Xây dựng luật về nuôi con nuôi, sự hoàn thiện về nội dung chỉ có ý nghĩa nếu các văn bản pháp luật về nuôi con nuôi có hiệu lực thực tế. Để đạt được điều đó, trước hết các quy định pháp luật điều chỉnh mọi khía cạnh của quan hệ nuôi con nuôi phải được thể hiện một cách tập trung, thống nhất và có tính pháp điển hóa cao nhằm khắc phục tình trạng tản mạn, thiếu đồng bộ như hiện nay.
Đáp ứng yêu cầu gia nhập công ước LaHay, chúng ta cần phải sửa đổi một số quy định có liên quan trong các luật khác như Bộ luật Dân sự, Luật quốc tịch, Luật Hôn nhân và gia đình để phù hợp với những điều khoản bắt buộc của Công ước. Do đó, văn bản pháp luật riêng biệt điều chỉnh quan hệ nuôi con nuôi phải
phù hợp. Việc xây dựng luật nuôi con nuôi dựa trên những quan điểm chỉ đạo sau:
Thứ nhất, Luật nuôi con nuôi thể chế hóa quan điểm, đường lối, chính sách của nhà nước ta trong việc chăm sóc, bảo vệ trẻ em, đặc biệt là trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn;
Thứ hai, Luật nuôi con nuôi phải thể hiện chủ trương hợp tác toàn diện của nhà nước ta với các nước trong việc chăm sóc, bảo vệ trẻ em và quyền trẻ em phù hợp với các điều ước quốc tế về quyền trẻ em mà Việt Nam đã ký kết hoặc tham gia;
Thứ ba, Luật con nuôi kế thừa và phát triển các quy định hợp lý trong hệ thống pháp luật Việt Nam về nuôi con nuôi, đồng thời tham khảo và tiếp nhận có chon lọc pháp luật nuôi con nuôi của các nước và quốc tế nhằm bảo vệ tốt nhất quyền lợi chính đáng của trẻ em Việt Nam làm con nuôi người nước ngoài và đáp ứng yêu cầu hội nhập của đất nước;
Thứ tư, Luật nuôi con nuôi nhằm pháp điển hóa quan hệ pháp luật nuôi con nuôi nên cần được quy định đầy đủ, cụ thể, toàn diện, đồng bộ và thống nhất để tránh phải ban hành các văn bản dưới luật.
Về mặt nội dung, Luật nuôi con nuôi sẽ điều chỉnh cả quan hệ nuôi con nuôi trong nước và nuôi con nuôi có yếu tố nước ngoài. Sự điều chỉnh như vậy tạo sự gắn kết chặt chẽ, hữu cơ, thống nhất giữa hai mảng pháp luật, trong đó pháp luật điều chỉnh quan hệ nuôi con nuôi trong nước phải là công cụ chủ yếu, đồng thời cũng là cơ sở xây dựng và thực hiện pháp luật về nuôi con nuôi có yếu tố nước ngoài. Luật nuôi con nuôi sẽ bao gồm các quy định thực chất điều chỉnh các vấn đề: mục đích, nguyên tắc, điều kiện nuôi con nuôi, các hình thức nuôi con nuôi, các hệ quả pháp lý của việc nuôi con nuôi, chấm dứt, hủy việc nuôi con nuôi, các biện pháp chế tài đối với những vi phạm trong lĩnh vực nuôi con nuôi… Bên cạnh đó luật còn cần những quy phạm về thủ tục điều chỉnh việc
đăng ký nuôi con nuôi trong nước và nuôi con nuôi có yếu tố nước ngoài một cách cụ thể, rõ ràng. Đồng thời cần xây dựng đầy đủ những quy phạm xung đột điều chỉnh các vấn đề liên quan trong việc nuôi con nuôi có yếu tố nước ngoài. Về nguyên tắc, pháp luật nuôi con nuôi trong nước và pháp luật nuôi con nuôi có yếu tố nước ngoài về mặt nội dung là thống nhất. Sự khác biệt chỉ là về thủ tục, thẩm quyền xác lập việc nuôi con nuôi có yếu tố nước ngoài và các quy phạm xung đột quy định lựa chọn luật áp dụng – những nội dung không thể thiếu và có tính chất đặc trưng của bộ phận pháp luật điều chỉnh quan hệ có yếu tố nước ngoài. Việc ban hành Luật Nuôi con nuôi khi nước ta đang chuẩn bị ký kết và phê chuẩn công ước LaHay là một yêu cầu khách quan, có tính khả thi, đồng thời là một công việc cần thiết để thực hiện công ước LaHay.