về việc người nước ngoài nhận trẻ em Việt Nam làm con nuôi
Để đáp ứng được yêu cầu của việc nuôi con nuôi có yếu tố nước ngoài, cụ thể là vấn đề người nước ngoài nhận trẻ em Việt Nam làm con nuôi trong xu hướng hội nhập có nhiều chuyển biến phức tạp, chúng ta cần sửa đổi một số quy định cho phù hợp với thông lệ quốc tế và pháp luật các nước về nuôi con nuôi.
1. Cần mở rộng đối tượng trẻ em đưa vào cơ sở nuôi dưỡng của các tỉnh, đồng thời mở rộng phạm vi các cơ sở nuôi dưỡng được quyền giới thiệu trẻ em làm con nuôi người nước ngoài. Vì vậy, cần xem xét sửa đổi, bổ sung về đối tượng trẻ em được nhận vào các cơ sở nuôi dưỡng trong văn bản điều chỉnh hoạt động của các cơ sở nuôi dưỡng như: quy định về cơ chế thành lập và hoạt động của các cơ sở bảo trợ xã hội.
2. Cần có các quy phạm xung đột quy định thống nhất việc lựa chọn pháp luật áp dụng trong việc nuôi con nuôi một cách rõ ràng và cụ thể theo hướng phù hợp với các quy định của công ước LaHay mà nước ta đang xúc tiến gia nhập như đối với việc xác định điều kiện nuôi con nuôi thì áp dụng pháp luật của nước nơi đứa trẻ sinh ra và pháp luật của nước nơi cha mẹ nuôi thường trú…
Đối với việc xác định hệ quả pháp lý của việc nuôi con nuôi, nên quy định theo pháp luật của nơi tiến hành việc nuôi con nuôi. Bởi vì, quyền và lợi ích của người con nuôi trước hết cần được bảo vệ bằng pháp luật của chính nước sở tại, nơi người con nuôi thường trú và đồng thời có quốc tịch. Bên cạnh đó cần quy định cụ thể các quy phạm xung đột điều chỉnh việc chấm dứt, hủy việc nuôi con nuôi trong quan hệ nuôi con nuôi có yếu tố nước ngoài.
3. Cũng cần bỏ quy định người nhận con nuôi phải cam kết báo cáo và tình hình phát triển của con nuôi đến khi con nuôi đủ 18 tuổi. Thực tế đã cho thấy quy định này không có tính khả thi, đồng thời nó cũng không phù hợp khi công nhận hình thức nuôi con nuôi đầy đủ vì nó không thuộc nghĩa vụ của người nhận nuôi con nuôi. Hơn nữa, theo điểm c Điều 9 Công ước La Hay, cơ quan trung ương của nước nhận nuôi con nuôi chỉ nghĩa vụ đáp ứng những đề nghị có tính chất thông tin “về một tình trạng con nuôi cụ thể” khi cơ quan trung ương của nước đửa trẻ sinh ra có yêu cầu.
4. Thủ tục đăng ký việc nuôi con nuôi có yếu tố nước ngoài cần xem xét rút ngắn một số thủ tục trong quy định giải quyết để đảm bảo thời gian và tiết kiệm được chi phí không cần thiết như: theo quy định tại điều 51 Nghị định 68/NĐ- CP về giới thiệu trẻ em khi xin không đích danh, cần kết hợp giới thiệu trẻ với việc gửi hồ sơ của trẻ để tránh việc gửi lòng vòng công văn giữa sở tư pháp với Cục con nuôi quốc tế.
5. Trong việc cho nhận con nuôi có yếu tố nước ngoài ở khu vực biên giới, do đặc thù này nên việc quản lý còn lỏng lẻo nên cần có quy định về thống kê, lưu trữ và báo cáo riêng số liệu này, tách rời với số liệu việc nuôi con nuôi trong nước. Sở Tư pháp cần nắm được diễn biến và số lượng vụ việc cụ thể hàng năm để báo cáo Bộ Tư pháp, qua đó điều chỉnh kịp thời những vướng mắc xảy ra.
