1.2.1. Cấp độ toàn cầu
Bước vào thập kỷ 90 của thế kỷ XX, tình hình thế giới có nhiều biến đổi sâu sắc. Sự sụp đổ của Liên Xô và hệ thống Xã hội chủ nghĩa ở Đông Âu vào năm 1991 báo hiệu Chiến tranh Lạnh đã tạm thời kết thúc. Cục diện thế giới cũng thay đổi. Thế giới không còn phân chia rõ rệt thành hai cực đối đầu như trước đây nữa mà bước vào thời kỳ quá độ sang một trật tự thế giới mới. Tuy nhiên, trong lòng thế giới vẫn tồn tại những tranh chấp, xung đột quốc gia và khu vực.
Trong vài thập niên gần đây, toàn cầu hoá đang là một trong những xu thế phát triển chủ yếu của quan hệ quốc tế hiện đại. Cuộc cách mạng khoa học kỹ thuật và công nghệ đã và đang thúc đẩy mạnh mẽ quá trình chuyên môn hoá và hợp tác giữa các quốc gia, làm cho lực lượng sản xuất được quốc tế hoá cao độ. Những tiến bộ khoa học – công nghệ, đặc biệt trong lĩnh vực công nghệ thông tin, đã đưa các quốc gia gắn kết lại với nhau.
Sự phát triển của toàn cầu hoá thể hiện ở các lĩnh vực thương mại, dịch vụ, tài chính. Đồng thời cũng hình thành và phát triển các thể chế kinh tế toàn cầu, các khối kinh tế mậu dịch khu vực. Ngoài việc kinh tế thế giới đạt mức tăng trưởng nhanh, ngày càng nhiều nước tham gia vào thương mại quốc tế với mức độ sâu hơn, mở rộng tính chất toàn cầu của hoạt động thương mại. Điều này thể hiện quan hệ kinh tế giữa các nước mở rộng nhanh chóng và các nước cũng có sự phụ thuộc lẫn nhau nhiều hơn về kinh tế. Số lượng các thành viên tham gia vào các tổ chức kinh tế tăng lên, đặc biệt ở WTO tăng lên đáng kể. Tự do hoá thương mại cũng diễn ra mạnh mẽ, đòi hỏi sự phát triển của hệ thống phân công lao động quốc tế.
Theo đó, quốc gia nào ―chậm chân‖ trong quá trình tự do hoá, sẽ gặp nhiều bất lợi trong các cơ hội phát triển kinh tế.
Toàn cầu hoá cũng kéo theo sự phát triển hết sức mạnh mẽ của thị trường tài chính. Khối lượng giao dịch ngoại hối quốc tế hàng ngày tăng từ mức 10-20 tỷ USD những năm 1970 lên 1.500 tỷ năm 1998. Khối lượng cho vay từ các ngân hàng quốc tế tăng từ 265 tỷ USD năm 1975 lên 4.200 tỷ năm 1994. Năm 1997, vốn FDI toàn thế giới là 400 tỷ, tăng 7 lần về giá trị thực so với thập niên 1970. Đối với các nước đang phát triển, chỉ trong 8 năm (1990-1997), dòng vốn đầu tư tư nhân nước ngoài đổ vào tăng hơn 5 lần (10, tr. 94). Các con số này thể hiện hoạt động tài chính trở thành một trong những mũi nhọn của toàn cầu hoá kinh tế. Nó chứng tỏ thế giới đang nằm trong sự phụ thuộc lần nhau chặt chẽ về tài chính giữa các nước, còn kinh tế thế giới lại bị chi phối mạnh mẽ bởi các dòng tài chính. Tuy nhiên, điều này lại tăng tính rủi ro cho nền kinh tế thế giới do có sự phụ thuộc vào dòng vốn trong khi vốn có thể tăng giảm đột ngột, đảo ngược…
Sự phát triển như vũ bão của cuộc cách mạng công nghệ thông tin, đặc biệt là Internet đang làm thay đổi phương thức kinh doanh và quản lý trước đây, buộc các nền kinh tế phải thích ứng với một giai đoạn phát triển mới là nền kinh tế tri thức. Quá trình toàn cầu hóa và tự do hóa kinh tế bao gồm tự do hóa thương mại, đầu tư và tài chính đang diễn ra rộng khắp với nhiều hình thức, mức độ khác nhau trên toàn thế giới, đang và sẽ tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi cho việc gia tăng thương mại và đầu tư quốc tế, làm tăng sự phụ thuộc lẫn nhau giữa các nền kinh tế. Do sự gia tăng với quy mô ngày càng lớn các trao đổi về hàng hóa, dịch vụ, đầu tư, tài chính, công nghệ, nhân công... giữa các nền kinh tế quốc gia, đặc biệt là vai trò kết nối của các công ty xuyên quốc gia trên thế giới, sự phát triển kinh tế của các nước gắn với nhau ngày càng chặt chẽ hơn. Ngày nay, chúng ta khó có thể hình dung được một nước nào đó có thể phát triển mà không cần đến thị trường vốn,
