Không gian tâm tưởng

Một phần của tài liệu Không gian và thời gian nghệ thuật trong tiểu thuyết Lê Lựu thời kỳ đổi mới (Trang 54)

5. Cấu trúc luận văn

2.2.2 Không gian tâm tưởng

Cùng với việc khắc họa không gian bối cảnh xã hội, Lê Lựu còn xây dựng một không gian khác, đó là không gian tâm tưởng. Đây là thế giới tâm hồn, diễn ra bên trong tâm trạng của nhân vật, là không gian mà những suy nghĩ, tâm tư của con người có dịp ùa ra và con người sống thực với chính mình nhất. Nếu không gian hiện thực là cách thức giúp tác giả phản ánh bộ mặt xã hội thì không gian tâm tưởng có ý nghĩa đặc biệt đối với việc thể hiện chiều sâu tâm lí nhân vật. Kiểu không gian này không nhằm “tái hiện” mà

nhằm “biểu hiện”. Nó là sự hiện hữu của ranh giới đôi bờ thực ảo; có lúc xuất

hiện qua hồi tưởng, kí ức, giấc mơ; khi lại hiện lên trong nhật kí, thư từ. Tạo dựng kiểu không gian này, Lê Lựu muốn đột nhập sâu vào thế giới tâm hồn con người để khám phá, tìm hiểu và lí giải hiện thực cuộc sống và bản chất nhân vật. Tuy nhiên, không gian tâm tưởng trong sáng tác của Lê Lựu chưa xuất hiện đậm đặc như trong sáng tác của các nhà văn Bảo Ninh, Chu Lai. Điều này có thể lí giải được một phần: Chu Lai, Bảo Ninh quan tâm đến đề tài

chiến tranh - một phạm vi hiện thực “siêu đề tài”. Chiến tranh bao giờ cũng

đi liền với những đau thương, mất mát, những kí ức về cuộc chiến như vẫn dội về từ trong quá vãng. Còn với Lê Lựu, đề tài mà ông lưu tâm đến đó là sự tác động của môi trường thế sự, của gia đình tới cuộc sống và quá trình phát triển nhân cách, tâm hồn con người.

Không gian tâm tưởng trong sáng tác Lê Lựu, trước hết được biểu hiện

qua những suy nghĩ, xúc cảm nội tâm nhân vật. Giang Minh Sài trong Thời xa

vắng sau khi gia nhập quân ngũ để chạy trốn cuộc hôn nhân bị ép gả với Tuyết và trốn chạy cả sự đồn thổi của dư luận làng Hạ Vị về mối tình bị phát giác với Hương đã không nguôi nỗi nhớ người yêu. Tâm sự ấy được anh tân binh kí thác qua những trang nhật kí. Đêm đêm, Sài thỏa sức bộc lộ những xúc cảm nhớ nhung mãnh liệt mà ban ngày trước tổ “tam tam” anh không bao

giờ dám tâm sự. Nỗi đau khổ của Sài chẳng người sẻ chia, chỉ có thể trút trên

trang giấy: “Người tôi yêu không bao giờ được với tới, kẻ tôi ghét không bao

giờ được phép tránh xa”[42, 87]. Sài viết nhật kí mà như đang hoang tưởng, ảo mộng: anh tưởng tượng cảnh Hương đến thăm Sài tại đơn vị, cảnh Sài trốn đơn vị, cảnh Tuyết và Sài li dị, rồi Sài cưới Hương, Tuyết chết vì ung thư… Những dòng nhật kí như phản chiếu sự bấn loạn trong tâm hồn Sài, không còn phân định được giữa hiện thực và ước mơ, giữa sự thật trần trụi, khắc nghiệt và ảo ảnh xa vời…

Không gian tâm tưởng cũng được nhà văn khắc họa qua nỗi nhớ quê hương thường trực, ám ảnh trong lòng Sài - khi anh chiến đấu tại chiến trường và trở thành dũng sĩ tiêu diệt máy bay Mĩ, được báo chí ngợi ca, Sài là niềm tự hào của bất cứ người dân Hạ Vị nào. Sài nhớ cồn cào từng miếng bánh đúc ngô chấm tương kho tép; nhớ đêm ngập lụt, nước trắng mênh mông, ông đồ Khang phải địu Sài lên cổ… Những kỉ niệm thân thương ấy sống dậy, kéo quá khứ gần lại với hiện tại, sưởi ấm nỗi lòng của người chiến binh xa nhà và tạo nên vẻ đẹp nhân văn trong tâm hồn con người: luôn gắn bó máu thịt với mảnh đất quê hương và những người thân yêu, ruột thịt.

