5. Cấu trúc luận văn
2.3.2 Sự luân chuyển không gian
Không gian nghệ thuật trong tiểu thuyết của Lê Lựu thời kì đổi mới không chỉ được tổ chức theo nguyên tắc tương phản mà còn có sự luân chuyển không gian. Có thể luân chuyển không gian bằng sự chuyển dịch cuộc đời, số phận, của nhân vật, cũng có thể dịch chuyển qua hồi ức của nhân vật hoặc qua lời mô tả trực tiếp của nhà văn.
Thời xa vắng là câu chuyện về cuộc đời của Giang Minh Sài. Không gian tiểu thuyết này chuyển đổi liên tục theo bước chân của nhân vật: từ làng Hạ Vị (nơi Sài sinh ra, lớn lên, tảo hôn …) đến chiến trường (đầy gian khổ, hi sinh) rồi lại chuyển lên Hà Nội (ngôi nhà vợ chồng Sài - Châu) và cuối cùng là về làng Hạ Vị (Sài trở thành chủ nhiệm hợp tác xã). Sự luân chuyển không gian này cũng từng xuất hiện trong sáng tác của Nam Cao trước cách mạng (trong tiểu thuyết Sống mòn: nhân vật giáo Thứ từ quê lên Hà Nội dạy học,
khi trường bị Nhật chiếm làm chuồng ngựa, Thứ lại phải trở về quê hương).
Qua sự chuyển đổi mở rộng, thu hẹp không gian, Lê Lựu đã thể hiện một cuộc đời bế tắc, cùng quẫn, không lối thoát của nhân vật.
Không gian trong Chuyện làng Cuội cũng luân chuyển theo số phận bà Đất: Sinh ra ở làng Cuội, một vùng quê có tục nói khoác. Sau khi bị tổng Lỡi hãm hại, Đất phải đến một vùng rừng núi La Hiên heo hút để chạy trốn dư luận và sinh con. Mười năm sau, Đất trở về quê hương, sống cuộc đời tủi nhục gắn với bao thăng trầm của thời đại. Cuộc cải cách ruộng đất đã cướp đi người chồng. Đau đớn hơn, đứa con bà đã phải nuôi nấng trong tủi nhục, đớn đau, khổ cực là Lưu Minh Hiếu đã tha hóa trước sức cám dỗ ghê gớm của tiền tài, địa vị, bà trở thành công cụ tiến thân của đứa con bất hiếu để rồi cuối cùng nhận ra sự trả giá ấy, bà đã gửi cuộc đời mình cho dòng nước. Không gian khép lại cuộc đời bà là dòng sông quê hương - con sông đã từng chứng kiến thời thiếu nữ tươi đẹp, cả ngọt ngào và đắng cay của bà, giờ đây, dòng sông mềm mại bao dung ôm trọn vào nó tấm thân bất hạnh của người đàn bà, như muốn cuốn phăng bao nỗi đắng cay theo dòng trôi. Không gian nghệ
thuật trong Thời xa vắng, Chuyện làng Cuội có điểm tương đồng: chuyển đổi
theo xu hướng mở rộng - thu dẹp dần, tạo nên một không gian khép kín, thể hiện sự cùng quẫn bế tắc của nhân vật.
Trái lại, trong tiểu thuyết Sóng ở đáy sông, không gian lại dần được mở
rộng theo bước chân cuộc đời của Núi: từ ngôi nhà hai tầng ở thành phố đến nông thôn khi hắn phải sơ tán sau đó dịch chuyển theo cuộc đời trộm cắp của
hắn từ Hải Phòng đến Hà Nội, nơi nào cũng in vết chân tội lỗi: “Từ chợ Sắt
đến bến Bính, chợ cố đạo, cửa ga đến chợ Lạc Viên, từ các cửa hàng bách hóa, hàng gạo, hàng thịt cho đến các xó xỉnh ở phía Cầu Rào” [51, 209], rồi những địa danh Lạng Sơn, Bắc Giang cũng để lại dấu chân nhọc nhằn, ô nhục của hắn: Đi buôn, đi tìm mẹ cho đứa con đỏ hỏn của mình… Biết bao đêm ăn sương nằm gió, bao lần con quấy khóc, sốt cao, đi ngoài… bao lần hắn gọi vợ đến khản cả giọng mà chỉ có tiếng sóng vỗ đáp lại trong nỗi vô vọng. Cuộc đời của Núi “đi tù nhiều hơn đi học” nên chỉ có nhà tù mở rộng bao dung
chứa hắn. Dù đã năm lần vào tù song hắn không rơi vào sự bế tắc như Sài, Tâm, bà Đất bởi hắn đã may mắn gặp được những con người nhân ái, bao dung. Núi hiểu được giá trị cuộc sống, được trở về với cuộc sống tự do, đi tới chân trời của hạnh phúc rộng mở. Qua sự luân chuyển không gian nghệ thuật, Lê Lựu đã khẳng định tính ưu việt của nhà tù thời đại mới, ca ngợi tình cảm nhân ái và sự vươn lên vượt lên số phận của con người.