công nghệ, nhân công hoặc nguyên liệu của các nước khác. Sự tùy thuộc lẫn nhau này cũng nói lên an ninh của các nền kinh tế có sự liên hệ mật thiết với nhau. Khủng hoảng của một nền kinh tế có tác động trực tiếp hoặc gián tiếp với các nền kinh tế liên quan, thậm chí có thể kéo theo sự lây lan rộng lớn. Cuộc khủng hoảng tài chính tiền tệ Châu Á năm 1997 đã minh chứng rõ nét cho điều này. Quá trình toàn cầu hóa và phát triển kinh tế tri thức đang diễn ra song hành và tác động sâu rộng tới đời sống kinh tế, chính trị, xã hội và phương thức tổ chức quản lý, hoạt động của các nền kinh tế trong các quốc gia cùng toàn bộ các mối quan hệ kinh tế quốc tế. Chính các tác động này đã buộc các quốc gia phải tăng cường liên kết để thích ứng với xu thế phát triển của thời đại. Bên cạnh đó, những mặt trái của toàn cầu hoá đã bắt đầu lộ rõ. Các nền kinh tế đang phát triển trở nên phụ thuộc nặng nề vào các nguồn lực bên ngoài và dễ bị tổn thương; khoảng cách giàu nghèo giữa các nứơc phát triển và đang phát triển ngày càng rộng.
Toàn cầu hoá diễn ra đòi hỏi các nền kinh tế quốc gia và khu vực phải thay đổi về định hướng phát triển cũng như nguyên tắc hoạt động. Trong đó, một xu hướng quan trọng và mang tính quyết định đối với sự cạnh tranh của các quốc gia là phải phát triển của nền kinh tế tri thức. Với sự phát triển nhanh chóng của thị trường vốn toàn cầu, dòng vốn có thể đến với các quốc gia một cách dễ dàng hơn nếu nơi đó có thể sản xuất hiệu quả và nhanh chóng. Chính vì vậy, thời gian này, các nước công nghiệp chú trọng vào việc phát triển xây dựng kinh tế tri thức, mở ra một cuộc cách mạng khoa học – công nghệ hiện đại trên toàn thế giới.
Nền kinh tế tri thức tập trung vào các lĩnh vực công nghệ thông tin, công nghệ sinh học, công nghệ nano và công nghệ vật liệu mới. Tri thức, khoa học, công nghệ trở thành lực lượng sản xuất trực tiếp và là lợi thế của sự phát triển trong môi trường kinh tế cạnh tranh. Nếu như ở các thập kỷ trước, nền công nghiệp cơ khí như thép xi măng, ô tô là những ngành phát triển chủ lực thì hiện nay, trong thời
đại này, các ngành công nghệ hiện đại, tiên tiến lại phát triển lấn át như ngành điện tử, viễn thông, vật liệu mới… Các ngành dịch vụ liên quan đến lĩnh vực tri thức cũng được phát triển theo như ngân hàng, tài chính, thương mại điện tử,…
Do tập trung vào xây dựng nền kinh tế tri thức nên dẫn tới một hệ quả quan trọng là các nước phát triển đã chuyển giao nền công nghiệp sang các nước đang phát triển. Đồng thời nguồn lao động sản xuất cũng tập trung sang các nước kém phát triển hơn.
Trước những biến đổi to lớn về khoa học – công nghệ này, các nước ASEAN đều thực hiện điều chỉnh cơ cấu kinh tế, điều chỉnh chính sách theo hướng mở cửa, giảm và tiến tới dỡ bỏ hàng rào thuế quan và phi thuế quan, mở đường cho kinh tế quốc tế phát triển. Vì vậy, mối quan hệ giữa ASEAN – Nhật Bản không chỉ bó gọn trong quan hệ giữa hai bên hoặc giữa Nhật Bản với các nước Đông Nam Á khác. Hai bên đều có nguyện vọng mong muốn xây dựng các mối liên kết chặt chẽ hơn ở các cấp độ hợp tác khác nhau ở khu vực Đông Á và Châu Á - Thái Bình Dương. Do các nước lớn muốn tranh thủ vị thế của ASEAN để cải thiện vị trí của mình nên ASEAN có thể dễ dàng đóng vai trò trung tâm trong các cuộc đua tranh về kinh tế và chính trị trong các diễn đàn khu vực. Có thể nói, những động thái mới trong môi trường toàn cầu đã đặt nhịp cho toàn bộ quá trình liên kết khu vực ở ASEAN. Tại cuộc gặp Thượng Đỉnh ASEAN ở Bali vào tháng 10 năm 2003, trên cơ sở các đề xuất đã được nêu trong ―Tầm nhìn 2020‖ và ―Chương trình Hành động Hà Nội‖, lãnh đạo cấp cao của ASEAN đã nhất trí chấp nhận ý tưởng Cộng đồng kinh tế ASEAN trong khuôn khổ của Cộng đồng ASEAN nói chung.
