Tình hình nghiên cứu ngoài nước

Một phần của tài liệu đánh giá rủi ro sinh thái đối với rạn san hô khu vực đảo bạch long vỹ, hải phòng (Trang 33)

Theo định nghĩa của Cơ quan Bảo vệ Môi trường Mỹ (US EPA), đánh giá rủi ro sinh thái (Ecological Risk Assessment – ERA) có nghĩa là: “đánh giá khả năng những tác động sinh thái có hại có thể xảy ra hoặc đang xảy ra, khi đối tượng bị phơi nhiễm trước một hay nhiều các tác nhân” [32]

Đánh giá rủi ro sinh thái là một phương pháp được sử dụng nhằm dự đoán tác động của những thay đổi do con người gây ra (phát triển công nghiệp, nông nghiệp, du lịch và các hoạt động nuôi trồng thủy sản có liên quan) cũng như những thay đổi tự nhiên (biến đổi khí hậu, nước biển dâng, vv.) nhằm đưa ra các khuyến nghị khoa học hợp lý cho các bên liên quan ở địa phương, chuyên gia hoạch định chính sách, để ứng phó với các tác động đó một cách phù hợp và hiệu quả.

Đánh giá rủi ro sinh thái là một công cụ giúp các nhà quản lý dự đoán được những tác động từ sự thay đổi trong các hoạt động của con người (nuôi trồng, đánh bắt thủy sản, du lịch…), cũng như sự thay đổi do tự nhiên (biến đổi khí hậu, mực nước biển dâng), từ đó hỗ trợ họ trong việc đưa ra quyết định phù hợp nhất với bối cảnh cụ thể để giải quyết những vấn đề môi trường.

Năm 1992, Cơ quan Bảo vệ Môi trường Hoa Kỳ (US EPA) đã đưa ra khung chương trình chi tiết cho ERA. Phương pháp này dựa trên cơ sở đánh giá rủi ro sức khỏe con người và là nền tảng của phần lớn các đánh giá rủi ro sinh thái thực tế. Cấu trúc của chương trình này bao gồm 3 phần chính: Nghiên cứu và phát triển các phương pháp, thu thập dữ liệu; Đánh giá rủi ro; Quản lý rủi ro. Chương trình ra đời với mục tiêu ban đầu để hình thành một diễn đàn đối thoại cho các nhà khoa học và quản lý môi trường trong lĩnh vực đánh giá và quản lý rủi ro.

Tại Úc, công cụ Đánh giá rủi ro Hệ sinh thái được phát triển dựa trên khung cơ bản của US EPA năm 1998. Toàn bộ qui trình đánh giá rủi ro gồm 5 bước: Xác định vấn đề; Đánh giá qui mô nghiên cứu và tác động; Đặc trưng hóa rủi ro; Quản

lý và giảm thiểu rủi ro; Giám sát và kiểm tra. Đây là một công cụ được công nhận là mạnh trong hệ thống quản lý môi trường của Úc, nhờ việc hỗ trợ quản lý các nguồn tài nguyên thiên nhiên và hoạt động của con người một cách tối ưu thông qua việc dự đoán các mối nguy hại tiềm ẩn, dựa trên những nguồn thông tin đã có sẵn và sự tham vấn của tất cả các bên liên quan. Báo cáo “Đánh giá những nguy cơ chính đe dọa các dòng sông nhiệt đới” tiến hành năm 2006 là một trong những nghiên cứu ở Úc đã sử dụng công cụ ERA.

Tại các nước đang phát triển ở châu Á, khái niệm đánh giá rủi ro sinh thái đã xuất hiện trong hệ thống quản lý môi trường từ những năm cuối thế kỷ 20. Trong đó đánh giá rủi ro sinh thái được xác định là có vai trò kết nối cơ sở khoa học với việc đưa ra những quyết định quản lý. Một điểm đáng lưu ý là trong tài liệu dẫn chứng về ERA ở châu Á, vấn đề xác định tính sẵn có và đáng tin cậy của số liệu là một bước rất quan trọng trước khi đưa ra quyết định là có thể tiến hành đánh giá rủi ro hay không.

Một trong những ứng dụng của ERA điển hình phải kể đến là nghiên cứu ở Costa Rica được thực hiện năm 2005. Các nhà khoa học đến từ trường Đại học Stockholm, Thụy Điển đã ứng dụng phương pháp Đánh giá rủi ro sinh thái trong đề tài nghiên cứu về “Chuyển vận và độc tính của dòng chảy chứa thuốc trừ sâu từ cánh đồng chuối ở hồ Madre de Dios”. Nghiên cứu đã chỉ ra rằng hiện tượng sử dụng thuốc trừ sâu đang gia tăng nhanh chóng ở các nước đang phát triển nói chung và ở Costa Rica nói riêng. Tại khu vực nghiên cứu, sau khi tiến hành hàng loạt thí nghiệm và đánh giá sự phơi nhiễm, các nhà khoa học đưa ra kết luận: dòng chảy chứa thuốc trừ sâu từ nông trại trồng chuối đang đe dọa đến sự sống của các sinh vật trong thủy vực, dẫn đến hiện tượng cá chết thường xuyên và một số loài động vật không xương sống bị nhiễm độc cấp tính. Có thể nói, đây là một trong những nghiên cứu thí điểm quan trọng đã sử dụng phương pháp đánh giá rủi ro sinh thái như một công cụ thực tiễn. Sau nghiên này, các nhà khoa học Thụy Điển cũng đưa

ra đề xuất về phương pháp Trọng số bằng chứng và TRIAD – hai công cụ bổ trợ vô cùng quan trọng trong tiến trình đánh giá rủi ro sinh thái ERA.

Bên cạnh đó, nhóm các nhà khoa học Thụy Điển cũng đã tiến hành một nghiên cứu điển hình ở Đan Mạch năm 2006 về “Đánh giá rủi ro sinh thái cho đất nhiễm độc”. Đề tài này đã sử dụng phương pháp TRIAD để tính hệ số rủi ro (IR) cho đất. Vùng nghiên cứu là một khu vực có đất bị nhiễm độc ở phía bắc Đan Mạch có tên Skagen. Các nhà khoa học đã đưa ra các thông số định lương về hóa học, độc học và sinh thái học của đất để từ đó tính toán được mức độ rủi ro đến từ các dòng bằng chứng khác nhau, tiếp đến là hệ số rủi ro tổng hợp và sai số để chỉ ra đâu là vùng có nguy cơ rủi ro cao, trung bình và thấp. Việc sử dụng TRIAD trong nghiên cứu này cho thấy đây là một công cụ điển hình và hữu ích trong việc giúp đưa ra những đánh giá tác động của các chất độc đến môi trường đất.

Có thể nói, Đánh giá rủi ro sinh thái là một phương pháp đã được đưa vào thực tiễn ở nhiều nước trên thế giới, và ở mỗi thời điểm khác nhau, có những công cụ hỗ trợ khác nhau được cập nhập để phù hợp với quá trình đánh giá. Đã có một số công trình nghiên cứu về đánh giá rủi ro sinh thái đối với các loài cá san hô và đánh giá rủi ro sinh thái của các hợp chất hữu cơ lên sức khỏe hệ sinh thái rạn san hô tại vùng biển Caribê

Một phần của tài liệu đánh giá rủi ro sinh thái đối với rạn san hô khu vực đảo bạch long vỹ, hải phòng (Trang 33)