Thời gian đêm

Một phần của tài liệu Không gian và thời gian nghệ thuật trong tiểu thuyết Lê Lựu thời kỳ đổi mới (Trang 75)

5. Cấu trúc luận văn

3.2.2 Thời gian đêm

Lựa chọn thời gian nghệ thuật là một trong những phương tiện hữu hiệu nhất để tổ chức nội dung của tác phẩm nghệ thuật. Trong các tiểu thuyết, Lê Lựu đã kiến tạo kiểu thời gian đêm để góp phần thể hiện những vấn đề về thân phận con người.

Trong cả bốn cuốn tiểu thuyết mà luận văn tiến hành khảo sát đều có sự hiện diện bóng dáng của đêm tối. Dường như hình ảnh đêm tối đã trở thành một cảm quan đặc biệt trong sáng tác Lê Lựu. Bóng tối xuất hiện không phải với chức năng là thời gian khách quan mà nhằm biểu hiện những dụng ý nghệ thuật: đó là những khúc ngoặt tâm lí quan trọng của nhân vật, giúp nhà văn phản ánh chiều sâu bức tranh hiện thực.

Với Sài, đêm tối thực sự là khoảng thời gian yêu thích để được sống là mình, sống thật với chính mình nhất. Là nạn nhân của tập tục tảo hôn, lại sinh ra trong một gia đình có lối sống phong kiến luôn đặt danh dự gia tộc cao hơn cả tính mạng, Sài có bổn phận “giấy rách phải giữ lấy lề”. Nghĩa là, dù không yêu vợ nhưng Sài không dám công khai chê vợ, Sài rất sợ tiếng bàn tán ở bất cứ chỗ nào, thành ra, Sài chỉ yêu vợ ở chỗ đông người. Vậy là, mới chỉ

hơn mười tuổi đầu, Sài phải sống hai cuộc đời: “Ban ngày ở chỗ công chúng

mình là con người thật. Không thể nào chung sống với một con người mà mình ghét từ đầu đến chân” [42, 41]. Đêm tối cũng là người bạn đồng hành với Sài trong suốt những ngày tháng tân binh. Sau khoảng thời gian ban ngày dành cho việc tập xạ kích gian khổ, Sài dồn tâm trí cho những trang nhật kí ban đêm – điều mà trước đây anh cho là vô bổ. Bởi một lẽ giản đơn: đêm - ấy là lúc tâm tư lắng lại, khi những ồn ã của một ngày qua đi thì tiếng nói nội tâm lại thầm thĩ cất lên. Những trang nhật kí chan chứa yêu thương, nhung nhớ Hương – mối tình đầu sáng trong, đẹp đẽ mà cũng đầy tiếc nuối trong Sài.

Cũng vì cuốn nhật kí ấy mà Sài trở nên điêu đứng. Những đêm “diễn đàn”,

Sài cứ run bắn lên như người lên cơn sốt bởi cái sự quy kết nực cười: tư tưởng tiểu tư sản, phong kiến bóc lột, ngồi mát ăn bát vàng…

Chuyện làng Cuội Sóng ở đáy sông thì đêm tối lại xuất hiện với một ý nghĩa khác: là điểm mốc đánh dấu, là nhân chứng cho bi kịch thân phận và bi kịch tha hóa của con người. Với bà Đất, đêm tối là người bạn đường chứng kiến nỗi đau thân phận: bị Tổng Lỡi cưỡng hiếp trong đêm tối ở đầm Cuội. Sự kiện này khép lại quãng đời thanh bình yên ả, trong trẻo trong cuộc đời của Đất để rồi mở ra một cuộc đời khác: ê chề, bẽ bàng, tủi hổ, nhục nhã, sống lẩn lút, trốn chạy, tuyệt vọng. Đã bao lần ý nghĩ về cái chết ập đến mà lại phải cắn răng sống để nuôi con. Cuối cùng, cái chết vẫn đến như một định mệnh nghiệt ngã. Cuộc đời mấy chục năm trời thăng trầm, những quyết định của đời bà đều diễn ra ban đêm. Mọi nỗi đau của bà Đất vừa được đêm tối che

giấu, đồng lõa, lại vừa là chứng nhân trung thực, thành thật nhất: “Đêm tối ở

làng Cuội cũng vắng lặng âm thầm như mọi làng quê nhưng với bà lão Đất thì nó vừa là người che giấu tội lỗi, vừa là viên quan tòa nghiệt ngã, vừa là người bạn đường tin cậy, vừa là ma quỷ ẩn nấp sau từ bi. Với bà được run rẩy yêu thương hay bị cào xé hành hạ, được ngẩng mặt tươi cười nhìn chúng bạn hay cứ mãi cắn hai hàm răng lại nuốt nước mắt vào lòng[48, 28].

