7. Kết cấu của luận văn
2.3. Augustinô và đạo đức học Thomas Aquinô
Theo lịch sử tư tưởng Kitô giáo, Augustinô thuộc giai đoạn Giáo phụ học. Giáo phụ là những người Cha trong đức tin, là người truyền sự mặc khải của Thiên Chúa; và là người xuất phát từ Thánh Kinh để kiến giải thế giới, xã hội và con người. Do đó, sự ảnh hưởng của Augustinô là rất lớn
đến các nhà tư tưởng triết học và thần học hậu thế trong đó có Thomas Aquinô. Sự ảnh hưởng đó được cụ thể hóa trong những quan điểm về bản thể luận, sự chứng minh sự tồn tại của Thượng đế và đặc biệt quan trọng trong các quan điểm về con người và đạo đức. Augustinô là đại diện tiêu biểu và là "người thầy" trong giai đoạn Giáo phụ học, còn Thomas Aquinô là đại diện tiêu biểu cho giai đoạn triết học kinh viện. Những cơ sở lý luận của triết học Hy lạp và La mã, tư tưởng của triết học, thần học giai đoạn Giáo phụ là nguồn gốc tư tưởng của giai đoạn triết học kinh viện.
Đạo đức học của Augustinô cũng như của Thomas Aquinô đều là đạo đức học Kitô giáo lấy các tư tưởng trong Kinh thánh làm nền tảng. Nhưng chúng ta phải thấy rằng, đạo đức học Kitô giáo không phải được xây dựng chỉ bởi một nhà đạo đức học nào đó, mà bởi các sử gia, triết gia cũng như các nhà thần học Kitô giáo mà Augustinô và Thomas Aquinô là đại biểu điển hình.
Chúng ta có thể thấy ảnh hưởng của các bậc tiền bối với Thomas Aquinô qua việc trích dẫn các tác phẩm của ông. Hầu như không có chương sách nào trong “Tổng luận thần học” mà Thomas Aquinô không nhắc tới Platôn, Arixtốt, Augustinô. Người ta ước tính chỉ riêng tác phẩm “Tổng luận thần học”, Thomas Aquinô sử dụng trên hai nghìn trích dẫn từ Augustinô khi luận giải các vấn đề triết học, thần học và đạo đức học. Hầu hết các luận điểm trong “Tổng luận thần học” được Thomas Aquinô đưa ra đều ở dạng nghi vấn, sau đó ông dựa trên các quan điểm khác nhau của Kinh thánh, Arixtốt, Augustinô....rồi mới đưa ra sự luận giải của mình. Những nội dung tư tưởng đạo đức học cũng vậy. Dựa trên các luận điểm khác nhau đặc biệt là tư tưởng của Augustinô, Thomas Aquinô lần lượt kiến giải nguồn gốc, nội dung, các phạm trù đạo đức học.
Hơn nữa, chúng ta đều biết, đến thế kỷ XIII, châu Âu đã bước vào giai đoạn phong kiến cực thịnh, chính vì lẽ đó hệ tư tưởng của Kitô giáo
được độc tôn một cách tuyệt đối. Thomas Aquinô đã vận dụng tư tưởng trong Thánh Kinh, tư tưởng của Augustinô, triết học Hy lạp và La mã (đặc biệt là Arixtốt) để làm cơ sở lý luận cho giáo lý Kitô trong giai đoạn mới của lịch sử châu Âu. Ông đã bị ảnh hưởng tư tưởng của Augustinô về các vấn đề đạo đức học cụ thể là kiến giải các vấn đề đạo đức dưới góc độ bản thể, hệ giá trị và vấn đề con người đạo đức. Ông đã kiến giải các khái niệm, phạm trù đạo đức học cơ bản như cái thiện, cái ác, hạnh phúc, tình yêu.... có tính hệ thống và sâu sắc. Dưới góc độ bản thể, Thomas Aquinô cho rằng, Đức Chúa là cơ sở, nguồn gốc của đức hạnh; Chúa là thể hiện bản tính con người; Chúa là cái thiện tối thượng... Dưới góc độ kiến giải về con người đạo đức, Thomas Aquinô đã phát triển, cụ thể hóa các quan điểm về con người; về nhân tính, ý thức và hành vi đạo đức của con người, đặc biệt là các phạm trù đạo đức học như: cái thiện, cái ác, hạnh phúc... Những phạm trù này là nền tảng, cơ sở của lý luận đạo đức học. Thomas Aquinô một mặt tán thành quan điểm của Giáo phụ Augustinô, nhưng mặt khác lại kiến giải vấn đề cốt lõi của đạo đức ôn hòa và duy lý hơn. Những kế thừa , tiếp thu cũng như là sự khác biệt về quan điểm đạo đức của Thomas Aquinô đối với Augustinô sẽ được chúng tôi luận giải cụ thể trong nội dung của chương tiếp theo.
