Đổi mới công tác đào tạo, bồi dưỡng

Một phần của tài liệu Phát triển đội ngũ cán bộ quản lý ở các trường Trung học cơ sở của huyện Mỹ Lộc tỉnh Nam Định trong giai đoạn hiện nay (Trang 85)

9. Cấu trúc luận văn

3.2.3. Đổi mới công tác đào tạo, bồi dưỡng

3.2.3.1. Ý nghĩa của biện pháp

Việc đổi mới công tác đào tạo, bồi dưỡng góp phần nâng cao chất lượng đội ngũ CBQL ở các trường THCS. Quản lý là một nghề, để trở thành người quản lý giỏi, năng động, sáng tạo trong quá trình thực thi các nhiệm vụ quản lý, nhất thiết người quản lý phải có bản lĩnh chính trị vững vàng, nắm chắc nghiệp vụ quản lý. Hay nói cách khác phải có trình độ khoa học về quản lý, bên cạnh đó cần phải có nghệ thuật quản lý. Ngày nay nước ta đã gia nhập Tổ chức thương mại quốc tế WTO, đặt ra cho ngành giáo dục một thách thức vô cùng to lớn đó là phải tạo ra nguồn nhân lực chất lượng cao, đào tạo ra thế hệ con người năng động, sáng tạo và có năng lực hội nhập với thế giới. Điều này đòi hỏi giáo dục cần phải có những quyết sách đúng đắn, đổi mới về nhận thức, tư duy quản lý nhà nước về giáo dục cho đến các chính sách, cơ chế, nội dung, phương thức, biện pháp, công cụ quản lý nhà nước về giáo dục.v.v. Không còn con đường nào khác là phải thường xuyên bồi dưỡng cho đội ngũ CBQL về mọi mặt. Bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ quản lý cho đội ngũ CBQL ở các trường THCS vừa là mục tiêu, vừa là biện pháp nhằm nâng cao chất lượng quản lý nói riêng, chất lượng giáo dục nói chung. Điều này đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định:“Cán bộ là cái gốc của mọi công việc, vì vậy huấn luyện cán bộ là công việc gốc của Đảng”.Vì vậy công tác đào tạo, bồi dưỡng vô cùng quan trọng, để người CBQL hoàn thiện nhân cách nghề nghiệp trước thực tiễn bối cảnh nhà trường đầy biến động hiện nay.

3.2.3.2. Nội dung và cách thức thực hiện

Mặc dù phòng GD&ĐT huyện đã thực hiện tổ chức cho CBQL ở các trường THCS đi học tập, bồi dưỡng nâng cao trình độ nhưng công tác này vẫn còn nhiều bất cập, hạn chế . Để thực hiện tốt công tác đào tạo bồi dưỡng CBQL

ở các trường THCS đương chức và CBQL kế cận, tạo nguồn, phòng GD&ĐT huyện Mỹ Lộc mạnh dạn thực hiện đổi mới công tác này theo các nội dung sau:

- Tiến hành khảo sát, đánh giá thực trạng đội ngũ CBQL ở các trường THCS của huyện Mỹ Lộc về số lượng, chất lượng, cơ cấu:

Đây là một công việc mà phòng GD&ĐT (cấp quản lý) cần tiến hành thường xuyên hàng năm hoặc trước yêu cầu đột xuất của công tác cán bộ.Yêu cầu của khảo sát đánh giá phải chính xác, khách quan, có hồ sơ lưu lại theo một hệ thống (nội dung, thời gian). Khảo sát, đánh giá CBQL, không thể theo ý kiến một cá nhân mà phải căn cứ vào kết quả công việc, tiêu chuẩn cán bộ và dựa vào ý kiến tập thể. Hết sức tránh định kiến cá nhân hoặc có tư tưởng “Dĩ hoà vi quý”. Công tác khảo sát đánh giá CBQL làm đúng yêu cầu sẽ là cơ sở cho cơ quan quản lý có những thông tin cần thiết để xây dựng và phát triển đội ngũ cán bộ quản lý. Vì vậy cần phải có tiêu chí đánh giá, phòng GD&ĐT căn cứ vào các tiêu chuẩn CBQL, căn cứ vào chất lượng, hiệu quả công việc để xây dựng tiêu chí đánh giá.

- Dự báo quy mô, nhu cầu CBQL ở các trường THCS đến năm 2015.

+ Căn cứ quy mô phát triển trường THCS trong huyện. Theo kế hoạch phát triển giáo dục của cấp THCS xây dựng: đến 2015 số trường THCS trong huyện sẽ giữ nguyên như hiện nay là 15 trường.

+ Căn cứ vào Thông tư liên bộ số: 35/2006/TTLT-BGDĐT-BNV của Bộ Giáo dục và Đào tạo - Bộ Nội vụ hướng dẫn định mức biên chế viên chức ở các cơ sở giáo dục phổ thông, công lập.

