Các loại sản phẩm dệt đặc trưng

Một phần của tài liệu Sản phẩm dệt của một số nhóm Thái vùng Mê Kông (Trang 40)

7. Kết cấu của đề tài

2.2.1 Các loại sản phẩm dệt đặc trưng

Sản phẩm dệt của người Thái rất đa dạng, nhưng về loại vải thì chủ yếu là vải mộc, vải nhuộm, vải thổ cẩm và vải tơ tằm. Mỗi loại vải được người Thái sử dụng vào những mục đích khác nhau tùy theo màu sắc và phong tục tập quán.

* Sản phẩm từ vải mộc

Vải mộc là loại vải có màu trắng chưa có xử lý về màu sắc. Vải mộc gồm hai loại, vải thưa dùng làm màn và vải dày được người Thái sử dụng trong các nghi lễ như cưới xin, ma chay. Hầu hết các gia đình người Thái đều có vải mộc được cất giữ cẩn thận, nhà nào cũng phải dệt vải trắng để dành cho các thành viên sau này khi về với tổ tiên.

* Sản phẩm từ vải nhuộm, vải thổ cẩm và vải tơ tằm

Từ vải nhuộm và vải thổ cẩm, người Thái làm ra rất nhiều những sản phẩm phong phú và đặc sắc phục vụ trong đời sống hàng ngày của họ, gồm

có y phục, mặt chăn, túi địu... Có thể kể đến một số những sản phẩm tiêu biểu cho nghề dệt của người Thái như:

- Áo ngắn (xửa cỏm)

Nữ phục Thái có nhiều kiểu dáng: áo dài tiếng Thái gọi là “xửa hí”, áo ngắn dài tay, cúc bạc gọi là “xửa cỏm”. Bộ “xửa cỏm” cổ truyền của phụ nữ Thái vừa được coi là lễ phục vừa là thường phục. Xửa cỏm có thể mặc trong lao động thường ngày, lại có thể mặc “diện” trong lễ hội, trong múa hát, đi chơi chợ, hoặc là tiếp khách sang trọng.

Xửa cỏm, được làm từ vải tốt, bằng lụa tơ tằm, thân áo bó sát người, tay áo rộng, từ nách khâu hẹp dần xuống. Gấu áo khâu lót thêm hai lần vải, rộng chừng ba phân, khâu đột, nịt chặt ôm lấy vòng eo. Mép gấu áo chỉ đủ chấm tới mép cạp váy, ngang thắt lưng. Hai hàng cúc bạc gọi là “mák pém” hình con bướm đính song song trên hai tà vạt áo. Màu nền tà áo không trùng với màu áo và màu cúc bạc. Số cúc thường là số chẵn. Theo quan niệm dân gian, đó là biểu hiện của sự đầy đặn, trọn vẹn, dành cho chồng con. Màu sắc

xửa cỏm cũng đa dạng, tùy theo thị hiếu từng người, có thể giữ nguyên màu vàng óng của lụa tơ tằm, có thể nhuộm màu hồng nhạt hoặc hoa đào, màu xanh thanh thiên, màu tím hay màu nõn chuối... Còn váy thí tất nhiên là màu đen, đen nhánh. Váy bằng lụa tơ tằm thì nhuộm chàm, tím thẫm và nhúng nhiều lần vào bùn ao cho thật đen, thật mượt.

Áo ngắn của chị em phụ nữ Thái Đen và Thái Trắng cũng có khác nhau ít nhiều. Nếu như cổ áo của phụ nữ Thái Đen cạp hai lần vải, khâu đột, cổ đứng thì cổ áo của chị em Thái Trắng bẻ tai, chiết giấu mép, vòng cổ rộng hình trái tim, mở dài xuống trước ngực, rất mềm mại, duyên dáng. Vì thế rất được giới ưa chuộng.

Ngắm người đàn bà Thái trong trang phục xửa cỏm, người ta có cảm tưởng như ngắm một pho tượng toàn thân, có bố cục cân đối hoàn chỉnh, vừa vững chãi mà vừa eo thon mềm mại, vừa đậm đà và giàu chất nữ tính.

Riêng đối với phụ nữ Thay Đeng sống ở Hủa Phăn (Đông Bắc Lào) và ở Thanh Hóa (Việt Nam) thì bộ xửa cỏm có thêm những nét đặc điểm riêng. Đó là áo thường màu đen, có cổ và ống tay được viền đỏ. Áo trắng chỉ dành cho người phụ nữ không chồng (hoặc bị chồng bỏ, góa chồng). Bên cạnh xửa cỏm mặc riêng còn có áo đỏ (xửa đeng) khoác ngoài trong những dịp đặc biệt. Áo đỏ dành cho các nàng dâu mặc trong lễ tang bố mẹ chồng, khi cúng tổ tiên, và khi chết. Điều đó có nghĩa là mỗi cô dâu phải chuẩn bị một chiếc áo đỏ cho ba dịp lễ đó trong cuộc đời mình.

