Nhóm giải pháp nhằm phát huy nhân tố khách quan

Một phần của tài liệu Nhân tố chủ quan và nhân tố khách quan trong hoạt động của doanh nghiệp ở nước ta hiện nay (Trang 70)

- Đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng, nâng cao hiệu quả quản lý của Nhà nước nhằm phát huy nhân tố khách quan đối với hoạt động của các doanh nghiệp Nhà nước

Trong thời kỳ bao cấp, Nhà nước được xem như là một cơ quan duy nhất chỉ đạo và can thiệp trực tiếp của mọi hoạt động trong nền kinh tế. Khi đó, Nhà nước không những chưa làm đầy đủ trọng trách vai trò quản lý nhà nước, mà còn làm thay vai trò, chức năng của các chủ thể kinh tế ( doanh nghiệp ) trực tiếp sản xuất kinh doanh; từ đó làm hạn chế tính tự chủ, sự năng động và sáng tạo của hoạt động doanh nghiệp.

Tại Đại hội VI ( 12/1986 ), Đảng Cộng sản Việt Nam đã đề ra đường lối đổi mới đất nước toàn diện, chuyển nền kinh tế hoạt động theo cơ chế kế hoạch hóa tập trung sang nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Từ Đại hội này, Đảng và Nhà nước đã tiến hành công cuộc cải cách doanh nghiệp Nhà nước, khuyến khích động cơ tìm kiếm lợi nhuận của các doanh nghiệp, sắp xếp lại hệ thống doanh nghiệp và thay đổi các hình thức tổ chức quản lý doanh nghiệp. Quá trình đổi mới cơ chế quản lý doanh nghiệp Nhà nước được bắt đầu từ việc mở rộng quyền tự chủ cho các doanh nghiệp Nhà nước. Đây được coi là khâu mấu chốt để phá vỡ cơ chế tập trung quan liêu, bao cấp trước đây, nâng cao quyền tự chủ cho các doanh nghiệp nhằm phát huy nhân tố chủ quan trong doanh nghiệp.

Như vậy, trong nền kinh tế thị trường, Nhà nước không can thiệp quá sâu vào các hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, mà chủ yếu thực hiện chức năng điều tiết kinh tế vĩ mô, tác động đến các doanh nghiệp một cách gián tiếp thông qua hệ thống chính sách và công cụ quản lý kinh tế vĩ mô của mình. Thực tế đã chứng minh rằng, Nhà nước sẽ có tác dụng thúc đẩy các doanh nghiệp hoạt động và phát triển tốt, nếu có sự tác động đúng đắn, hợp quy luật. Ngược lại, có thể kìm

hãm, thậm chí đẩy lùi sự phát triển của các doanh nghiệp nếu các tác động đó là sai lầm, không hợp lý và trái với quy luật.

Trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở nước ta hiện nay thì “ kinh tế Nhà nước phát huy vai trò chủ đạo, là lực lượng vật chất quan trọng và là công cụ để Nhà nước định hướng và điều tiết vĩ mô nền kinh tế “ 15, tr.30. Thật vậy, sự lãnh đạo của Đảng và hiệu lực quản lý của Nhà nước có vai trò hết sức quan trọng trong việc hướng dẫn, điều chỉnh nền kinh tế nói chung và các hoạt động của doanh nghiệp nói riêng đi đúng hướng, tránh được nguy cơ chệch hướng xã hội chủ nghĩa. Để thực hiện yêu cầu đó, vai trò lãnh đạo của Đảng và hiệu lực quản lý của Nhà nước phải được cụ thể hóa bằng các đường lối chiến lược, chủ trương chính sách và các công cụ quản lý kinh tế vĩ mô của mình.

Một là, Đảng đề ra cương lĩnh, đường lối, quan điểm chiến lược và sách lược phát triển kinh tế, dựa trên căn cứ khoa học phù hợp với thực tiễn của đất nước và yêu cầu của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Trên cơ sở đó, Nhà nước sẽ sử dụng các công cụ hành chính, luật pháp và các chính sách kinh tế để hướng dẫn các doanh nghiệp phát triển theo kế hoạch chung, đảm bảo sự phát triển ổn định và tính hiệu quả của nền kinh tế; gắn việc xây dựng và thực hiện kế hoạch với các chính sách đòn bẩy, với việc hướng dẫn thông tin kinh tế và khoa học - công nghệ. Để đảm bảo tính định hướng đúng trong phát triển kinh tế, hệ thống kế hoạch phải được hoạch định trên cơ sở tôn trọng các nguyên tắc sau:

+ Kế hoạch phải tôn trọng các quy luật của thị trường.