Qua hồi ức của nhân vật, không gian cũng có luân chuyển. Trong nhật
kí của Linh Anh (Hai nhà) và hồi tưởng của Châu (Thời xa vắng) những mối
tình vụng trộm diễn ra khi ở căn phòng tình nhân, lúc ở phòng làm việc cơ quan, khi lại trên đường Thanh Niên thơ mộng và có lúc lại ở trên một bãi cỏ hoang dại, nhớp nháp...Không gian đó có sức biểu hiện mạnh mẽ lối sống buông thả, dễ dãi, đàng điếm, lăng loàn của những người phụ nữ này.
Có lúc không gian nghệ thuật lại được hiện lên qua những lời miêu tả
trực tiếp của nhà văn. Hình ảnh làng Hạ Vị trong phần mở đầu Thời xa vắng
là một không gian trong trẻo, yên tĩnh, hiền hòa: “Làng bập bềnh như trôi trong đêm sương muối. Những cây cau thẳng đuột cao vút như chỉ chực lao thẳng lên đến tận trời chìm ngập giữa âm thầm giá lạnh” [42, 5]. Không gian nhuốm sắc màu lạnh lẽo, có phần hoang vắng như gọi ra được một cái thần, cái hồn của thiên nhiên đồng bằng Bắc Bộ xưa.
Hay cảnh tranh tối tranh sáng ở bãi tha ma làng dưới ngòi bút của Lê Lựu cũng hiện lên đầy ma quái: “Đám cỏ ướt nước mưa phùn, dưới chân những nén hương đang cháy. Những chấm lửa giữa đồng không mông quạnh vào lúc này trông bãi tha ma của làng đêm nay như có ma đang hiện về” [51, 109]. Dường như lẩn khuất trong không gian là sự hiển linh của những oan hồn lặng lẽ - mẹ của Núi có lẽ cũng đã hiện về chứng giám những lời cầu khẩn của con – giữa cõi âm và dương gian có mối quan hệ hòa hợp.
Như vậy, những trang viết về không gian nghệ thuật của Lê Lựu luôn đặt nhân vật vào bối cảnh hẹp, khép kín và có cảm tưởng cuộc đời, số phận của nhân vật bị trói buộc trong một cái vòng tròn luẩn quẩn: Sài, Tâm đều bế tắc trong cuộc sống gia đình, bà lão Đất tự tử ngay trên dòng sông làng Cuội, cuộc đời Núi là một chuỗi các sự lặp lại: “Ăn cắp vào tù” (tất nhiên kết thúc truyện, Núi đã tìm được lối thoát). Từ bối cảnh không gian bên ngoài (không gian bối cảnh xã hội) cho đến không gian bên trong (không gian tâm tưởng của nhân vật) đều mang tính khép - hẹp khiến cho những bức tranh hiện thực càng trở nên tăm tối, ngột ngạt. Qua sự khắc họa không gian nghệ thuật, nhà văn vừa thể hiện quan niệm nghệ thuật về con người và thế giới, vừa bộc lộ tài năng phân tích xã hội và miêu tả tâm lí nhân vật.