Nếu Sài có khả năng chế ngự bản thân (do hoàn cảnh trong quân ngũ,

sức ép của đơn vị), luôn sống trong hoàn cảnh tự “hành xác”, “ép xác”: anh

dạy học, rèn luyện, tăng gia sản xuất… không ngơi nghỉ để có thể nguôi quên nỗi nhớ Hương thì trái lại, với bản tính khá mạnh mẽ, sẵn sàng sống chết cho

tình yêu, Hương lại bộc lộ tình yêu khá mãnh liệt, cháy bỏng: “Sài có biết em

chết từng giờ, từng phút vì Sài không” [42, 146], khi lại tủi hờn, giận dữ, căm

thù. Trong thư gửi Hiểu, cô viết: “Em không thể có lời lẽ nào êm nhẹ hơn mỗi

khi nói về hắn (…) em không thể ghìm nổi sự uất hận căm thù của mình” [42, 148]. Lý do khiến Hương căm thù Sài là bởi cô tưởng Sài đã “hòa thuận” với Tuyết nên cố ý “đi vắng” trong thời gian Hương đi cắm trại hè gần đơn vị Sài,

đặc biệt sự xuất hiện của Tuyết với cái bụng chửa “như đặt một quả bom vào lồng ngực Hương” khiến cho cô phải dùng những lời cay độc xỉ vả Sài để rồi khi nghe Kim kể lại sự tình thì Hương như chết lặng đi. Cái khoảnh khắc “chết lặng” ấy chứa đựng biết bao cung bậc cảm xúc: đau đớn, nuối tiếc, ân hận, xót xa, giằng xé, giày vò … những xúc cảm trong tâm hồn Hương càng chứng tỏ cô có một đời sống nội tâm hết sức phong phú, yêu ghét phân minh, rạch ròi, yêu tha thiết mãnh liệt, sẵn sàng dâng hiến cho một tình yêu lớn chân chính. Và không hề quá lời nếu chúng ta khẳng định Hương là nhân vật nữ duy nhất trong sáng tác của Lê Lựu được nhà văn dành cho những trang viết ưu ái.

Thâm nhập vào không gian tâm tưởng nhân vật, Lê Lựu đã phát hiện quá trình tự ý thức – chiêm nghiệm của nhân vật để nhận ra chính mình. Sài

đã suy nghĩ để nhận ra sự “cọc cạch” của anh và Châu. Tính cách của Sài

không thể thay đổi được: Anh chân thật quá thành ra đơn điệu và nhàm chán; anh chỉ biết lo toan những việc lớn nhưng lại không biết chiều chuộng quan tâm những cái nhỏ nhặt, lịch sự theo kiểu thành thị như mang hoa cẩm chướng vào tặng khi cô sinh nở mà chỉ biết chăm sóc bằng xôi gà, giò chả. “Anh chỉ biết sống thật thà hết mình. Đến bây giờ không còn gì cho riêng mình kể cả danh dự và lòng tự trọng” [42, 33]. Cái ba lô cóc mà Châu đã tàn nhẫn cắt quai và ném đi như một vật vô dụng ấy đã nhắc anh nhớ đến Thêm – người đồng đội đã hi sinh trên đường đi kiếm rau rừng cho anh. Những dòng độc thoại nội tâm vang lên trong lòng Sài, vừa như nói với người đã khuất lại

vừa như hướng tới chính mình: “Ở đây không có chỗ cho tao, không phải là

chỗ của tao” [42, 331]. Sài đã thức trắng đêm trong trong nỗi giằng xé day dứt, tự kiểm nghiệm về mình để đi tới một quyết định sáng suốt: Li dị Châu “Anh không thể tiếp tục một cuộc sống không phải là của mình, không còn là mình” [42, 331].

