Nghiên cứu trong nước

Một phần của tài liệu Ảnh hưởng của nhiệt độ, độ ẩm đến một số chỉ tiêu sinh lý, lượng nước uống, số chất lượng tinh dịch lợn ngoại landrace, pidu nuôi tại vĩnh phúc và giải pháp khắc phục (Trang 37)

Đối với mỗi cơ thể sinh vật, kiểu hình là kết quả của mối tương tác giữa kiểu gene và điều kiện ngoại cảnh theo công thức P = G + E (P: kiểu hình; G: kiểu gene; E: môi trường). Mỗi kiểu gene trong những điều kiện ngoại cảnh sẽ cho ra một kiểu hình nhất định.

Trong các điều kiện ngoại cảnh thì các yếu tố môi trường, đặc biệt là nhiệt độ và độ ẩm không khí là hai yếu tố thường xuyên tác động lên con vật. Tại nước ta cũng đã có nhiều công trình nghiên cứu về mối quan hệ này.

Tác giả Nguyễn Nghi và cs. (1994) đã bước đầu nghiên cứu ảnh hưởng của mùa vụ đến năng suất sinh sản của lợn nái, kết quả nghiên cứu cho thấy: Ở những tháng thời tiết nóng ẩm (tháng 7, 8, 9) số con đẻ ra trên ổ, khả năng tiết sữa, sinh trưởng của lợn con thấp nhất. Trịnh Văn Thân và cs. (2010) đã tiến hành nghiên cứu Ảnh hưởng của các nhân tố mùa vụ đến chất lượng tinh dịch lợn, các tác giả cho thấy: Khi nhiệt độ, độ ẩm không khí lên cao làm cho quá trình toả nhiệt của lợn gặp khó khăn dẫn đến lợn bị stress nhiệt, ảnh hưởng đến chất lượng tinh dịch. Nhiệt độ không khí dưới 28oC nhiệt độ

22

cơ thể của lợn ở mức giới hạn sinh lý, nhưng khi nhiệt độ không khí lên 29-35oC thì bắt đầu có sự thay đổi nhiệt độ cơ thể nhưng chưa nhiều, khi nhiệt độ không khí lên >35oC thì có sự thay đổi rõ rệt, nhiệt độ cơ thể của lợn có thể lên >39oC. Trong khi đó, Vũ Duy Giảng (2012) cho biết thân nhiệt của lợn trong điều kiện sinh lý bình thường luôn giữ ổn định ở mức 39oC. Khi bị stress nhiệt, con vật phải toả nhiệt để duy trì thân nhiệt ở mức này. Để toả nhiệt lợn không thể toát mồ hôi vì trên da của chúng không có tuyến mồ hôi (trừ phần da quanh mõm). Phương thức toả nhiệt của lợn là tăng nhịp thở (nhịp thở có thể tăng từ 20 lần /phút lên 160 lần/phút), tăng sự tiếp xúc với các bề mặt có nhiệt độ thấp hơn nhiệt độ cơ thể như nằm ép bụng xuống sàn chuồng hay đằm tắm trong nước, thậm chí trong phân và nước tiểu do chúng thải ra. Mặt khác, con vật cũng phải tìm cách giảm sản sinh nhiệt trong cơ thể bằng cách giảm lượng thức ăn ăn vào. Hậu quả của stress nhiệt đối với lợn thịt là: giảm tăng trưởng, giảm hiệu quả sử dụng thức ăn, giảm sức đề kháng, dễ nhiễm bệnh.

Mùa vụ cũng là yếu tố ảnh hưởng rõ rệt tới sự thành thục sinh dục của lợn cái hậu bị. Theo Lê Xuân Cương (1986), mùa hè lợn cái hậu bị thành thục chậm hơn so với mùa Thu – Đông, điều đó có thể do ảnh hưởng của nhiệt độ trong chuồng nuôi gắn liền với mức tăng trọng thấp trong các tháng nóng. Những lợn được chăn thả tự do thì xuất hiện thành thục sinh dục sớm hơn những con nuôi nhốt trong chuồng 14 ngày (mùa xuân) và 17 ngày (mùa hè) (Lê Xuân Cương, 1986).

Khi nghiên cứu ảnh hưởng của nhiệt độ chuồng nuôi đến một số chỉ tiêu sinh lý ở lợn Yorkshire và con lai F1 (MC x Y) nuôi thịt, tác giả Lê Văn Phước và cs. (2008) đã đưa ra các kết luận sau đây:

- Giữa nhiệt độ không khí và tần số hô hấp ở cả 2 loại lợn có tương quan chặt chẽ (R2>0,8). Tần số hô hấp tăng mạnh khi nhiệt độ không khí > 30oC ở lợn F1 (MC x Y) sau cai sữa), >27oC (lợn F1 (MC x Y) vỗ béo và lợn Yorkshire sau cai sữa); >25oC ở lợn Yorkshire vỗ béo.

- Tương quan giữa nhiệt độ không khí và nhịp tim ở các loại lợn là tương đối chặt chẽ (R2 = 0,61-0,78). Mức độ tăng nhịp tim giảm khi nhiệt độ không khí >30oC ở lợn F1 (MC x Y) sau cai sữa, > 27oC ở lợn F1 (MC x Y) vỗ béo và lợn Yorkshire sau cai sữa, > 25oC ở lợn Yorkshire vỗ béo.

23

- Trong khoảng nhiệt độ không khí khảo sát, thân nhiệt của lợn khá ổn định, chỉ tăng 0,079oC đối với lợn F1 (MC x Y) và 0,088oC khi nhiệt độ không khí tăng 1oC đối với lợn Yorkshire.

Một phần của tài liệu Ảnh hưởng của nhiệt độ, độ ẩm đến một số chỉ tiêu sinh lý, lượng nước uống, số chất lượng tinh dịch lợn ngoại landrace, pidu nuôi tại vĩnh phúc và giải pháp khắc phục (Trang 37)