Như vậy, Augustinô là nhà triết học, đạo đức học đã đặt nền tảng cho triết học, đạo đức Kitô giáo. Những tư tưởng và quan điểm của ông được hoàn thiện phát triển lên tầm cao mới bởi luận lý sắc bén của Thomas Aquinô. Chúng ta có thể nói hơi quá rằng, nếu không có tư tưởng triết học, thần học và đạo đức học của Agustinô thì cũng không có toà nhà đồ sộ các “Tổng luận” của Thomas Aquinô. Đặc biệt, những tư tưởng đạo đức của hai triết gia kể trên là trụ cột, là nền tảng cho đạo đức học trong giai đoạn trung cổ.
trong chương II, chúng tôi đã trình bày những nét khái quát tư tưởng đạo đức học của Augustinô. Qua đó, ta thấy được sự kế thừa, sự vận dụng tư tưởng đạo đức học và triết học từ Kinh thánh, tư tưởng đạo đức, triết học Hy Lạp và La Mã trong quan niệm của ông. Tư tưởng đạo đức học của Augustinô là đại diện tiêu biểu nhất của giai đoạn Giáo phụ học và nó là nền tảng tư tưởng cho các nhà Kitô giáo giai đoạn sau, trong đó có triết học kinh viện mà đại diện tiêu biểu là Thomas Aquinô.
Với cách kiến giải bản thể về đạo đức học, Augustinô đã giải thích được nguồn gốc bản chất của đạo đức của con người bắt nguồn từ Thiên Chúa. Thiên Chúa là nhân cách hoàn hảo nhất, là phúc lợi tối cao, là cái Thiện duy nhất. Chúa là mục đích đạo đức tối hậu mà con người đạt đến. Nếu bỏ qua yếu tố duy tâm, xét vấn đề dưới góc độ giá trị học, nhân học, có nghĩa là xét những hệ giá trị cao đẹp mà Đức Chúa mang lại ta thấy mục đích, cơ sở đạo đức của Augustinô là nhân văn. Đức Chúa tồn tại ở ngoài chúng ta nhưng lại xâm nhập, hiện hữu, chế ngự những hành vi và hướng chúng ta đến cái Thiện tuyệt đối. Ngoài ra, những vấn đề về con người và đạo đức cũng được Augustinô phân tích, đánh giá và có những kết luận rất quan trọng, đặt nên tảng cho nhiều vấn đề của nhân học và suy tư của triết học hiện sinh nửa sau thế kỷ XX. Các phạm trù, khái niệm đạo đức học của Augustinô nêu ra, phân tích cụ thể và đó là cơ sở lý luận cho đạo đức học Trung cổ. Tuy nhiên, Augustinô đã cực đoan và mâu thuẫn trong nhiều quan điểm của mình. Những hạn chế đó của ông được Thomas Aquinô phát hiện và có những hiệu chỉnh phù hợp trong giai đoạn triết học kinh viện.