Cái chết của bà Đất là giới hạn cuối cùng của sự chịu đựng, khi sự bấu víu trên đời đã hết. Nhân vật bà Đất có điểm tương đồng với bà Son trong tiểu

thuyết Mảnh đất lắm người nhiều ma của Nguyễn Khắc Trường. Bà Son cũng

là nạn nhân của cái xã hội mà ở đó có nhiều mối quan hệ tinh thần phức tạp, chồng chéo lên nhau. Chấp nhận lấy một người đàn ông thua kém mình cả về thể xác lẫn tâm hồn, lại là người mình ghét cay ghét đắng bấy lâu nay, vậy mà người phụ nữ ấy vẫn không tránh khỏi bi kịch. Người ta đã lợi dụng sự ngây thơ, cả chút kỉ niệm về mối tình đầu để lôi kéo bà vào cuộc tranh đấu quyết liệt giữa hai dòng họ. Cái chết của bà Đất và bà Son trong đêm tối là khát vọng được giải thoát đồng thời cũng là tiếng nói tố cáo đối với những kẻ nhẫn tâm, độc ác đã đẩy người phụ nữ vào bi kịch đau thương.

Với Núi trong Sóng ở đáy sông, đêm tối là điểm mốc đánh dấu bước

ngoặt không thể nào quên trong cuộc đời nhiều thăng trầm của hắn: cả niềm hạnh phúc ngọt ngào của tình yêu với Hiền, cả nỗi đau khổ vì bị người cha ruồng bỏ, cả những tội lỗi của một kẻ lưu manh, cả những giày vò, sám hối của một tâm hồn luôn khao khát hướng thiện… Nhà văn đã theo sát diễn biến cuộc đời nhân vật bằng cả sự cảm thông, chia sẻ và bằng cả thái độ nghiêm khắc. Bi kịch tha hóa của Núi một phần do sự buông thả quá sớm của hắn, song có lẽ chính sự cạn tình của người cha đẩy hắn đi giữa đêm mưa gió, cái

đêm mà Lê Lựu đã viết: “hắn lao đi trong đêm mưa sấm chớp lúc 12h đêm.

Một đêm mà chắc cả ông và hắn đều ghi nhớ suốt cả cuộc đời của mỗi người” [51, 122]. Đây là nguyên nhân quan trọng dẫn hắn đến sự sa ngã. Xua đuổi một con người, lại là đứa con dứt ruột đẻ ra giữa lúc nó đang rất cần một mái ấm nương thân, một điểm tựa tinh thần vững chắc trên cái lằn ranh giới mỏng manh giữa Thiện và Ác đồng nghĩa với việc chặt lìa đứa con khỏi cõi người. Núi bước vào con đường trộm cắp như một sự cùng đường. Đêm tối

lại là bạn đồng hành che giấu tội lỗi cho hắn. Từ Hà Nội – Hải Phòng – Bắc Giang, nơi đâu cũng ghi dấu vết tích của Núi.

Đêm tối trong Hai nhà gắn với nỗi vất vả của cuộc sống gia đình và bi

kịch hôn nhân của Tâm. Hằng đêm, tâm trí của người trí thức này không phải để tập trung cho đầu tư cho những bài báo có giá trị mà lại để nghe ngóng tiếng nước chảy ở cái bể nước công cộng. Sự hi sinh vì vợ con, cả nỗi thấp thỏm vì lo sợ có người chen ngang khiến Tâm không còn thời gian cho chuyên môn của mình, thậm chí cái hình ảnh của anh nhà báo được Lê Lựu khắc họa thật tội nghiệp: “Để tránh bị ngủ quên sau khi giặt giũ, rửa dọn xong, Tâm vác ghế tựa ra án ngữ ở cửa ra vào, ngồi quay mặt ra, hai tay đặt lên trên thành ghế, tì quai hàm vào đấy vừa ngủ vừa canh nước và coi nhà.(…) Mỗi khi nghe được tiếng nước rỉ ra ở cái vòi đã mở sẵn, là anh giật mình rón rén đi chân không (có khi chân đi tất cũng không kịp xỏ dép) vội vàng bê cả nón mê và rổ rá rách có chiếc xô hoặc thùng đặt trên đó ra xếp hàng (…)một mình cũng xếp hàng” [52, 58]. Nếu Hộ, Thứ, Điền và các nhân

vật trí thức trong sáng tác của Nam Cao phải trải qua cuộc sống “mốc lên, rỉ

ra, mòn đi” vì bi kịch cuộc sống “áo cơm ghì sát đất” thì Tâm cũng luôn phải đối mặt với nỗi khốn đốn trong cuộc sống thường nhật do những mặt hạn chế của cơ chế bao cấp và gánh nặng gia đình gây nên. Khắc họa nỗi vất vả đó của nhân vật trong đêm tối, Lê Lựu càng tô đậm sự khốn khổ của người trí thức trong những tháng năm khó khăn chung của đất nước.

