7. Cơ cấu của luận văn:
1.2.2. Nguyên tắc thực hiện quyền hiến bộ phận cơ thể của cá nhâ n
1.2.2.1. Tự nguyện đối với người hiến, người được ghép.
Theo quy định tại điều 4 BLDS 2005 về “nguyên tắc tự do, tự nguyện cam kết, thỏa thuận”. Quyền tự do cam kết, thỏa thuận trong việc xác lập quyền, nghĩa vụ dân sự được pháp luật bảo đảm nếu cam kết, thỏa thuận đó không vi phạm điều cấm của pháp luật, không trái đạo đức xã hội.
Trong quan hệ dân sự, các bên hoàn toàn tự nguyện, không bên nào được áp đặt, cấm đoán, cưỡng ép, đe dọa, ngăn cản bên nào.
Cam kết, thỏa thuận hợp pháp có hiệu lực bắt buộc thực hiện đối với các bên và phải được cá nhân, pháp nhân, chủ thể khác tôn trọng.
Sự tự nguyện của cá nhân trong việc hiến hoặc nhận BPCT là nguyên tắc căn bản được BLDS quy định cụ thể, rõ ràng và chặt chẽ. Đó là nguyên tắc mang tính chỉ đạo và định hướng khi áp dụng pháp luật dân sự. Hiến BPCT là một hợp đồng dân sự được giao kết giữa một bên là người hiến và người được hiến hoặc người hiến giao kết hợp đồng với người thứ ba trong trường hợp người được hiến mất khả năng tư duy vào thời điểm được cấy, ghép các BPCT do người khác hiến thông qua các biện pháp y học hoặc người hiến với cơ quan nghiên cứu, giảng dạy về khoa học giải phẫu cơ thể người. Một trong
các nguyên tắc để giao kết hợp đồng dân sự quy định tại điều 390 BLDS là các bên tự nguyện và bình đẳng trong giao kết hợp đồng, nguyên tắc này đã thể hiện bản chất của quan hệ dân sự. Muốn xem xét chủ thể có tự nguyện trong giao kết hợp đồng hay không cần phải dựa vào sự thống nhất biện chứng giữa hai phạm trù ý chí và sự bày tỏ ý chí. Ý chí là mong muốn chủ quan bên trong của mỗi một chủ thể và được thể hiện ra bên ngoài dưới một hình thức nhất định. Do vậy, tự nguyện hiến và nhận BPCT của cá nhân phải thể hiện thông qua sự việc bày tỏ nguyện vọng hiến mô, BPCT của mình với cơ sở y tế và đăng ký hiến thông qua mẫu đơn hoặc có đơn tự nguyện xin ghép.
Hiến và nhận BPCT là vấn đề nhạy cảm, nó liên quan đến sức khỏe của các chủ thể, phong tục tập quán của người Á Đông và tính nhân đạo của con người Việt Nam, vì vậy, cần phải bảo đảm nguyên tắc tự nguyện trong việc hiến và nhận BPCT người trên cơ sở người hiến có sự nhận thức về ý nghĩa của việc cho các BPCT cũng như ý thức về sự rủi ro khi tiến hành cho và cấy ghép BPCT. Người hiến có quyền tự do quyết định hiến hay không hiến BPCT của mình, có thể có những trường hợp người hiến BPCT do bị ép buộc, dụ dỗ…do những người thân trong gia đình tạo áp lực cho họ, gây cho họ một sức ép về tâm lý, điều này là trái với quy định của pháp luật, trái với ý chí tự nguyện của người hiến.
Đối với người được ghép cũng phải có sự đồng ý của họ. Trong trường hợp nguy hiểm đến tính mạng, người được ghép không thể tự quyết định ghép hay không ghép BPCT thì những người thân thích của họ phải đồng ý cho họ được ghép trên cơ sở vì lợi ích của người được ghép, đảm bảo sự sống cho người được ghép.
Pháp luật của các nước khác trên thế giới cũng quy định việc hiến và nhận BPCT phải do sự tự nguyện của người hiến và người nhận. Đạo luật về lấy và ghép tạng của Bỉ đã quy định: “việc lấy tạng và mô từ một người cho sống chỉ được phép thực hiện trên một người cho đã đến 18 tuổi và người này trước đó đã ưng thuận. Sự ưng thuận cho việc lấy tạng hay mô trên một người sống phải là tự do thoải mái và có ý thức. Có thể hủy sự ưng thuận này bất cứ lúc nào. Sự ưng thuận này phải được diễn tả bằng chữ viết trước một người làm chứng đã thành niên, phải được ghi ngày, tháng và có chữ ký của người, những người có vai trò trong việc ưng thuận và của người làm chứng đã thành niên. Bằng chứng của sự ưng thuận phải được cung cấp cho người thầy thuốc sẽ thực hiện việc lấy tạng”.
Quy định về sự tự nguyện đối với người hiến và người nhận BPCT của Việt Nam là hoàn toàn phù hợp với thực tế và phù hợp với các quy định của các nước khác trên thế giới.