6. Vấn đề công nhận nuôi con nuôi đã được tiến hành tại nước ngoài: đây là việc công nhận một sự kiện pháp lý đã xảy ra và tồn tại trước đó ở nước ngoài theo pháp luật nước ngoài. Khi đương sự có yêu cầu công nhận tại Việt Nam thì
không nên phức tạp về mặt thủ tục, nhằm đảm bảo quyền lợi hợp pháp và sự ổn định cuộc sống của các đương sự. Song với những quy định hiện hành, có thể dẫn tới cách hiểu là phải thực hiện hai bước tách rời nhau. Đó là, phải thực hiện thủ tục công nhận, rồi sau đó lại thực hiện việc ghi vào sổ hộ tịch sự công nhận đó. Do đó cần quy định cụ thể rõ ràng để phù hợp với tinh thần cải cách thủ tục hành chính.
7. Quy định rõ ràng, minh bạch, công khai về các khoản chi phí, các vấn đề tài chính cần thiết trong việc giải quyết cho nhận nuôi con nuôi, đây không chỉ là yêu cầu từ phía Việt Nam mà còn là yêu cầu chính đáng từ các nước nhận nuôi con nuôi và người nhận nuôi. Quy định một mức thống nhất, công khai về các loại chi phí, lệ phí cũng như các khoản đóng góp hỗ trợ vật chất của cha mẹ nuôi, của Tổ chức nuôi con nuôi nước ngoài cho cơ sở nuôi dưỡng. Quy định này nhằm tránh sự cạnh tranh không lành mạnh giữa các tổ chức nuôi con nuôi nước ngoài trong việc hỗ trợ xin nhận con nuôi, tạo cơ hội bình đẳng như nhau cho tất cả những người nước ngoài muốn nhận trẻ em Việt Nam làm con nuôi. Đồng thời tạo ra cơ chế thông thoáng, công khai có thể kiểm soát ở cả hai phía (cho và nhận), khắc phục được những hiện tượng tiêu cực đang tiềm ẩn hiện nay. Quy định vấn đề minh bạch, công khai vấn đề tài chính còn tạo sự yên tâm tin tưởng đối với người xin nhận con nuôi và đảm bảo tính nhân đạo của việc nuôi con nuôi
8. Cần quy định các biện pháp chế tài cụ thể khi có sự vi phạm trong lĩnh vực nuôi con nuôi. Chế tài trong lĩnh vực nuôi con nuôi cần được hiểu theo nghĩa rộng, được áp dụng đối với tất cả mọi hình thức vi phạm xảy ra trước, trong và sau khi xác lập quan hệ nuôi con nuôi. Ví dụ hành vi làm sai lệch giấy tờ như làm giấy khai sinh giả, giấy xác nhận sự đồng ý của cha mẹ hay xác nhận là trẻ em mồ côi cha mẹ mà thực tế cha mẹ các em vẫn còn… lạm dụng sức lao động hoặc tình dục đối với con nuôi, đăng ký nuôi con nuôi trái pháp luật… Các hình thức chế tài có thể là phạt tiền, bắt bồi thường thiệt hại khi có thiệt hại xảy ra, xử phạt hành chính hay thậm chí truy cứu trách nhiệm hình sự. Căn cứ vào
mức độ vi phạm mà xử lý nghiêm minh. Các chế tài đó cần quy định ngay trong luật nuôi con nuôi để đảm bảo tính hệ thống, đồng bộ, thống nhất và hiệu lực. Việc quy định các hình thức chế tài trong một văn bản luật về nuôi con nuôi sẽ nâng cao hiệu quả tính điều chỉnh của pháp luật. Bởi vì khi đó sẽ đảm bảo sự tiếp cận trực tiếp của người dân đối với các hình thức chế tài được quy định trong lĩnh vực nuôi con nuôi, nên sẽ có tác dụng giáo dục, phòng ngừa chung đồng thời có tính răn đe cần thiết.