trách nhiệm của nhà nước và toàn xã hội trong tiến trình xây dựng và phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa
Mặc dù chính sách ưu đãi người có công đã được thực hiện gần 6 thập kỷ qua, nhưng cho đến ngày nay cũng chưa có một văn bản nào nêu rõ khái niệm người có công. Tuy nhiên, qua các quy định tiêu chuẩn đối với từng đối tượng là người có công, chúng tôi nêu ra khái niệm người có công như sau:
Theo nghĩa rộng: người có công là những người thuộc một dân tộc nào đó, tự nguyện hiến dâng cuộc đời mình cho đại nghĩa, cho sự nghiệp của đất nước. Họ có những đóng góp, những cống hiến xuất sắc, phục vụ cho lợi ích của đất nước, của dân tộc. Người có công gồm những người không phân biệt tôn giáo, tín ngưỡng, dân tộc, nam nữ, tuổi tác, miễn là họ có những hành động xuất sắc có lợi cho dân tộc. Ở đây có thể thấy rõ những tiêu chí cơ bản của người có công, đó là phải có đóng góp, cống hiến xuất sắc và vì lợi ích dân tộc. Những đóng góp, cống hiến của họ có thể là trong các cuộc đấu tranh giành độc lập, tự do cho Tổ quốc và cũng có thể là trong công cuộc xây dựng và phát triển của đất nước.
Như đã nêu trên, phạm trù người có công rất rộng, trong phạm vi của luận văn này, chúng tôi chỉ tập trung vào những đối tượng là người có công trước cách mạng tháng 8 năm 1945, trong các cuộc kháng chiến cứu nước và trong bảo vệ Tổ quốc của dân tộc. Như vậy, khái niệm người có công ở đây được hiểu theo nghĩa hẹp. Người có công hiểu theo nghiã hẹp này như sau: Người có công là những cá nhân không phân biệt tôn giáo, tín ngưỡng, dân tộc, nam nữ... có những đóng góp, những cống hiến xuất sắc trong thời kỳ trước cách mạng tháng Tám năm 1945, trong các cuộc kháng chiến giải phóng dân tộc và bảo vệ Tổ quốc, được cơ quan, tổ chức có thẩm quyền công nhận. Như vậy, ở khái niệm này, người có công là những người tham gia hoặc giúp đỡ cách mạng mà hy sinh xương máu hoặc một phần thân thể của mình hoặc cống hiến cả cuộc đời mình cho sự nghiệp cách mạng và được các cơ quan có thẩm quyền công nhận.
Theo quy định hiện hành, các đối tượng có công có nhiều loại, trong phạm vi của luận văn, chỉ nêu những đối tượng có công theo nghĩa hẹp đã trình bày trên. Những đối tượng có công này được quy định trong Pháp lệnh ưu đãi người có công số 26/2005/PLUBTVQH11 ngày 29/6/2005 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội và Nghị định số 54/2006/NĐ-CP ngày 26/5/2006 của Chính phủ, bao gồm:
+ Thương binh: Là những quân nhân, công an nhân dân vì chiến đấu,
hoặc trực tiếp chiến đấu; bị địch bắt, tra tấn vẫn không chịu khuất phục, kiên quyết đấu tranh, để lại thương tích thực thể; làm nghĩa vụ quốc tế; đấu tranh chống tội phạm hoặc dũng cảm thực hiện công việc cấp bách, nguy hiểm phục vụ quốc phòng, an ninh, dũng cảm cứu người, cứu tài sản của nhà nước, nhân dân, làm nhiệm vụ quốc phòng, an ninh ở địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn mà bị thương tật, mất sức lao động từ 21% trở lên.
Những người không thuộc lực lượng vũ trang nhân dân (công an nhân dân, quân đội nhân dân), trong khi làm những nhiệm vụ trên đây mà bị thương suy giảm khả năng lao động từ 21% trở lên thì được hưởng chính sách như thương binh.
