Khái niệm doanh nghiệp và vai trò của doanh nghiệp Nhà nước đối với sự

Một phần của tài liệu Nhân tố chủ quan và nhân tố khách quan trong hoạt động của doanh nghiệp ở nước ta hiện nay (Trang 31)

đối với sự phát triển nền kinh tế quốc dân

Trong bất cứ một quốc gia nào, doanh nghiệp đóng một vai trò rất to lớn đối với nền kinh tế quốc dân. Doanh nghiệp được coi là một tế bào của một cơ thể sống cấu thành nên một nền kinh tế, là một tổ chức sản xuất ra hàng hóa và dịch vụ, thu hút mọi nguồn lực chủ yếu của xã hội để sản xuất, trao đổi hàng hóa, dịch vụ trên thị trường nhằm góp phần tạo nên thu nhập chính của nền kinh tế quốc dân. Bên cạnh đó, tất cả các đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, các cấp quản lý cũng góp phần ảnh hưởng không nhỏ đối với toàn bộ hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển, kinh doanh có hiệu quả góp phần thúc đẩy sự phát triển đi lên của đất nước phục vụ đắc lực công cuộc công nghiệp hóa, hiện điện hóa.

Luật Doanh nghiệp do Quốc hội nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam (khóa X) thông qua ngày 12/6/1999 đã định nghĩa doanh nghiệp như sau:

Doanh nghiệp là tổ chức kinh tế có tên riêng, có tài sản, có trụ sở giao dịch ổn định, được đăng ký kinh doanh theo quy định của pháp luật nhằm mục đích thực hiện các hoạt động kinh doanh.

Trong đó, kinh doanh là việc thực hiện một, một số hoặc tất cả các công đoạn của quá trình đầu tư, từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm hoặc cung ứng dịch vụ trên thị trường nhằm mục đích sinh lợi”. 1, tr.7,8

Như vậy, theo định nghĩa trên, doanh nghiệp bao gồm những đặc trưng cơ bản như sau:

Thứ nhất, doanh nghiệp phải là một tổ chức kinh tế trong đó có tập hợp những người lao động và những thành viên tham gia. Do vậy, tác động hướng đích tới doanh nghiệp là tác động tới nhân tố con người. Chúng ta coi nhân tố con người và các mối quan hệ giữa người với người giữ vị trí trung tâm trong cơ cấu tổ chức quản lý của doanh nghiệp.

Thứ hai, doanh nghiệp là một tổ chức sống, là một chủ thể hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng hóa và dịch vụ nhằm đáp ứng mọi nhu cầu đa dạng của thị trường. Bên cạnh đó, nó phải có tên riêng, có tài sản, có trụ sở giao dịch ổn định, được đăng ký kinh doanh theo quy định của pháp luật.

Thứ ba, doanh nghiệp là một đơn vị kinh doanh và mục đích hoạt động của doanh nghiệp là tìm kiếm lợi nhuận (doanh nghiệp sản xuất kinh doanh), hoặc hoạt động phục vụ cho các nhu cầu xã hội (doanh nghiệp công ích).

Hoạt động doanh nghiệp trong nền kinh tế thị trường - giai đoạn phát triển cao của nền kinh tế hàng hóa, có một số đặc điểm cơ bản sau:

- Doanh nghiệp có chức năng kinh doanh, bao gồm các công đoạn từ sản xuất, cung ứng, trao đổi, hợp tác và tiêu thụ nhằm mục đích sinh lợi.

- Mục đích và mục tiêu của doanh nghiệp là đạt được lợi nhuận tối đa để duy trì sự tồn tại và phát triển của doanh nghiệp.

- Doanh nghiệp phải tìm mọi cách để thỏa mãn cao nhất nhu cầu và lợi ích của người tiêu dùng, thông qua đó để thu lợi nhuận về cho mình.