CHƯƠNG 3: THỜI GIAN NGHỆ THUẬT TRONG TIỂU THUYẾT LÊ LỰU THỜI KÌ ĐỔI MỚI
3.1 Giới thuyết về thời gian nghệ thuật
Cũng giống như không gian nghệ thuật, thời gian nghệ thuật là hình thức tồn tại bên trong của hình tượng nghệ thuật thể hiện tính chỉnh thể nghệ thuật của nó. Thời gian nghệ thuật không phải là thời gian khách quan vận động theo trật tự một chiều, trước sau và không thể đảo ngược mà là thời gian được soi sáng bởi tư tưởng, tình cảm của nhà văn, được nhào nặn và sáng tạo để trở thành hình tượng nghệ thuật, phù hợp với quan niệm nghệ thuật của nhà văn về con người và thế giới. Vì thế, thời gian nghệ thật có thể nhanh hay chậm, dài hay ngắn, liên tục hay đứt quãng theo một lôgic riêng không hoàn toàn trùng khớp với thời gian khách quan. Tuy nhiên không phải mọi thứ liên quan đến thời gian trong tác phẩm văn học đều là thời gian nghệ thuật mà thời gian chỉ có thể chuyển hóa thành thời gian nghệ thuật khi nó cùng với yếu tố khác như kết cấu, cốt truyện…thể hiện quan niệm của nhà văn về con người và cuộc đời. Là hình thức của hình tượng nghệ thuật, thời gian nghệ thuật là một trong những phạm trù quan trọng nhất của thi pháp học, bởi nó thể hiện thực chất sáng tạo của người nghệ sĩ. Thời gian trong tác phẩm phụ thuộc vào điểm nhìn của tác giả, vì vậy nó được sử dụng một cách mềm dẻo, linh hoạt hơn và có thể quay ngược trở về quá khứ hoặc hướng tới tương lai, có thể dồn nén một khoảng thời gian dài trong chốc lát, lại có thể kéo dài cái chốc lát thành vô tận. Thời gian nghệ thuật được đo bằng nhiều thước đo khác nhau: bằng sự lặp lại đều đặn của các hiện tượng đời sống được ý thức, sự sống, cái chết, gặp gỡ, chia tay, mùa này, mùa khác…tạo nên nhịp điệu trong tác phẩm. Như vậy, thời gian nghệ thuật gắn liền với tổ chức bên trong của hình tượng nghệ thuật. Khi nào ngòi bút của người nghệ sĩ chạy theo diễn biến sự kiện thì thời gian trôi nhanh, khi nào dừng lại mô tả chi tiết thì thời gian chậm lại.
Giữa thời gian nghệ thuật và không gian nghệ thuật có mối tương quan
chặt chẽ, không tách rời nhau: “Khi nhà văn dừng lại khắc họa không gian thì
thời gian bị hãm lại hay triệt tiêu. Người ta có thể không gian hóa thời gian bằng cách miêu tả sự kiện, biến đổi theo trật tự liên tưởng, cái này bên cạnh cái kia” [70, 190].
Thời gian nghệ thuật có cấu trúc riêng của nó. Trong văn học tất cả các yếu tố thời gian đều có thời gian của nó, trong đó “truyện thuộc loại hình thời gian và thời gian trong truyện là thời gian của thời gian” (E. Benvenite). Tuy nhiên, người ta hay chú ý đến hai yếu tố chính của lớp thời gian, đó là lớp thời gian trần thuật và thời gian được trần thuật.
Nếu thời gian trần thuật là thời gian của người kể chuyện, nó có hữu hạn, phụ thuộc vào tốc độ của người kể, có thể đảo ngược sự việc thì thời gian được trần thuật là thời gian của sự kiện được nói tới, trong đó có thời gian sự kiện và thời gian nhân vật. Thời gian sự kiện là thời gian truyện, “thời gian lịch sử”, là chuỗi liên tục của các sự kiện trong quan hệ liên tục trước sau, nhân quả. Thời gian nhân vật bao gồm tiểu sử và thời gian được nếm trải qua tâm hồn nhân vật. Giữa thời gian trần thuật và thời gian được trần thuật có mối quan hệ qua lại thân thiết với nhau và chính mối quan hệ này tạo ra thời gian nghệ thuật.
Gắn với từng phương thức, phương tiện thể hiện, mỗi thể loại lại có những kiểu thời gian riêng. Trong kịch, do chia hồi, thời gian trong mỗi hồi được tính theo đồng hồ, thời gian giữa các hồi được tính theo lịch. Thời gian trong trữ tình và trong tự sự thì được tính tự do, đa dạng. Tuy nhiên cũng có những sự khác biệt cơ bản: Nếu thời gian trong thơ có độ nhòe lớn, không rõ ràng thì thời gian trong văn xuôi (trong đó có tiểu thuyết) cụ thể, mang tính xác định hơn.
Như vậy, thời gian là một phạm trù quan trọng của thi pháp học bởi văn học là nghệ thuật của thời gian. Thời gian là đối tượng, là chủ thể, là công cụ miêu tả, là sự tự ý thức và cảm giác về sự vận động và đổi thay của thế giới trong các hình thức đa dạng của thời gian xuyên suốt toàn bộ tác phẩm văn học. Thời gian trong văn học là một yếu tố nội dung tích cực, là một trong những phương tiện hữu hiệu nhất để tổ chức nội dung của nghệ thuật.
.
3.2 Các dạng thức biểu hiện của thời gian nghệ thuật trong tiểu thuyết Lê Lựu