7. Kết cấu của luận văn
2.2.3. tình yêu
Chúng ta biết rằng, phạm trù tình yêu là phạm trù quan trọng và độc đáo trong tư tưởng đạo đức của Augustinô. Tư tưởng về "tình yêu" và vai trò của tình yêu đối với đời sống đạo đức của con người được khảo cứu và kiến giải từ rất sớm trong lịch sử.
Theo quan điểm của Thánh kinh, tình yêu đó là sự ban ơn. Nó giả định tinh thần tự hi sinh, lòng nhân từ và thái độ đồng cảm. Đối với tín đồ Thiên Chúa giáo thì trước hết là tình yêu Thiên Chúa, còn tình yêu của con người là mong muốn phục tùng tấm gương của Thiên Chúa. Thiên Chúa yêu con người ngay cả khi bị đóng đinh câu rút trên cây Thánh giá; Thiên Chúa yêu họ khi quan tâm đến không những sức mạnh của họ mà còn quan tâm đến sự yếu đuối của con người. Tình yêu là món quà vô tư, chứ không phải là động cơ phần thưởng. Tình yêu mang tính chịu đựng và từ bi. Theo quan điểm của Thiên Chúa giáo, tình yêu hàm chỉ thái độ của Thiên Chúa đối với con người và thái độ của con người với con người.
Theo truyền thống Platôn, văn hóa Hy Lạp và La Mã, tình yêu là một trong những nguyên tắc quan trọng nhất của tồn tại. Tình yêu gắn với sức mạnh và cái đẹp. Tình yêu là sự khát vọng đến sự hoàn hảo, là nguyện vọng chiếm hữu, là mong muốn bổ khuyết những gì còn thiếu cho con
người. Tình yêu ở đây được hiểu theo nghĩa rộng chứ không chỉ khu định trong tình yêu lứa đôi, tình yêu nam nữ. Theo Augustinô, trong nhân cách và trong cuộc sống con người, ý chí giữ một vị trí quan trọng. Đối với ông, cái đức hạnh chính là cái ý chí, hay ông vẫn thường nói đó là tình yêu. Đức hạnh đồng nghĩa với tình yêu. Ông cho rằng, tình yêu là một sự hiển nhiên giống như sự tồn tại của tôi, vì đây trước hết là tình yêu bản thân mình. Tôi không thể tự dối mình một thực tế là tôi yêu bản thân mình. Thực tế cho thấy, con người thường bộc lộ tình yêu đối với bản thân, đối với Thiên Chúa và đối với tha nhân.
Theo Augustinô, tình yêu thống nhất với ý chí, bởi lẽ nó cũng là quyền con người, phán quyết thái độ sống dưới sự chở che của Thiên Chúa. Tình yêu còn có ý nghĩa bản thể luận được hiểu như sức mạnh thu hút, cảm hóa của vũ trụ, hướng sự vật đến cái tự nhiên yêu thích nhất. Đối với con người vị trí tự nhiên yêu thích nhất đấy là Thiên Chúa, mà nhờ hướng vào đấy con người yên tâm hơn trong cuộc sống. Tình yêu Thiên Chúa là tất yếu, vì Thiên Chúa là Đấng sáng tạo ra quy luật đạo đức, cội nguồn của những chuẩn mực đạo đức và những giá trị của con người và loài người. Trong tác phẩm "Thiên Chúa Ba Ngôi", Augustinô cho rằng, "hình ảnh Thiên Chúa trong linh hồn được biểu hiện qua ba yếu tố là: tâm trí, sự nhận biết và tình yêu" [Trích theo 4; 4.13; vấn đề 95; mục 7; tr. 793]. Do đó, tình yêu Thiên Chúa được giả định là cái vô hạn, nó trở thành sự thụ cảm mà không thể xen vào những toan tính vụ lợi. Tình yêu đích thực là tiêu chí về giá trị tuyệt đối (Chúa) là cái mà con người hướng vào. Đồng thời tình yêu cũng là sự phán xét bản thân con người bằng tòa án của Đức Chúa. tình yêu làm sáng tỏ hình ảnh con người như là hình ảnh và sự tương tự của Đức Chúa.
Tình yêu Thiên Chúa là sức mạnh vũ trụ hùng hậu hướng mỗi người, mỗi sự vật tới vị trí đáng có của chúng. Đó không phải là sức mạnh bên
ngoài, mà là sức mạnh nội tại bên trong vốn có ở mỗi con người. Mỗi người đều có đặc trưng ý hướng đến Thiên Chúa. Thiên Chúa là phẩm giá của tình yêu chân chính, còn tình yêu với các vật và sinh thể riêng biệt chỉ có vai trò trong chừng mực nó hướng đến tình yêu Thiên Chúa.
Đối với con người và tha nhân của nó, theo Augustinô giá trị của con người được quy định bởi sự ban tặng của tình yêu. Một trong những luận điểm đạo đức nổi tiếng của ông là: “Hãy yêu và khi đó làm gì tùy ý !” [Trích theo 39; Tr. 222]. Dưới góc độ đạo đức, chính tình yêu nơi con người là sức mạnh để con người chiến thắng cái ác và hướng đến cái Thiện tuyệt đối. Trong quan niệm về tình yêu của Augustinô, những đặc trưng biểu hiện của nó bộc lộ thông qua "quy luật của trái tim", là nơi thể hiện cái Thiện, là nơi thực hiện hệ giá trị tiên nghiệm, mặc khải bởi Thiên Chúa đối với cuộc sống đạo đức nơi con người. Theo Augustinô, trái tim cũng có quy luật riêng của nó. Trái tim bao giờ cũng bị hấp dẫn bởi hệ giá trị tương ứng như thân xác bị lôi cuốn bởi quy luật tự nhiên. Bằng trái tim của con người, trong tác phẩm “tự thú” Augustinô cho rằng, lực hút của tôi đó là tình yêu của tôi. Nó lôi cuốn tôi và tôi bao giờ cũng bị hấp dẫn bởi một cái gì đó; các giá trị của bạn đốt cháy chúng tôi và mang chúng tôi đi. Chúng ta hứng khởi lên và cởi mở bản thân mình. Như vậy, với Augustinô, không phải riêng tình yêu và khát vọng, mà tất cả những định hướng có sẵn gắn với tình yêu, tình yêu chân chính và tình yêu hướng đến giá trị cao đẹp nơi con người mới là điều quan trọng.
Tóm lại, quan niệm đạo đức học về Tình yêu của Augustinô có tính độc đáo và riêng biệt. Nó là sự kế thừa tư tưởng về tình yêu trong triết học Hy Lạp và La Mã. Nhưng, Augustinô đã phát triển quan niệm này trên một tầm cao mới. Tình yêu ở đây được hiểu theo nghĩa rộng nhất, là nơi thực hiện ý thức và hành vi đạo đức. Tình yêu là chuẩn mực, là tiêu chí của cái thiện nơi con người. Những khái niệm, phạm trù để khái quát lên những giá trị của tình yêu đối với đạo đức của con người của Augustinô đã được các
nhà triết học hậu thế kế thừa và phát triển. Tình yêu, cái thiện trong quan niệm của Augustinô là cơ sở mang lại cuộc sống hạnh phúc cho con người.