Nguyên nhân

Một phần của tài liệu Thị hiếu thẩm mỹ âm nhạc của học sinh trung học phổ thông tại thành phố Hồ Chí Minh_ Luận văn thạc sĩ (Trang 80)

Trong bối cảnh hội nhập quốc tế và sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ kỹ thuật số và thông tin toàn cầu internet, cùng với cơ chế kinh tế thị trường làm cho bức tranh âm nhạc của Việt Nam có nhiều biểu hiện “mất cân đối” dẫn đến thị hiếu thẩm mỹ âm nhạc của HS THPT tại TP cũng bị ảnh hưởng. Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng xuống cấp trầm trọng về thị hiếu thẩm mỹ âm nhạc của HS THPT tại Tp.HCM

trong nhiều năm trở lại đây. Sau đây tác giả chỉ xin đưa ra một số nguyên nhân chính và quan trọng nhất để từ đó có hướng giải quyết cho những năm kế tiếp.

Thứ nhất, về khâu sáng tác và biểu diễn. Tình trạng “nghiệp dư hóa” ngày càng tăng cả trong giới ca sỹ và nhạc sỹ, góp phần chính yếu làm ra sự lũng đoạn thị trường âm nhạc trong nước. 90% giọng ca hiện nay đều không được đào tạo bài bản (Trang web “Tài năng Việt” 16/5/2014) hay một đánh giá khác là 70% nghệ sỹ không được đào tạo chuyên nghiệp, không khỏi khiến mọi người phải giật mình. Với những con số khủng như vậy, thể hiện trình độ quá thấp và độ nghiệp dư của ca sỹ hiện nay. Không muốn mất thời gian cho những khóa học bài bản dài hạn, một số ca sỹ trẻ muốn mình nổi mau, có được sự khác biệt, nổi trội nên nghĩ ra nhiều cách thức “tạo màu”, gây chú ý trên sân khấu.

Gần đây, trào lưu nhạc ngoại, đặc biệt là Kpop đã có ảnh hưởng lớn tới các hoạt động âm nhạc của nhiều ca sỹ Việt Nam. Đó là hiện tượng một số ca sỹ, nhóm nhạc của Việt Nam đã copy, bắt chước từ trang phục, phong cách biểu diễn, đầu tóc, kỹ năng giao tiếp, động tác vũ đạo…, rồi hiện tượng đạo nhạc, đạo MV và đạo các cách trình bày bìa, đĩa nhạc từ các ca sỹ, nhóm nhạc ngoại, Kpop. Chính điều đó đã tạo ra những bản sao nhợt nhạt, làm mất đi sự sáng tạo và bản sắc cá nhân của nhiều ca sỹ trẻ Việt Nam hiện nay. Bởi vì khi đã đi bắt chước thì chỉ có thể copy và tái hiện lại hình ảnh mang tính hình thức, còn khi ca sỹ đó cất lên giọng hát thật của mình thì khán giả sẽ nhận biết khả năng thực sự chỉ dừng lại ở đâu nếu không có sự đầu tư về chuyên môn của giọng hát

Còn về phía nhạc sỹ cũng không khá hơn. Liên tục xuất hiện những ca khúc sáo rỗng về ca từ, nhảm về giai điệu, nghèo về ý tưởng..., “sinh ra” rồi nhanh chóng rơi vào quên lãng. Sự ra đời, tồn tại vô thưởng vô phạt của nhiều ca khúc như vậy chẳng khác nào là “xả rác” cho nền âm nhạc nước nhà. Nhu cầu âm nhạc nặng về yếu tố giải trí, khiến một bộ phận nhạc sỹ chạy theo đồng tiền mà dễ dãi trong sáng tác, chiều chuộng một bộ phận thị hiếu thấp kém trong giới trẻ. Trong khi đó, một bộ phận khán giả dù không “hợp khẩu vị” nhưng vì “thực đơn” chỉ có thế, thôi thì cũng đành nghe vậy. Đó là chưa kể, một bộ phận những “nhân vật” dù mới vào nghề cũng kiêm nhiệm từ nhạc sỹ sáng tác đến ca sỹ thể hiện cũng góp phần làm nên những thảm họa âm nhạc đang tràn lan trên thị trường. Do đó, không riêng gì bộ phận HS THPT của TP, mà cả một nền nhạc trẻ Việt về bề nổi đang rơi vào trạng thái lệch thẩm mỹ một cách có hệ thống từ đội ngũ sáng tác, ca sỹ thể hiện đến khán giả thưởng thức.

Thứ hai, khâu giới thiệu, quảng bá âm nhạc của các cơ quan thông tin, truyền thông đại chúng đang bị tắc nghẽn nghiêm trọng. Quảng bá âm nhạc luôn bị chi phối bởi đồng tiền nên buộc phải ưu tiên nhạc ăn khách. Chương trình nhạc nghiêm túc không được phát sóng vào giờ vàng. Sự phát triển tự phát, chạy theo thị hiếu số đông, theo nguyên tắc “có cung có cầu” khiến cho bức tranh âm nhạc ngày càng thiếu hài hòa, biến dạng, lệch lạc, méo mó cả về nhận thức. Vì vậy, phần lớn công chúng ngộ nhận

rằng ca khúc phổ thông là đại diện duy nhất cho nền âm nhạc nước nhà. Thế nhưng,

trong tình trạng, thể loại âm nhạc đại chúng mà còn bị pha tạp, hỗn loạn, lai căng, dị hợm, méo mó… thì khó có thể phát triển và phổ biến âm nhạc chuyên nghiệp.