+ Kế hoạch phải là cơ sở để các doanh nghiệp dự đoán được các xu hướng biến đổi của thị trường và cung cấp đầy đủ các thông tin để giúp các doanh nghiệp lựa chọn các cơ hội kinh doanh được thuận lợi nhất.

Hai là, Nhà nước thực sự phải tạo môi trường kinh doanh - tức các điều kiện khách quan thuận lợi nhằm đảm bảo sự phát triển bình đẳng, cạnh tranh lành mạnh giữa các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế. Một môi trường kinh doanh được đánh giá là thuận lợi phải hội tụ những điều kiện sau:

+ Môi trường kinh doanh phải là một nền kinh tế thị trường ổn định (có sự tăng trưởng kinh tế hàng năm cao và ổn định, tỷ lệ lạm phát và thất nghiệp thấp, cân đối thu chi ngân sách và duy trì cán cân thương mại…). Một nền kinh tế ổn định là điều kiện cần thiết để thúc đẩy sự phát triển các doanh nghiệp đầu tư và mở rộng sản xuất.

+ Môi trường đó phải được đảm bảo nhờ một hệ thống pháp luật ổn định, phù hợp với một thể chế hành chính lành mạnh. Có như vậy, mới đảm bảo sự bình đẳng cho mọi doanh nghiệp trong nền kinh tế nhiều thành phần. Các chủ thể kinh doanh (doanh nghiệp) và chính Nhà nước cũng phải có trách nhiệm tuân thủ, thực hiện nghiêm túc.

+ Môi trường đó phải có hệ thống chính sách được áp dụng bình đẳng đối với doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế khác nhau.

+ Môi trường đó có cơ chế thị trường vận hành tốt. Trong môi trường như vậy, các nguồn lực phát triển xã hội mới có thể được di chuyển từ lĩnh vực có hiệu quả thấp đến lĩnh vực có hiệu quả cao. Một nền kinh tế thị trường muốn vận hành tốt phải là nền kinh tế hoạt động theo nguyên tắc: hệ thống giá cả phải được xác định theo quy luật cung - cầu trên thị trường; thị trường phải có tính cạnh tranh; hệ thống thị trường các yếu tố phải đồng bộ (thị trường hàng hóa và dịch vụ, lao động, vốn, bất động sản…).

Ba là, kiểm tra, kiểm soát các hành vi vi phạm pháp luật và làm trọng tài đảm bảo sự công bằng trong các quan hệ kinh tế. Đây là vai trò quan trọng của Nhà nước trong mọi nền kinh tế, nhằm duy trì các luật chơi, làm trọng tài giải quyết các tranh chấp về kinh tế để đảm bảo mọi hoạt động của doanh nghiệp đều bình đẳng trước pháp luật. Mặt khác, một nền kinh tế mạnh đòi hỏi phải có một Nhà nước mạnh, một Nhà nước mạnh phải có các doanh nghiệp mạnh. Nếu doanh nghiệp hoạt động có hiệu quả thì nền kinh tế phát triển, tăng trưởng và ổn định và do đó, địa vị, vai trò của Đảng, Nhà nước càng được củng cố vững vàng hơn.

Bốn là, Đảng và Nhà nước ta phải tiếp tục đẩy mạnh quá trình cổ phần hóa và trao quyền tự chủ cho các doanh nghiệp, đặc biệt là khu vực doanh nghiệp Nhà nước nhằm phát huy nhân tố chủ quan.

Nhưng khó khăn lớn nhất vẫn là tư tưởng và nhận thức của một bộ phận cán bộ, đảng viên và người lao động. Tâm lý hoài nghi, lo lắng còn khá phổ biến trong cán bộ, công nhân viên. Một bộ phận cán bộ lãnh đạo doanh nghiệp Nhà nước, các cấp chủ quản còn chần chừ, do dự, sợ mất quyền, mất lợi ở loại hình doanh nghiệp mới này. Đối với người lao động, tâm lý phổ biến là lo thiếu việc làm sau cổ phần hóa. Ở nhiều nơi, nỗi lo này trở thành gánh nặng cho cả doanh nghiệp lẫn người lao động. Một số lãnh đạo doanh nghiệp vẫn còn phân vân, nửa muốn cổ phần hóa, nửa lại chần chừ, “không muốn tiên phong đi trước mà muốn đi ở giữa”. Đối với cán bộ lãnh đạo và công chức các cơ quan chủ quản, không ít người sợ bị mất “quyền” sau khi cổ phần hóa doanh nghiệp. Trong khi các chế tài về quyền lợi, trách nhiệm của các bên chưa thật rõ ràng, nhất là giữa lợi ích chung và riêng. Đối với cán bộ hoạch định chính sách thì lo làm sao “ Cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước không biến thành tư nhân hóa doanh nghiệp Nhà nước ” 48, tr.25. Đối với đảng viên trong doanh nghiệp thì sự thăng trầm, may rủi của doanh nghiệp trong nền kinh tế thị trường dẫn đến biến động tổ chức cơ sở Đảng, đến vai trò, quyền lợi của đảng viên.

