7. Kết cấu của luận văn
1.3.2. Thomas Aquinô và tác phẩm “Tổng luận thần học”
Thomas Aquinô sinh năm 1225 tại làng Roccaisicca, xứ Neapoli (phía nam nước Italia), gần Monte Cassino, là con trai thứ 7 của Bá tước Landolfo Aquinô. Mẹ ông là người Nauy. Do đó, về nguồn gốc, ông thuộc dòng dõi quý tộc lớn nhất châu Âu, có họ với Giáo Hoàng Phriedrich Bacparos, còn Hoàng đế Phriedrich II là người anh họ của Thomas Aquinô.
Cha ông, người đã từng hy vọng con mình sau này sẽ có một địa vị cao trong xã hội, nên đưa ông vào học tại tu viện Monte Kasinô khi ông chín tuổi. Tu viện trưởng là một địa chủ lớn, tuy nhiên những cuộc chiến tranh không ngừng giữa Hoàng đế và Giáo hoàng đã biến tu viện thành nơi u sầu hoang vắng. Năm 14 tuổi, Thomas Aquinô đã nhập học tại đại học tổng hợp Neapel do Friedrich Đệ nhị thành lập. Trong thời gian sống và học tập ở đây, Thomas Aquinô đã bị thu hút và làm quen bởi dòng tu Dominican (dòng tu khất thực, hay là dòng anh em thuyết giáo). Gia đình ông là gia đình quý tộc nên đã phản đối chuyện này. Dòng tu Dominican do thánh Dominicus (1170-1221) thành lập. Dòng này chủ trương sống nghèo khó và dấn thân làm việc Tông đồ qua sự thuyết giáo và công việc giáo dục. Vì thế, để công việc Tông đồ đó được thành công và đưa lại kết quả, các tu sĩ cần phải được đào tạo và huấn luyện một cách đầy đủ chu đáo
trong lĩnh vực thần học. Đây là một môn học mà từ trước cho đến lúc bấy giờ vẫn được coi là nhân đức và trí tuệ thì bây giờ nó lại được tổ chức học trong trường đại học. Thomas Aquinô theo học ngành chuyên môn "các nghệ thuật tự do" tại tỉnh Neapel, tiếp đến ông theo học thần học tại Paris. Tại đây ông được thụ giáo với Đại thánh Albert một học giả lỗi lạc thời bấy giờ. Trong thời gian quan hệ lâu dài với Đại thánh Albert ở Paris và ở Côlônhơ, Thomas Aquinô đã tiếp thu kho kiến thức bao la của nhà thần học này.
Vào năm 1252, khi tổng giáo chủ dòng Dominican cần một ứng cử viên trẻ tuổi cho con đường công danh khoa học ở Paris thì Alber đã cử Thomas Aquinô. Năm 1252, ông vẫn tiếp tục học thần học tại Paris. ở đây với tư cách là người có bằng cử nhân. Ông đã bắt đầu dạy khoa thần học cho tới năm 1256, và được công nhận là hội viên chính thức của khoa học thần học năm 1257. Từ đó, ông tiếp tục dạy ở Paris cho đến năm 1259 trong khoảng 10 năm tiếp theo, ông đã qua nhiều tu viện ở gần Roma để giảng dạy triết học và thần học.
Cuối năm 1268, Thomas Aquinô trở về Paris để tiếp tục giảng dạy thần học. tại đây, ông đã có nhiều cuộc tranh luận sôi nổi để bảo vệ triết học Arixtốt theo tinh thần của Giáo hội, bảo vệ triết học của mình và chống lại "tà thuyết" Averroes. Rất nhiều tác phẩm triết học và thần học của ông được sáng tác trong thời gian này. Như "bình luận thần học" "về các thực thể phân chia được"; "về tính vĩnh cửu của thế giới", "về sự thống nhất của trí tuệ thần học", "tổng luận thần học"...
Năm 1272, Thomas Aquinô được gọi về ý và tham gia giảng dạy tại Đại học Neapol khoảng một năm. Nhưng vì sức khỏe yếu nên ít lâu sau đó ông buộc phải chấm dứt việc này. Ngày 7 tháng 5 năm 1274, ông được bổ nhiệm tham dự Công đồng, nhưng trên đường đi ông bị bệnh nặng và mất khi mới có 54 tuổi.
