Khái niệm vốn doanh nghiệp

Một phần của tài liệu GIẢI PHÁP NÂNG CAO HIỆU QUẢ SỬ DỤNG VỐN LƯU ĐỘNG TẠI CÔNG TY CỔ PHẦN NHỰA THIẾU NIÊN TIỀN PHONG (Trang 48)

Doanh nghiệp là một tổ chức kinh doanh nhằm mục đích sinh lời được pháp luật thừa nhận, được phép kinh doanh trên một số lĩnh vực nhất định, có từ một chủ sở hữu trở lên, có tên gọi riêng và có trụ sở giao dịch ổn định.

Để thành lập một doanh nghiệp và tiến hành các hoạt động sản xuất kinh doanh, tài sản, nguồn vốn hình thành tài sản đó là điều kiện không thể thiếu, nó phản ánh nguồn lực tài chính được đầu tư vào sản xuất kinh doanh. Trong sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp người ta chú ý đến việc quản lý việc huy động và luân chuyển của vốn. Tất cả mọi hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp trong bất kì lĩnh vực nào hay giai đoạn nào, từ khâu thành lập doanh nghiệp, trong chu kì kinh doanh và khi phải đầu tư thêm đều gắn liền với vốn. Nói cách khác, vốn là chìa khóa để mở rộng và phát triển kinh doanh của doanh nghiệp, đặc biệt trong nền kinh tế thị trường, trong đó doanh nghiệp có quyền tự chủ trong kinh doanh, được phép mở rộng doanh nghiệp trong mức độ cho phép.

Có nhiều quan niệm khác nhau về vốn trong doanh nghiệp, tùy theo góc độ nhìn nhận. Nhưng nói chung, có thể định nghĩa vốn trong doanh nghiệp như sau:

Vốn kinh doanh của doanh nghiệp được hiểu là số tiền ứng trước về toàn bộ tài sản hữu hình và tài sản vô hình phục vụ cho sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp nhằm mục đích kiếm lời.

Vốn trong doanh nghiệp luôn luôn tồn tại dưới hai hình thức cơ bản là hình thái giá trị và hình thái hiện vật. Dưới hình thái giá trị, vốn tồn tại dưới dạng hình thái tiền. Đây là hình thái ban đầu và cũng là hình thái cuối cùng của vốn theo vòng chu chuyển T-H-T’. Sau một chu kì kinh doanh, vốn lại được thu hồi lại về dạng ban đầu là tiền. Ở hình thái hiện vật, vốn tồn tại dưới dạng hình thái tư liệu sản xuất

1.1.2. Đặc điểm và phân loại vốn

Vốn kinh doanh của doanh nghiệp là một quỹ tiền tệ đặc biệt, vì nó nhằm phục vụ cho sản xuất kinh doanh (tức là nhằm mục đích tích lũy). Vốn kinh doanh của doanh nghiệp có trước khi diễn ra hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Vốn kinh doanh của doanh nghiệp phải đạt tới mục tiêu sinh lời và luôn thay đổi hình thái biểu hiện, nó vừa tồn tại dưới hình thái vật tư hoặc tài sản vô hình, nhưng kết thúc vòng tuần hoàn phải là hình thái tiền.

Vốn được phân loại theo nhiều cách khác nhau, tùy theo mục đích quản lý mà doanh nghiệp sử dụng hình thức phân loại phù hợp. Về cơ bản, vốn được phân loại theo các tiêu thức chính sau:

1.1.2.1. Theo phương thức chu chuyển vốn

Đây là tiêu thức phân loại vốn hay được sử dụng nhất và có hiệu quả nhất trong quản lý tài chính doanh nghiệp. Theo tiêu thức này thì vốn được phân thành 2 loại: vốn cố định và vốn lưu động.

 Vốn cố định là biểu hiện bằng tiền của toàn bộ giá trị tài sản cố định.

Đặc điểm của vốn này là luân chuyển từng phần vào giá trị sản phẩm theo nhiều chu kì sản xuất và hoàn thành một vòng tuần hoàn khi tài sản cố định hết thời hạn sử dụng. Một tư liệu lao động được gọi là tài sản cố định khi thỏa mãn đồng thời hai điều kiện là có thời hạn sử dụng tối thiểu từ một năm trở lên và phải đạt giá trị tối thiểu theo mức quy định.

 Vốn lưu động là tài sản lưu động dùng cho mục đích kinh doanh của doanh nghiệp.

Đặc điểm của loại vốn này là luân chuyển toàn bộ giá trị ngay một lần, tuần hoàn, liên tục và hoàn thành một vòng tuần hoàn sau một chu kì kinh doanh của doanh nghiệp. Trong quá trình hoạt động kinh doanh, vốn lưu động vận động và luôn thay đổi hình thái, bắt đầu từ hình thái tiền tệ nhằm đảm bảo cho quá trình tái sản xuất được tiến hành liên tục và thuận lợi.

Một phần của tài liệu GIẢI PHÁP NÂNG CAO HIỆU QUẢ SỬ DỤNG VỐN LƯU ĐỘNG TẠI CÔNG TY CỔ PHẦN NHỰA THIẾU NIÊN TIỀN PHONG (Trang 48)