Cái Thiện

Một phần của tài liệu Các quan niệm đạo đức học của Augustinô và Thomas Aquinô (Trang 50)

7. Kết cấu của luận văn

2.2.1. Cái Thiện

Chúng ta biết rằng đạo đức hướng dẫn hành vi con người từ giác độ đối lập cái Thiện và cái ác. Trong ý thức đạo đức, thế giới được chia ra thành cái thiện và cái ác, cái tốt và cái xấu, cái đáng ca ngợi trên quan điểm đạo đức và cái đáng bị lên án. Mọi hành động đều được đánh giá thông qua sự đối cực của nó: tình cảm, tư tưởng, ý đồ, hành vi đều có thể hoặc là mang tính thiện - tương ứng với thiện, hoặc là mang tính ác - xuất phát từ ác mà dẫn đến nó. Chính vì vậy, cái thiện và cái ác là những phạm trù nền tảng của ý thức đạo đức; các quan niệm đạo đức đều phụ thuộc vào nội dung của hai phạm trù này. Đạo đức học trong giai đoạn trung cổ cũng vậy, vấn đề cái thiện và cái ác cũng được đặt ra và giải quyết.

Theo Augustinô, dưới góc độ bản thể thì sự tồn tại đã là sự thiện hảo. Còn dưới góc độ đạo đức, cái thiện là bản chất của con người, là bản tính Thánh thần trong con người. Trong đó Chúa là cái thiện của mọi cái thiện. Augustinô cho rằng, "Chúng ta hiệu hữu vì Thiên Chúa là đấng thiện hảo” [Trích theo 4; 4.6; vấn đề5; mục 4; tr. 233]. Nói cách khác, theo quan niệm của Augustinô, con người là sản phẩm của Thiên Chúa, do đó nguồn gốc của con người đã mang tính thiện. Cái thiện đó là sự thể hiện nhân tính trong Chúa, là tình yêu thương tha nhân và yêu bản thân con người. Theo Augustinô, Thiên Chúa có Ba Ngôi và cả Ba ngôi đều là Đấng thiện hảo để con người chiêm ngưỡng và hướng đến. Ông viết: "Ba ngôi Thiên Chúa là điều thiện tối thượng được những tâm trí rất thuần khiết chiêm ngưỡng” [Trích theo 4; 4.6; vấn đề 10; mục 2; tr. 251].

Augustinô cho rằng, có ba yếu tố của cái Thiện là cách thức, loại và trật tự hay cái Thiện được diễn tả trong cấu trúc, sự phân loại và sự hài hòa, hoàn hảo. Và cấu trúc của ba yếu tố trên được bộc lộ qua hình ảnh của Thiên Chúa. Theo Augustinô, “ba điều thiện là cách thức, loại và trật tự, là những điều kiện chung của các vật do Thiên Chúa làm nên, vì thế ở đâu ba thứ đó nhỏ nhoi thì điều thiện cũng nhỏ nhoi, còn ở đâu không mảy may có ba thứ đó thì không có điều thiện nào hết" [Trích theo 4; 4.6; vấn đề 5; mục 5; tr. 237]. Do đó, "bạn nhìn thấy điều thiện này, điều thiện nọ gãy gạt bỏ "này", "nọ" sang một bên và có thể bạn hãy quan chiêm chính điều thiện, khi đó bạn hãy nhìn thấy Thiên Chúa. Đấng không thiện hảo nhờ thiện hảo khác, nhưng là điều thiện của mọi điều thiện. Vậy mỗi vật đều thiện hảo do điều thiện của mình cho nên mọi vật đều thiện hảo do chính điều thiện này là Thiên Chúa" [Trích theo 4; 4.6; vấn đề 10; mục 4; tr. 257].

Như vậy, trong mối quan hệ giữa con người và Thiên Chúa thì con người thiện hảo là do Thiên Chúa thiện hảo. Những hành vi, ý thức của con người sở dĩ là hướng thiện vì Thiên Chúa dẫn dắt và cứu rỗi con người và

loài người. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là trong xã hội thì con người trong quan hệ với con người có thiện hảo không? Augustinô cho rằng, người tìm kiếm công thiện của quần chúng tất nhiên cũng mưu cầu điều thiện cho mình vì hai lý do: một là, không thể có tư Thiện nếu không có công thiện của gia đình; của thành thị và của quốc gia. Hai là, vì con người là phần tử của gia đình và thành thị, vì thế họ phải xem đâu là khôn ngoan đối với công thiện của quần chúng, để biết đâu là cái thiện cho mình. Sự xếp đặt hoàn hảo các thành phần thì tùy theo tương quan của chúng với toàn bộ, vì mọi thành phần không phụ thuộc vào toàn bộ chỉ là dị dạng. Đây là quan điểm hợp lý của Augustinô trong việc kiến giải mối quan hệ giữa con người và xã hội; con người và tha nhân của nó. Con người sở dĩ phải tuân theo "công thiện" vì "tư thiện" của anh ta là gắn bó chặt chẽ với "công thiện" hay con người không thể tách ra được khỏi những mối quan hệ trong gia đình và ngoài xã hội. Tuy nhiên, Augustinô chưa chỉ ra được bản chất trong quan hệ xã hội, quan hệ lợi ích của con người. Sở dĩ con người cá nhân và con người xã hội tuân theo những giá trị "thiện" của Augustinô vì có cùng một giá trị chung là Thiên Chúa, cùng tuân theo và hướng về Thiên Chúa.

Tóm lại, theo truyền thống Thiên Chúa giáo, Augustinô đã chỉ ra được nguồn gốc, bản chất của cái thiện và hành vi thiện của con người. Tuy nhiên, điểm chưa hợp lý trong tư tưởng của ông là chưa kiến giải được vì sao trong quan hệ cá nhân con người và xã hội con người lại trở nên Thiện? Có thể cũng thiện nhưng cũng có thể là tàn nhẫn và ác độc?... điều này sẽ được tiếp tục kiến giải trong phạm trù cái ác.

Một phần của tài liệu Các quan niệm đạo đức học của Augustinô và Thomas Aquinô (Trang 50)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(106 trang)