1.2.2. Ở cấp độ khu vực 1.2.2.1. Môi trƣờng an ninh
a. Những biến đổi trong nền chính trị và an ninh ở Đông Nam Á những năm nửa sau thập kỷ 90 của thế kỷ XX và tác động của nó tới quan hệ ASEAN – Nhật Bản.
Bước vào thế kỷ XXI, môi trường quốc tế đã có nhiều thay đổi. Thế giới phải đương đầu với nhiều thách thức như chủ nghĩa khủng bố, phổ biến vũ khí huỷ diệt hàng loạt, sự xuất hiện trở lại của các cuộc xung đột sắc tộc và tôn giáo đã gia tăng kể từ khi kết thúc Chiến tranh Lạnh. Những mối nguy hiểm mới đang không ngừng tăng đã đặt sự ổn định của thế giới vào những mối đe doạ và ảnh hưởng tới các khu vực khác nhau.
Ngày 28-7-1995, Việt Nam trở thành thành viên chính thức của ASEAN, đánh dấu sự mở đầu của quá trình tiến tới một ASEAN bao gồm cả 10 nước Đông Nam Á. Tháng 7 năm 1997, Lào và Mi-an-ma chính thức gia nhập ASEAN. Và đến năm 1999, Căm-pu-chia gia nhập ASEAN tạo ra một ASEAN 10 thống nhất và có quan hệ hợp tác chặt chẽ và mở rộng. Đây được coi là sụ kiện đánh dấu sự thống nhất của ASEAN khi toàn bộ 10 nước thuộc khu vực Đông Nam Á cùng tham gia một tổ chức khu vực. Điều này cũng đảm bảo an ninh của khu vực này khi các nước có thể ngồi cùng nhau để thảo luận các vấn đề quốc tế và khu vực.
Mối đe doạ của chủ nghĩa khủng bố đối với sự ổn định chính trị và an ninh ở Đông Nam Á cũng là một trong những nhân tố ảnh hưởng đến anh ninh khu vực. An ninh tại khu vực Đông Nam Á diễn biến phức tạp, các hoạt động khủng bố của các nhóm Hồi giáo ly khai hoạt động ngày càng tăng. Cảnh sát các nước Phi-líp- pin, In-đô-nê-xi-a, Ma-lai-xi-a, Xinh-ga-po, Thái Lan đã ngăn chặn được hàng trăm vụ đánh bom, bắt giữ nhiều tên khủng bố và những kẻ tình nghi. Nhưng ở khu vực này vẫn xảy ra hàng chục vụ đánh bom tàn bạo làm hàng trăm người chết và bị thương. Chính vì vậy, ASEAN đã nhất trí cần phải tăng cường hợp tác chống khủng bố và nhất trí với Dự thảo kế hoạch hành động ―Cộng đồng an ninh
ASEAN‖ (ASC). ASC được coi là bước đi mạnh mẽ của ASEAN trong lĩnh vực an ninh.
Ảnh hưởng đang tăng lên một cách nhanh chóng của Trung Quốc trong khu vực ASEAN nói riêng và Châu Á nói chung cũng mà một trong những nhân tố tác động đến quan hệ ASEAN và Nhật Bản. Những năm nửa sau thập kỷ 90 của thế kỷ XX, ngược với sự đi xuống của nền kinh tế Nhật Bản, nền kinh tế Trung Quốc tăng trưởng nhanh chóng sau 20 năm mở cửa và đổi mới, với tỷ lệ tăng trưởng hàng năm là 10% hoặc 5-6% cao hơn so với các nước đang phát triển cùng kỳ. Sức mạnh về kinh tế của Trung Quốc ngày càng được củng cố. Nếu tính GDP, Trung Quốc đứng hàng thứ sáu trên thế giới theo đánh giá của IMF. Hiện nay, toàn thế giới đều cảm nhận được ảnh hưởng từ tốc độ tăng trưởng cao của Trung Quốc. Sự trỗi dậy của Trung Quốc kích thích và tạo đà cho sự trỗi dậy của khu vực Đông Nam Á tăng trưởng từ 5,5% năm 2002 lên đến 6,7% (36, tr.71). Chính sự trỗi dậy của Trung Quốc trong thời gian gần đây đã ảnh hưởng đến quyền bá chủ toàn cầu của Mỹ. Do kinh tế phát triển, Trung Quốc có khả năng tăng ngân sách quốc phòng. Việc Trung Quốc tăng chi phí quốc phòng đang thúc đẩy việc mua sắm vũ khí và hiện đại hoá quân đội ở Đông Nam Á. Tình trạng chạy đua vũ trang ở Đông Á hiện nay đang làm gia tăng sự nghi ngờ lẫn nhau giữa các nước trong vùng và xói mòn những nỗ lực xây dựng lòng tin trong khu vực.
