7. Kết cấu của luận văn
3.2.1. Cái thiện
Chúng ta biết rằng phạm trù cái Thiện và phạm trù cái ác là hai phạm trù cơ bản của đạo đức học nói chung. Bất kỳ lý thuyết đạo đức học nào
cũng xuất phát điểm từ hai phạm trù này. Đạo đức học Kitô giáo nói chung và đạo đức học giai đoạn Kinh viện nói riêng cũng đề cập đến phạm trù cái Thiện và cái ác. Thomas Aquinô xây dựng một hệ thống đạo đức học với tâm điểm là phạm trù cái thiện. Phạm trù cái thiện được ông đề cập đến từ hai phương diện là bản thể luận và nhân cách con người.
- Dưới góc độ bản thể luận, trong tác phẩm “Tổng luận thần học” Thomas Aquinô đã kiến giải sâu sắc và toàn diện khái niệm cái thiện cũng như các yếu tố phụ thuộc vào cái thiện. Trong vấn đề 5, 6 thuộc phần Thiên Chúa nhất thể, Thomas Aquinô đã đề cập đến cái thiện nói chung và cái Thiện của Thiên Chúa. Dưới góc độ bản thể luận, khái niệm cái Thiện gắn với khái niệm hữu thể và về thực chất là chúng đồng nhất với nhau. Với nội dung bản thể của cái Thiện, Thomas Aquinô kế thừa tư tưởng đạo đức học của Platôn, Arixtốt và Augustinô. Theo Platôn và Arixtốt, mỗi ý niệm đều có mục đích cũng như hình dạng chứa đựng năng lực hoạt động có mục đích, có khuynh hướng phát triển ngày càng hoàn thiện cho chính mình, nghĩa là hướng tới cái Thiện. Cái Thiện xét về phương diện bản thể luận, bao giờ cũng là sự hoàn thiện. ở Platôn, ý niệm của ý niệm là ý niệm cái thiện. Trong tác phẩm “Đạo đức học của Nicomaque”, Arixtốt đã phát triển quan niệm khẳng định sự lệ thuộc có hệ thống toàn bộ hoạt động và hành vi tối cao, vào cái thiện cao cả. Theo Augustinô, "chúng ta hiện hữu chừng nào thì thiện hảo chừng ấy" [4; 4.6; vấn đề 5; mục 1; tr. 221]. Tiếp thu quan niệm của Augustinô và các bậc tiền bối, Thomas Aquinô khẳng định: "điều thiện và hữu thể đồng nhất với nhau theo thực định… Cốt tính của điều Thiện là điều được ham muốn. Và hiển nhiên là điều gì càng hoàn bị thì càng được ham muốn vì mọi vật đều muốn sự hoàn bị của mình cho nên càng là hữu thể thì càng Thiện hảo" [4; 4.6; vấn đề 5; mục 1, tr. 221]. Nói cách khác, các hữu thể bao gồm cả các vật thụ tạo và Thiên Chúa đều là sự Thiện hảo. Bởi lẽ chúng đều tồn tại. Và sự tồn tại của Thiên Chúa là cơ sở
duy nhất tối cao. Thomas Aquinô khẳng định, cái Thiện là sự thích hợp với Thiên Chúa hơn hết… Vì Thiên Chúa là tác căn đệ nhất cho mọi vật cho nên lý tính của điều thiện và của điều đáng được ham muốn phải thích hợp với người. Theo cách đặt vấn đề và giải quyết vấn đề của Thomas Aquinô trong tác phẩm “Tổng luận thần học” là đặt ra những câu hỏi nghi vấn về sự thiên chúa. Phải chăng Thiên Chúa là điều Thiện tối thượng? phải chăng nhờ sự Thiện hảo của Thiên Chúa mà mọi vật khác được Thiện hảo?... Sau khi phân tích và đưa ra những lý lẽ, bằng chứng, câu trả lời của Thomas Aquinô là khẳng định. Do đó dưới góc độ bản thể luận, theo Thomas Aquinô, cái thiện đồng nghĩa với sự tồn tại, đồng nhất với Thiên Chúa.