Cũng như Sài, trong đêm tối, Tâm đối diện với chính mình sau khi đối diện với sự thật qua cuốn nhật kí của Linh Anh. Sự thật quá bẽ bàng, tủi hổ, chua xót: Hai đứa trẻ không phải là con của Tâm, Linh Anh đã cắm lên đầu Tâm không biết bao nhiêu cái sừng. Rút cuộc Tâm chỉ là một thằng chồng hờ. Biết được sự thật, Tâm choáng váng và đau đớn nhưng cũng thêm một lần nữa thức tỉnh mình là kẻ sống thiếu bản lĩnh, không có lập trường, ngộ nhận trước sắc đẹp và tình yêu. Cuốn nhật ký của Linh Anh là cơ sở để Tâm nhận ra được bản chất ở vợ: Lối sống buông thả, ích kỷ, lăng loàn, đàng điếm. Cuốn nhật ký là một liều thuốc đắng nhưng thật sự cần thiết để trị bệnh cho anh. Tâm đã đau đớn và uất hận và có phần khinh bỉ Linh Anh. Anh đã đạp xe lang thang suốt tối cho đến nửa đêm trong tâm trạng buồn mênh mang để rồi

về đến nhà “đứng thập thò ở ngoài cửa, rình rập như một thằng ăn cắp” [52,

203]. Anh mượn chén rượu để giết chết mọi cảm giác của mình để rồi những hôm sau cứ thế Tâm lại chạy trốn nỗi hoảng sợ của chính mình. Tâm đang trải qua sự giằng xé, vật lộn trong sự lựa chọn: hoặc đoạn tuyệt một cách dứt khoát hoặc cứ nhu nhược chấp nhận sự phản bội để gá tạm cuộc đời với Linh Anh. Lê Lựu đã tinh tế trong việc biểu hiện không gian tâm tưởng với những suy tư chồng chéo, phức tạp, đa diện trong đời sống tâm hồn của con người.

Không gian tâm tưởng trong Chuyện làng Cuội chủ yếu được hiện lên

qua những cảm xúc, suy nghĩ của nhân vật bà Đất. Vốn là một cô gái xinh đẹp của làng Cuội, Đất đã trở thành mục tiêu để ý của tổng Lỡi. Và những ngày tháng sau khi bị tổng Lỡi cưỡng hiếp, Đất như trải qua nỗi đau đớn tủi nhục ê chề. Đất phải bỏ làng đến cái lán La Hiên giữa rừng trú ẩn. Đây sự thực là những ngày cô đơn, buồn tủi trong cuộc đời cô. Chỉ có một cuốn sổ và một cây bút, Đất đã ghi lại bao nhớ thương, buồn tủi, đắng cay hiểm nghèo cô đều muốn trút vào cuốn sổ, những mong được đồng cảm chia sẻ: “Hôm nay lại tưởng chết vì những trận nôn. Tám ngày nay, không biết bao nhiêu trận cứ

móc họng lôi thốc cả ruột gan ra ngoài” [48, 28],Hôm nay, mẹ ngồi nhìn con thì con ói, nếu mỗi ngày mỗi đêm không có tiếng khóc của con thì không tài nào mẹ gượng dậy được” [48, 29]. Nhưng còn có một “cuốn sổ” khác đã cất giấu được tất cả mọi bí mật của cuộc đời Đất mà sau này không ai đốt được, không ai cậy răng người mẹ nói ra nửa lời. Nó ở tận đáy lòng bà và nó im lặng cho đến ngày bà trôi về quê. Chỉ có cuốn sổ đặc biệt ấy mới có thể ghi chép được tất cả các gian truân, vất vả, đau đớn, tủi nhục và cả những niềm hạnh phúc của Đất khi chứng kiến sự khôn lớn hàng ngày của đứa con. Không gian tâm tưởng của nhân vật được nhà văn soi chiếu dưới điểm nhìn của tình mẫu tử thiêng liêng. Nhân vật cô Đất đã dồn tụ được những phẩm chất đẹp đẽ của người phụ nữ Việt Nam: yêu thương con và giàu lòng hy sinh vô hạn.

