Đây là phương pháp cho học sinh nhìn tận mắt, nghe tận tai những chữ, những âm cần viết. Nhìn tận mắt giúp các em ghi nhận đường nét, cách viết đúng của từng từ. Giáo viên viết từng từ lên bảng hoặc chỉ ra trong sách giáo khoa và bằng sự ghi nhớ của thị giác, các em sẽ nắm được cách viết các từ đó. Còn với sự ghi nhớ bằng thính giác của học sinh, giáo viên cần đọc thật chuẩn các âm, vần tiếng Việt để các em phân biệt rõ ràng các âm, và trên cơ sở dấu ấn âm học, các em sẽ nhớ cách đọc và cách viết gắn với cách đọc đó. Trên cơ sở ấy, các em sẽ viết đúng chính tả.
Đối với học sinh đầu cấp Tiểu học, giáo viên cần triệt để sử dụng phương pháp trực quan. Giáo viên có thể tiến hành phương pháp này bằng nhiều cách khác nhau. Ví dụ, giáo viên vừa đọc vừa ghi các từ cần chú ý lên bảng, cho học sinh tập nghe, tập ghi những từ một học sinh khác nói (tất nhiên học sinh đó phải có cách phát âm chính xác), tập nhận xét cách phát âm, cách viết chữ của người khác… Nhìn chung, với học sinh Tiểu học, việc sử dụng phương pháp trực quan sẽ góp phần quan trọng trong việc hình thành kĩ năng, kĩ xảo chính tả cho các em.
47
Trong phần Chính tả Đoạn bài, chúng tôi nhận thấy có thể sử dụng phương pháp này ở các bước: Hướng dẫn học sinh viết Chính tả và Chấm, chữa lỗi. Thứ nhất, trong bước Hướng dẫn viết, dù là dạng bài Tập chép hay Nghe – viết, giáo viên đều cần giúp học sinh nắm được bài chính tả có những vấn đề chính tả nào cần lưu ý (có mấy câu, mấy dòng? Viết hoa chữ nào? Có những dấu câu gì? Sau dấu câu viết như thế nào? Có từ nào khó đọc, khó viết?...). Hệ thống câu hỏi này sẽ càng chi tiết ở các lớp nhỏ và đơn giản hơn ở các lớp trên, nhưng nhìn chung, chúng đều đưa ra yêu cầu về việc học sinh nhận diện bài chính tả, các vấn đề chính tả trong bài. Như vậy, nếu giáo viên nhận thấy, học sinh thường mắc lỗi về cách trình bày như lỗi viết hoa, lỗi dùng dấu phụ, giáo viên có thể dùng máy chiếu cung cấp mẫu bài viết hoặc viết mẫu lên bảng cho học sinh quan sát (với tiết Tập chép), hoặc đặt câu hỏi về các lỗi học sinh hay mắc, yêu cầu các em quan sát và gạch chân trong SGK những lỗi mình có thể mắc,…
Nếu lỗi chính tả là lỗi phụ âm đầu, vần hoặc thanh điệu, giáo viên có thể viết mẫu cho học sinh quan sát, yêu cầu các em viết từ khó vào bảng con, giáo viên chữa, chấm, yêu cầu học sinh nhận xét. Đó là trực quan về hình ảnh. Đồng thời, giáo viên có thể đọc mẫu từ khó, yêu cầu học sinh đánh vần và đọc lại, học sinh khác lắng nghe và nhận xét. Đó là trực quan về âm thanh.
Ví dụ, trong bài Tập chép: “Ngày hôm qua đâu rồi” thuộc chương trình Tiếng Việt lớp 2, giáo viên có thể cung cấp bài chính tả mẫu để học sinh quan sát. Mẫu có thể là đoạn thơ viết in giống trong SGK để học sinh quan sát, nhận xét cách trình bày. Đồng thời, trong khi giáo viên đọc bài mẫu, các em có thể quan sát mẫu này (thường được in trên giấy khổ lớn và gắn trên bảng), giáo viên đọc hết lần thứ nhất sẽ tiến hành tìm các từ khó. Lúc này giáo viên có thể dùng bút mầu gạch chân các từ cần lưu ý. Việc này sẽ giúp cả lớp cùng nghe và cùng quan sát được cấu tạo các từ khó, dễ lẫn. Mẫu cũng có thể là các bài viết của học sinh năm trước (hoặc giáo viên viết mẫu – dạng chữ viết tay) được trình chiếu bằng máy chiếu vật thể để cả lớp cùng quan sát. Với loại
48
mẫu này, học sinh có thể ghi nhớ cách trình bày, các chữ hoa, dấu câu, kích cỡ và khoảng cách giữa các con chữ. Khi cần xác định từ khó, giáo viên cũng có thể dùng bút chì gạch chân các từ này trên mẫu để học sinh quan sát và đánh vần lại.
Phương pháp này còn có thể được dùng để giúp học sinh tìm hiểu nghĩa của từ bằng cách cung cấp tranh ảnh hoặc vật thật, gây hứng thú và khắc sâu tri thức cho các em. Cách làm này các em đã quen thuộc trong phân môn Học vần. Tuy nhiên, khi tiến hành phương pháp này, giáo viên cần lựa chọn hình ảnh phù hợp, không gây khó hiểu, tránh nhầm lẫn trong từ mà học sinh cần tìm.
Ví dụ, trong một giờ học Chính tả, giáo viên cần giải nghĩa cho học sinh từ “giá đỗ”, giáo viên cung cấp hình ảnh trên slide trình chiếu là một rổ tre đựng đầy giá đỗ, và yêu cầu học sinh tìm từ để chỉ vật có trong tranh. Thay vì tìm từ “giá đỗ”, học sinh đã tìm từ “rổ giá”, tuy nhiên, do học sinh nói phương ngữ Bắc Bộ nên giáo viên nghĩ rằng, em đó đã tìm từ “rổ rá” nên đã cho rằng học sinh tìm từ sai.
Tiếp theo, giáo viên cũng có thể dùng phương pháp trực quan trong bước Chấm, chữa bài. Khi chấm, chữa bài, giáo viên có thể thu một vài vở để chấm tại lớp, nếu nhận thấy trong bài có các lỗi chính tả mà nhiều em hay mắc, lỗi chính tả đặc trưng của phương ngữ hoặc học sinh đó đã mắc lỗi này nhiều lần, giáo viên có thể dùng máy chiếu vật thể để cả lớp quan sát, nhận xét lỗi sai, giáo viên dùng bút đỏ gạch chân lỗi, giải thích (hoặc yêu cầu học sinh giải thích) cách viết đúng.
Phương pháp này có ưu điểm là cung cấp kiến thức một cách đơn giản, dễ hiểu và gần gũi. Tuy nhiên, nó cũng có những hạn chế như: khi giải nghĩa từ, không phải từ nào cũng có hình ảnh và vật thật để giải nghĩa, đặc biệt là các tính từ, các hình ảnh trực quan có thể chưa thật sát với mục đích của người dạy, thêm vào đó, nếu liên tục sử dụng phương pháp này, hoc sinh sẽ
49
dần không chú ý vào bài học nữa. Nếu sử dụng, chúng tôi nghĩ rằng, nên kết hợp cùng với phương pháp so sánh để nội dung bài sâu hơn và đỡ nhàm chán.