5. Cấu trúc luận văn
3.2.3 Thời gian tâm tưởng đa tuyến
Nghệ thuật tiểu thuyết xét đến cùng là nghệ thuật sắp xếp các biến cố, sự kiện trong thời gian. Nếu như tiểu thuyết trước 1975 xây dựng kiểu cấu trúc thời gian tuyến tính nhằm diễn tả nhịp sống kháng chiến gấp gáp, sôi động phù hợp với khí thế sôi sục của cả dân tộc trong công cuộc cứu nước thì sau năm 1975, các nhà văn không còn tham vọng tái hiện một bức tranh hiện thực rộng lớn, ngồn ngộn các biến cố, sự kiện với một dung lượng nhân vật đông đảo mà họ tỏ ra hứng thú đi sâu khám phá tâm hồn phong phú, đầy bí ẩn của con người. Nhiều nhà văn có xu hướng xây dựng cốt truyện dựa trên dòng
hồi tưởng triền miên của nhân vật. “Thân phận của tình yêu” là một tác phẩm
tiêu biểu cho xu hướng này. Bảo Ninh đã đưa nhân vật Kiên lạc vào những miền kí ức rời rạc, đứt đoạn về quá khứ bi thương của thời đại mình. Có lúc Kiên lãng quên cả hiện tại, có khi quá khứ - hiện tại đồng hiện…Toàn bộ cuốn tiểu thuyết là những dòng suy nghĩ triền miên chồng lớp như muốn cuốn con người vào một vòng xoáy không thể nào thoát ra bên ngoài.
Trong tiểu thuyết Lê Lựu thời kì đổi mới, hình thức trần thuật thời gian đa tuyến chưa thể hiện đậm đặc như trong sáng tác của Bảo Ninh, Chu Lai, Hồ Anh Thái…Tuy nhiên, kiểu trần thuật này cũng đã phát huy được hiệu quả nghệ thuật của nó, trở thành một trong những phương thức, phương tiện phản ánh thế giới tâm hồn đầy bí ẩn, phức tạp của nhân vật.
Trên trục đồ thị thời gian, cuộc sống con người không diễn ra theo một đường thẳng duy nhất từ quá khứ, qua hiện tại và tới tương lai mà có những khoảnh khắc đặc biệt của tâm trạng hay một thời điểm có ý nghĩa đặc
biệt trong cuộc đời nhân vật, nhà văn có thể cho xuất hiện cùng một lúc hai hoặc ba bình diện thời gian trên. Sự trùng khít các bình diện thời gian trong cùng một thời điểm tạo ra kiểu thời gian đồng hiện. Và dĩ nhiên kiểu thời gian
này luôn sóng đôi, song hành với kí ức nhân vật. Bởi theo Fôcnơ: “Con người
là tổng thể của mọi kí ức” [dẫn theo 68, 86].
Giang Minh Sài (trong Thời xa vắng) sống giữa hiện tại thời bình, tưởng như đã lãng quên cái thời thanh tân trẻ tuổi với những chiến công oanh liệt, với cả hi sinh mất mát của đồng đội, song trước sự việc chiếc ba lô của
Thêm bị cắt đứt quai thì kí ức bỗng ùa về, sống dậy tươi ròng: “bỗng anh cảm
thấy như hụt hơi, như lại bước vào trận bom (…). Mới đêm qua thôi ư?” [42, 331]. Nỗi đau đớn và sự thức tỉnh giày vò Sài. Anh nhận ra khoảng trống vênh lệch. Hạnh phúc chập chờn trước mắt như một thứ tà ma giễu cợt Sài. Hiện tại giờ đây chỉ còn là sự chắp vá khi tất cả mọi điều tốt đẹp, say đắm, nồng nàn thuộc về quá khứ. Vết dao cắt ba lô không chỉ gợi dậy kỉ niệm mà
còn như cứa sâu thêm nỗi đau của Sài, giúp anh bừng tỉnh, “không thể tiếp
tục cuộc sống không phải là mình, không còn là mình” và “phải tìm cách sống khác thôi” [42, 331], nhưng cách gì thì anh chưa biết.
Còn với Châu, dù đã mười mươi trở thành vợ Sài nhưng kí ức về mối tình đầu đắm say và mù quáng vẫn ám ảnh không nguôi. Trong lòng cô, luôn có sự so sánh giữa Sài và Toàn, giữa hiện tại và quá khứ: Nếu Sài là gã nhà quê cục mịch, vô tâm, nhu nhược, có phần thô lỗ thì Toàn hào hoa, tinh tế, phong nhã, lịch lãm. Toàn luôn thấu hiểu thói quen, sở thích và suy nghĩ của Châu. Sau cái giây phút “vượt cạn” khủng khiếp, Châu hình dung cảnh Sài đến thăm, quỳ xuống đầu giường, hôn lên đôi môi khô nẻ của cô, tặng cô một bó cẩm chướng, loại hoa mà Châu yêu thích nhưng cuối cùng người tặng hoa cho Châu không ai khác là Toàn, kẻ đã đánh cắp cuộc đời cô, kẻ mà cô vừa yêu thương đến đắm đuối, vừa căm ghét đến dữ dội. Rõ ràng, quá khứ vẫn
luôn hiện diện trong thế giới tâm hồn nhân vật và có sức ám ảnh đặc biệt ghê gớm. Nhân vật của Lê Lựu như đang sống giữa cái ranh giới nhập nhòe của hôm qua và hôm nay.