Thomas Aquinô đã để lại một di sản khổng lồ và mức độ rộng lớn của di sản này, cũng đáng khâm phục khi ông viết trong vòng 20 năm. Theo một cách đánh giá khiêm tốn, ông đã viết hơn 8 triệu từ và bằng nhiều thứ ngôn ngữ khác nhau. Trong những trước tác của ông, có sách bình luận về Arixitốt, về triết học Hy Lạp và La Mã; về Thánh kinh; Mặc khải của Chúa... và đặc biệt là những tư tưởng về con người, về đạo đức của con người đối với Thiên chúa.
Nổi bật trong những tác phẩm của ông là bộ "Tổng luận thần học" (Summa Theologea) và "tổng luận chống lại dân ngoại đạo" (Summa contra Gentiles)... Nhiều học giả đánh giá rằng, nếu nhìn lại tổng thể lịch sử triết học và thần học từ thời Cổ đại cho đến thời Trung cổ, thì người ta phải công nhận rằng, tác phẩm "tổng luận thần học" của Thomas Aquinô là cả một công trình nguy nga đồ sộ vào bậc nhất. Người ta thường ví tác phẩm vĩ đại đó như ngôi đền Gôtích nguy nga hùng vĩ nhưng rất thanh thoát và cao xa. Trong đó là những tư tưởng sâu sắc về triết học, luân lý học, thần học...
Trong tác phẩm “Tổng luận thần học"(Summa Theologea) thì chữ "Summa" phải được hiểu là sự trình bày toàn diện một ngành học chuyên môn, tức không phải từng môn học riêng rẽ thuộc về thần học, nhưng là khoa thần học xét một cách tổng thể, mặc dầu đối tượng và phương pháp của mỗi môn học thuộc khoa thần học tương đối khác biệt nhau: từ môn tín lý cho đến môn thần học mục vụ, từ môn giáo sử cho đến giáo lý và chú giải Thánh Kinh … Do đó, khoa thần học thời Trung cổ không những được hiểu là môn học thuộc đại học, nhưng còn là môn khoa học thống nhất, nghĩa là mọi môn học thuộc thần học đều gắn bó mật thiết với nhau.
Trong cách trình bày tác phẩm "tổng luận thần học" trước tiên Thomas Aquinô đặt ra các khoản mục. để giải thích từng khoản mục đó, tác giả đã nêu lên một câu hỏi rất rõ ràng, chi tiết và duy nhất. ví dụ: "có hợp lý hay không khi Thiên Chúa trở nên xác phàm? chứ "không nêu vấn đề
một cách tổng quát như thánh Ansel Canterbury: "Tại sao Thiên Chúa đã trở nhân phàm nhân?". Trước khi Thomas Aquinô trả lời vấn đề đó, câu hỏi đó thì ba luận cứ đối kháng được đưa lên và kết luận của những luận cứ đó như làm giảm bớt câu trả lời của Thomas Aquinô. Tiếp đến, một luận cứ khác được nêu lên thường là trích dẫn một câu kinh thánh - để mở đường và làm điểm tựa cho câu trả lời của Thomas Aquinô. và sau cùng mới đến phần trọng tâm, đó là câu trả lời của thomas aquinô. Trong câu trả lời, ông đưa ra một luận đề rõ ràng được dựa trên nền tảng lý trí và những văn bản cổ điển. Cuối cùng, những quan điểm hay, những luận cứ đối lập sẽ lại được nhắc đến và đưa ra mổ xẻ, tìm hiểu và chứng minh luận điểm đó có thể đứng vững hay không.
Người ta ước tính trong toàn bộ "tổng luận thần học" có khoảng 3000 khoản mục được coi như những phần cơ bản tạo nên tác phẩm, trong đó có khoảng 10.000 câu giải đáp và 20.000 trích dẫn.
Tác phẩm "tổng luận thần học" là tác phẩm quan trọng nhất của Thomas Aquinô. Nội dung của nó được chia làm ba phần rõ rệt.
