Điều kiện về hình thức hợp đồng chuyển quyền sử dụng đất

Một phần của tài liệu Hiệu lực của việc chuyển quyền sử dụng đất (Trang 42)

Hình thức của hợp đồng chuyển quyền sử dụng đất là cách thức biểu hiện nội dung của hợp đồng này ra bên ngoài, thông qua hình thức đó mà các chủ thể, những người khác và cơ quan nhà nước có thẩm quyền thấy rõ được nội dung mà các bên tham gia trong hợp đồng đã cam kết, thỏa thuận. Đồng thời còn giúp cơ quan nhà nước có thẩm quyền kiểm tra, kiểm soát được hợp đồng chuyển quyền sử dụng đất có hợp pháp hay không. Hình thức của hợp đồng chuyển quyền sử dụng đất còn là cơ sở để khẳng định các bên đã xác lập hợp đồng, xác định rõ quyền và nghĩa vụ của các bên trong hợp đồng này, vì vậy nó còn là chứng cứ quan trọng trong tố tụng dân sự.

Hợp đồng chuyển quyền sử dụng đất phải được lập thành văn bản

Riêng đối với loại hợp đồng chuyển đổi quyền sử dụng đất nông nghiệp theo chủ trương chung "dồn điền, đổi thửa" thì không để đảm bảo cho sự thuận tiện của người dân và phù hợp với trình độ dân trí thì pháp luật cho phép không cần phải lập hợp đồng mà các hộ gia đình, cá nhân tự thỏa thuận với nhau bằng văn bản (Khoản 1 Điều 147 Nghị định số 181 ngày 29/10/2004 của Chính phủ hướng dẫn thi hành Luật Đất đai năm 2003).

Hợp đồng chuyển quyền sử dụng đất phải có chứng thực hoặc chứng nhận theo quy định của pháp luật.

- Hợp đồng chuyển quyền sử dụng đất giữa các tổ chức, người Việt Nam định cư ở nước ngoài (đối tượng được phép chuyển quyền hoặc nhận chuyển quyền sử dụng đất) phải có chứng nhận của Công chứng nhà nước.

- Hợp đồng chuyển quyền sử dụng đất giữa hộ gia đình, cá nhân phải có chứng nhận của Công chứng nhà nước hoặc chứng thực của Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn nơi có đất.

- Hợp đồng chuyển quyền sử dụng đất giữa một bên là tổ chức, người Việt Nam định cư ở nước ngoài và một bên là hộ gia đình, cá nhân thì phải có chứng nhận của Công chứng nhà nước hoặc chứng thực của Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn nơi có đất.

Hợp đồng chuyển quyền sử dụng đất phải đăng ký tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền:

Sau khi hợp đồng chuyển quyền sử dụng đất được chứng thực, chứng nhận tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền, pháp luật quy định hợp đồng phải được nộp tại Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất (trường hợp chuyển quyền sử dụng đất tại nông thôn thì nộp tại Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn để chuyển cho Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất), để Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất thẩm tra hồ sơ, làm trích sao hồ sơ địa chính, gửi số liệu địa chính tới cơ quan thuế để xác định nghĩa vụ tài chính (nếu có), thông báo cho bên nhận chuyển quyền sử dụng đất thực hiện nghĩa vụ tài chính. Sau đó Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất chỉnh lý giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã cấp, hoặc thực hiện thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với trường hợp phải cấp mới và trao giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho bên nhận chuyển quyền sử dụng đất.

Hợp đồng chuyển quyền sử dụng đất thuộc quyền sử dụng chung của hộ gia đình

Phải được tất cả các thành viên có đủ năng lực hành vi dân sự trong hộ gia đình đó thống nhất và ký tên hoặc có văn bản ủy quyền theo quy định của pháp luật dân sự.

Một phần của tài liệu Hiệu lực của việc chuyển quyền sử dụng đất (Trang 42)