Muốn tiến hành sản xuất kinh doanh, doanh nghiệp phải có một lượng tài sản nhất định đó là tài sản cố định và tài sản lưu động
Tài sản lưu động của doanh nghiệp thường gồm 2 bộ phận: Tài sản lưu động trong sản xuất và tài sản lưu động trong lưu thông.
Tài sản lưu động sản xuất bao gồm: Vật tư dự trữ cho quá trình sản xuất (như nguyên, nhiên ,vật liệu, công cụ dụng cụ...),vật tư trong quá trình chế biến ( như sản phẩm dở dang, bán thành phẩm,...)
Tài sản lưu động lưu thông bao gồm: sản phẩm tồn kho, vốn bằng tiền, các khoản trong thanh toán, các khoản phí chờ kết chuyển, chi phí trả trước.
Vậy, Vốn lưu động trong doanh nghiệp là số tiền ứng trước về tài sản lưu động để phục vụ nhu cầu sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp được tiến hành thường xuyên liên tục.
Vốn lưu động biểu hiện là tài sản lưu động các doanh nghiệp phục vụ cho quá trình kinh doanh của doanh nghiệp. Đó là số vốn doanh nghiệp dùng để dự trữ vật tư, chi phí cho quá trình sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, chi phí cho hoạt động quản lý của doanh nghiệp. Vốn lưu động tham gia hoàn toàn vào quá trình sản xuất kinh doanh, chuyển qua nhiều hình thái giá trị khác nhau như tiền tệ, đối tượng lao động, sản phẩm dở dang, bán thành phẩm, thành phẩm. Giá trị vốn lưu động được chuyển dịch toàn bộ một lần vào giá trị sản phẩm.
Sự lưu thông về mặt hiện vật và giá trị của vốn lưu động của các doanh nghiệp sản xuất có thể biểu diễn bằng công thức chung: T-H-SX-H’-T’. Trong quá trình vận động, vốn lưu động thể hiện dưới hình thức tiền tệ và kết thúc cũng dưới hình thức tiền tệ. Từ đó, cho phép các nhà quản trị tài chính doanh nghiệp đánh giá đựợc hiệu quả sử dụng vốn của doanh nghiệp, đưa ra các cách thức quản lý vốn lưu động một cách tối ưu.