- Dưới góc độ nhân cách của con người, chúng ta biết, trong đạo đức học Kinh viện, Chúa trời là nền tảng của các vấn đề đạo đức. Tuy nhiên, dưới góc độ tồn tại người và nhân tính nơi con người thì phạm trù cái Thiện được thể hiện như là đời sống có đức hạnh. Nó được thể hiện qua hành vi và ý thức con người khi con người quan hệ với Thiên Chúa và quan hệ với con người trong đời sống xã hội. Đức hạnh của con người được thông qua nhân tính và hướng đến giá trị đạo đức cao đẹp là con người lý tưởng. Những phẩm chất thiện và đức hạnh của con người được chúng tôi làm rõ ở mục con người và đạo đức.
Điểm độc đáo trong tư tưởng của Thomas Aquinô trong quan niệm về cái thiện là ông đã kiến giải sâu sắc và toàn diện vấn đề này. Thomas Aquinô giải thích một cách khái quát phạm trù cái thiện, đối lập nó với phạm trù cái ác, phân loại cái thiện trên cơ sở của cái ác. Theo ông có ba cái thiện: cái thiện tương phản với cái ác như ánh sáng và bóng tối; cái thiện không bị hoàn toàn phá hủy bởi cái ác, cũng không bị suy giảm đó là cái thiện làm chủ thể cho cái ác và cuối cùng là cái thiện bị suy giảm vì cái ác, nhưng không hoàn toàn bị hủy hoại. Ngoài ra, theo Thomas Aquinô, lý
tính của cái Thiện hệ tại (phụ thuộc) cách thức, loại và trật tự. Để luận giải vấn đề này Thomas Aquinô đã dẫn lời nói của Augustinô: "Ba điều này là cách thức, loại và trật tự là những điều thiện chung của các vật do Thiên chúa làm nên, vì thế ở đâu ba thứ đó lớn là thì điều thiện cũng lớn lao ở đâu ba thứ đó nhỏ nhoi thì điều thiện nhỏ nhoi và ở đâu không có mảy may ba thứ đó thì không có điều thiện nào hết" [4; 4.6; vấn đề 5; mục 5; tr. 237]. Cái Thiện là sự hoàn bị của thế giới và con người. Thomas Aquinô kết luận, lý tính của điều thiện phụ thuộc vào sự hoàn bị, cách thức, loại và trật tự. Hay nói cách khác, cái thiện phụ thuộc sự hoàn bị của cấu tạo, phân loại và bản chất của sự vật thụ tạo và con người.
Tóm lại, Thomas Aquinô đã đứng trên lập trường duy tâm trong kiến giải về cái Thiện của con người. Nói chung, ông thừa nhận duy nhất thiên chúa là cái Thiện tuyệt đối. Còn con người và các vật thụ tạo chỉ hướng về cái Thiện tức là hướng về sự hoàn hảo và tuyệt đối nơi thiên Chúa. Tuy nhiên điểm hợp lý trong tư tưởng của ông là xét cái Thiện nơi con người như là nhân tính, nhân cách của con người. Hướng con người đến sự hoàn hảo, hoàn mỹ và đó là con người lý tưởng.
3.2.2. Cái ác
Vấn đề cái ác và tội lỗi là nguồn gốc, cơ sở cho lý luận Kitô giáo về con người và đạo đức. Phạm trù cái ác được hiểu như là sự đối lập với phạm thù cái thiện. Trên cơ sở phạm trù cái ác, một loạt vấn đề được đặt ra là bản chất, hình thức và cái gì là hệ tại của cái ác? Chưa có là nguồn gốc của cái ác không? và đặc biệt quan trọng là vấn đề mối quan hệ tự do ý chí của con người với sự tiền định của chúa trong việc làm nên cái ác nơi con người. Chúa phải chịu trách nhiệm hay con người phải chịu trách nhiệm trước ý nghĩ và hành vi ác độc của con người.
