Cùng với xu hướng phát triển chung của xã hội, tình hình người nước ngoài xin nhận trẻ em Việt Nam ngày càng gia tăng. Theo thống kê chưa đầy đủ từ năm 2000 đến đầu năm 2008 đã có 9.624 trẻ em Việt Nam được người nước ngoài nhận làm con nuôi (Bảng 3.1). Trong số các nước nhận trẻ em Việt Nam làm con nuôi giai đoạn 2000 – 2008, thì Mỹ và Pháp là các nước nhận trẻ em Việt Nam làm con nuôi nhiều nhất (Bảng3.2)
Năm Số trẻ em Việt Nam làm con nuôi người nước ngoài
2000 1229 2001 1127 2002 1392 2003 807 2004 600 2005 1160 2006 đến 2008 3309 Tổng số 9624
Bảng 3.1: Số trẻ em Việt Nam làm con nuôi người nước ngoài giai đoạn 2000 – 2008
STT Tên nước Năm 2005 Từ 01/01/2006 đến 12/6/2006
1 Pháp 790 477 2 Italia 158 65 3 Đan Mạch 65 16 4 Thụy Điển 72 19 5 Mỹ 9 50 6 Ai Len 66 23 7 Canada 0 7 Tổng cộng 1160 658
Bảng 3.2: Số trẻ em Việt Nam làm con nuôi ở các nước giai đoạn từ năm 2005 đến 12/6/ 2006
Hiện nay, cả nước có 378 cơ sở nuôi dưỡng trẻ em nhưng chỉ có 91 cơ sở được phép cho trẻ em làm con nuôi người nước ngoài. Trong năm năm qua (2003-2008), cả nước đã có 5.876 trẻ em được đưa ra nước ngoài làm con nuôi.
Kể từ khi thực hiện quy định về nuôi con nuôi có yếu tố nước ngoài, đời sống trẻ em tại nhiều cơ sở nuôi dưỡng cũng đã được cải thiện. Trình tự, thủ tục cho trẻ em làm con nuôi người nước ngoài cũng có nhiều cải thiện rõ rệt. Theo báo cáo chưa đầy đủ, từ năm 2003 đến nửa đầu năm 2008, tổng giá trị hỗ trợ nhân đạo cho chương trình con nuôi quốc tế bằng tiền và vật chất khoảng 160 tỉ đồng, trong đó riêng năm 2007 đã đạt 60 tỉ đồng. Số tiền này đã góp phần cải thiện đời sống trẻ em tại các trung tâm nuôi dưỡng với mức nuôi dưỡng khoảng một triệu đồng một tháng.
Bên cạnh những thành tựu đã đạt được, pháp luật Việt Nam về việc người nước ngoại nhận trẻ em Việt Nam làm con nuôi còn tồn tại một số vướng mắc nhất định, cản trở việc nuôi con nuôi cần có phương hướng giải quyết tích cực:
Thực tế cho thấy, pháp luật nuôi con nuôi còn tồn tại nhiều bất cập, mâu thuẫn, nhiều quy định chưa đầy đủ, thiếu cụ thể và rõ ràng, chưa có quy định về các hình thức nuôi con nuôi, về quyền và nghĩa vụ của các bên có liên quan như cha mẹ đẻ, cha mẹ nuôi trong mối quan hệ nuôi con nuôi. Việc áp dụng luật giải quyết yêu cầu chấm dứt nuôi con nuôi, tranh chấp quyền cha mẹ với con, tranh chấp về quyền thừa kế của con nuôi…còn gặp nhiều khó khăn vì các căn cứ pháp lý liên quan chưa được quy định rõ, có thể hiểu theo nhiều cách khác nhau. Do đó việc giải quyết yêu cầu của đương sự ở các cấp tòa án không thống nhất. Các biện pháp chế tài trong lĩnh vực nuôi con nuôi hầu như chưa được quy định, mà chỉ áp dụng chế tài của các ngành khác nên hiệu quả không cao, không kịp thời. Trong khi đó, thực tế vẫn còn tồn tại rất nhiều hiện tượng lợi dụng danh nghĩa nuôi con nuôi nhằm thực hiện những mục đích trái pháp luật khác như trục lợi về vật chất, môi giới trẻ em làm con nuôi người nước ngoài.
Xu hướng toàn cầu hóa hiện nay đòi hỏi phải có sự nhận thức mới, sự điều chỉnh mới phù hợp với diễn biến năng động, đa dạng của các quan hệ xã hội, trong đó có quan hệ nuôi con nuôi quốc tế. Trong quan hệ nuôi con nuôi đặc biệt
là quan hệ nuôi con nuôi có yếu tố nước ngoài, không thể không xem xét các yếu tố ảnh hưởng đến việc nuôi con nuôi ở các nước khác nhau như pháp luật, kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội…để có cơ sở điều chỉnh kịp thời, đảm bảo quyền lợi của trẻ em cho làm con nuôi ở nước ngoài. Pháp luật nước ta còn thiếu nhiều quy phạm xung đột, còn nhiều điểm bất cập chưa phù hợp và tương đồng với pháp luật các nước.
Pháp luật nuôi con nuôi hiện nay còn tản mạn trong nhiều văn bản pháp luật khác nhau, dẫn đến sự thiếu đồng bộ và thiếu thống nhất [7,tr21], tính hiệu lực không cao gây khó khăn trong việc tiếp cận và áp dụng pháp luật.
Pháp luật có chức năng điều chỉnh quan hệ xã hội, tuy nhiên các quan hệ xã hội lại luôn luôn biến động, thay đổi, đòi hỏi pháp luật cũng phải thay đổi, vận động theo. Pháp luật giữ vai trò điều chỉnh các quan hệ xã hội do đó sự thay đổi, hoàn thiện pháp luật cần phải chủ động , tích cực. Chỉ khi đó pháp luật mới có khả năng giải quyết các vấn đề mà cuộc sống và thực tiễn đã, đang và sẽ đặt ra. Đó là một điều kiện quan trọng trong việc xây dựng nhà nước pháp quyền.