tham gia sản suất, tăng thu nhập
Người có công là bộ phận yếu thế về nhiều mặt trong cạnh tranh trong nền kinh tế hoạt động theo cơ chế thị trường bởi họ là những người khiếm khuyết về thân thể, yếu về sức khoẻ và trình độ chuyên môn kỹ thuật, nghiệp vụ hạn chế, vì lẽ đó việc tìm kiếm cơ hội hoạt động để tạo thu nhập cải thiện cuộc sống là rất khó khăn.
Những năm qua, cùng với việc thực hiện các chính sách ưu đãi, chế độ trợ cấp của nhà nước và sự hỗ trợ của cộng đồng, đời sống người có công ở tỉnh Quảng Nam đã từng bước được cải thiện, đảm bảo được những nhu cầu tối thiểu về chi tiêu trong cuộc sống. Song, nhìn chung đời sống của người có công còn nhiều khó khăn, không những trước mắt mà còn lâu dài. Vì vậy, vấn đề đặt ra là, cùng với chế độ ưu đãi của nhà nước đối với người có công, cần phải có một môi trường thuận lợi, tạo điều kiện để người có công tham gia sản xuất, động viên họ phấn đấu vượt khó vươn lên, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của mình. Để làm được điều đó, trong thời gian tới, tỉnh Quảng Nam cần quan tâm đến một số nội dung sau:
+ Trước hết, nhà nước phải có chính sách, cơ chế tiếp nhận, sử dụng những thương binh, bệnh binh còn khả năng, có khả năng lao động vào các cơ sở sản xuất bố trí một cách hợp lý, tạo điều kiện để họ tiếp tục phát huy được những phẩm chất, truyền thống cách mạng, tiếp tục cống hiến, lao động đóng góp cho xã hội, có việc làm phù hợp, có thu nhập, cải thiện đời sống.
+ Tạo điều kiện để thành lập các cơ sở sản xuất của thương binh, người tàn tật, có chính sách đối với loại hình sản xuất đặc thù này để tạo công ăn việc làm cho thương binh, bệnh binh, con em, gia đình chính sách có việc làm, giúp họ về phương hướng sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, kinh doanh góp phần tăng phúc lợi xã hội vừa giải quyết vấn đề xã hội vừa tạo thu nhập. Có chính sách để các cơ sở dạy nghề, các doanh nghiệp, tổ hợp tác nhận con em gia đình chính sách vào học nghề làm việc. Ở tỉnh Quảng Nam có nhiều cơ sở đã làm tốt công tác này, như doanh nghiệp Mộc Kim Bồng của Thương binh 2/4, Đinh Văn Lời, ở thị xã Hội An đã nhận gần 1 trăm lao động là con thương bệnh binh vào học nghề miễn phí, tạo chỗ làm việc cho các em lao động, có nguồn thu nhập ổn định.
+ Sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn, như nguồn vốn chương trình Quốc gia xoá đói giảm nghèo; giải quyết việc làm...thực hiện lồng ghép các chương trình đầu tư phát triển kinh tế xã hội, tạo điều kiện cho hộ chính sách vay vốn giải quyết việc làm, phát triển kinh tế. Thực tế những năm qua, từ các nguồn vốn nầy được sử dựng rất có hiệu quả góp phần đáng kể vào việc thực hiện mục tiêu xây dưng hạ tầng cơ sở, phát triển kinh tế xã hội, nhưng người có công tham gia với tính chất là đối tượng hưởng lợi trực tiếp tỷ lệ còn rất khiêm tốn chiếm tỷ lệ không đến 20%.
Trong thực tế trên 70 % người có công sống ở nông thôn, lao động chủ yếu trong lĩnh vực nông nghiệp, cùng với thực hiện chuyển đổi mạnh mẽ cơ cấu nông nghiệp theo hướng công nghiệp hoá, hiện đại hoá; chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vấn đề vốn là một vấn đề hàng đầu của nông dân nói chung và của người có công làm nông nghiệp nói riêng. Để giúp hộ nông nghiệp phát triển sản xuất, hệ thống ngân hàng nông nghiệp và các ngân hàng khác như Ngân hàng Chính sách xã hội, Quỹ đầu tư phát triển và các quỹ xã hội hợp pháp khác (quỹ của Hội Liên hiệp Phụ Nữ, Quỹ giải quyết việc làm của Hội Nông dân...). Dành nguồn vốn thích đáng để người có công được vay với lãi
xuất ưu đãi để đầu tư phục vụ sản xuất thông qua tín chấp của cơ quan nhà nước.
+ Xây dựng và ban hành chương trình đào tạo nghề, giải quyết việc làm đối với thương binh, bệnh binh, con thương binh, con liệt sỹ, tạo điều kiện để những đối tượng này có cơ hội làm việc trong các cơ quan nhà nước, các tổ chức kinh tế xã hội, ổn định cuộc sống. Vấn đề quan trọng và lâu dài, để đáp ứng với yêu cầu lao động, tìm kiếm việc làm đối với người có công trong tương lai, là nhà nước phải có chính sách hỗ trợ trong công tác đào tạo, học nghề, trang bị kỹ năng chuyên môn, nghiệp vụ ở một trình độ nhất định. Không có tri thức, kỹ năng lao động thấp, không có tay nghề thành thạo đồng nghĩa với không tìm kiếm được chỗ làm việc tốt, không có thu nhập cao và do đó cũng không cải thiện được đời sống. Cùng với chính sách ưu đãi trong giáo dục hiện nay, mỗi địa phương mỗi ngành phải có trách nhiệm chăm lo đào tạo con em người có công, thông qua hệ thống đào tạo, dạy nghề tập trung, tại chỗ, tổ chức các lớp học chuyên hoặc lồng ghép đối với người có công còn trong độ tuổi lao động, nhất là lớp con em đối tượng chính sách có công có tay nghề vững vàng để tìm kiếm việc làm.
+ Tổ chức các lớp học nghề ngắn hạn, đơn giản, phù hợp với điều kiện sản xuất, tập quán ở nông thôn, nhất là con em gia đình chính sách có công ở vùng núi, vùng căn cứ cách mạng, dân dộc ít người (như mô hình dạy nghề mộc cho thanh niên người dân tộc ở miền núi, học xong là có thể làm nhà ở theo chương trình hỗ trợ nhà ở, đất ở theo Quyết định 134 của Chính phủ). Các cơ quan nhà nước có chính sách ưu tiên tiếp nhận con thương binh, con liệt sỹ, người có công cách mạng vào làm việc, tạo điều kiện cho những đối tượng này không những có việc làm trước mắt mà còn tạo được những hạt giống tốt cho quá trình xây dựng đội ngũ cán bộ công chức viên chức phục vụ cho sự nghiệp xây dựng đất nước trong tương lai.