Tài liệu sử dụng để đánh giá hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp bao gồm: Báo cáo kết quả kinh doanh, Báo cáo lưu chuyển tiền tệ, Bảng cân đối kế toán, Thuyết minh báo cáo tài chính.
Việc đánh giá hiệu quả hoạt động kinh doanh không chỉ có ý nghĩa với các nhà quản trị doanh nghiệp, các thành viên bên trong doanh nghiệp mà còn có ý nghĩa với nhiều đối tượng sử dụng khác nhau.
Đối với những nhà quản trị và cán bộ công nhân viên của doanh nghiệp thông qua đánh giá hiệu quả sản xuất kinh doanh sẽ biết được thực chất của hiệu quả sử dụng tài sản, nguồn vốn, chi phí… từ đó phát huy những mặt tích cực và hạn chế những mặt tiêu cực, đưa ra được những biện pháp nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh.
Đánh giá hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh còn giúp các cổ đông hay các nhà đầu tư khác, hiểu rõ tình hình tài chính và hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp và thông qua đó đưa ra quyết định đầu tư nhằm bảo toàn vốn và đạt được mục tiêu sinh lời cao.
Đối với ngân hàng, cũng như các nhà cho vay khác như các công ty tài chính, việc đánh giá hiệu quả hoạt động kinh doanh giúp cho họ đưa ra được quyết định cho vay đúng đắn nhằm đảm bảo mức độ an toàn, khả năng thu hồi vốn và lãi đúng thời hạn.
Việc đánh giá hiệu quả sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp cũng giúp cho các cơ quan chức năng của nhà nước như cơ quan thuế, cơ quan kiểm toán, thống kê kiểm tra được tình hình thực hiện nghĩa vụ của doanh nghiệp đối với ngân sách, tình hình tuân thủ các chế độ tài chính, tốc độ phát triển của doanh nghiệp, của ngành từ đó có thể đưa ra được các chính sách phù hợp nhằm vừa thúc đẩy hoạt động kinh doanh phát triển của doanh nghiệp cũng như nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước.
Hệ thống chỉ tiêu đánh giá hiệu quả kinh doanh được chia làm bốn nhóm chính: - Nhóm tỷ số về khả năng thanh toán.
- Nhóm tỷ số về khả năng cân đối vốn. - Nhóm tỷ số về năng lực hoạt động. - Nhóm tỷ số về khả năng sinh lời.