5. Nội dung, tình hình và phương pháp nghiên cứu
2.7.4. Biện pháp kiểm soát biên giới
Sử dụng biện pháp kiểm soát biên giới trong việc phát hiện và ngăn chặn hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ là việc làm cần thiết và quan trọng. Biện pháp này được quy định bởi các Công ước quốc tế về sở hữu trí
tuệ như Công ước Paris 1883, sửa đổi 1967; Hiệp định TRIPS. Nhằm đáp ứng các yêu cầu của các cam kết quốc tế cũng như đa dạng hóa các biện pháp bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, Luật Sở hữu trí tuệ 2005 cũng đã có quy định về biện pháp này. Theo quy định tại Điều 216 và Điều 217 Luật SHTT, cơ quan Hải quan có quyền áp dụng các biện pháp sau đây để kiểm soát hàng hóa xuất, nhập khẩu liên quan đến SHTT: Tạm dừng làm thủ tục hải quan đối với hàng hóa bị nghi ngờ xâm phạm SHTT; hoặc kiểm tra, giám sát để phát hiện hàng hóa có dấu hiệu xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ
Tạm dừng làm thủ tục hải quan đối với hàng hóa bị nghi ngờ xâm phạm quyền sở hữu là biện pháp được tiến hành theo yêu cầu của chủ thể quyền sở hữu trí tuệ nhằm thu thập thông tin, chứng cứ về lô hàng để chủ thể quyền sở hữu trí tuệ thực hiện quyền yêu cầu xử lý hành vi xâm phạm quyền và yêu cầu áp dụng các biện pháp khẩn cấp tạm thời hoặc các biện pháp ngăn chặn và bảo đảm xử phạt hành chính. Trong khi đó, kiểm tra giám sát để phát hiện hàng hóa có dấu hiệu xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ là biện pháp được tiến hành theo đề nghị của của chủ thể quyền sở hữu trí tuệ nhằm thu thập thông tin để thực hiện quyền yêu cầu áp dụng biện pháp tạm dừng làm thủ tục hải quan.
Với cơ chế kiểm soát biên giới, tất cả hàng hóa xuất nhập khẩu qua biên giới đều có thể bị kiểm tra, giám sát và nếu có dấu hiệu vi phạm quyền sở hữu trí tuệ thì có thể bị tạm dừng thủ tục hải quan và bị thu giữ. Trong trường hợp này, cơ quan Hải quan có quyền và có trách nhiệm áp dụng biện pháp hành chính để xử lý. Nếu trường hợp sau khi đã hoàn thành các thủ tục thông quan rồi mới phát hiện ra vi phạm, chủ thể quyền sở hữu trí tuệ có thể áp dụng các biện pháp khác để bảo vệ quyền lợi của mình.