Tư tưởng đạo đức học của Augustinô đã đặt nền tảng, cơ sở phương pháp luận, lý luận cho đạo đức học Kitô giáo. Những vấn đề mà ông nêu ra đã là những điều suy tư, trăn trở của nhiều thế hệ triết học, đạo đức học khi đó và hiện nay. Ông xứng đáng là vị thầy dẫn đường, là đại diện "tinh thần" cho một giai đoạn lịch sử triết học, đạo đức của châu Âu và nhân loại.
Chương III
Các quan niệm đạo đức học cơ bản của Thomas Aquinô so sánh với Augustinô
3.1. Con người và đạo đức
3.1.1. Đức Kitô - nguồn gốc, cơ sở đạo đức của con người
Chúng ta biết rằng, cơ sở đạo đức học Kitô giáo là sự thống nhất ở Chúa Ba Ngôi. Chúa là mục đích tối thượng, là phúc lợi tối cao và là sự thiện hảo duy nhất. Theo Augustinô, Đức Kitô có hai bản tính, bản tính người và bản tính thánh thần. Kế thừa tư tưởng đó, Thomas Aquinô đã trình bày bản chất của Chúa trời và nhân tính trong Đức Kitô rất sâu sắc và thuyết phục ở hầu hết các tác phẩm của mình.
Dưới góc độ bản thể luận, các nhà triết học, thần học thời Trung cổ tập trung kiến giải sự tồn tại của Đức Kitô, chứng minh bằng nhiều phương pháp cho sự tồn tại này. Tuy vậy, dưới góc độ đạo đức và nhân sinh, các nhà tư tưởng đó đều khẳng định: Sự tồn tại của Chúa đã mang bản tính người, là bản chất của cái Thiện và là cơ sở, nguồn gốc để con người hướng đến một đời sống có đức hạnh và nhân bản.
Theo quan điểm của Thomas Aquinô, bản chất của Chúa trời không phải ở cái gì khác ngoài ở sự tồn tại của Ngài. Đức Chúa sáng tạo thế giới từ hư vô trong đó có con người. Ông viết: "Thiên Chúa chỉ hoạt động với yếu tố được giả định trước, thì yếu tố giả định trước này đã không được Người tác thành … trong các vật hiện hữu không thể có chí không xuất phát từ Thiên chúa, vì Người là căn nguyên phổ quát của toàn thể hữu thể" [4; 4.12, vấn đề 45; mục 2, tr. 59].
Như vậy, những vật thụ tạo trong thế giới là mang hình ảnh của Thiên chúa, là sản phẩm duy nhất của Thiên Chúa. Không chỉ thế, theo Thomas Aquinô, Thiên Chúa còn thống nhất ở Ba Ngôi: Chúa cha, chúa con, và chúa thánh thần. Những phát xuất của các ngôi vị Thiên Chúa được thể hiện theo những tác động của trí tuệ và ý muốn của Ngài. Chúa con phát xuất như Lời của trí tuệ, Chúa thánh thần như tình yêu của ý muốn và Tam vị Thiên Chúa được giãi bày theo hình ảnh của Thiên Chúa. Sự thống nhất và tồn tại của Thiên Chúa là căn nguyên, nguyên khởi cho mọi sự tồn tại. Thomas Aquinô khẳng định, "như vậy chứng tỏ Ngôi cha là nguyên khởi, xét như mô thể và loại nào đó thì nó giãi bày Ngôi lời. Vì mô hình của một sản phẩm thì phát xuất do quan niệm của nghệ nhân, còn xét như quý hướng về điều khác thì nó giãi bày Chúa Thánh Thần” [4; 4.12; vấn đề 45; mục 7; tr. 85].