Qua đó, chúng ta có thể thấy, vai trò định hướng thẩm mỹ cho công chúng của các phương tiện truyền thông những năm qua còn quá yếu kém, không đáp ứng được yêu cầu của thời đại. Đó là chưa kể có 1 số chương trình truyền hình, truyền thanh và báo chí còn cổ súy cho kiểu làm nghệ thuật thương mại, phi nghệ thuật của một số cá nhân nghệ sỹ, ca sỹ trẻ và của một số các tổ chức thương mại, hay các gameshows truyền hình thực tế âm nhạc, mua bản quyền quốc tế dành cho cả trẻ em và người lớn đang diễn ra rầm rộ thời gian gần đây, khiến bức tranh âm nhạc của Việt Nam càng thêm “méo mó”. Trẻ con thì phải hát những ca khúc phù hợp với tâm lý, sự hiểu biết, trong sáng của tuổi thơ. Trong khi, trong những sân chơi này, người lớn lại bắt các em phải gân cổ, gào thét những bài hát dành cho người lớn như thế chẳng khác nào biến các em thành những con rối, những rô bốt hát không cảm xúc (vì kỳ thực các em làm sao hiểu được lời lẽ trong ca khúc người lớn)… Tất cả thực trạng ấy, góp phần rất lớn vào sự tụt dốc thị hiếu thẩm mỹ âm nhạc trong giới trẻ hiện nay.

Công tác lý luận, phê bình âm nhạc trên báo chí và nhiều trang mạng cũng còn nhiều yếu kém và bất cập. Nguyên nhân là nhiều nhà báo không được đào tạo về chuyên môn âm nhạc trong khi lại phụ trách viết bài cho các trang này nên cũng chạy theo thị hiếu số đông, câu khách mà giật “tít” này, “hot” nọ, rồi ca ngợi, tung hô ca sỹ, nhạc sỹ trẻ không tiếc lời, cũng làm cho thị trường âm nhạc thêm “lộn xộn”, khiến nhiều giá trị âm nhạc bị đảo lộn, tạo ra những giá trị âm nhạc “ảo” hiện nay.

Thứ ba, khâu quản lý văn hóa của các cơ quan văn hóa còn yếu kém, chưa có được những chế tài có sức răn đe đủ mạnh để ngăn chặn những hoạt động âm nhạc không lành mạnh. Khâu kiểm duyệt còn dễ dãi, lỏng lẻo cho nên gần như Bộ VH-TT&DL luôn phải đi sau xử lý khi mọi việc đã rồi, đã được tràn lan, phổ biến ra ngoài. Như thế

chả khác nào tạo thêm sự chú ý cho công chúng. Kết quả là các cá nhân, tổ chức đó tuy mất có chút tiền phạt nhưng lại được PR (quảng cáo) rầm rộ trên báo, đài.

Thứ tư, Do sự nở rộ của internet với kết nối không biên giới. Bất cứ thứ gì muốn nghe, muốn biết chỉ cần nhắp chuột, mọi thứ đã hiện ra. Do đó, những trào lưu, sản phẩm âm nhạc kém chất lượng, các thảm họa âm nhạc, các phế phẩm âm nhạc, nhạc rác… có cơ hội tấn công và lan tràn vào giới trẻ, vào HS mạnh mẽ. Ngày nay, chia sẻ âm nhạc với mọi người qua đường internet là kênh giao tiếp quan trong bậc nhất trong giới trẻ. Với các trang mạng xã hội Facebook, Twitter, Zingme… các bạn trẻ thật dễ dàng để chia sẻ những ca khúc mà mình yêu thích hoặc thấy lạ, vui hay “sốc” đến mọi người, cũng làm phát tán nhanh nhiều sản phẩm âm nhạc kém chất lượng.

Thứ năm, khâu giáo dục thẩm mỹ cho công chúng trẻ, đặc biệt HS THPT còn bỏ ngỏ chưa được quan tâm đúng mức. Đứng trước một nền âm nhạc “hỗn loạn” như vậy nhưng thiếu định hướng của người lớn, của các nhà chuyên môn âm nhạc từ phía gia đình, nhà trường và xã hội đã khiến các em HS THPT bị đưa vào “ma trận” âm nhạc không có lối ra khi không có người chỉ đường. Giáo dục âm nhạc thật sự là môn học giúp định hướng tốt nhất thị hiếu thẩm mỹ âm nhạc của HS nhưng hiện nay bị nghẽn mạch khi chưa được giảng dạy ở trường THPT.

Bên cạnh đó, Giáo dục âm nhạc học đường hiện nay cũng còn nhiều bất cập, nghèo nàn, nhàm chán không thể là khởi đầu tốt nếu như ta thực sự muốn đào tạo người nghe nhạc. Âm nhạc dành cho lứa tuổi cũng thiếu vắng trong đời sống âm nhạc của HS THPT… Trong bối cảnh như vậy, khiến một bộ phận các em không có đủ “sức đề kháng” mà bị lôi cuốn vào dòng thác nhạc teen, nhạc trẻ mang nặng tính giải trí này.

Một phần của tài liệu Thị hiếu thẩm mỹ âm nhạc của học sinh trung học phổ thông tại thành phố Hồ Chí Minh_ Luận văn thạc sĩ (Trang 80)

Tải bản đầy đủ (DOCX)

(149 trang)
w