Hạnh phúc

Một phần của tài liệu Các quan niệm đạo đức học của Augustinô và Thomas Aquinô (Trang 84)

7. Kết cấu của luận văn

3.2.3. Hạnh phúc

Theo truyền thống Hy Lạp và Kitô giáo, Thomas Aquinô kết thúc đạo đức học của ông bằng quan niệm về Hạnh phúc. Phần cuối cùng trong tác phẩm “Tổng luận thần học”, Thomas Aquinô dành nhiều thời gian và công sức cho vấn đề Hạnh phúc của con người.

Giống như Aritxtốt, Thomas Aquinô coi đạo đức học hay luân lý học là cuộc hành trình tìm đến Hạnh phúc và Hạnh phúc liên hệ với cái đích của con người. Người cổ đại và người Trung cổ hiểu cuộc đời của con người theo hướng mục đích luận. Theo quan niệm của các nhà triết học theo phái Platôn và Arixtốt, các nhà Khắc kỷ và các Giáo phụ Kitô giáo, sự thông thái của con người thể hiện ở chỗ con người định hướng nhận thức và toàn bộ hoạt động của mình theo một mục đích, đạt được đích đó bao giờ con người cũng yên bình và thưởng thức cuộc sống. Arixtốt cho rằng, chúng ta bận rộn để vươn tới thảnh thơi. Augustinô cho rằng, chúng ta khổ luyện trong cái sử dụng để đạt được cái thưởng thức. Kế thừa những quan điểm đó, đạo đức học Thomas Aquinô muốn dung hòa Hạnh phúc thế tục và tư tưởng Kitô giáo hướng con người Hạnh phúc ở thế giới bên kia, ở Thiên đàng. Cho nên có quan điểm cho rằng: "Arixtốt nghĩ về một đạo đức học tự nhiên tính nhờ đó con người có thể đạt được đức hạnh và hạnh phúc bằng việc thể hiện các khả năng hay cái đích tự nhiên của họ thì Thomas Aquinô lại thêm vào khái niệm của ông về cái đích siêu nhiên" [73, tr. 156].

Thomas Aquinô cho rằng, con người có hai cái đích để đi tới đó là cái đích tự nhiên và cái đích siêu nhiên. Do đó, những nỗ lực đạo đức của

con người cần phải hướng về cái Hạnh phúc trong cuộc đời thế tục và cuộc sống ở thế giới bên kia - Hạnh phúc tối hậu. Trước tiên chúng ta kiến giải quan điểm của Thomas Aquinô về bản chất khái niệm Hạnh phúc. Chúng ta biết rằng theo ngôn ngữ cổ, Hạnh phúc đồng nghĩa với đời sống lương thiện và Hạnh phúc là sự phong nhiên, sung mãn, sung túc về của cải và khoan khoái, hoan lạc về tinh thần của con người.

Theo Ciceron, hạnh phúc là trạng thái tích lũy mọi cái thiện, mọi cái ác đã bị đẩy lùi. Augustinô cho rằng, hạnh phúc là sự sung mãn của cải đáng ước mong. Kế thừa các quan điểm đó Thomas Aquinô cho rằng; phúc nhân là người có tất cả những gì mình ước muốn nhưng cần bổ sung thêm "không muốn điều ác nào”. Nói cách khác xét về bản chất hạnh phúc là cái thiện, một giá trị của đạo đức con người. Theo Thomas Aquinô, “mục đích tối hậu của con người được gọi là hạnh phúc cho nên xét theo căn nguyên hay đối tượng của nó thì nó là điều tự hữu; nhưng nếu được xét theo yếu tính của hạnh phúc thì nó là vật thụ tạo" [4; 4.16; vấn đề 3; mục 2; tr. 227]. Do đó, về nguồn gốc của hạnh phúc là do Thiên Chúa. Thiên Chúa là hạnh phúc tối hậu của con người. vì thiên chúa là cái thiện hảo tuyệt đối. Tuy vậy, con người là hình ảnh của thiên chúa nên con người cũng có hạnh phúc. như vậy, hạnh phúc được gọi là cái thiện tuyệt đỉnh của con người vì là sự chinh phục và vui hưởng tuyệt đỉnh.

Chúng ta biết rằng, hạnh phúc là cái thiện của con người. vấn đề đặt ra là hạnh phúc phụ thuộc điều gì và làm thế nào để con người có hạnh phúc? Theo Thomas Aquinô, hạnh phúc của con người không phụ thuộc vào yếu tố tài sản, vinh dự, danh vọng, quyền lực hay sự khoái lạc. Vì chúng chưa phải là cái thiện đối với con người. Ông cho rằng, "tiền bạc có thể mua sắm hàng hóa chứ không mua được thực tại thiêng liêng" [4; 4.16; vấn đề 2; mục 5; tr. 145]. Với quyền lực Thomas cho rằng, "hạnh phúc không phụ thuộc vào quyền hành vì hai lý do: một là quyền hành có lý tính

của nguyên khởi còn hạnh phúc có lý tính tối hậu, hai là quyền hành thì không phụ thuộc vào điều thiện hay điều ác. Còn hạnh phúc là điều thiện riêng biệt và hoàn bị của con người" [4; 4.16; vấn đề 2; mục 4; tr. 157]. Với khoái lạc, Thomas Aquinô khẳng định, "sở dĩ những vui thú nhục thể ấy được dành cho cái tên "những khoái lạc” và vì chúng được nhiều người biết đến. Nhưng hạnh phúc không chính yếu hệ tại những khoái lạc ấy" [4; 4.16; vấn đề 2; mục 6; tr. 167].