Sự tồn tại của Thiên Chúa không chỉ gắn với sự sáng tạo, mà nó còn là biểu tượng của phúc lợi duy nhất tối cao, là mục đích tối hậu và là cái Thiện của mọi cái Thiện. Theo Thomas Aquinô, dưới góc độ đạo đức học, Đức Kitô là mục đích tối cao mà con người cần hướng đến để có một cuộc sống đức hạnh tạm thời ở thế giới này và vươn tới mục đích toàn thiện ở thế giới bên kia - nước chúa. Theo ông, con người và các vật thụ tạo đều có mục đích khác nhau, mục đích riêng nhưng cùng thống nhất và quy về một mục đích chung là hướng về Thiên Chúa, hướng về hệ giá trị cao đẹp của con người và thế giới. Ông nhận xét: "Nếu chúng ta nói về mục đích tối hậu của con người theo chính thực tại là mục đích, thì mọi vật đều có chung một mục đích tối hậu. Vì Thiên Chúa là mục đích tối hậu của con người cũng như của tất cả vật khác" [4; 4.16; vấn đề 1; mục 7; tr. 99].
Với con người việc đạt tới mục đích tối hậu là khát vọng hướng tới cuộc sống hạnh phúc, tới cái Thiện. Những hành vi đạo đức của con người
cũng do mục đích tối hậu chi phối. Nếu con người hướng và hành động theo mục đích tối hậu là cái thiện và ngược lại là cái ác. Ngoài ra, sự thống nhất tồn tại của thiên chúa là phúc lợi tối cao mà con người hướng đến. Phúc lợi tối cao này dù là gì đi nữa cũng là sự thống nhất của con người với Chúa. Chúa là phúc lợi tự thân và con người cần phải tiệm cận đến điều đó. Theo Thomas Aquinô, Đức Kitô là phúc lợi tối cao và con người chỉ có thể tiếp cận được với những cái gần giống với chúa. Đó là lạc thú hoàn hảo nhất, nhưng lạc thú đó không có gì chung với khoái lạc cảm tính của con người. Nó gắn với tính có lý trí và là kết quả của hoạt động trí tuệ của con người. Phúc lợi tối cao và lạc thú, ở sự trực quan trí tuệ trực tiếp của Đức Kitô. Ta chỉ có thể tiếp cận gần nhất đến phúc lợi tối cao ở thế giới bên kia. Đó là nơi mà con người có lạc thú đầy đủ, vĩnh hằng; đó là tình yêu cao nhất của đấng sáng tạo với con người. Vì vậy, nỗ lực đạo đức là sự hướng ý chí của con người đến Đức Chúa và đến phúc lợi tối cao. Theo Thomas Aquinô, tất cả con người chỉ có thể đạt đến cái Thiện tương đối vì mỗi chúng ta đều không tránh khỏi có những khiếm khuyết nhất định. Duy chỉ có Đức Kitô mới là cái Thiện tuyệt đối, là thánh Thiện. nhân tính của Đức Kitô chính là sự hoàn thiện, hoàn mỹ, là cái Thiện tuyệt đối, nói cách khác là cái thiện của cái thiện.
Theo Thomas Aquinô, "thiện hảo là điều thích hợp với Thiên chúa hơn hết. Quả thực phàm chi đáng ham muốn đó là điều Thiện. Mà vật nào cũng ham muốn sự hoàn bí của mình... Thiên Chúa là tác nhân đệ nhất của mọi vật, cho nên lý tính của điều thiện mà điều được ham muốn là phù hợp với người" [4; 4.6; vấn đề 126; mục1; tr. 247]. Hoặc ở một chỗ khác trong tác phẩm “Tổng luận thần học”, Thomas Aquinô khẳng định, "Bởi vì điều thiện có nơi Thiên chúa như nơi căn nguyên đệ nhất không đơn nghĩa của mọi vật, cho nên chúng ta nói thiên chúa là điều thiện tối thượng" [4; 4.6; vấn đề 6; mục 2; tr .251].
Như vậy, trong tư tưởng của Thomas Aquinô, Đức Kitô là nguồn gốc, là cơ sở của đạo đức và nhân tính của con người. Đức Kitô là sự hiện hữu vĩnh hằng, là mục đích tối hậu và là cái Thiện duy nhất. Những phẩm chất đó mang tính nhân tính rõ nét. Đó là những hệ giá trị cao đẹp mà con người cần hướng và tiếp cận đến để có một đời sống hạnh phúc và đức hạnh.