* Mua bán các thiết bị quân sự
Bước sang thế kỷ XXI, hợp tác quân sự giữa Nga và Trung Quốc ngày càng phát triển hơn. Trong chuyến thăm của Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc tới Nga vào tháng 1/2000, Bộ trưởng Quốc phòng hai nước đã kí một bản ghi nhớ về "sự hợp tác sâu rộng và hiểu biết lẫn nhau trên lĩnh vực quân sự" [69]. Hiệp ước hữu nghị 2001 một lần nữa nhấn mạnh định hướng hợp tác quân sự hai nước. Trên cơ sở đó, năm 2001 và 2002, lượng vũ khí mà Trung Quốc mua của Nga đã tăng lên nhanh chóng. Năm 2001, Trung Quốc đã ký hợp đồng mua 38 chiếc máy bay chiến đấu loại Su-27MKK và hệ thống tên lửa chống máy bay tầm xa S-300PMU-4 của Nga, đồng thời Nga bắt đầu bán cho Trung Quốc tàu
chiến và tàu ngầm lớp Kilo chạy bằng diesel. Năm 2002, Trung Quốc tiếp tục ký hợp đồng mua thêm 8 tàu ngầm lớp Kilo và hai chiếc loại 956EM [46, 39]. Năm 2003, một hợp đồng mới được ký kết, Nga bán cho Trung Quốc thêm 24 máy bay chiến đấu loại Su-30MK2 có trang bị tên lửa chống tàu chiến Kh-31[46, 47]. Để thực hiện chương trình hiện đại hoá quân sự, Trung Quốc đưa ra mục tiêu giai đoạn 1 cho đến năm 2010 phải thu hẹp khoảng cách về tiềm lực quân sự với các siêu cường chính trên thế giới, giai đoạn 2 cho đến năm 2020 sẽ trở thành một cường quốc quân sự vượt trội trong khu vực [38,56]. Trên cơ sở đó, quan hệ hợp tác Nga - Trung trên lĩnh vực quân sự tiếp tục được Trung Quốc hết sức coi trọng. Tháng 11/2006, Trung Quốc đã thoả thuận mua 50 chiếc Su-33 của Nga trị giá 2,5 tỷ USD [38,57], được chuyển giao từ năm 2007. Ngoài ra Trung Quốc cũng đang đàm phán với Nga để mua loại máy bay trực thăng cảnh báo sớm K-31 được Nga chế tạo để sử dụng trên tàu sân bay. Năm 2007, Trung Quốc đã mua 8 tàu khu trục đa năng lớp Soveremenny (956EM) và 8 tàu ngầm lớp Kilo (636) của Nga [50, 90].
Tuy năm 2008 là năm mà hợp tác quân sự Nga - Trung có chiều hướng suy giảm bởi Trung Quốc ngày càng muốn được chuyển giao công nghệ hơn là nhập vũ khí, song cũng là năm cả Nga và Trung Quốc quan ngại hơn về việc sự can thiệp của Mỹ vào khu vực thông qua Hiệp ước an ninh của Mỹ với các nước đồng minh ở châu Á và về hệ thống phòng thủ tên lửa NMD, vì vậy, hai nước vẫn nhất trí triển khai đàm phán về 3 dự án kỹ thuật quân sự gồm: Nga bán cho Trung Quốc 23 máy bay Su-30 và bàn giao cho Trung Quốc công nghệ sản xuất máy bay này; Bán máy bay chiến đấu thế hệ thứ 5 (Su-35) cho Trung Quốc; Tiếp tục bán máy bay hoặc nâng cấp Su-30MK2 cho Trung Quốc. Ngoài ra, hai nước còn thảo luận về việc Trung Quốc mua tổ hợp tên lửa phòng không S-300, S-400 của Nga.
Từ năm 2008 đến 2012, việc đàm phán mua vũ khí của Nga đối với Trung Quốc gặp khó khăn do Trung Quốc muốn Nga chuyển giao công nghệ nhiều hơn, tuy nhiên điều đó không cản trở việc hai nước tiếp tục có những thương vụ
mua bán vũ khí giá trị lớn. Cụ thể, năm 2011, Nga bán cho Trung Quốc các hệ thống vũ khí với tổng trị giá 1,9 tỷ USD và giá trị vũ khí bán cho Trung Quốc vượt 2,1 tỷ USD trong năm 2012. Năm 2012, Trung Quốc ký với Nga nhiều hợp đồng mới trị giá 1,3 tỷ USD. Trong số đó, 600 triệu USD dành mua 55 máy bay trực thăng Mi-171E, 700 triệu USD mua 140 động cơ phản lực Saturn AL-31F để lắp đặt cho các máy bay tiêm kích Su-27, Su-30 và các phi cơ do Trung Quốc tự sản xuất như J-11B/BS, J-15 và J-16.
