Cách thức biểu hiện không gian nghệ thuật.

Một phần của tài liệu Không gian và thời gian nghệ thuật trong tiểu thuyết Lê Lựu thời kỳ đổi mới (Trang 60)

5. Cấu trúc luận văn

2.3 Cách thức biểu hiện không gian nghệ thuật.

2.3.1 Tổ chức không gian theo nguyên tắc tương phản.

Trong tiểu thuyết nói chung và trong sáng tác của Lê Lựu nói riêng, không gian nghệ thuật là yếu tố vô cùng quan trọng trong việc phản ánh hiện thực cuộc sống và tâm hồn nhân vật. Một trong những thủ pháp nghệ thuật được nhà văn sử dụng là tổ chức không gian theo nguyên tắc tương phản. Đó là sự tương phản giữa các không gian và tương phản trong cùng một không gian.

Sự tương phản giữa các không gian trước hết được biểu hiện ở mối quan hệ giữa không gian bối cảnh xã hội với không gian tâm tưởng. Nếu không gian bối cảnh xã hội là bức tranh hiện thực xù xì, thô ráp, thậm chí khắc nghiệt thì không gian tâm tưởng chứa chất nhiều xúc cảm thơ mộng, trữ tình. Giữa không gian bối cảnh xã hội là chiến trường (Đại đội 12) và không gian tâm tưởng (cuốn nhật kí của Sài với những chi tiết hư cấu) có mối quan hệ tương phản. Đại đội 12 là một đơn vị quân đội hàng ngày phải luyện tập nghiêm túc, vất vả: học xạ kích, đi xe nước, vận chuyển đất đá, sàng cát, gánh nước, trộn bê tông … Đây là những chi tiết mang tính hiện thực 100%, nó hoàn toàn đối lập với những gì Sài hư cấu trong nhật kí: Sài li hôn Tuyết, vì mắc bệnh ung thư cổ nên Tuyết chết, Hương đến thăm Sài và tình yêu của họ vô cùng tuyệt đẹp … Những chi tiết “bịa đặt” của cuốn nhật kí là sự phản ánh bao mơ ước, khát khao, huyễn tưởng, muốn vượt thoát khỏi hiện thực trần trụi của cuộc đời trong tâm hồn Giang Minh Sài.

Trong Thời xa vắng, Lê Lựu đã tạo dựng sự đối lập giữa cảnh đời nước lụt mênh mang, kinh hoàng với cảnh tượng đêm trăng thơ mộng. Phía trước mặt là đồng nước đầy ánh trăng thơ mộng, phía sau lưng nước đã trùm lên các mái nhà, các vườn tược, cấy cối và sóng ngầm đang thúc vào tường, vào vách, thúc vào rễ cây để rồi khi rút ra, tất cả sẽ siêu vẹo, mục nát, vàng úa và lụi tàn. Không gian làng Hạ Vị trong cảnh vỡ đê được mô tả giống như một trận đại

hồng thủy kinh hoàng: “nước sông đã ăn lên lem lém nuốt chửng cả cánh bãi

xanh non mênh mông, lúa lốc và vừng (…) Những đêm chớp nháy liên hồi ở chân trời đằng đông - gọi nước lên nhanh như tát (…). Làng quay cuồng mù mịt trong nỗi hoảng loạn” [42, 50]. “nghe tiếng nước ầm ầm rung chuyển như bom. Tiếng kêu la truyền đi rùng rợn, thảm thiết (…). Nước đã tràn về ào ạt như gió” [42, 51]. Song về đêm, một cảnh tượng trái ngược khác có thể hiện ra: Đêm trăng thanh thoát, trong trẻo, sáng vằng vặc trên nền trời quang

đãng, khô ráo. “… mặt nước cồn cào trăng sáng, thứ ánh sáng rập rờn lấp

lánh như bạc”. Đặc biệt, trong cảnh Sài và Hương gặp nhau trên sân thượng tổng Lơi, ánh trăng đã trở thành một tấm phông nền thơ mộng, trữ tình để tôn thêm vẻ đẹp của tình yêu. Dưới ánh trăng vàng rực rỡ, người con trai làng Hạ Vị lần đầu tiên được chạm vào thân thể người con gái, anh cứ run lên, khắp người rần rật niềm sung sướng. Kỷ niệm về đêm trăng mãi ám ảnh suốt cuộc đời Sài để rồi trở thành nỗi day dứt, đau đớn về mối tình không trọn vẹn.

