Bộ máy kế toán: tổ chức gọn nhẹ nhưng vẫn đảm bảo cung cấp kịp thời những yêu cầu cơ bản về thông tin kế toán của công ty. Đội ngũ cán bộ kế toán có trình độ, năng lực, nhiệt tình, được bố trí hợp lý tạo điều kiện nâng cao trách nhiệm công việc được giao, đáp ứng yêu cầu căn bản về công tác hạch toán kinh doanh nói chung và hạch toán CPSX xây lắp nói riêng.
Chứng từ: Hệ thống chứng từ ban đầu được tổ chức tương đối tốt, đảm bảo tính hợp lý, hợp pháp, đầy đủ đúng theo quy định của Bộ Tài chính. Công tác kiểm tra tính đúng đắn, trung thực, hợp lệ của các chứng từ gốc được tiến hành khá cẩn thận, đảm bảo cho các số liệu kế toán có căn cứ pháp lý tránh được sự phản ánh sai lệch của các nghiệp vụ kinh tế phát sinh
Tài khoản sử dụng: Các Tài khoản sử dụng tương đối hợp lý và chi tiết cho từng công trình, hạng mục công trình trong quá trình sản xuất kinh doanh.
Phương pháp hạch toán: Theo Phương pháp kê khai thường xuyên phù hợp với đặc điểm sản xuất kinh doanh và yêu cầu cung cấp các thông tin thường xuyên, kịp thời cho công tác quản lý của công ty. Công ty tiến hành hạch toán chi phí đích danh theo công trình, chi tiết cho công trình tới mức tối đa, hầu như TK 627 đã chi tiết cho từng công trình giúp hạn chế việc phân bổ đảm bảo công tác quản trị tốt hơn.
Sổ kế toán: Hình thức sổ được áp dụng hiện nay ở Công ty là Nhật ký chung. Đây là hình thức ghi chép đơn giản, thuận tiện cho việc sử dụng máy vi tính và dễ dàng ghi chép tổng hợp. Đồng thời, việc ứng dụng máy vi tính vào công tác hạch toán đã tiết kiệm được đáng kể thời gian và công sức cho các nhân viên kế toán mà vẫn đảm bảo cung cấp đầy đủ thông tin kế toán tài chính, kế toán quản trị và kịp thời đưa ra các thông tin hữu dụng đối với yêu cầu quản lý chi phí sản xuất sản phẩm xây lắp
Công tác hạch toán chi phí sản xuất xây lắp:
- Công ty nhìn chung đã xác định đúng nội dung, cách tập hợp, phân loại chi phí sản xuất xây lắp theo đúng quy định của chế độ kế toán hiện hành. Từ đó đáp ứng yêu cầu quản lý chi phí sản xuất kinh doanh theo định mức, theo dự toán, tăng cường kiểm tra tình hình chi phí
- Kế toán công ty hạch toán chi phí sản xuất cho từng công trình, hạng mục công trình trong từng tháng, từng quý một cách rõ ràng, đơn giản phục vụ tốt yêu cầu quản lý và phân tích hoạt động kinh doanh của công ty. Mỗi công trình, hạng mục công trình đều có dự toán riêng. Theo đó công ty có thể đối chiếu kịp thời thực tế sản xuất thi công với dự toán để từ đó tìm ra nguyên nhân chênh lệch, rút ra bài học quản lý một cách nhanh nhất. Công tác kiểm kê khối lượng xây lắp dở dang của các công trình được thực hiện một cách khoa học, cung cấp số liệu chính xác, kịp thời cho công tác tính giá thành công trình
Về tổ chức quản lý lao động, quản lý vật tư:
- Công ty đã khéo léo áp dụng linh hoạt hình thức trả lương khoán sản phẩm kết hợp với hình thức trả lương theo thời gian, xây dựng quy chế thưởng phạt hợp lý nên đã khuyến khích được công nhân viên tích cực tăng năng suất lao động, tiết kiệm vật tư và hạ giá thành sản phẩm. Đối với vật liệu mua ngoài Công ty luôn cố gắng tìm kiếm các nhà cung cấp mới nhằm không chỉ cung cấp đủ kịp thời mà còn đảm bảo chất lượng tốt và giá thành thấp hơn.
- Công ty tổ chức theo hình thức quản lý tập trung đảm bảo cho công việc mang tính thống nhất, giám sát được chặt chẽ. Điều này có tác động tích cực tới công tác hạch toán chi phí sản xuất tại đơn vị.
Về máy móc thi công: Công ty luôn cố gắng đầu tư máy móc thiết bị, công nghệ mới. Công ty tổ chức điều động máy thi công công cho từng công trình. Sau khi công trình hoàn thành được chuyển về kho để dưỡng máy và tiếp tục điều động cho công trình khác. Bên cạnh đó đối với những công trình mà chi phí vận chuyển quá lớn thì tiến hành thuê ngoài để giảm chi phí vận chuyển và kịp tiến độ thi công.
Nhìn chung công tác kế toán chi phí sản xuất xây lắp trong đơn vị đã đáp ứng được yêu cầu quản lý đặt ra về thời gian và tính chính xác cho yêu cầu quản lý. Phương pháp hạch toán chi phí và ghi sổ kế toán nhìn chung đã bám sát với chuẩn mực kế toán theo quyết định 15, ban hành theo quyết định số 15/2006- QĐ/BTC ngày 20/03/2006 của Bộ Trưởng Bộ Tài chính.