Cuối tháng 3/2013, trong chuyến thăm Nga sau khi nhậm chức của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, Trung Quốc và Nga đã ký kết 2 thoả thuận khung về việc mua bán vũ khí với số lượng lượng lớn. Theo thoả thuận của 2 bên, Trung Quốc và Nga sẽ hợp tác chế tạo 4 chiếc tàu ngầm AIP lớp “Lada” và bán cho Trung Quốc. Ngoài ra, hai bên còn ký kết hợp đồng Trung Quốc mua 24 chiếc máy bay Su-35 của Nga.
Có thể nói, hợp tác Nga - Trung trên lĩnh vực mua bán thiết bị quân sự đã không những giúp Trung Quốc nhanh chóng hiện đại hoá quân đội mà còn đưa Trung Quốc vào vị trí các nước chế tạo vũ khí hiện đại, nâng cao tiềm lực quân sự của Trung Quốc [79,4].
* Thực hiện các cuộc tập trận thường niên
Bên cạnh việc phát triển quan hệ hợp tác trên lĩnh vực mua bán và sản xuất vũ khí, Nga và Trung Quốc cũng hết sức coi trọng đến việc hợp tác huấn luyện thực tế đối phó với các nguy cơ. Vì vậy, từ năm 2003 đến nay, hai nước đã thường xuyên tổ chức các cuộc tập trận chung dưới nhiều cấp độ và ở nhiều địa bàn khác nhau với cơ chế tổ chức hai năm một lần, điển hình nhất là các cuộc tập trận chung năm 2005, 2007, 2009, 2010, 2013 theo khuôn khổ hợp tác trong tổ chức SCO.
Tháng 8/2005, Nga và Trung Quốc tổ chức cuộc tập trận chung mang tên "Sứ mệnh hoà bình - 2005", thực hiện diễn tập từ thành phố Vladivostock của Nga đến bán đảo Sơn Đông của Trung Quốc và vùng biển phụ cận [42,23]. Hai nước đã điều động gần 10.000 binh sỹ hải, lục và không quân tham gia. Qua đó
nhằm tăng cường niềm tin, sự hợp tác và phối hợp hai nước, hai quân đội trên lĩnh vực an ninh quốc phòng, đồng thời nâng cao khả năng cùng đối phó với những thách thức mới trong khu vực và trên quốc tế. Đây là cuộc tập trận chung đầu tiên trong lịch sử quan hệ hai nước, đánh dấu một bước tiến mới trong quan hệ hợp tác quân sự Nga - Trung.
"Sứ mệnh hoà bình - 2007" diễn ra vào tháng 8/2007 mặc dù có sự tham gia của tất cả các thành viên SCO với 4000 quân nhưng chủ yếu là của Nga và Trung Quốc [44,23]. "Sứ mệnh hoà bình - 2007" là cuộc tập trận lớn thứ hai trong tiến trình phát triển hợp tác quân sự Nga - Trung. Cuộc tập trận này chính là một phần của hệ thống phản ứng nhanh trước mối đe doạ khu vực, được thành lập để tăng cường tiềm năng của SCO trong lĩnh vực an ninh mà Nga và Trung Quốc là chủ thể. Với quy mô lớn chưa từng có, cuộc tập trận chung này được giới quan sát khẳng định rằng nó đánh dấu sự bắt đầu của một liên minh giữa Trung Quốc và Nga để cân bằng với Mỹ và ảnh hưởng của NATO trong khu vực [42,25]. Đặc biệt, “Sứ mạng hoà bình” các năm 2009, 2010, 2013 đều có mục đích nhằm tạo ra động lực mới cho cuộc đấu tranh với chủ nghĩa khủng bố, chủ nghĩa ly khai và cực đoan; đồng thời hoàn thiện khả năng phối hợp, tính chuyên nghiệp, khả năng thực hiện mọi nhiệm vụ, cũng như củng cố quan hệ không chỉ trong lĩnh vực chính trị -xã hội, mà cả trong lĩnh vực quân sự giữa các Trung Quốc và Nga.
Đầu tháng 7/2013, lần đầu tiên Trung Quốc điều một lực lượng hải quân lớn để tham gia cuộc tập trận quân sự chung của Nga và Trung Quốc mang tên “Hiệp lực trên biển 2013” ở vịnh Peter Đại Đế gần Vladivostok với sự tham gia của hơn 4000 binh lính và gần 20 tàu chiến, 10 máy bay.
Qua các cuộc tập trận chung nói trên, mối quan hệ Nga - Trung trên lĩnh vực quân sự, an ninh đã không ngừng được xiết chặt, qua đó hai nước cũng khẳng định được khả năng đối phó với các mối đe doạ trong khu vực và trên thế giới.