Về thuốc hết hạn dùng (Bảng 3.15)

Một phần của tài liệu Nghiên cứu chất lượng và bảo quản một số thuốc tại các nhà thuốc ở tỉnh hậu giang năm 2008 (Trang 77)

KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU

4.2.1.Về thuốc hết hạn dùng (Bảng 3.15)

Hạn dùng của thuốc là thời gian chế phẩm thuốc còn giữ nguyên tác dụng điều trị hoặc giảm trong phạm vi cho phép [17]; là mốc thời gian của nhà sản xuất chịu trách nhiệm về chất lượng sản phẩm của mình. Sau thời hạn đó, thuốc còn trưng bày bán trên quày kệ, cơ sở kinh doanh phải chịu trách nhiệm. Trong đề tài này đã giám sát phát hiện 73 mặt hàng hết hạn dùng. Trong đó có 45,3% thuốc hết hạn dùng dưới 3 tháng; 30,83% hết hạn dùng dưới 06 tháng và có10,95% hết hạn dùng sau 1 năm. Riêng nhóm kháng sinh chiếm tới 19,18% thuốc hết hạn dùng.

Theo kết quả nghiên cứu về hạn dùng của thuốc [23], đã thực hiện giám sát 14.968 mặt hàng thuốc đã phát hiện 327 mặt hàng hết hạn sử dụng, chiếm tỷ lệ 2,18%. Trong đó thuốc ngoại hết hạn dùng là 1,59% và thuốc sản xuất trong nước là 3,24%. Tác giả nhận định, thuốc sản xuất trong nước hết hạn dùng chủ yếu là do có hạn dùng quá ngắn. Các thuốc ngoại nhập hết hạn dùng đa số là các loại thuốc đắt tiền, các thuốc biệt dược bán rất chậm thuộc các nhóm tim mạch, chuyên khoa thần kinh.

4.2.2: Thuốc giả [3.16]

Tại Hậu Giang, qua kiểm nghiệm có 05 mẫu, trong đó có 04 mẫu là Đông dược, hình thức giả mạo là ngụy tạo tân dược [39] (có dược chất khác với dược chất ghi trên nhãn). Theo nghiên cứu của Bộ môn Quản lý Dược, Khoa Dược trường Đại học Y Dược TP. HCM[65] đã có 31,15% mẫu Đông dược vi phạm chất lượng là do trộn tân dược.

Riêng có 01 mẫu tân dược là Amoxicillin, hình thức giả mạo nhãn mác, không có hoạt chất, chiếm tỷ lệ 0,16%. Tỷ lệ này tương đương với một nghiên cứu tại QuảngTrị [45] có tỷ lệ thuốc giả là 0,17%. Theo báo cáo của WHO năm 2000 [31], [42] ước tính thuốc giả chiếm 10% thị trường dược phẩm thế giới, tương đương 45 tỉ Euro và không ngừng tăng lên. Thuốc giả có mặt khắp thế giới, cả nước phát triển và đang phát triển. Đông Nam Á là không vực có tỷ lệ thuốc giả cao trên thế giới [89]. Thậm chí trong một số quốc gia, thuốc giả lên đến 40% [91]. Thuốc giả đã làm hàng ngàn người chết mỗi năm, tác động rất lớn đến kinh tế xã hội của một quốc gia [92], [93]. Theo nghiên cứu của Bộ môn Quản lý Dược, Khoa Dược trường Đại học Y Dược TP. HCM [66] đã có 28 mặt hàng thuốc mạo do 18 đơn vị thuộc tuyến địa phương sản xuất. Các trường hợp vi phạm chủ yếu là thuốc nội nhái thuốc ngoại bằng cách nhái tên thuốc và mẫu mã bao bì; tác giả đã nhận xét: thuốc giả mạo đã, đang và sẽ còn gây ra những hậu quả nghiêm trọng cho sức khỏe cộng đồng, gây ra những tổn thất về tiền bạc cho người tiêu dùng cũng như những thiệt hại to lớn về tài chính và uy tín của những nhà bào chế chân chính, gây rối loạn thị trường thuốc dẫn đến những khó khăn, phức tạp cho công tác quản lý dược của nhà nước, làm giảm lòng tin của người tiêu dùng đối với thuốc sản xuất trong nước và quan trọng hơn là làm ảnh hưởng đến uy tín và vị trí của Việt Nam trong thị trường thế giới – nhất là trong giai đoạn hội nhập hiện nay.

Theo báo cáo tổng kết năm 2008 của Thanh tra Bộ Y tế[6], xu hướng hiện nay thuốc giả tập trung vào thuốc đặc trị và đắt tiền, đồng thời thuốc giả được sản xuất với công nghệ cao nên rất khó phát hiện tại các địa phương. Do đó tại Hậu Giang chỉ phát hiện một mẫu thuốc tân dược giả là Amoxicillin 500mg. Đây cũng là một thách thức đối với ngành kiểm nghiệm ở địa phương.

Một phần của tài liệu Nghiên cứu chất lượng và bảo quản một số thuốc tại các nhà thuốc ở tỉnh hậu giang năm 2008 (Trang 77)