Bên cạnh áo ngắn xửa cỏm, áo khoác dài của phụ nữ Thay Đeng, đặc trưng bởi những mảng màu đỏ, vàng ở phía trước và ở hai bên hàng cúc. Chiếc áo này khác với chiếc áo của người Thái Đen có những mảnh vải màu đen, vàng và đỏ và áo dài của người Thái Trắng có những mảnh vải trắng, xanh và đỏ. Áo xửa hy được cô dâu Thay Đeng mặc trong đám cưới với người chồng góa vợ và mặc lộn mặt trái ra ngoài. Chiếc áo được cuộn lại và để trước áo của cô nhằm đuổi ma người vợ cũ của chồng mình đi.

- Váy ống (xỉn)

Xỉn là loại váy ống may bằng vải bông (hoặc kết hợp giữa sợi bông và tơ tằm), quấn quanh eo. Váy thường có ba phần: chân váy tin xỉn, thân váy xỉn và cạp váy hua xỉn. Váy phụ nữ Thái ở các nơi đa phần là màu đen, khâu kín mép kiểu váy ống, vòng ống rộng gấp đôi vòng eo, cạp váy màu trắng hoặc màu đỏ (tùy từng vùng, như đối với người Thay Đeng là màu đỏ); độ dài váy tùy theo chiều cao của mỗi người và thường là chùng quá bắp chân. Váy mặc bó sát vào mông, gấp nếp phần thừa vào một bên hông, gấp bẻ trở lại đằng trước thành một đường chiết ly thẳng từ eo xuống gấu váy. Tuy vậy, nếp gấp này không làm mất đi nét uốn lượn ở phần hạ bán thân của người phụ nữ Thái.

- Thắt lưng

Thắt lưng thường làm bằng sồi tơ tằm, dài gấp hai lần rưỡi vòng eo, rộng chừng bốn, năm phân, màu trắng, hoa lý hay xanh nõn chuối...Hai đầu đính thêm hai mẩu vải nhỏ màu đỏ . Thắt lưng được thắt ngay dưới cạp váy, hông, mối đằng trước hới chếch về phía bên hông một chút. Ngày nay, nhiều cô gái đã “cải tiến” bằng cách dùng dây thắt lưng hoa nhiều màu, gấp nếp – không thắt mà quấn giấu mối, tuy tiện lợi nhưng lại làm giảm đi vẻ đẹp mặn mà truyền thống của phụ nữ Thái.

- Khăn Piêu

Chiếc khăn piêu cũng là một trong những sản phẩm của nghề dệt, tiêu biểu cho văn hóa trang phục Thái. Khăn piêu là một sải vải trắng nguyên khổ dệt từ loại bông cỏ (gossy pinn arboreum). Vải được chọn làm khăn piêu là những tấm vải sợi nhỏ đều, mặt vải mịn màng. Phần lớn những chiếc khăn

piêu đều có một khuôn khổ gần bằng nhau (trừ chiếc khăn của em gái là ngắn hơn một chút). Những chiếc khăn piêu thường có độ dài từ 1m50 đến 1m60 với khổ rộng 30 – 40 cm. Chiếc khăn piêu ngắn, dài tùy thuộc vào ý thích của từng người phụ nữ. Họ đo chiếc khăn bằng cả sải tay của mình.

Vải làm khăn piêu được nhuộm khá tỷ mỷ, sau khi nhuộm chàm kỹ ngả màu xanh đen còn được nhấn thêm vào nước vỏ cây ban cho đen bóng. Khăn piêu dài nhưng khi đội chỉ có một đầu khăn vắt trên đỉnh đầu rủ xuống trán và một đầu khăn thả xuống sau lưng dưới gáy là những phần lộ ra ngoài mới có trang trí hoa văn, còn đoạn giữa để nguyên vải chàm thô. Mặt khăn

piêu gọi là “nả piêu” thêu bằng chỉ ngũ sắc tạo ra những đường dây hoa văn gọi là “xai peng” đan xen vào nhau, đối nhau từng đôi một. Hai mép đầu khăn được viền bởi một diềm vải đỏ (hoặc vải ngũ sắc) kéo sang hai mép cạnh bên một đoạn chừng nửa chiều rộng của khăn. Các góc khăn và trên mép vải được viền tết chỉ màu thành các “cút piêu”. Cút piêu hình tròn, quấn chỉ dày, đậm nhiều màu thành những vòng tròn như đồng xu, mỗi đoạn vòng

một màu. Tùy theo các piêu dùng thường ngày (chỉ tết 3 sừng) hay piêu dùng trong ngày mường bản mở lễ hội hoặc để làm quà biếu, “cút piêu” được tết thành nhóm (5 sừng hoặc 7 sừng).