- Mọi hoạt động của doanh nghiệp đều phải chịu sự chi phối, tác động, ảnh hưởng của môi trường kinh tế - xã hội. Điều này có nghĩa Nhà nước phải tạo mọi điều kiện thuận lợi cho hoạt động của doanh nghiệp và phải làm sao cho môi trường đó ổn định để doanh nghiệp tồn tại và phát triển. Cụ thể là phải có đường lối, chủ trương, chính sách ưu đãi phát triển doanh nghiệp (chính sách bảo hộ mậu dịch, chính sách khuyến khích đầu tư, chính sách tiền tệ, ưu đãi về thuế suất…) phù hợp, nhất quán; hệ thống luật pháp có tính hiệu lực cao và nhất quán.

- Doanh nghiệp chỉ tiến hành hoạt động sản xuất, kinh doanh những cái mà thị trường cần và luật pháp không cấm, chứ không sản xuất, kinh doanh những cái mà thị trường không cần hoặc bị pháp luật cấm.

Như vậy, có thể nhận xét được rằng, sự tồn tại và phát triển của doanh nghiệp trong nền kinh tế thị trường là một nhân tố quan trọng, thúc đẩy sự vận động phát triển của tòan bộ nền kinh tế. Tuy nhiên, trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa có sự quản lý, điều tiết vĩ mô của Nhà nước ở nước ta hiện nay, doanh nghiệp là một tổ chức kinh tế độc lập được thành lập để tiến hành các hoạt động kinh doanh với mục đích sinh lợi. Do đó, doanh nghiệp cần phải hội tụ hai điều kiện cần và đủ sau:

- Một là, các doanh nghiệp phải được thành lập, hoạt động theo đúng luật định (tuân thủ mọi điều khoản đã được quy định trong luật Doanh nghiệp đã được thông qua).

- Hai là, các doanh nghiệp phải trực tiếp tiến hành một số hoặc toàn bộ công đọan của quá trình đầu tư, từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm hoặc thực hiện dịch vụ trên thị trường nhằm mục đích sinh lợi.

Để điều chỉnh thị trường và đẩy nhanh phát triển kinh tế, nhà nước buộc phải can thiệp vào nền kinh tế. Hơn nữa, doanh nghiệp Nhà nước là một trong những công cụ quan trọng nhất để nhà nước đạt tới mục tiêu của mình. Lịch sử phát triển của các nền kinh tế trên thế giới cho thấy, doanh nghiệp Nhà nước luôn giữ vai trò quan trọng và tầm quan trọng của nó được quy định bởi yêu cầu giải quyết các mục tiêu xã hội và yêu cầu điều tiết kinh tế vĩ mô trong nền kinh tế thị trường. Vì vậy, mặc dù có lúc, có nơi, hoạt động của doanh nghiệp có thể kém hiệu quả hơn so với các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế khác, đặc biệt là doanh nghiệp tư nhân, song, người ta vẫn không thể xoá bỏ chúng một cách dễ dàng. Ngược lại, phải tìm cách để có thể nâng cao được hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp Nhà nước và thông qua đó, điều phối toàn bộ hoạt động của nền kinh tế quốc dân.

Nước ta là một quốc gia đang phát triển, vì đi sau, muốn tiến nhanh, bắt kịp các nước phát triển trên thế giới và khu vực nên Đảng và Nhà nước phải dựa nhiều hơn vào các doanh nghiệp Nhà nước, xem chúng như là những công cụ chủ yếu để phát triển kinh tế. Do vậy, phạm vi hoạt động của các doanh nghiệp Nhà nước là rất rộng, không chỉ dừng lại các lĩnh vực công cộng, lĩnh vực độc quyền tự nhiên mà còn tham gia vào các hoạt động kinh doanh trong những ngành được coi là mũi nhọn, then chốt của nền kinh tế để duy trì lợi thế cạnh tranh trên thị trường quốc tế.

Trong xu hướng toàn cầu hoá, hội nhập giữa các nền kinh tế trên thế giới, chúng ta ý thức được rõ ràng những thách thức đặt ra đối với đất nước, cũng như những cơ hội thuận lợi để có thể tranh thủ đẩy nhanh quá trình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước trong sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội. Trong thập niên vừa qua, đất nước ta đã đạt được những bước khởi đầu, phát huy lợi thế trong quá trình chuyển đổi sang cơ chế thị trường và chủ động hội nhập với nền kinh tế thế giới, trong đó chúng ta không thể không nói đến vai trò đóng góp của các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp Nhà nước đối với công cuộc đổi mới kinh tế đất nước.

Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX của Đảng Cộng sản Việt Nam đã khẳng định: Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở nước ta có nhiều hình thức sở hữu, nhiều thành phần kinh tế, trong đó kinh tế Nhà nước giữ vai trò chủ đạo. Kinh tế Nhà nước là lực lượng vật chất quan trọng và là công cụ để Nhà nước định hướng và điều tiết vĩ mô nền kinh tế. Doanh nghiệp Nhà nước giữ một vai trò then chốt trong nền kinh tế, đi đầu trong việc ứng dụng tiến bộ khoa học - công nghệ, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả kinh tế - xã hội. Trong thế kỷ XXI, doanh nghiệp Nhà nước phải tiếp tục củng cố và đổi mới mạnh mẽ nhiều hơn nữa để xứng đáng với vai trò chủ đạo trong nền kinh tế quốc dân, bên cạnh các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế khác. Đặc biệt, tháng 7/2000, Việt Nam đã ký kết Hiệp định thương mại Việt - Mỹ và tháng 12/2001, Hiệp định này đã bắt đầu có hiệu lực. Hiện nay, Việt Nam đang tích cực chuẩn bị gia nhập Tổ chức thương mại quốc tế ( WTO ). Đây thực sự là một cơ hội lớn, đồng thời là

thách thức không nhỏ đối với các doanh nghiệp Nhà nước trong cuộc cạnh tranh trên trường quốc tế. Do vậy, đổi mới hoạt động doanh nghiệp Nhà nước là con đường có tính tất yếu, phù hơp với quy luật kinh tế khách quan và có ý nghĩa quyết định đối với sự nghiệp đổi mới kinh tế ở nước ta hiện nay.

Trên đây, chúng tôi đã phân tích khái quát lý luận chung về cặp khái niệm nhân tố khách quan và nhân tố chủ quan, cũng như khái niệm doanh nghiệp và vai trò của doanh nghiệp Nhà nước đối với sự phát triển nền kinh tế nói chung. Vận dụng lý luận chung đó vào xem xét một lĩnh vực cụ thể, đó là hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp ở nước ta hiện nay, trong điều kiện nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa là một vấn đề mới mẻ trên cả phương diện lý luận và thực tiễn. Vậy thì, nhân tố chủ quan và nhân tố khách quan trong hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp là các nhân tố nào? Và chúng có vai trò ra sao? Để đi tới sự đánh giá đầy đủ về nhân tố chủ quan và nhân tố khách quan trong hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp, chúng ta cần phải xem xét từ nhiều góc độ khác nhau: từ xu thế toàn cầu hoá, xu thế hội nhập kinh tế quốc tế, từ đặc điểm của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, từ giá trị truyền thống của con người Việt Nam…

Mặt khác, khi xác định một nhân tố, một thực trạng, một vấn đề nào đó là nhân tố khách quan hay nhân tố chủ quan, yêu cầu có tính nguyên tắc là phải xem xét chúng trong hoàn cảnh lịch sử cụ thể và trong mối quan hệ nhất định. Vận dụng nguyên tắc ấy vào xem xét hoạt động nói chung của doanh nghiệp trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở nước ta hiện nay, chúng tôi giới hạn việc nghiên cứu vấn đề nhân tố chủ quan của chủ thể doanh nghiệp trong phạm vi một số yếu tố như: trình độ vận dụng tri thức khoa học - công nghệ, trình độ quản lý, các cơ chế, phương thức tổ chức hoạt động của doanh nghiệp, cơ sở vật chất - kỹ thuật, vốn của doanh nghiệp; cùng với những trạng thái tâm lý ý chí, tình cảm của chủ thể doanh nghiệp… Các nhân tố khách quan trong hoạt động của doanh nghiệp bao gồm: môi trường kinh doanh; đường lối, chủ trương, chính sách phát triển kinh tế của Đảng và Nhà nước.

Một phần của tài liệu Nhân tố chủ quan và nhân tố khách quan trong hoạt động của doanh nghiệp ở nước ta hiện nay (Trang 31)