+ Căn cứ thực trạng độ tuổi CBQL qua khảo sát trong 5 năm tới là tương đối đông, số CBQL ở các trường THCS cuả huyện đến tuổi nghỉ hưu là 62,5 % (theo thống kê bảng số 6 là 32 người = 62,5% ). Vì vậy số cán bộ kế cận để bổ sung, thay thế cán bộ quản lý cũng phải tương xứng.

- Xâydựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng CBQL và cán bộ kế cận:

Việc khảo sát, đánh giá và dự báo về CBQL đương chức và cán bộ kế cận là cơ sở để xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng CBQL .

+ Kế hoạch cần được xây dựng từ đơn vị trường THCS, có cơ sở khoa học, mang tính khả thi.

+ Kế hoạch đào tạo bồi dưỡng phải trên cơ sở nhu cầu và sự cân đối các nguồn lực về kinh phí (nguồn kinh phí Nhà nước cùng với nguồn ngoài ngân sách Nhà nước), về con người và phương tiện, thiết bị giành cho đào tạo, bồi dưỡng.

+ Kế hoạch sau khi đã phê duyệt, được công khai để CBQL và cán bộ kế cận biết, chủ động sắp xếp công việc, thời gian đi đào tạo bồi dưỡng.

+ Xây dựng chỉ tiêu kế hoạch: đến cuối năm 2010 có 100% cán bộ kế cận trong danh sách năm 2008 được bồi dưỡng nghiệp vụ quản lý giáo dục. Số CBQL hiện có đã học cách đây trên 6 năm cần được cử đi học vòng 2 để cập nhật kiến thức mới

- Xác định nội dung đào tạo bồi dưỡng cán bộ quản lý và cán bộ kế cận, dự nguồn.

Căn cứ vào thực trạng đội ngũ CBQL ở các trường THCS của huyện Mỹ Lộc, căn cứ yêu cầu đổi mới giáo dục trung học, nội dung đào tạo bồi dưỡng cán bộ quản lý cần chú ý tập trung là:

+ Bồi dưỡng nghiệp vụ quản lý:

Bồi dưỡng nghiệp vụ về quản lý giáo dục, quản lý nhà nước, bồi dưỡng kiến thức về các lĩnh vực khác như: Thanh tra, kiểm tra nội bộ trường học; quản lý thu chi tài chính; quản lý dạy thêm, học thêm; quản lý tài sản, TBDH; quản lý, tổ chức sinh hoạt chuyên môn; công tác tham mưu, xã hội hóa giáo dục…

+ Bồi dưỡng kỹ năng quản lý:

Để người CBQL thực hiện tốt các chức năng quản lý cần bồi dưỡng cho họ những kỹ năng sau:

Thứ nhất: Kỹ năng, kỹ thuật quản lý cần thiết nhất cần chú trọng bồi dưỡng đầu tiên, đó là: Kỹ năng lập kế hoạch; Kỹ năng tổ chức công việc; Kỹ năng phân công chuyên môn, lập thời khoá biểu; Kỹ năng về quản lý tài chính ; Kỹ năng về quản lý dạy học và giáo dục; Kỹ năng quản lý học sinh.

Thứ hai: Là kỹ năng nhân sự. Đó là những kỹ năng hoà nhập với mọi người trong lao động chung, kỹ năng động viên từng người và tập thể. Kỹ năng nhân sự cũng rất cần thiết đối với CBQL ở các trường THCS, đó là: Kỹ năng giao tiếp; Kỹ năng phát biểu; Kỹ năng điều khiển cuộc họp; Kỹ năng khích lệ và thuyết phục; Kỹ năng phát, nhận và xử lý thông tin…

Thứ ba: Là kỹ năng nhận thức. Đó là khả năng tư duy về công việc, khả năng định hướng công việc nắm bắt mối liên quan giữa các công việc, gồm: Nhận thức về mục tiêu đào tạo; Nhận thức về đổi mới chương trình phương pháp giáo dục phổ thông; Nhận thức về xã hội hoá giáo dục; Nhận thức về dân chủ hoá trường học…

+ Bồi dưỡng kiến thức chính trị xã hội

Bồi dưỡng lý luận chính trị cho CBQL và đội ngũ kế cận, theo chương trình trung cấp, cao cấp do trường Chính trị Trường Chinh tổ chức đào tạo.

Bồi dưỡng, cập nhật thêm về các đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng & Nhà nước.