Theo Thomas Aquinô, chúng ta chỉ có thể hiện cái ác thông qua cái thiện. Nếu cái thiện được hiểu là tất cả những gì mà mọi vật ưa muốn và hữu thể đáng được ưa muốn thì cái ác là điều không được ưa muốn, không là hữu thể. ác là hình bóng, là sự thiếu hụt của cái thiện. Trong tác phẩm “tổng luận thần học”, trong phần Thiên Chúa tạo thành và các thiên thần, Thomas Aquinô đã lần lượt giải thích bản chất, hình thức và nguồn gốc của cái ác.
Về bản tính của cái ác, Thomas Aquinô đặt vấn đề nghi vấn: phải chăng cái ác là một bản chất tự hữu nào đó? Và ông lập luận, "khi hai điều tương phản nhau thì ta nhớ điều nọ mà biết điều kia, như nhờ ánh sáng mà biết bóng tối. Cho nên muốn biết điều ác là gì thì phải nhờ quan niệm về điều thiện … Điều ác không thể biểu thị một hữu thể, một mô thể hay một bản tính nào đó. Điều ác là sự khiếm diện (thiếu hụt) điều thiện" [4; 4.12; vấn đề 48; mục 1; tr. 149]. Do sự "khiếm diện" cái thiện là cái ác nên ngoài Đức chúa ra trong thế giới thụ tạo và con người luôn có cái ác. Thomas Aquinô cũng khẳng định, nơi vạn vận thụ tạo có sự chênh lệch cấp bậc của cái thiện, sự hoàn bị của vạn vật đòi hỏi có các vật, bất khả hoại" (không có khả năng mất đi), nhưng sự hoàn bị của vũ trụ lại đòi phải một số vật phải suy thoái về sự thiện hảo. Do đó, cái ác là có nơi vạn vật và con người. Và chính con người khi được thiên chúa sáng tạo đã bao hàm yếu tố, tiềm năng của cái ác. Cho nên thiên chúa không phải là nguyên nhân của cái ác nơi con người.
Nơi con người tiên khởi (đầu tiên) chỉ có tiềm năng của cái ác mà cái ác chưa hiện diện. Theo Thomas Aquinô, "đam mê của linh hồn thì trụ tại giáo dục, có đối tượng là điều thiện và điều ác. Vì một số đam mê của linh hồn thì hướng về điều thiện, như tình yêu và sự vui mừng, một số hướng về điều ác như sự sợ sệt và đau đớn. Và vì vậy trong bậc thiên khởi không có cái ác nào hiện diện hay đe dọa, cũng chẳng thiếu điều thiện nào mà ý chí tốt lành mong ước chiếm hữu trong thời gian ấy [4; 4.13; vấn đề 95; mục2;
tr. 876]. Cho nên, thượng đế chỉ tạo ra khả năng chứ không phải tất yếu có sự khiếm khuyết và đau khổ. Nơi con người linh hồn, ý chí đã thiếu hoàn thiện và sự lựa chọn thiếu hoàn thiện; còn thể xác đã bao hàm sự không tồn tại, do đó, đã tiềm ẩn cái ác. Không những vậy, theo truyền thống Kitô giáo nói chung và Thomas Aquinô nói riêng, con người sinh ra đã mắc đầy tội lỗi và cái ác. Con người đã bị Thiên chúa đẩy khỏi thiên Đàng vì không nghe theo ý nguyện và lời răn nơi thiên chúa. Con người mắc tội Tổ tông, có dục vọng và sự tự do của ý chí nên con người có cái ác.
Tuy vậy, dưới góc độ triết học và đạo đức học vấn đề con người có tự do ý chí không? có quyền này lựa chọn cái thiện hoặc cái ác không? hay là tất cả do sự sắp đặt tất yếu của thiên chúa?. Vấn đề này là vấn đề cơ bản, quan trọng, là trung tâm của những cuộc trao đổi và tranh luận của thời Trung cổ. Cùng vấn đề mối quan hệ giữa cái chung - cái riêng; vấn đề tự do tự quyết và sự mặc định tất yếu của thiên chúa là hai vấn đề xuyên suốt trong thời kỳ này. Nếu dưới góc độ triết học vấn đề mối quan hệ giữa cái chung và cái riêng là cơ bản để chia các trường phái triết học duy thực, duy danh, thì dưới góc độ đạo đức học, giải quyết vấn đề tự do tự quyết và tất yếu là cơ sở của vấn đề mối quan hệ giữa con người với thiên chúa. Nếu khẳng định con người tự do tự quyết trong ý chí và hành động thì những hành vi của cái ác nơi con người không phải do Đức chúa và Đức chúa sẽ không có vai trò gì đối với con người. Mặt khác, nếu khẳng định mọi vật trong đó có cả con người bị sự quyết định; mặc định sẵn bởi thiên chúa thì những hành vi không đạo đức, cái ác của con người là do Đức chúa sắp đặt do đó Đức chúa phải chịu trách nhiệm trước hành vi của con người.
