2.5.2.1. Nghiên cứu trong nước
Trong khuôn khổ của đề tài cấp Bộ “Nghiên cứu các nhân tố ảnh hưởng đến năng suất sinh sản và các giải pháp khắc phục trong chăn nuôi lợn ngoại nuôi theo phương thức công nghiệp và bán công nghiệp”, để giảm thiểu tác động của nhiệt độ, độ ẩm đến chất lượng tinh dịch, tác giả Trịnh Văn Thân và cs. (2010) đã so sánh một số giải pháp sau :
24
Giải pháp 1: Phun mưa trên mái + Bạt che + Làm trần.
Giải pháp 2: Phun nước trên mái + Bạt che +Làm trần + Quạt gió.
Giải pháp 3: Phun nước trên mái + Bạt che +Làm trần + Hệ thống quạt phun sương trong chuồng.
Kết quả thu được vào mùa hè: về nhiệt độ ở giải pháp 1, 2, 3 lần lượt là 30,5oC;
29,3oC; 28,2oC. Như vậy trong ba giải pháp nhằm khắc phục ảnh hưởng của nhiệt độ
không khí đến nhiệt độ chuồng nuôi, giải pháp 3 là giải pháp tốt nhất,thứ hai là giải pháp 2. Trong khi đó độ ẩm chuồng nuôi giữa các giải pháp chênh lệch nhau chỉ từ 1- 2%. Về chỉ tiêu chất lượng tinh dịch lợn thì giải pháp 2 cho kết quả cao nhất về một số chỉ tiêu như V, A, C, VAC, tỷ lệ kỳ hình.
Ở nước ta đã có nhiều công trình nghiên cứu về ảnh hưởng của stress nhiệt đối với lợn. Tuy nhiên, việc nghiên cứu các giải pháp nhằm giảm thiểu tác động bất lợi của chúng cho tới nay còn ít tài liệu công bố.
2.5.2.2. Nghiên cứu ngoài nước
Trang bị hệ thống làm mát trong chuồng nuôi lợn sẽ mang lại lợi ích trong việc giảm stress nhiệt cho chúng khi vào mùa khí hậu nóng. Theo Kunavongkrit và Heard (2000), những người chăn nuôi lợn tại khu vực Đông Nam Á đã thử nghiệm một số biện pháp giảm tác động bất lợi của nhiệt độ lên cơ thể lợn như: điều hòa không khí và làm mát bằng phương pháp bay hơi nước đối với chuồng nuôi lợn đực giống; lắp đặt hệ thống phun nước hoặc phun sương trong chuồng nuôi lợn nái. Tất cả những biện pháp đó có thể giúp giảm thiểu tác động bất lợi nhưng lại gây ra một số rắc rối liên quan tới độ ẩm cao. Theo Lucas và cs. (2000) độ ẩm cao làm chậm quá trình sinh trưởng của lợn. Do đó hệ thống làm mát nên tránh việc làm tăng độ ẩm không khí chuồng nuôi.
Tại các trang trại chăn nuôi lợn ở Đài Loan và những nước thuộc khu vực Nam Á, biện pháp thường sử dụng để giảm thiểu tác động bất lợi của nhiệt độ và độ ẩm môi trường lên cơ thể lợn đực là sử dụng quạt và/hoặc phun nước tuy nhiên biện pháp này không làm hoặc tăng chút ít năng suất sinh sản của lợn đực (Chiang và Hsia, 2004). So sánh ảnh hưởng của kiểu chuồng hở, làm mát bằng phun nước với kiểu chuồng kín, làm mát bằng quạt gió và phun nước đến năng suất và chất lượng tinh trùng, Suriyasomboon (2005) cho biết không có sự sai khác ý nghĩa về năng suất và tỷ lệ kỳ
25
hình của tinh trùng của lợn được nuôi trong 2 kiểu chuồng trên. Nghiên cứu làm giảm stress nhiệt cho lợn đực giống bằng phương pháp tạo bóng mát, phương pháp tạo bóng mát kết hợp với phun nước và phương pháp nuôi nhốt lợn trong phòng có điều hòa không khí đến tỷ lệ thụ thai cho lợn nái, Wettermann và cs. (1976) cho biết tỷ lệ mang thai lần lượt là 44,1%; 63,9% và 67,8%.
Như vậy, có thể nói đã có những cơ sở dữ liệu về mức độ ảnh hưởng của nhiệt độ, độ ẩm cao tới sinh lý, chất lượng tinh dịch của lợn và các giải pháp khắc phục. Tuy nhiên, đa số những dữ liệu trên đây chủ yếu được tham khảo từ những kết quả nghiên cứu của nước ngoài dựa trên điều kiện chăn nuôi của họ. Đồng thời mới có rất ít những công bố liên quan tới đối tượng lợn đực giống. Chính vì thế chúng ta chưa biết được mức độ chính xác ảnh hưởng của nhiệt độ, độ ẩm cao tới lợn đực giống nuôi tại Việt Nam như thế nào cũng như giải pháp khắc phục có hiệu quả phù hợp trong điều kiện chăn nuôi ở Việt Nam nói chung và tỉnh Vĩnh Phúc nói riêng.
