Bên cạnh việc hoàn thiện các quy định pháp luật hiện hành cần quy định các thiết chế nuôi con nuôi và tạo sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan liên quan. Cụ thể được thực hiện bởi các thiết chế sau: Cục con nuôi quốc tế - Bộ Tư pháp, Sở Tư pháp, Cơ sở nuôi dưỡng trẻ em, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, Công an cấp tỉnh, Tổ chức con nuôi nước ngoài được hoạt động tại Việt Nam….
1.Đối với Cục nuôi con nuôi quốc tế, cần quy định rõ thẩm quyền của Cục con nuôi quốc tế - Bộ Tư pháp. Thực tế, thẩm quyền của Cục con nuôi quốc tế còn rất hạn chế, chưa đủ tầm của một Cơ quan trung ương theo Công ước LaHay. Theo quy định của pháp luật hiện hành, thẩm quyền quyết định việc cho nhận con nuôi có yếu tố nước ngoài là Ủy ban nhân dân cấp tỉnh. Mặc dù là cơ quan ký quyết định cho nhận con nuôi, nhưng Ủy ban nhân dân cấp tỉnh hoàn toàn không nắm bắt được hồ sơ, diễn biến của việc cho nhận con nuôi mà chủ yếu dựa vào báo cáo và tư vấn về chuyên môn nghiệp vụ của Sở Tư pháp. Trong khi đó, Cục con nuôi quốc tế là cơ quan tiếp nhận, xác minh hồ sơ của người nước ngoài ngay từ đầu, có điều kiện để hiểu rõ về người xin nhận con nuôi, là cơ quan có khả năng ghép trẻ em có thể được làm con nuôi với từng trường hợp xin nhận nuôi con nuôi một cách phù hợp với nguyện vọng của người xin nhận con nuôi. Trên thực tế, đã rất nhiều quốc gia đã thành lập Cơ quan nuôi con nuôi quốc tế, đây là cơ quan có đầy đủ thẩm quyền trong việc xem xét, thẩm định và quyết định việc cho nhận nuôi con nuôi quốc tế, như: Trung Quốc, Hàn Quốc,
Thái Lan, Philippin… Qua đó nhận thấy, cần mở rộng thẩm quyền của Cục con nuôi quốc tế, là cơ quan có thẩm quyền quyết định việc cho nhận trẻ em Việt Nam làm con nuôi người nước ngoài. Cục con nuôi quốc tế là cơ quan giúp Bộ Tư pháp thực hiện chức năng quản lý nhà nước trong lĩnh vực nuôi con nuôi có yếu tố nước ngoài. Khi tổ chức con nuôi trong nước được phép thành lập thì một số chức năng tác nghiệp của cục con nuôi quốc tế có thể được giao cho các tổ chức con nuôi được ủy quyền thực hiện thay. Thông qua chức năng tác nghiệp này mà Cục con nuôi quốc tế có khả năng thực tế để thực hiện chức năng quản lý, kiểm tra giám sát các hoạt động trong lĩnh vực nuôi con nuôi, kể cả hoạt động của các tổ chức con nuôi nước ngoài và các tổ chức con nuôi trong nước khi được phép hoạt động. Để làm được điều đó, cần quy định Cục con nuôi quốc tế là cơ quan duy nhất có thẩm quyền nhận và thẩm định hồ sơ của người nước ngoài xin nhận con nuôi và hồ sơ của trẻ em được cho làm con nuôi, trên cơ sở đó có quyền quyết định việc cho người nước ngoài nhận trẻ em Việt Nam làm con nuôi. Có như vậy cơ quan này mới có đủ điều kiện để thực hiện chức năng, nhiệm vụ của một cơ quan trung ương về nuôi con nuôi quốc tế, đồng thời đáp ứng được những đòi hỏi về việc hoàn thiện các thiết chế cần thiết khi gia nhập Công ước LaHay.