Không gian Sóng ở đáy sông cũng hàm chứa sự đối lập (tương phản trong cùng một không gian): Gia đình ông Đại với ngôi nhà hai tầng, tầng trên là những đứa con “loại một” của bà cả có lối sống sang trọng, kiểu cách, trưởng giả, quen với việc quát nạt, mắng mỏ, ban ơn, ra lệnh đối với tầng

dưới; còn tầng dưới là người mẹ với những đứa con “loại hai” - được sinh ra

bởi những nhu cầu sinh lý của người bố - có lối sống quê mùa, lúi xùi, luôn chỉ biết phục tùng tận tụy, vô điều kiện. Chính sự đối lập này đã tạo nên sự

phân biệt đối xử giữa anh em Núi với “tầng trên” – đặc biệt với người bố lạnh lùng, nhẫn tâm, cạn kiệt tình thương - cũng là ngọn nguồn đẩy Núi vào con đường lưu manh tha hóa suốt bao nhiêu năm. Từ một học sinh giỏi, chăm ngoan, Núi đã trở thành một thằng tù bị tống giam 5 lần với nhiều tội danh cướp giật. Qua câu chuyện này, phải chăng nhà văn muốn khẳng định: ranh giới vô hình trong cuộc sống - đặc biệt trong quan hệ máu mủ ruột thịt sẽ có sức tàn phá hủy diệt vô cùng khủng khiếp đến sự hình thành và phát triển nhân cách của con người.

Hình ảnh dòng sông Thương trong cảm nhận của Núi ở hai thời điểm

khác nhau cũng trở nên đối lập. Dòng Thương năm trước thật thơ mộng: “Lúc

mặt trời sắp lặn, yên ả trong những làn gió từ mặt sông thổi lên những cánh đồng mới gặt se se lạnh. Khi mặt nước tím dần rồi sẫm lại, chỉ còn nghe tiếng lóc lách của mái chèo khua nước đưa chiếc thuyền bồng trôi dọc về cuối sông. Dần dần, cả hai bờ, cả những hàng cây bạch đàn, cả thuyền bè đều như nhòe trong sương” [51, 133]. Đoạn văn mô tả một bức tranh tuyệt đẹp trong buổi hò hẹn đầu tiên của Núi và Mai, bức tranh đó tương phản cuộc sống tù tội, nhếch nhác, nhục nhã và nhờm gớm của Núi. Vẻ đẹp của không gian sông Thương khiến cho một tâm hồn tưởng đã xơ cứng, chai sạn vì trộm cắp như Núi cũng muốn thốt lên: “Trời ơi, tuyệt vời quá!”. Nếu Đôtxtôiepxki từng khẳng định sức mạnh của cái đẹp trong việc cải tạo thế giới qua câu nói nổi

tiếng: “Cái đẹp cứu rỗi thế giới” thì trong trường hợp này ta cũng có thể nói

tương tự: Cái đẹp ngoại cảnh đã phần nào cảm hóa Núi, đem đến cho nhân vật những rung động thuần khiết, trong trẻo về cuộc đời.

Song không gian sông Thương một năm sau lại hiện lên hoàn toàn khác

biệt. “Vẫn lại sông Thương. Nhưng đêm nay mờ mịt, hai bờ mưa bụi. Những

ngọn gió không còn khô ráo và se lạnh như buổi chiều hơn một năm về trước. Nó quất vào người như roi quất lạnh tái tê. Cỏ cũng không còn khô ráo, từng

vầng ngả diệc trong bùn nhão, giá buốt như kim đâm dưới hai bàn chân không” [51,191]. Vẫn là dòng sông Thương mà hoàn toàn đổi thay: giá buốt, tê lạnh như tương đồng với nỗi khổ đau, tuyệt vọng của Núi: Mai, vợ hắn đã bỏ đi theo trai, đứa con đỏ hỏn đang khát khô sữa mẹ. Hắn gọi vợ thảm thiết mà không có tiếng đáp lại.

Như vậy, mối tương quan đối lập giữa các không gian và tính chất tương phản trong một không gian vừa có chức năng phản ánh về hiện thực đời sống xã hội lại vừa khơi gợi những diễn biến tâm lí “gấp khúc”, những bước ngoặt tâm hồn của các nhân vật. Qua đó, nhà văn cũng đồng thời bộc lộ cái nhìn sâu sắc về hiện thực cuộc sống.

Một phần của tài liệu Không gian và thời gian nghệ thuật trong tiểu thuyết Lê Lựu thời kỳ đổi mới (Trang 60)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(110 trang)