Khăn piêu được các cô gái Thái dệt ra vừa để dùng, vừa tặng bạn tình, làm quà kỷ niệm, tặng cha mẹ, cô bác, anh chị bên chồng trong ngày cưới với một sự tự hào về khả năng nữ công gia chánh của mình. Gia đình nhà chồng qua đấy mà hãnh diện với mường bản chọn được dâu thảo khéo tay hay làm.

- Khăn choàng (pha biêng)

Pha biêng thường được làm từ vải thổ cẩm, cắt và may dọc theo mép vải để tạo các tấm chéo. Pha biêng là khăn quàng chéo qua một bên vai, thường dùng trong các nghi lễ Phật giáo Tiểu thừa.

- Xà cạp (pha păn kha)

Pha păn kha là các miếng vải để quấn chân nhằm bảo vệ chân khi làm việc ở bên ngoài, tránh cỏ gây xước da. Xà cạp làm bằng vải bông màu đen, không trang trí hoa văn.

- Mũ nghi lễ

Đối với người Thái ở Đức Hồng (Vân Nam, Trung Quốc) thì đồ đội đầu truyền thống của phụ nữ là chiếc mũ hình ống (mảo) được tạo bởi một mảnh vải lụa đen dài, quấn thành nhiều vòng và khâu lại với nhau. Các bé gái đội mũ tròn ghép từ nhiều múi vải, có chóp bạc hay chóp nhôm. Từ giữa thế kỷ trước, phụ nữ tuổi trung niên ở đây hầu như không dùng mũ nữa mà chỉ quấn một chiếc khăn bông màu hồng gập tư, hai đầu khăn gài với nhau ở phía sau bằng kim băng. Trong khi đó, các cụ bà vẫn đội mũ, còn thanh niên thì để đầu trần, tết tóc thành bím và vấn quanh đầu. Tuy nhiên, chiếc mũ vải truyền thống vẫn được các cô dâu thời hiện đại sử dụng trong ngày cử hành hôn lễ.

Với người Thay Đeng ở Lào thì mũ có hai loại. Loại có hoa văn trang . Đặc điểm của mũ này là dẹt ở đỉnh và có

hình chữ nhật khi đội lên đầu, có một số dây (pha tom hoi) buộc vào phía sau. Loại không có trang trí dành cho con trai đội khi làm lễ tang bố mẹ. Mũ này màu trắng, hình tròn, có hình tam giác trên đỉnh.

- Mặt chăn (nả phà)

Trong tiếng Thái, “phà” là cái chăn, nhưng chỉ có một mặt cái chăn là được làm bằng thổ cẩm nên người Thái gọi là “nả phà”. Nả phà là sản phẩm của nghề dệt, nên các bước cải biến từ bông thành sợi dệt và ngay cả quá trình dệt mặt phà cũng sử dụng chung công cụ dệt vải mặc. Đến bước tạo đồ án hoa văn, người Thái gọi là kếp đìu nả phà thì mới bổ sung thêm vài chi tiết cài go trên khung dệt. Sau khi cài go đồ án hoa văn xong thì một nửa đồ án hoa văn đã hiện lên mặt vải và khau dâng. Người dệt sẽ hoàn thành cả đồ án hoa văn bằng cách vừa dệt vừa rút các que tre (đìu) trên khau dâng từ mặt trên xuống mặt giường vải. Tên gọi mặt phà thường được gọi theo mô típ hoa văn chính trong đồ án.

Có thể nói quy trình dệt mặt phà là quá trình thực hiện những khâu và thao tác phức tạp, đòi hỏi sự kiên trì, tỉ mỉ mới tiếp thu được vốn cổ truyền. Và tính truyền thống của hoa văn mặt phà bao giờ cũng được bảo lưu nghiêm ngặt. Bởi vậy, nó được coi là món quà quý của các cô dâu đem theo khi lấy chồng. Theo phong tục Thái, con gái khi đi lấy chồng, quà tặng mang theo có khi đến chục cái chăn, đôi chăn đẹp nhất được tặng cho bố mẹ chồng.