Đối với Nhật Bản, sự nổi lên của Trung Quốc không chỉ là mối đe doạ mà là một thách thức. Để ngăn chặn Trung Quốc vượt qua Nhật Bản về vị thế chính trị và an ninh, chính quyền Koi-zu-mi luôn nhấn mạnh lòng tự tôn dân tộc xung quanh vấn đề về lịch sử. Quan hệ Trung - Nhật đã từ lạnh nhạt sang băng giá. Tình trạng nghi kỵ về chiến lược, không tin cậy về chính trị ngày càng sâu sắc. Tâm lý hoài nghi và cảnh giác của Nhật Bản đối với Trung Quốc ngày càng tăng lên. Trung Quốc được coi là đối thủ cạnh tranh hàng đầu, là đối tượng đề phòng chiến lược.
Nhật Bản hi vọng có thể lợi dụng Mỹ làm đối trọng và kiềm chế ảnh hưởng ngày càng lớn của Trung Quốc tại khu vực Châu Á - Thái Bình Dương.
Trung Quốc bắt đầu quan hệ với ASEAN từ năm 1991, được công nhận là bên đối thoại đầy đủ của ASEAN vào tháng 7 năm 196, Trung Quốc và ASEAN đã cùng lập Quỹ hợp tác ASEAN – Trung Quốc, lập Uỷ ban hỗn hợp khoa học và công nghệ ASEAN – Trung Quốc để thúc đẩy hợp tác lĩnh vực này. Năm 2002, cả ASEAN và Trung Quốc cùng ký Hiệp định khung về hợp tác kinh tế toàn diện, thiết lập khu vực mậu dịch tự do ASEAN – Trung Quốc (CAFTA) vào năm 2010 gồm 11 nền kinh tế với 1,7 tỷ nguời tiêu dùng, làm ra giá trị GDP 20000 tỷ USD (100).
Việc kinh tế Trung Quốc phát triển mạnh và tăng cường hợp tác giữa ASEAN và Trung Quốc đã phần nào tác động đến quyền lợi của Nhật Bản đối với khu vực ASEAN. Ở Châu Á, sau Nhật Bản, Trung Quốc là đầu tầu thứ hai về kinh tế và đang thể hiện sức mạnh của mình. Điều này vừa có tác động thúc đẩy Nhật Bản răng cường quan hệ với ASEAN hơn nữa vừa tạo ra sự cạnh tranh về hợp tác giữa ASEAN của Nhật Bản và Trung Quốc.
Sau Chiến tranh Lạnh, việc Liên Xô tan rã đánh dấu chấm hết cho những cam kết chiến lược về quân sự của Mát-xcơ-va với một số nước Châu Á. Điều này cũng tác động đến việc Mỹ giảm bớt sự có mặt về quân sự ở khu vực này. Nhưng mấy năm qua, Mỹ ráo riết thực hiện ý đồ quay trở lại Đông Nam Á. Mỹ lợi dụng các vấn đề về chống khủng bố, dân chủ, nhân quyền, tự do tôn giáo và thông qua đồng minh để tiếp tục tăng cường sự hiện diện về quân sự ở khu vực Đông Nam Á nhằm kiềm chế vai trò của các nước lớn như Trung Quốc, Nhật Bản… Theo đó, chiến lược của Mỹ đối với Châu Á cũng như ở khu vực ASEAN hiện nay dựa trên chủ trương là duy trì sự có mặt của Mỹ ở khu vực này, cũng như sẽ can dự đến kinh tế, quân sự và ngoại giao tại đây.
Hiện nay, ở Đông Á đang tồn tại nhiều điểm nóng như cuộc khủng hoảng hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên, vấn đề Đài Loan, vấn đề biển Đông... Đây là những vấn đề phức tạp vì hàm chứa những lợi ích khác nhau của các bên liên quan trực tiếp và gián tiếp. Chính vì vậy mà cả Mỹ và Nhật Bản đều chú ý đến khu vực này. Yếu tố Mỹ từ lâu đã góp một phần quan trọng trong các chính sách của cả hai phía ASEAN và Nhật Bản, việc Mỹ quay trở lại Đông Nam Á về quân sự đã gây nên nhiều ý kiến trong quan hệ hai bên. Nó tạo ra các cặp quan hệ đan xen giữa