+ Bệnh binh: Là những quân nhân, công an nhân dân mắc bệnh làm suy
giảm khả năng lao động từ 41% trở lên do chiến đấu hoặc trực tiếp phục vụ chiến đấu; hoạt động ở địa bàn có điều kiện kinh tế đặc biệt khó khăn; làm nghĩa vụ quốc tế; dũng cảm làm công việc cấp bách, nguy hiểm phục vụ quốc phòng an ninh khi xuất ngũ về với gia đình
+ Liệt sỹ: Là những người đã hy sinh vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc và làm nghĩa vụ quốc tế hoặc vì lợi ích của nhà nước, của nhân dân được Nhà nước tặng bằng “Tổ quốc ghi công” trong khi: Chiến đấu hoặc trực tiếp phục vụ chiến đấu; Trực tiếp đấu tranh chính trị, binh vận với địch có tổ chức với địch; Hoạt động cách mạng, hoạt động kháng chiến bị địch bắt tù đày tra tấn nhưng không chịu khuất phục, kiên quyết đấu tranh
hoặc thực hiện chủ trương vượt tù, vượt ngục hy sinh; làm nghĩa vụ quốc tế; đấu tranh chống tội phạm; dũng cảm thực hiện công việc cấp bách, nguy hiểm hoặc phục vụ nhiệm vụ quốc phòng, an ninh; dũng cảm cứu người, cứu tài sản của nhà nước của nhân dân; Do ốm đau, tai nạn khi đang làm nhiệm vụ quốc phòng an ninh ở địa bàn kinh tế có điều kiện kinh tế- xã hội đặc biệt khó khăn; Thương binh chết vì vết thương tái phát.
+ Thân nhân liệt sỹ: Là những người thân thiết, ruột thịt hoặc có công nuôi dưỡng liệt sỹ trước khi hy sinh, như:
- Vợ (hoặc chồng) của liệt sỹ. Chỉ xác định là những người kết hôn hợp pháp với liệt sỹ trước khi liệt sỹ hy sinh và quan hệ hôn nhân còn tới thời điểm liệt sỹ hy sinh và được báo tử (hợp pháp ở đây được hiểu là có đăng ký kết hôn hoặc được tổ chức, đoàn thể có thẩm quyền công nhận).Trong trường hợp liệt sỹ có nhiều vợ (trước khi có luật hôn nhân gia đình) mà thực tế đã được thừa nhận thì những người vợ đó cũng được công nhận là thân nhân liệt sỹ.
- Con liệt sỹ: là những người như: con đẻ, con nuôi, con ngoài giá thú, được pháp luật thừa nhận..
- Cha mẹ đẻ của liệt sỹ: là những người thực sự nuôi dưỡng liệt sỹ như con khi liệt sỹ còn nhỏ tuổi trong một khoảng thời gian nhất định nào đó (theo quy định hiện hành của nước ta, thì thời gian nuôi dưỡng tối thiểu là 10 năm khi liệt sỹ còn dưới 16 tuổi hoặc tối thiểu là 5 năm trong điều kiện hết sức đặc biệt).
Qua cách phân loại này có thể thấy thân nhân liệt sỹ có thể là người có quan hệ huyết thống, quan hệ hôn nhân hoặc quan hệ nuôi dưỡng được pháp luật thừa nhận. Những người nầy tuy không phải trực tiếp là người có công, nhưng có quan hệ trực tiếp với người có công nên cũng là đối tượng chính của Pháp lệnh ưu đãi.
+ Những người tham gia hoạt động cách mạng, hoạt động kháng chiến. Ở Việt Nam, do đặc điểm lịch sử, qua các thời kỳ cách mạng có những người tham gia hoat động cách mạng trong các thời kỳ lịch sử khác nhau và họ cống hiến khả năng, công sức cho sự nghiệp cách mạng trong các thời kỳ đó. Những người này là những người có công với đất nước, bao gồm:
- Người hoạt động cách mạng trước ngày 01 tháng 01 năm 1945; Người hoạt đông cách mạng từ ngày 01 tháng 01 năm 1945 đến trước ngày 18 tháng 8 năm 1945; Anh hùng lực lượng vũ trang; Anh hùng lao động, là người được nhà nước tuyên dương anh hùng vì có thành tích đặc biệt xuất sắc trong chiến đấu, phục vụ chiến đấu hoặc trong lao động sản xuất phục vụ chiến đấu.
- Bà mẹ Việt Nam anh hùng là những bà mẹ có chồng, con hoặc bản thân đã cống hiến hy sinh vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, bảo vệ tổ quốc và làm nghĩa vụ quốc tế.
- Người hoạt động trong thời kỳ kháng chiến là người tham gia kháng chiến được nhà nước tặng thưởng Huân chương, Huy chương tổng kết thành tích kháng chiến.