- Mặt gối (nả mon)

Chiếc gối (mon) Thái rất độc đáo và không một dân tộc nào khác có loại gối này. Đó là chiếc gối nhồi bông lau, bông cây gạo hay ngọn mạ phơi khô... Chiếc gối Thái dài độ 35 phân, cao trung bình chừng 10 đến 15 phân tùy sở thích từng người. Có loại gối đơn và có loại gối kép. Loại gối kép (mon kịt) là hai chiếc gối đơn gập chồng lên nhau, nối liền gáy với nhau và lồng vào áo gối. Điều đáng lưu ý là các đồ án hoa văn trang trí ở hai đầu cái gối, tiếng Thái gọi là nả mon (mặt gối). Mặt gối được làm riêng, sau khi thêu hoa văn

xong và chiếc gối đã nhồi căng, người ta mới đính mặt gối vào. Đồ án hoa văn mặt gối khá phong phú, mô típ hoa văn có nhiều kiểu dạng khác nhau.

Mặt gối được tạo nên bởi phương pháp thêu và phương pháp chắp ghép mảnh vải màu. Phương pháp thêu cho phép tạo ra những mô típ mềm mại và có đường cong uyển chuyển.

Phương pháp tạo hoa văn thứ hai là chắp ghép các mảnh vải màu. Loại mặt gối này khá phổ biến vì dễ làm. Đồ án hoa văn này chỉ có một kiểu mô típ hình tam giác cân cắt từ nhiều miếng vải chắp lại. Có nhiều kiểu chắp khác nhau tạo cho các hình tam giác phong phú về kiểu dáng và hài hòa về màu sắc.

Cả hai loại đồ án hoa văn đều nằm gọn trong khung đường diềm xung quanh. Đường diềm cũng được trang trí rất công phu. Đó là những đường chỉ lên xuống giữa hai đường song song tạo thành hình răng cưa nhịp nhàng.

Cùng với vải, chăn, chiếc gối Thái cũng là vật biếu tặng trong ngày cưới. Mỗi cô dâu về nhà chồng phải làm tới bốn, năm chục cái gối như thế để biếu tặng họ hàng nhà chồng. Ở người Thái còn có tập quán bạn gái giúp nhau làm gối cho đám cưới và coi đó như là món quà cưới.

- Màn, rèm che buồng (man)

Mỗi cô gái Thái đi lấy chồng còn phải sắm theo từ hai đến ba tấm màn che buồng. Những tấm màn này này được trang trí hoa văn làm diềm. Đồ án trang trí trên tấm màn che tập trung ở đầu phía trên của tấm màn. Diện tích được trang trí chỉ bằng khoảng một phần năm chiều cao của tấm màn. Trên đồ án trang trí này thường được kết hợp nhiều loại mô típ hoa văn.

- Mặt địu (nả đa)

Phụ nữ Thái rất chú ý đến mặt địu. Từ khi đang mang thai, chị em đã chuẩn bị vải làm địu, trong đó có phần mặt địu.

Mặt địu là một đồ án hoa văn sặc sỡ. Thường thường đồ án hoa văn được tạo nên bởi cách chắp các mảnh vải hình tam giác lại với nhau giống

như cách làm mặt gối. Cũng có nhiều người cầu kỳ hơn, họ tạo nên những đồ án hoa văn theo phương pháp thêu xéo khăn piêu. Loại đồ án này thường trang trí nhiều mô típ hoa văn hình học như hình trám, hình răng cưa... Một số người không có điều kiện chuẩn bị mặt địu thường dùng một vuông vải ‘khuýt” hay một vuông vải hoa làm mặt địu. Muốn ghép mặt địu vào dây địu phải chọn ngày lành, tháng tốt hợp số với đứa trẻ.

- Túi đeo (thông pák ca)

Đồ án hoa văn được trang trí ở cả hai mặt túi. Đó là những hoa văn thêu “xéo”, nhưng mô típ hoa văn phong phú và phức tạp hơn. Đồ án hoa văn túi thổ cẩm thường trang trí các hình động vật như: voi, ngựa, khỉ, các loài gà, chim, công v.v...

Đây là chiếc túi thổ cẩm gần như “vật bất ly thân” của người Thái. Gần đây, chiếc túi này đã trở thành đồ lưu niệm bán trong các gian hàng, nhiều khách du lịch rất thích loại túi thổ cẩm này.

Một phần của tài liệu Sản phẩm dệt của một số nhóm Thái vùng Mê Kông (Trang 40)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(108 trang)