Từ những chủ trương trên, nhiệm vụ đặt ra trong thời gian sắp tới là rất nặng nề thể hiện ở chỗ từ nay đến hết năm 2005, còn cần sắp xếp hơn 2000 doanh nghiệp Nhà nước, trong đó cổ phần hóa hơn 1400 doanh nghiệp. Đây là con số không nhỏ, chưa nói những doanh nghiệp có nhiều thuận lợi đã được làm trước. Nếu rà soát bổ sung thêm nhiệm vụ theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 9, khóa IX thì số lượng còn tăng lên rất nhiều và tính phức tạp do đó cũng sẽ tăng lên. Bởi vậy, để thực hiện được chủ trương đẩy nhanh tiến độ cổ phần hóa như tinh thần Nghị quyết Trung ương 9, khóa IX đã nêu ở trên cùng với những thực trạng khó khăn và thuận lợi của quá trình cổ phần hoá khối doanh nghiệp Nhà nước, chúng

ta có thể đưa ra một số giải pháp cụ thể nhằm đẩy mạnh cổ phần hóa và trao quyền tự chủ cho các doanh nghiệp đó nhằm phát huy nhân tố chủ quan như sau:

Thứ nhất, gắn việc triển khai quán triệt Nghị quyết Trung ương 9 với quán triệt, học tập để hiểu đúng quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ của Nghị quyết Trung ương 3, khóa IX về tiếp tục sắp xếp, đổi mới, phát triển, nâng cao hiệu quả doanh nghiệp Nhà nước, tạo ra sự nhất trí cao về nhận thức, quan điểm trong các ngành, các cấp doanh nghiệp. Cần làm cho mọi người hiểu rõ rằng, Đảng ta không những đang tiếp tục quá trình cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước, mà còn chuyển các hoạt động của doanh nghiệp sang giai đoạn nâng cao về chất.

Thứ hai, tạo đủ khung pháp lý để đẩy mạnh sắp xếp những doanh nghiệp mà Nhà nước không cần nắm giữ 100% vốn và nâng cao tính tự chủ chịu trách nhiệm và hiệu quả sản xuất kinh doanh theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 9 và Luật Doanh nghiệp Nhà nước sửa đổi (có hiệu lực từ 1/7/2004).

Thứ ba, tiếp tục lựa chọn một số tổng công ty doanh nghiệp Nhà nước lớn trong các lĩnh vực Nhà nước không cần giữ 100% vốn để thí điểm cổ phần hóa.

Thứ tư, đổi mới cách xác định giá trị doanh nghiệp gắn với đổi mới phương thức bán cổ phiếu đối với doanh nghiệp cổ phần hóa, đồng thời các chính sách của người lao động phải được giải quyết thỏa đáng theo nguyên tắc đảm bảo lợi ích vật chất và tái tạo việc làm và các nghĩa vụ xã hội khác.

Thứ năm, quá trình sắp xếp lại doanh nghiệp Nhà nước phải gắn với cải cách hành chính, làm cho hai quá trình này hỗ trợ gắn kết với nhau, tạo ra sự đồng bộ chung. Trước mắt, giảm thiểu tối đa những thủ tục hành chính rườm rà gây phiền hà cho doanh nghiệp. Để làm được như vậy, cần phân cấp mạnh hơn và giao trách nhiệm cụ thể cho Bộ trưởng, Chủ tịch ủy ban nhân dân, Hội đồng quản trị công ty…

Thứ sáu, rà soát, hoàn chỉnh các chính sách tạo môi trường kinh doanh lành mạnh cho các doanh nghiệp Nhà nước hoạt động tốt hơn sau khi cổ phần hoá.