Có nhiều quan điểm cho rằng, đạo đức học của Thomas Aquinô gần với chủ nghĩa khoái lạc. nhưng cũng như đạo đức của Platôn và Arixtốt, chúng ta khẳng định, đạo đức của Thomas Aquinô không theo hướng đó. Quan niệm về hạnh phúc của ông đã khẳng định rõ, Hạnh phúc không đồng nhất với sự khoái lạc.

Như phân tích ở trên, hạnh phúc của con người không lệ thuộc vào vật chất, sự khoái lạc, quyền lực ... hạnh phúc theo Thomas Aquinô, phụ thuộc vào các yếu tố cơ bản chính là sự mặc khải của Chúa; sự vui hưởng cuộc sống trần thế với niềm tin, tình yêu và hy vọng. Cái mục đích tự nhiên của Hạnh phúc trong tư tưởng Thomas Aquinô là sự vui thú, là sự ngay thẳng, là sự hoàn bị của thân thể và tinh thần và đặc biệt là sự sum họp bạn bè. Ngoài ra, Thomas Aquinô là đại biểu xuất sắc của triết học Kinh viện giai đoạn hưng thịnh mà đặc trưng của giai đoạn này là sự tiếp thu tư tưởng Arixtốt, sự khởi sắc của các trường đại học và hoạt động khoa học của các dòng tu lớn. Do đó theo Thomas Aquinô, “Hạnh phúc của con người còn hệ tại khoa học. Ông khẳng định khoa học suy lý là một sự tham dự nào đó vào Hạnh phúc thực sự và hoàn bị [4; 4.16; vấn đề 3, mục 1; tr. 225]. Ông cho rằng, "sự vui thú thì phát sinh do dục vọng được an hưởng trong điều thiện nó đã chiếm hữu. Vậy hạnh phúc chiếm hữu điều thiện tuyệt đỉnh chứ không phải chi khác; cho nên không thể có vui thú mà không thể có Hạnh

phúc kèm theo" [4; 4.16; vấn đề 4; mục 2; tr. 283]. Có nhiều quan điểm cho rằng, Thomas Aquinô có thái độ ôn hòa với nhu cầu thân xác của con người. Ông không chối bỏ nó, những nhu cầu của thể xác, của tinh thần, sự vui thú là những đối tượng hợp pháp của sự ham muốn và con người có khả năng hướng tới những niềm vui trần thế này.

Dưới góc độ mục đích siêu nhiên, theo Thomas Aquinô, Hạnh phúc hoàn hảo chỉ có được từ Thiên Chúa và Thiên Chúa là cái Thiện tối thượng. Ông viết: "Thiên Chúa là yếu tính của con người, một mình Thiên Chúa là chân lý do yếu tính, và sự chiêm ngưỡng Người làm cho con người hoàn toàn hạnh phúc " [4; 4.16; vấn đề 4; mục 2; tr. 283]. Và theo Thomas Aquinô, "sự tham dự đôi chút vào hạnh phúc thì có thể ở đời này còn hạnh phúc đích thực và hoàn bị thì không thể có ở đời này. Vì hạnh phúc là điều thiện hảo hoàn bị và sung túc, đẩy lùi mọi điều ác và thỏa mãn mọi ước muốn. Nhưng ở đời này không thể đẩy lùi mọi điều ác. Hạnh phúc đích thực chỉ có ở Thiên Chúa" [4; 4.16; vấn đề 5; mục 3; tr. 345].

Tóm lại, cũng như phạm trù cái Thiện và phạm trù cái ác, Thomas Aquinô đã kiến giải toàn diện và sâu sắc phạm trù hạnh phúc. Ông kế thừa triệt để sâu sắc tư tưởng của Arixtốt và các nhà giáo phụ học khác khẳng định, hạnh phúc cũng là sự thiện hảo của con người, khẳng định con người có hạnh phúc nhưng hạnh phúc đó chỉ có được ở cái đích siêu nhiên, đó là thiên chúa... Tuy vậy, Thomas Aquinô đã tỏ thái độ ôn hòa trong cách trình bày và lập luận của mình về vấn đề hạnh phúc. Ông thừa nhận nhu cầu thân xác của con người, khẳng định vai trò và nỗ lực đạo đức của con người để hướng đến cuộc sống đức hạnh và hạnh phúc.

Một phần của tài liệu Các quan niệm đạo đức học của Augustinô và Thomas Aquinô (Trang 84)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(106 trang)