Đồng hành cùng bóng đêm vậy mà có lúc Tâm lại hãi hùng trốn chạy nó. Ấy là khi Tâm nhận ra bộ mặt thật của người vợ lăng loàn. Tâm đau đớn, uất hận vô cùng. Từ bỏ căn hộ tập thể, lên cơ quan sống những tưởng tìm

được sự bình yên của tâm hồn. Vậy mà “cứ mỗi đêm, khi bóng tối sập xuống

là trời lại như rộng ra, nỗi buồn tràn ngập mênh mang dìm Tâm trong căn phòng vắng lặng, anh phải vội vã dắt xe ra khỏi nhà, vội vã đạp đi như kẻ

chạy trốn bóng đêm của căn phòng của cơ quan” [52, 203]. Tâm lang thang suốt đêm để giết chết cảm giác của mình cùng với một cốc rượu “cuốc lủi”. Và rồi hôm sau, khi bóng tối nhập nhoạng ùa vào căn phòng, Tâm lại chạy trốn bóng đêm bởi nó luôn nhắc nhở anh về những giây phút đoàn tụ gia đình mà giờ đây chỉ còn là một ảo ảnh xa vời, một vết thương nhức nhối, xót xa.

Với Sài, nếu ở chương I, đêm tối là khoảng thời gian chờ đợi để được sống là mình, thì đến chương II, đêm tối lại là khoảng khắc bừng ngộ để nhận ra chính mình: Sài đã thức trắng một đêm để nhận ra sự cọc cạch giữa anh và Châu. Sau bốn năm chung sống, bao sự bất hòa khiến cho vết rạn vỡ của hạnh phúc gia đình mỗi ngày một lớn. Đêm tối, Sài cứ mãi lang thang sau những lần cãi nhau và đỉnh cao của mâu thuẫn chẳng thể nào hàn gắn đã đến như một lẽ tất yếu: Sài quyết định li hôn sau một đêm dằn vặt dữ dội. Thế nhưng, nỗi đau hôn nhân tan vỡ chưa thấm tháp gì với sự xót xa lúc Sài nhận ra một sự thật hà khắc, nghiệt ngã: Đứa con lớn Giang Minh Thùy mà Sài yêu thương, chăm sóc bấy lâu, hàng tháng trời ngồi thâu đêm giữ kim truyền khi con nằm viện, lại không phải là con đẻ của anh. Nỗi đau bị lừa dối, bị xúc phạm, chà đạp khiến Sài cảm thấy choáng váng, chới với…

Lựa chọn thời gian đêm tối để triển khai những biến cố, sự kiện có tính chất bước ngoặt không phải đến tiểu thuyết của Lê Lựu mới xuất hiện. Các nhà văn hiện thực Ngô Tất Tố, Nguyễn Công Hoan, Nam Cao, Vũ Trọng Phụng…trước 1945 đã chọn thời gian đêm tối để phản ánh không khí ngột ngạt, tù đọng, bế tắc, không lối thoát của xã hội Việt Nam đang bị đẩy đến bên vực thẳm. Sau 1975, các tiểu thuyết gia thời kì đổi mới như Dương Hướng, Nguyễn Khắc Trường…cũng sử dụng bối cảnh đêm tối song lại nhằm biểu đạt những hành vi phản đạo đức bị phát giác, tố cáo: những mối quan hệ mất hết tình người, những thù hằn hẹp hòi, những cách báo thù, ứng xử như cầm thú để bảo vệ danh dự của dòng họ: đào mồ mả, cưỡng bức, hãm hại

nhau…Lê Lựu với tiếng nói riêng, lựa chọn thời gian đêm tối để nhằm diễn tả những bước ngoặt tâm lí đặc biệt gắn với những biến cố quan trọng trong số phận nhân vật. Từ đó có thể thâm nhập sâu hơn vào đời sống tâm hồn nhân vật để khám phá và lí giải.

Một phần của tài liệu Không gian và thời gian nghệ thuật trong tiểu thuyết Lê Lựu thời kỳ đổi mới (Trang 75)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(110 trang)