- Không ngừng đẩy mạnh, nâng cao việc hoàn thiện môi trường kinh doanh thuận lợi đối với hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp Nhà nước

Hiện nay, việc hoàn thiện môi trường kinh doanh thuận cho các doanh nghiệp Nhà nước hoạt động có hiệu quả là vấn đề hết sức quan trọng và cấp bách nhằm phát triển nhân tố khách quan. Để làm được việc này, chúng ta có thể đề xuất một số giải pháp cụ thể sau:

Một là, đảm bảo đối xử bình đẳng giữa các doanh nghiệp Nhà nước với các doanh nghiệp thuộc thành phần kinh tế khác. Điều này có nghĩa, phải tạo ra sức cạnh tranh, thúc ép buộc các doanh nghiệp Nhà nước phải tự hoàn thiện mình vươn lên, nâng cao khả năng cạnh tranh để đứng vững trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, không quá phụ thuộc, trông chờ, ỷ lại vào sự bảo hộ của Nhà nước.

Hai là, phải kết hợp chặt chẽ giữa việc khuyến khích tự do cạnh tranh với sự quản lý chặt chẽ của Nhà nước, theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Điều này thể hiện vai trò định hướng của Nhà nước. Ngoài việc hướng dẫn , tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho hoạt động doanh nghiệp có hiệu quả, kiểm tra, cung cấp thông tin thị trường, Nhà nước còn có chức năng điều tiết và bảo hộ các hoạt động của doanh nghiệp. Mặt khác, bằng các công cụ điều tiết kinh tế vĩ mô, công cụ quản lý các doanh nghiệp, vai trò của Nhà nước ở đây là tạo điều kiện thuận lợi và động lực để thúc đẩy các doanh nghiệp phát triển, khuyến khích các doanh nghiệp thể hiện vai trò chủ đạo của mình bằng chính khả năng cạnh tranh của mình, chứ không phải bảo hộ, thủ tiêu tính cạnh tranh. Môi trường kinh doanh vừa mang tính, khách quan, vừa là sản phẩm chủ quan của con người. Nó điều tiết, chi phối mọi hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp trong nền kinh tế. Vì vậy, môi trường kinh doanh mà chúng ta phát triển, phải là môi trường kinh doanh dựa trên cơ sở của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Do đó, một mặt Nhà nước phải tạo điều kiện cho các loại hình doanh nghiệp phát triển và đa dạng hình thức sở hưũ, mặt khác phải từng bước tiến hành đổi mới các doanh nghiệp Nhà nước nhằm đảm bảo vai trò chủ đạo của chúng, trở thành động lực phát triển của toàn bộ nền kinh tế quốc dân.

Ba là, phải phát triển đồng bộ các yếu tố của môi trường kinh doanh, trong đó hoàn thiện hệ thống luật pháp, chính sách; hoàn thiện thể chế, cải cách thủ tục hành chính. Đây được coi là khâu đột phá hết sức quan trọng để doanh nghiệp có thể thích ứng, phù hợp với xu thế hội nhập và toàn cầu hoá hiện nay. Hệ thống chính sách, luật pháp do Nhà nước quy định và tác động mạnh mẽ tới môi trường kinh doanh của các doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp nhà nước nói riêng. Nó là hình thức pháp lý để đưa đường lối, chính sách phát triển kinh tế của Đảng và Nhà nước vào cuộc sống. Luật và các chính sách là yếu tố pháp lý cơ bản của môi trường kinh doanh, nó hình thành một khung pháp lý cho các doanh nghiệp hoạt động. Hệ thống luật pháp và chính sách có sự ảnh hưởng lớn đối với hoạt động của các doanh nghiệp, đồng thời cũng là yếu tố quan trọng để đảm bảo môi trường kinh doanh thuận lợi. Hoàn thiện thể chế, đẩy mạnh cải cách hành chính là một trong những chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước ta đối với việc đổi mới hoạt động doanh nghiệp nhà nước hiện nay. Thủ tục hành chính nghiêm, nhưng đơn giản, thuận tiện sẽ thúc đẩy các doanh nghiệp phát triển và làm ăn có hiệu quả giảm bớt những khâu phiền hà, “nhiều cửa” gây khó khăn cho doanh nghiệp. Muốn vậy, phải xây dựng một bộ máy hành chính nhà nước lành mạnh, có hiệu quả theo hướng giảm biên chế, phải xác định rõ quyền hạn, chức năng, nhiệm vụ của mỗi cơ quan hành chính. Đồng thời, Nhà nước phải xây dựng đội ngũ cán bộ,công chức trong sạch, vững mạnh, có trình độ chuyên môn cao, có ý thức trách nhiệm trong công việc. Muốn vậy, Nhà nước cần có những chính sách đãi ngộ thoả đáng tương xứng với công lao và kết quả lao động của từng công chức.

(adsbygoogle = window.adsbygoogle || []).push({});

Một phần của tài liệu Nhân tố chủ quan và nhân tố khách quan trong hoạt động của doanh nghiệp ở nước ta hiện nay (Trang 70)