- Người hoạt động cách mạng hoặc hoạt động kháng chiến bị địch bắt tù đày, mà trong thời gian ở tù không khai báo có hại cho cách mạng, cho kháng chiến, không làm tay sai cho địch.
- Người tham gia kháng chiến và con đẻ của họ bị nhiễm chất độc hoá học do Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam.
+ Người và gia đình có công giúp đỡ cách mạng: Cuộc cách mạng ở Việt Nam là cuộc cách mạng toàn dân, toàn diện. Trong cuộc cách mạng này, có nhiều người, nhiều gia đình dưới các góc độ và mức độ khác nhau, trực tiếp hoặc gián tiếp giúp đỡ sự nghiệp cách mạng nói chung hoặc giúp đỡ những người hoạt động cách mạng nói riêng (lãnh tụ, cán bộ cách mạng...) trong lúc khó khăn nguy hiểm được nhà nước tặng Kỷ niệm chương “Tổ quốc ghi công” hoặc Bằng “Có công với Nước” hoặc Huân chương kháng chiến. Những sự giúp đỡ này có thể là:
- Cho mượn hoặc hiến nhà cho cách mạng để làm kho tàng, địa điểm họp hoặc làm trụ sở cách mạng v. v...
- Nuôi dấu cán bộ cách mạng; sản xuất cung cấp vũ khí, lương thực cho cách mạng v.v...
Như vậy, người có công là những người đã hy sinh xương máu hoặc cống hiến lớn lao cho sự nghiệp của dân tộc. Vì vậy, toàn Đảng, toàn dân phải có trách nhiệm chăm lo đời sống cho người có công, nhưng trước hết trách nhiệm đó thuộc về nhà nước. Nhà nước là người đại diện cho giai cấp, cho dân tộc, nên nhà nước phải có trách nhiệm bảo đảm quyền lợi đối với người có công.
Với tư cách là chủ thể quản lý xã hội, Nhà nước có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc xây dựng và thực hiện chính sách ưu đãi đối với ngươì có công. Chính sách đối với người có công là chính sách đặc biệt, thực hiện chính sách người có công sẽ góp phần nâng cao đời sống kinh tế người có công. Nhất là khi nước ta chuyển từ cơ chế tập trung bao cấp sang cơ chế thị trường nếu chúng ta không có một thể chế chính trị vững vàng, một cơ chế chính sách đúng đắn, một hệ thống chính sách phù hợp thì người có công những người chịu đựng hy sinh mất mác lại là những người phải chịu nhiều thiệt thòi nhất. Một mặt, nhà nước thông qua tổ chức chức năng của mình (mà ở đây là Bộ Lao động- Thương binh & Xã hội) hoạch định các chính sách ưu đãi đối với người có công trình lên các cơ quan thẩm quyền (Quốc hội, Chính phủ) thông qua bằng các văn bản pháp luật, tạo cơ sở để hỗ trợ, cải thiện, nâng cao đời sống kinh tế đối với người có công. Mặt khác, nhà nước bằng các bộ máy của mình, các bộ ngành, địa phương triển khai thực hiện các chính sách đối với người có công đưa chính sách vào cuộc sống. Ngoài ra nhà nước còn động viên, khuyến khích ủng hộ, và tham gia phát động các phong trào tạo ra sức mạnh tổng hợp về nguồn lực ở cộng đồng dân cư, các tổ chức kinh tế xã hội trong việc thực hiện chính sách, nâng cao đời sống kinh tế đối với người có công.
Song, để nâng cao đời sống kinh tế đối với người có công không chỉ là trách nhiệm của nhà nước mà còn là trách nhiệm của công đồng xã hội. Cộng đồng xã hội với tư cách là người hưởng thụ những thành quả của sự nghiệp của dân tộc, trong đó có sự đóng góp công lao, sức lực, cả sự hy sinh thân thể và xương máu của bao thế hệ người tham gia để làm cho sự nghiệp của dân tộc đơm hoa thơm, kết quả ngọt, để đất nước được độc lập tự do. Vì lẽ đó, cộng đồng xã hội quan tâm đến lợi ích vật chất tinh thần đối với người có công, góp phần nâng cao đời sống kinh tế người có công ngang bằng với mức sống xã hội là vừa là trách nhiệm vừa là sự đền ơn đáp nghĩa của thế hệ hôm nay đối với các thế hệ cha anh, những người đã cống hiến cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, vì nền độc lập tự do của Tổ quốc.