+ Bồi dưỡng kiến thức tin học và ngoại ngữ:

Đối với CBQL, kiến thức tin học có ý nghĩa nhiều mặt. Nó tạo điều kiện khai thác thông tin từ trên mạng góp phần thực hiện các chức năng quản lý, đem lại sự tự tin, hoà nhập và thích ứng với sự phát triển xã hội. Để bồi dưỡng tin học cho CBQL cần có những hình thức và biện pháp sau: CBQL phải học những chương trình bồi dưỡng thiết thực do Phòng GD&ĐT phối hợp với các cơ quan chức năng giảng dạy theo một chương trình tối thiểu bắt buộc. CBQL ít nhất phải biết vi tính văn phòng, biết sử dụng và khai thác mạng, ngoài ra biết ứng dụng công nghệ thông tin trong các lĩnh vực quản lý. Kiến thức về ngoại ngữ cũng cần được chăm lo đào tạo, bồi dưỡng, phòng GD&ĐT khuyến khích giáo viên trẻ trong qui hoạch đi học ngoại ngữ, đưa ra tiêu chuẩn khi bổ nhiệm chức vụ QL có ưu tiên người có trình độ ngoại ngữ.

+ Bồi dưỡng kiến thức chuyên môn:

Trong nhu cầu đào tạo, bồi dưỡng CBQL, kiến thức chuyên môn là nền tảng tư duy và là phương pháp luận khoa học cho công tác quản lý.

Những CBQL, hoặc những người kế cận có trình độ Cao đẳng Sư phạm thì cần được học lên Đại học, những người đã có trình độ Đại học cần phải học lên Thạc sỹ. Ngoài ra, phòng GD&ĐT cần chú ý bồi dưỡng các chuyên đề như: Chuyên đề đổi mới phương pháp dạy học; Sử dụng đồ dùng dạy học theo từng bộ môn; chuyên đề chỉ đạo đổi mới GD phổ thông; chuyên đề tổ chức hoạt động ngoài giờ cho học sinh. Các chuyên đề bồi dưỡng về giáo dục đạo đức cho học sinh; phương pháp bồi dưỡng học sinh giỏi; phù đạo học sinh yếu, kém…

+ Bồi dưỡng các kiến thức khác:

Những kiến thức về phong tục tập quán địa phương; về bản sắc và văn hoá dân tộc; kiến thức cơ bản về an ninh quốc phòng; về tôn giáo, giao thông, phòng cháy chữa cháy….

Tóm lại: Tri thức từ lâu đã được ví như chiếc chìa khoá vạn năng. Các nội dung đào tạo, bồi dưỡng trên đây không tách rời mà gắn bó, bổ trợ cho nhau, giúp người cán bộ quản lý thực hiện có hiệu quả các chức năng quản lý của mình. Đào tạo, bồi dưỡng muốn đạt kết quả cần lựa chọn những hình thức sao cho thích hợp .

-Các hình thức đào tạo, bồi dưỡng:

Về hình thức đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, Đảng ta đã chỉ đạo: Kết hợp đào tạo chính quy với các hình thức khác cho từng lọai cán bộ. Như vậy, cần phải phối hợp nhiều hình thức đào tạo, bồi dưỡng.

+ Đào tạo chính quy: Cử cán bộ quản lý đương nhiệm và cán bộ quản lý có triển vọng phát triển đi học lớp Cử nhân quản lý giáo dục hoặc Thạc sỹ quản lý giáo dục.

+ Đào tạo tại chức (đào tạo bằng 2): Mở các lớp cử nhân quản lý hệ tại chức cho các cán bộ quản lý đương nhiệm.

+ Đào tạo từ xa: Khuyến khích CBQL và đội ngũ kế cận không có điều kiện theo học các lớp chính qui, tại chức tham gia các lớp đào tạo từ xa.

+ Bồi dưỡng nghiệp vụ quản lý giáo dục và các nội dung khác theo các hình thức: Cử CBQL đi học các lớp ngắn hạn tại Học viện Quản lý Giáo dục, học tại trường Cao đẳng Sư phạm Nam Định. Mở các lớp bồi dưỡng ngắn hạn tại địa phương để bồi dưỡng theo chuyên đề những kiến thức kỹ năng mà CBQL ở các trường THCS còn thiếu hụt hoặc đã quá cũ kỹ và lạc hậu. Đối với các lớp này, cần khảo sát cụ thể đối tượng, có kế hoạch sớm và hợp lý để liên hệ mời giáo viên thỉnh giảng, có thể sử dụng một số CBQL giỏi của ngành đã được học tập những nội dung cần bồi dưỡng ở các nhà trường, hoặc đã được tham gia tập huấn trước đó, lên lớp bồi dưỡng.