Giải quyết vấn đề này, Thomas Aquinô đã đứng trên lập trường ôn hòa. Một mặt, ông trích dẫn những quan điểm phủ định tự do tự quyết; quan điểm định mệnh luận; mặt khác, ông đưa ra những quan điểm khẳng định có tự do tự quyết nơi ý chí con người. Và ông kết luận, con người có quyền tự do tự
quyết nhưng trong khuôn khổ sự mặc định, tiền định bởi thiên chúa. Đây là quan điểm mâu thuẫn lớn nhất của Thomas Aquinô trong lĩnh vực đạo đức học. Theo Thomas Aquinô, do con người có lý trí do vậy "con người có quyền tự do tự quyết" [4; 4.14; vấn đề 85; mục 1; tr. 391]. Do đó, cái ác nơi con người đã được thiên chúa sắp đặt từ trước và do con người không nghe theo, con người có những dục vọng về thể xác và sự tự do lựa chọn, nhưng sự lựa chọn sai nên con người trở nên ác. Và do đó, nỗ lực đạo đức của con người là sự nỗ lực của bản thân và sự nhờ sự ân sủng, cứu rỗi của Thiên Chúa để hướng tới cái thiện phổ quát - thiên Chúa.
Trong kiến giải phạm trù cái ác, ngoài những vấn đề kể trên, Thomas Aquinô cho rằng, cái ác có nhiều hình thức như là ác của tội lỗi và ác của hình phạt. Trong tác phẩm “Tổng luận thần học”, ông viết: "Điều thiện đơn thuần là ý muốn điều ác là sự thiếu hụt điều thiện cũng phải được nhận thấy cách biệt nơi những thụ tạo có ý chí và ý muốn. Cho nên điều ác có lý tính của hình phạt và lý tính của tội lỗi" [4; 4.12; vấn đề 48; mục 5; tr. 169]. Nói cách khác, cái ác phân loại được thành ác hình phạt và ác tội lỗi. Cũng trong tác phẩm kể trên, Thomas Aquinô còn đi tìm cơ sở, nguồn gốc của cái ác. Theo ông, cái ác không có nguồn gốc từ Thiên Chúa mà nó có nguồn gốc do chính cái Thiện. Và nếu có từ Thiên Chúa thì chỉ là nguồn gốc của cái ác hình phạt mà thôi. Thomas Aquinô cho rằng, “trật tự của đức công bình, đòi hỏi phải trừng phạt những tội nhân cũng thuộc về vũ trụ. Và theo đó thiên chúa là tác giả của thứ điều ác là hình phạt nhưng không là tác giả của thứ điều ác là tội lỗi" [4; 4.12; vấn đề 49; mục 2, tr. 185].
Tóm lại, Thomas Aquinô đã phân tích và làm rõ nguồn gốc, bản chất, hình thức của cái ác. Trên cơ sở đó ông đã chỉ ra mối liên hệ căn bản giữa cái thiện và cái ác. Cái ác là sự thiếu hụt cái thiện và ngược lại. Với cặp phạm trù cái Thiện và cái ác, Thomas Aquinô đã đặt ra nhiều vấn đề cho
đạo đức học Trung cổ và nhân loại. Qua đó ông thể hiện lập trường của mình một cách ôn hòa như là lời lẽ thuyết phục con người ta chối bỏ cái ác hướng đến cái thiện phổ quát và đời sống hạnh phúc.