Trong Hai nhà, xen kẽ những đoạn kể theo trình tự thời gian là những
trang nhật kí, những đoạn nhớ lại rất ấn tượng của nhân vật để sự việc được
soi tỏ dưới nhiều góc độ, nhiều điểm nhìn. Chương III với nhan đề “Sự nhấm
nháp độc ác” được nhà văn biểu hiện dưới hình thức là những trang nhật kí.
Đó là sự hồi tưởng của Linh Anh về cuộc đời nhiều “chiến tích” tình yêu của
mình. Nhà văn đã phơi bày bản chất trăng hoa, thực dụng của Linh Anh: yêu
đương sớm, xỏ mũi hàng trăm tên đàn ông, “ từ lão già 67 tuổi đến cậu con
trai 21 tuổi lốc nhốc chạy theo sẵn sàng hầu hạ mọi sở thích của tôi (Linh Anh)” [52, 131] mà chẳng được gì ngoài nụ cười thường trực cô “ban phát”
cho tất cả như phát chẩn cho chúng sinh. Chấp nhận lấy Tâm để hợp thức hóa hai đứa con, Linh Anh vẫn không hề bằng lòng với sự lựa chọn. Cũng như Châu, cô tiếp tục dấn thân vào những cuộc phiêu liêu tình ái và sa vào cái bẫy của Thiệt, một cái bẫy êm ái mà cô ngộ nhận là tình yêu thực sự.
Bức thư tuyệt mệnh của Hoàng Địa gửi Tâm cũng là một dạng thức đồng hiện thời gian, một dạng thức của thời gian tâm tưởng. Trước khi tự chấm dứt cuộc đời vì nỗi day dứt và sự nhục nhã không cho phép bản thân tiếp tục tồn tại trên cõi đời, ông Địa đã hồi tưởng lại hành trình cuộc đời với biết bao thăng trầm của mình: từ nỗi khốn khổ vì cái lí lịch của người cha
“Địa chủ, cường hào, ác bá, đại gian, đại ác” khiến Hoàng Địa không thể
ngóc đầu lên được đến nỗi đau đớn bị vợ đưa “vào tròng”; từ sự nhu nhược,
nhục nhã khi chứng kiến cảnh vợ ngoại tình mà vẫn phải “vui vẻ như không”
đến hành động trả thù bỉ ổi và ghê tởm: ngoại tình ngay với vợ hàng xóm chí cốt, chí tình tưởng có thể sống chết vì nhau. Qua những trang nhật kí, ông Địa hiện lên chân thực, sống động: vừa là nạn nhân của người vợ lăng loàn, vừa là
tội nhân của Tâm và bản thân ông ta. Quá khứ và hiện tại trong kí ức nhân vật đã tự soi sáng cho nhau, tạo nên những cộng hưởng về cảm xúc, giúp người đọc hiểu hơn về nhân vật.
Sống giữa hiện tại nhà tù nhưng Núi không thôi day dứt, ân hận về những lỗi lầm trong quá khứ mà hắn đã gây ra cho Hiền và cả nỗi lo lắng cho đứa con bơ vơ ở ngoài. Hắn nhớ lại những gì xảy ra trong quãng đời lương thiện, thanh bình để rồi tiếc nuối. Quá khứ và hiện tại là hai mảnh ghép đối lập cay cực, những kí ức luôn sống dậy, ám ảnh không nguôi, đeo đẳng và giày vò hắn.
Với bà Đất, nỗi đau quá khứ bị tổng Lỡi hãm hại luôn đọng lại như một mảng kí ức đau buồn chẳng thể hóa thạch. Những năm tháng tận cùng gian khổ nuôi con một mình ở lán rừng La Hiên, bao lần con ốm, con suýt chết, bao giọt nước mắt cay đắng, tủi phận và cả nỗi niềm thương yêu con vô bờ… vẫn như chỉ vừa mới xảy ra hôm qua. Bà cất giữ kí ức ấy trong đáy cõi lòng – cuốn “nhật kí” đặc biệt ghi lại trung thực, trọn vẹn những đau đớn, tủi phận của người phụ nữ khốn khổ này.
Nhân vật của Lê Lựu sống trong hiện tại nhưng luôn hồi tưởng về quá khứ, quá khứ hội tụ trong hiện tại và hiện tại như gợi lại hình ảnh của quá khứ. Hiện tại là thời gian nền để quá khứ hiện diện, quá khứ soi chiếu trong hiện tại để nhân vật tự suy ngẫm, cảm nhận, qua đó nhà văn cũng tăng bề dày cho hình tượng nghệ thuật. Quá khứ không phải là cái đã qua, đã an bài mà vẫn còn đang sống; hiện tại không phải là một dòng chảy đứt đoạn mà vẫn luôn có cội rễ với quá khứ xa xưa. Dùng thủ pháp đồng hiện thời gian, Lê Lựu đã thâm nhập sâu hơn vào đời sống tâm hồn nhân vật để tạo nên chiều sâu phản ánh bức tranh hiện thực đời sống.