêu thương, giàu lòng nhân ái, dám hi sinh mình vì người khác. Mặc dù bị lũ trẻ và mọi người xua đuổi và xa lánh, Ò Lình vẫn không ngần ngại lao vào đám lửa để cứu lũ trẻ vốn nó đã xem là bạn. Đó còn là Hoán trong

Thằng Hoán (Cao Duy Sơn) mang trên mình một dị tật “Cái đầu to quá khổ bị

cái u trên lưng đè nặng, luôn trĩu về phía trước, hai bàn chân to bè có những ngón toè ra vững chãi đỡ cái thân hình thấp lùn không cao quá một mét tư” lại là người đàn ông hiền lành, chất phác, yêu vợ và thương con hết mực. Đó còn

là anh công nhân lâm trường có vẻ ngoài thật xấu xí “ Người đen sì, trông chỉ thấy hai con mắt”, cả hai bàn tay cũng dị dạng “tay phải có sáu ngón, ngón nào cũng đen nhánh, dài ngoẵng và cong queo không bao giờ thấy ruỗi thẳng ra được”. Đôi bàn tay xấu xí, dị tật ấy lại là đôi bàn tay tài hoa và trong con mắt cô gái, anh là người đáng để cô quyến luyến suốt đời (Cô gái xuống ga

Vĩnh Yên - Phạm Duy Nghĩa).

Khi miêu tả nhân vật, các nhà văn thường quan tâm tới những chi tiết cụ thể, dễ gây ấn tượng trước người đọc như khuôn mặt, ánh mắt, nụ cười, vóc dáng, mái tóc… và chi tiết được tác giả tập trung miêu tả nhiều nhất trong nhiều tác phầm là đôi mắt. “Đôi mắt là cửa sổ tâm hồn” có phải vì thế mà chỉ cần nhìn vào đôi mắt của một người, ta thấy được mọi buồn vui trong đó, thấy được cả đời sống tâm hồn bình yên, phẳng lặng hay cuồn cuộn một trời bão giông của người ấy. Mỗi nhân vật là một ánh mắt riêng song tất cả đều soi rọi thế giới bên trong con người họ. Chỉ bằng một cái nhìn, người mẹ già đã kịp nhận ra ý nghĩ phản bội vợ con trong mắt đứa con trai. Bà nói “Mắt mày như mắt đứa ăn cắp gà thế kia” (Mặt trời lên quả còn rơi xuống - Đỗ Bích Thuý). Dân đã bị mẹ nhìn thấu gan ruột, đã không thể che giấu được những cảm xúc sai lệch nổi lên trong lòng trước “đôi mắt nhìn như muốn đốt cháy” anh của một người con gái khác và giờ đây, ý nghĩ đó đã bị mẹ bóc trần qua ánh mắt không biết nói dối của chính anh. Trong tác phẩm Mùa én gọi bầy, Cao Duy Sơn miêu tả khá kỹ đôi mắt. Ánh mắt của Đẹm liên tục thay đổi theo dòng tâm trạng. Từ một người phụ nữ đẹp được mọi người khen ngợi “má hồng thế kia, đôi mắt nữa, nhìn thấy mấy thằng trẻ trai cứ tít lại vì cười cũng ngờ lắm”. Đôi mắt “tít lại vì cười” như báo trước cuộc đời không yên phận của người con gái đã có chồng con. Không chế ngự được ham muốn dục vọng, Đẹm lao vào cuộc tình vụng trộm với một người đàn ông khác. Bị chồng phát hiện và trước cái chết của người tình, cuộc sống của cô đã hoàn toàn thay đổi. Giờ

đây “nét vui tươi một thời đã chết trong đôi mắt thăm thẳm u uất và cay đắng nhục nhã”. Ở con người ấy, giờ chỉ còn “ánh mắt thoáng buồn vu vơ”, là hình ảnh “người phụ nữ lặng lẽ cam chịu luôn giấu trong đôi mắt tâm trạng thăm thẳm buồn”.

Người đẹp thì ánh mắt cũng đẹp, bất kể thời gian cũng không bào mòn được nét đẹp trong ánh mắt. Nhờ ánh mắt mà người ta nhận ra nhau, ánh mắt nói hộ nỗi lòng của những người yêu nhau sau bao năm xa cách. Ánh mắt của Dình “chớp như cánh vẫy của loài bướm hoa” trong lễ tranh đấu pháo năm nào, sau mấy chục năm chia cách vẫn vẹn nguyên trong lòng Khơ “có già đi nhưng đôi mắt kia… vẫn không thay đổi, vẫn là người ngày xưa” (Hoa bay cuối trời).

Cũng chỉ một ánh mắt thôi, một ánh mắt của đứa con yêu cũng đủ xuyên thấu trái tim người mẹ. Trong Nơi đây không một bóng người người mẹ sau mười bốn năm một mình nuôi con chốn rừng hủi, vật lộn với cuộc sống mưu sinh và đáng sợ hơn là sự xa lánh của người đời chợt nhận ra ánh mắt con giờ “rực sáng quá”. Đó là ánh mắt trong trẻo nhất, hồn nhiên nhất, đáng yêu nhất giữa đại ngàn cây lá, là ánh mắt vô tội trước sự tàn nhẫn của mọi người, là ánh mắt tràn ngập tình yêu thương và nỗi đau của mẹ, nỗi khắc khoải đến vô vọng trước tương lai mù mịt của đứa con chưa một ngày được trọn vẹn sống kiếp người.

Người xấu thì ánh mắt cũng thật xấu. Lão Soóng với “Đôi mắt hẹp như mắt rắn” (Hòn bi đá màu trắng) là kẻ từng vào tù ra tội, lại không từ một thủ đoạn để làm gia đình Dồ tan nát. Ánh mắt “hay liếc trộm người” (Song sinh)

của Sìu đã tố cáo bản chất thô lỗ, gian xảo và đầy dục vọng của hắn. Đặc biệt hình ảnh đôi mắt rắn của lão Khàng trong Dưới chân núi Nục Vèn xuất hiện đến bảy lần trong tác phẩm. Đó là ánh mắt man dại, đấy thú tính khi nhìn thấy sắc đẹp của người con gái câm “mắt hắn vằn đỏ như mắt con hổ đói”. Là đôi

mắt chứa đầy sự bất mãn, thù hận với cuộc đời mới, đôi mắt “vằn những tia đỏ chứa đầy những ý nghĩ hiểm ác”.

Như vậy ngoại hình các nhân vật hiện lên trong sáng tác của Cao Duy Sơn, Đỗ Bích Thuý, Phạm Duy Nghĩa hiện lên khá sinh động, mang đậm dấu ấn miền núi với cách biểu đạt truyền thống và lối so sánh ví von giàu hình ảnh của người dân tộc thiểu số. Ở đó thiên nhiên không chỉ là chuẩn mực để so sánh với vẻ đẹp của con người mà vẻ đẹp của con người đã hoà hợp với vẻ đẹp của thiên nhiên, là sắc đẹp vĩnh cửu của thiên nhiên. Đây cũng là một độc đáo nghệ thuật trong việc xây dựng ngoại hình nhân vật của các nhà văn.

Một phần của tài liệu Con người trong văn xuôi về miền núi của các tác giả trẻ đương đại (Cao Duy Sơn, Đỗ Bích Thúy và Phạm Duy Nghĩa) (Trang 62 - 67)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(102 trang)