26
CHƯƠNG III. ẢNH HƯỞNG CỦA NHIỆT ĐỘ, ĐỘ ẨM, CHỈ SỐ NHIỆT ẨM ĐẾN THÂN NHIỆT, NHỊP THỞ, LƯỢNG NƯỚC UỐNG CỦA LỢN ĐỰC
NGOẠI LANDRACE, PIDU NUÔI TẠI TỈNH VĨNH PHÚC 3.1. ĐẶT VẤN ĐỀ
Hiện nay các giống lợn ngoại cao sản đã được nhập về nuôi ở khắp các miền của cả nước, phục vụ đắc lực cho công tác lai tạo giống. Bên cạnh một số vùng có khí hậu thuận lợi cho việc nuôi những giống lợn này, song nhiều vùng lại gặp khó khăn. Về mùa hè, khi thời tiết nóng và độ ẩm cao đã ảnh hưởng rất nhiều đến sinh lý và khả năng sản xuất của lợn đực giống. Stress nhiệt (nhiệt độ, ẩm độ cao) là một trở ngại lớn đối với các giống lợn ngoại cao sản nguồn gốc từ các nước có khí hậu ôn đới. Một số nghiên cứu trong nước đã chỉ ra rằng độ ẩm thích hợp cho lợn nằm trong phạm vi từ 60 - 80% (Phạm Sỹ Tiệp, 2005; Nguyễn Thiện và Võ Trọng Hốt, 2009; Colin T W, 1998; Võ Văn Ninh, 2003b; Võ Văn Sơn, 2002; Lê Thị Mến 2010). Theo Trần Thế Thông (1979) khi nhiệt độ môi trường >30oC kết hợp với việc gia tăng độ ẩm tương đối sẽ làm tăng nhiệt độ trực tràng. Ở ngoài nước cũng có những nghiên cứu về các yếu tố ảnh hưởng đến sự sinh nhiệt của lợn được tiến hành (Brown-Branld và cs.1998;
2000; 2001). Theo Heitman và Hughes (1949) khi nhiệt độ môi trường xung quanh 320
C và với sự gia tăng độ ẩm tương đối từ 30% đến 95% thì nhịp hô hấp của lợn tăng lên. Nước uống là rất cần thiết đối với cơ thể lợn và thường thay đổi rất lớn. Vào mùa hè, những ngày nhiệt độ cao lợn có thể sử dụng gấp đôi lượng nước uống so với mùa đông hoặc mùa xuân. Theo Glen (2002), lúc nhiệt độ chuồng nuôi tăng cao, lợn sẽ tiêu thụ hầu như gấp đôi lượng nước lạnh (50oF) so với lượng nước ấm (80oF). Lượng thức ăn ăn vào của lợn đực giống cũng rất quan trọng và được nghiên cứu nhiều. Tuy nhiên, hiện nay trong thực tế các cơ sở sản xuất tinh dịch lợn nhân tạo, thức ăn sử dụng cho lợn đực chủ yếu là thức ăn hỗn hợp có thành phần dinh dưỡng đủ và cân đối, đáp ứng nhu cầu cho duy trì và sản xuất. Lợn ăn theo khẩu phần định lượng nên vào những ngày nắng, nóng nhiệt độ cao lợn vẫn ăn hết lượng thức ăn trong ngày. Vì vậy, trong nghiên cứu này chúng tôi không đề cập đến thức ăn của lợn.
Kết quả chung của những nghiên cứu trên là đã xác định được sự ảnh hưởng của yếu tố nhiệt độ, độ ẩm cao đến thân nhiệt, hô hấp, lượng nước uống của lợn trong các điều kiện cụ thể và theo một xu hướng tăng dần khi nhiệt độ, độ ẩm môi trường gia
27
tăng. Tuy nhiên, những nghiên cứu này chưa thực sự đầy đủ; nghiên cứu trên các đối tượng lợn khác nhau và tiến hành trong các điều kiện môi trường khác nhau do đó kết quả nghiên cứu cũng khác nhau.
Vĩnh phúc là vùng có nền khí hậu đặc trưng nhiệt đới gió mùa, rất bất lợi đối với chăn nuôi lợn đực giống đặc biệt là các giống lợn ngoại sản xuất tinh dịch nhân tạo. Xuất phát từ những vấn đề trên, để nghiên cứu một cách cụ thể hơn cơ chế tác động của nhiệt độ, độ ẩm cao cũng như mối quan hệ của 2 yếu tố đó trong quá trình ảnh hưởng tới sinh lý cơ thể và lượng nước uống (yếu tố làm tăng khả năng thải nhiệt của cơ thể) của lợn đực giống, chúng tôi tiến hành nội dung nghiên cứu:
“Ảnh hưởng của nhiệt độ, độ ẩm và chỉ số nhiệt ẩm đến thân nhiệt, nhịp thở và lượng nước uống của lợn đực ngoại Landrace, PiDu nuôi tại Vĩnh Phúc”
Nghiên cứu được tiến hành nhằm xác định rõ sự ảnh hưởng của nhiệt độ, độ ẩm và mối tương quan của chúng đến một số chỉ tiêu sinh lý cơ thể, từ đó làm cơ sở cho những nghiên cứu tiếp theo.