Suốt chiều dài tiểu thuyết, nhiều lần không gian tâm tưởng của nhân vật là bà Đất đã được khắc họa thông qua những cung bậc cảm xúc, tâm trạng khác nhau: Là nỗi đau đớn, nhục nhã khi chồng bị quy kết là địa chủ; là nỗi xót xa, buốt nhói khi chồng bị xử bắn; là sự nén lòng trước đứa cháu nội “phải quay mặt trốn lủi để cháu khỏi reo lên gọi bà, để bà khỏi phải nhao tới ôm cháu vào lòng. Bà cháu quấn quít với nhau được một tí, bố mẹ lại “liên can” chả bõ khổ sở thêm” [48, 232]; là nỗi hoảng sợ khi bị tách khỏi mọi người, bị xa lánh, khinh rẻ; là sự kìm nén nỗi đau mất con trong buổi “mít tinh”… Song trên hết là nỗi đau của bà Đất là bị chính đứa con dứt ruột đẻ ra lừa dối, chà đạp. Qua bi kịch của nhân vật, Lê Lựu muốn khẳng định một điều: “Nhân dân có thể chịu đựng tất cả sự lừa dối, chà đạp của đế quốc, phong kiến, chịu mọi hy sinh mất mát trong bước thăng trầm của đất nước và của chính cuộc đời họ. Nhưng đến khi bị người thân yêu, ruột thịt chà đạp lừa dối thì họ đã không thể sống nổi” [63, 649]. Khám phá thế giới nội tâm nhân vật thông qua việc khắc họa không gian tâm tưởng, Lê Lựu đã giúp người đọc

hình dung chặng đường đời đầy gian truân, khổ nhục cũng như những phẩm chất cao quý của người mẹ Việt Nam.

Trong Sóng ở đáy sông, không gian tâm tưởng được hiện lên qua ký ức

đau buồn của Phạm Quang Núi về mối tình dở dang, ngang trái với Hiền. “Những buổi chiều khi bóng tối nhập nhoạng phủ xuống bờ mương hắn thẫn thờ như kẻ mất hồn ra ngồi ở phía bụi tre đầu làng, nhìn những tay gai mắc mớ vào chiếc màn hôm nào hắn đã từng gỡ” [51, 7]). Ngay cả khi đã vào nhà

tù, những hình ảnh đó vẫn không thôi giày vò hắn: “Hiền điêu đứng, cơ cực

ra sao? Cô và con hắn còn hay mất? Nếu còn, trôi dạt ở đâu?” [51, 75]. Trong lòng Núi, kí ức về người mẹ vẫn luôn sống dậy tươi nguyên. “Mẹ hắn còn lặc lè dắt xe ngoài bờ ruộng” [51, 124]. Trước khi bắt đầu một cuộc đời tội lỗi, hắn đã đến bên mộ mẹ để thắp hương cầu khấn, xin mẹ phù hộ, che chở. “Thực chất hắn mong mỏi giữa một linh hồn thiêng liêng của người mẹ đã chết với đứa con đang rắp tâm bắt đầu một cuộc đời tội lỗi. Có lẽ một tấm lòng chịu đựng bao dung, lam lũ cả một đời của mẹ đã run rủi vào hai bàn tay của hắn nên mỗi khi định thò vào sự hớ hênh, sơ ý của ai đó, bàn tay hắn lại run lên, khắp người như có một luồng khí tràn vào” [51, 110]. Cuộc đời Núi là sự tiếp nối của những lần ăn cắp, vào tù, ra tội. Song, trên hành trình nhục nhã, nhọc nhằn ấy, Núi luôn thức tỉnh, ăn năn, sám hối. Đã bao lần hắn muốn thay đổi cuộc đời của một thằng ăn cắp trở thành một người lương thiện, xứng đáng với lòng tốt, sự tin yêu của mọi người và của con gái hắn; đã bao lần hắn nói: “Nếu như… nếu như…” và lại để buông rơi thành một khoảng trống, một bi kịch kế tiếp trong cuộc đời.

Lê Lựu cũng sử dụng hình thức viết thư nhằm lột tả thế giới nội tâm nhân vật: Núi viết thư cho con và con của Núi viết thư cho hắn; Hoàng Địa viết thư cho Tâm… Sự thành thực và tấm lòng sám hối, ăn năn; nỗi khao khát được yêu thương, tha thứ đã khiến cho những bức thư lay động tâm hồn người

đọc, đó là “chất người” không bao giờ mất đi mà nhà văn đã phát hiện, khẳng định, trân trọng và nâng niu khi thâm nhập vào thế giới không gian tâm tưởng nhân vật.

Một phần của tài liệu Không gian và thời gian nghệ thuật trong tiểu thuyết Lê Lựu thời kỳ đổi mới (Trang 54)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(110 trang)