+ Phần đầu: Thomas đã tìm cách trình bày và chứng minh tính cách
khoa học của Thần học. Đó là một khoa học tùy thuộc sự tri thức về thiên chúa, bởi vì nó xuất phát từ sự mặc Khải của sự tri thức về thiên chúa. Trong phần mở đầu này, Thomas Aquinô đã đưa ra năm con đường cơ bản để chứng minh sự tồn tại của thiên chúa; tiếp đến là sự bàn luận đến những phẩm tính của Thiên Chúa và tiếp theo đó là phần Thiên Chúa Ba Ngôi.
+ Phần thứ 2: Đây là phần tương đối dài và được tác giả soạn thảo
khi đang ở Paris; nội dung của nó bao gồm: Xét con người như là hình ảnh của thiên chúa nghĩa là một thụ tạo có trí năng và ý chí, tức một tạo vật tự do; và nội dung tiếp theo là bàn đến các nhân đức (đức tin, tình yêu, sự trông chờ sự Mặc khải...) và các nhân đức luân lý.
+ Phần 3: Phần này được Thomas Aquinô soạn thảo vào năm 1272 khi ông rời Paris về sống ở Neapel. Trong phần này Thiên Chúa được trình bày như là tình yêu thương con người. Vì thế, trước tiên ông bàn về Chúa cứu thế.
Như vậy, với lối lập luận chặt chẽ (áp dụng lôgic học hình thức của Arixtốt), bố cục nội dung rõ ràng, tác phẩm “Tổng luận thần học” thực sự là một khối lượng tri thức khổng lồ cả về mặt thần học, triết học, đạo đức học ... Nó xứng đáng được ví như ngôi đền Gôtích nguy nga, tráng lệ.
Với đóng góp to lớn của mình, Thomas Aquinô đã luận chứng một cách khoa học và dung hòa các quan điểm khác nhau về các vấn đề bản thể luận, nhận thức luận, đạo đức học... Tư tưởng của ông là sự kết hợp giữa tư tưởng của Kinh Thánh; triết học Hy lạp và La mã và tư tởng của những Giáo Phụ trước ông. Do đó, những lý thuyết, luận điểm của ông đã trở thành cơ sở lý luận chính thống cho giáo hội và nhà thờ.
Điểm qua những tiền đề kinh tế - xã hội và tư tưởng cho sự ra đời và phát triển của triết học, đạo đức học ... của giai đoạn trung cổ ở Tây Âu cho thấy vai trò to lớn của đạo đức học Platôn, Arixtốt, phái Khắc kỷ nói riêng, triết học Cổ đại nói chung đối với đạo đức học của Augustinô và Thomas Aquinô. Bên cạnh đó, chúng ta cũng phải thấy một thực tế rằng, nếu không có Kinh thánh thì cũng không thể có đạo đức học của hai ông. Đạo đức của Augustinô và Thomas Aquinô là sự cụ thể hoá, tiếp tục phát triển đạo đức học Kitô giáo. Mối quan hệ giữa đạo đức học Kitô giáo và đạo đức học Augustinô và Thomas Aquinô là quan hệ nhân quả tương hỗ. Nếu không có đạo đức học Kitô giáo thể hiện trong Kinh thánh và các vị Giáo phụ thì cũng không thể có đạo đức học của Augustinô và Thomas Aquinô. Về phần mình, đạo đức học Augustinô và Thomas Aquinô góp phần cụ thể hoá, làm giầu và phong phú thêm các quan niệm đạo đức Kitô giáo. Hơn nữa, chúng tôi cũng trình bày một cách tổng lược, khái quát về tiểu sử và những đóng
góp của hai nhà tư tưởng lớn là Augustinô và Thomas Aquinô. Với sự trình bày đó, mục đích của chương này là cơ sở, là điều kiện để kiến giải các vấn đề đạo đức học được Augustinô và Thomas Aquinô trình bày trong hệ thống tư tưởng đa dạng và sâu sắc của các ông.
Chương II:
Các quan niệm đạo đức học của Augustinô