+ Ngoài ra còn bồi dưỡng thông qua các hình thức sau: tổ chức tham quan thực tế, giao lưu học hỏi kinh nghiệm quản lý các trường tiên tiến trong tỉnh, ngoài tỉnh và các nước trong khu vực. Phòng GD&ĐT tổ chức hội thảo về công tác quản lý để CBQL có điều kiện nghiên cứu trình bầy và tiếp nhận, cập nhật thông tin quản lý đồng thời qua hội thảo để trao đổi học hỏi kinh nghiệm lẫn nhau. Phòng GD&ĐT tổ chức giao ban hàng tháng đối với hiệu trưởng, phó hiệu trưởng; sinh hoạt chuyên môn hàng tháng theo hình thức tập trung toàn huyện đối với CBQL, giáo viên cấp THCS; bồi dưỡng thông qua kiểm tra nội bộ, kiểm tra chéo, thanh tra toàn diện.... Bên cạnh đó còn bồi dưỡng thông qua tổng kết sáng kiến kinh nghiệm, hội thi CBQL giỏi. Thực hiện bồi dưỡng kiến thức tin học bằng cách: Phòng GD&ĐT nối mạng Internet cho các trường và yêu cầu bắt buộc các trường báo cáo qua mạng, khuyến khích các trường mở các trang Website riêng của nhà trường.

+ Kết hợp việc đào tạo, bồi dưỡng với tự đào tạo, bồi dưỡng của cán bộ quản lý và cán bộ kế cận theo các hình thức tự học như sau: Phòng GD&ĐT: Nêu yêu cầu, hướng dẫn tài liệu, nội dung để cán bộ quản lý nghiên cứu và tiến hành tự đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ, năng lực, kỹ năng của mình; Quy định các chuyên đề phải học tập, nghiên cứu để CBQL ở các trường THCS đăng ký thực hiện trong năm học, tổ chức hội thảo báo cáo đề tài nghiên cứu, tổ chức hội đồng nghiệm thu đề tài; Đưa chỉ tiêu đào tạo tự học, tự bồi dưỡng vào nội dung đánh giá thi đua khen thưởng

hàng năm để tạo thêm động lực tự học và nghiên cứu khoa học cho đội ngũ CBQL ở các trường THCS.

- Xác định nguồn kinh phí và các điều kiện khác cho công tác đào tạo, bồi dưỡng: Hàng năm, phòng GD&ĐT lập kế hoạch tài chính cho công tác đào tạo, bồi dưỡng. Có biện pháp tham mưu với UBND huyện hỗ trợ kinh phí cho công tác này, tham mưu với HU - HĐND - UBND huyện có nghị quyết chuyên đề cho công tác đào tạo, bồi dưỡng chung trong đó có ngành GD&ĐT.

Căn cứ vào các nội dung đào tạo, bồi dưỡng nêu trên phòng GD&ĐT xây dựng qui trình thực hiện theo các bước sau :

Lập kế hoạch:

Xây dựng kế hoạch thực hiện các nội dung trên, kế hoạch cần đề ra mục tiêu dự kiến nguồn lực, dự kiến các biện pháp và cách thức thực hiện mục tiêu. Phòng GD&ĐT là cơ quan chủ trì xây dựng kế hoạch và chỉ đạo thực hiện.

Tổ chức:

Tổ chức thực hiện các nội dung trên, trong đó có việc điều tra để xác định trình độ thực tế của CBQL đối với các cơ quan trong và ngoài ngành để tổ chức các lớp bồi dưỡng. Tổ chức việc đưa CBQL tham gia đào tạo lại hoặc bồi dưỡng cập nhật kiến thức quản lý. Tăng cường giao chỉ tiêu, giao đề tài nghiên cứu cải tiến nghề quản lý trong hoạt động tự học nâng cao trình độ. Huy động các nguồn lực để tổ chức đào tạo bồi dưỡng và tự bồi dưỡng. Chú ý đào tạo bồi dưỡng đội ngũ cán bộ kế cận dự nguồn.

Chỉ đạo:

Chỉ đạo thực hiện các nội dung của biện pháp, thực hiện theo chức năng chỉ đạo trong hoạt động quản lý: Xác định công việc, định hướng cách làm, động viên khuyến khích các thành viên tham gia các công việc trong lĩnh vực đào tạo, bồi dưỡng và tự bồi dưỡng nâng cao trình độ.

Kiểm tra:

Kiểm tra kế hoạch thực hiện thường xuyên hoặc định kỳ kiểm tra theo các tiêu chí nhất định nhằm so sánh kết quả đạt được với mục tiêu đào tạo, bồi

dưỡng CBQL đã đề ra. Tìm các nguyên nhân tồn tại, hạn chế và ra các quyết định điều chỉnh cần thiết.

Một phần của tài liệu Phát triển đội ngũ cán bộ quản lý ở các trường Trung học cơ sở của huyện Mỹ Lộc tỉnh Nam Định trong giai đoạn hiện nay (Trang 85)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(119 trang)