Thứ nhất, tạo lập nền tảng kinh tế gia đình vững chắc là điều kiện thuận lợi cho quá trình xây dựng gia đình văn hóa ở tỉnh Thái Nguyên hiện nay.
Muốn xây dựng gia đình văn hóa, trước hết chúng ta cần tạo dựng một nền tảng kinh tế thuận lợi cho sự bền vững của nó. Trước yêu cầu phát triển của đất nước, mỗi gia đình đóng vai trò là một đơn vị kinh tế, đồng nghĩa với việc mỗi thành viên phải dựa vào gia đình nhiều hơn. Chính vì vậy, đầu tư vào gia đình, phát triển kinh tế gia đình tạo điều kiện vật chất không những đảm bảo cho sự tồn tại mà còn nâng cao chất lượng cuộc sống cho các thành viên trong gia đình, đó là tiền đề quan trọng cho sự hình thành những mô hình gia đình mới trên nền tảng giá trị truyền thống. Phong trào xây dựng gia đình văn hóa ở tỉnh Thái Nguyên hiện nay muốn thành công cần đẩy mạnh những giải pháp thiết yếu về phát triển kinh tế hộ gia đình với những mục tiêu cụ thể như sau:
Ủy Ban nhân dân tỉnh đẩy mạnh việc hoàn thiện đồng bộ và cụ thể công tác cải cách hành chính từ cấp tỉnh đến cấp xã, phường, thị trấn, tạo mọi
điều kiện để các hộ gia đình phát huy năng lực trong sản xuất kinh doanh. Đồng thời, Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo Hội Nông dân, Hội Liên hiệp Phụ nữ, Sở Lao động thương binh xã hội tạo điều kiện cho các thành phần kinh tế đầu tư vào các vùng nguyên liệu, đào tạo dạy nghề phát triển các ngành sản xuất thủ công nghiệp như nghề mây tre đan ở huyện Phổ Yên, nghề làm hương đen, nghề làm đậu phụ, làm bún ở phường Túc Duyên (thành phố Thái Nguyên) và nghề làm chè thủ công với sản phẩm là chè móc câu ở xã Tân Cương (thành phố Thái Nguyên), nghề làm miến dong ở làng Việt Cường, xã Hóa Thượng, huyện Đồng Hỷ… giúp đỡ, hướng dẫn phát triển mạnh mô hình kinh tế hộ, kinh tế trang trại, kinh tế hợp tác trong chăn nuôi, trồng trọt, hình thành các hộ gia đình, các đơn vị sản xuất hàng hóa tập trung, quy mô lớn.
Trong những năm qua, tỉnh Thái Nguyên luôn coi đầu tư cho gia đình, khuyến khích phát triển kinh tế hộ gia đình chính là tạo điều kiện cho các gia đình thể hiện năng lực, sức mạnh của mình, đồng thời là nền tảng vững chắc tạo nên thành công của phong trào xây dựng gia đình văn hóa. Chính vì vậy, chính quyền các cấp đẩy mạnh thực hiện chính sách khoán hộ, giao đất, giao rừng ở nông thôn; chính sách kinh doanh dịch vụ, kinh tế tư nhân, chế độ tiền lương cho cán bộ công chức, thu nhập cho công nhân lao động, coi đó là điều kiện để ổn định đời sống gia đình và cơ sở vật chất, tinh thần cho người dân.
Ủy ban nhân dân tỉnh tăng cường chính sách hỗ trợ về định hướng sản xuất, tập trung dồn điền đổi thửa gắn với chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, xây dựng các vùng sản xuất gia đình tập trung với quy mô lớn theo hướng trang trại và sản xuất hàng hóa gắn với công nghiệp chế biến, tạo sản phẩm có chất lượng cao, có thương hiệu, xây dựng vùng sản xuất rau sạch với quy mô lớn như xã Ninh Sơn (huyện Đồng Hỷ), phường Túc Duyên (thành phố Thái Nguyên), thực hiện mô hình ba vụ cho năng suất cao, nhân rộng mô
hình VAC, mô hình nuôi dế ở Phú Bình, nuôi nhím ở Phổ Yên, mô hình nuôi cá chắm cỏ bán thâm canh trên địa bàn huyện Định Hóa...
Củng cố, đổi mới và nâng cao chất lượng của hoạt động hợp tác xã nông nghiệp Thanh Ninh (huyện Phú Bình), hợp tác xã nông nghiệp Đồng Tiến (huyện Phổ Yên), Hợp tác xã nông nghiệp Quyết Thắng (Thành phố Thái Nguyên), hợp tác xã Nương Chè (huyện Định Hóa), hợp tác xã vận tải và dịch vụ Chiến Công (Thị xã Sông Công)… và thực hiện đa dạng hóa các loại hình hợp tác xã nông nghiệp, dịch vụ, vận tải… phù hợp với tình hình sản xuất của địa phương, tạo công ăn việc làm và tăng thu nhập cho các hộ gia đình.
Phát triển đa dạng các dịch vụ nông nghiệp như cung ứng giống cây trồng vật nuôi đã được cải tiến, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, các vật tư nông nghiệp, cung cấp các dịch vụ thú y, kỹ thuật... Từng bước hình thành cơ sở chế biến thức ăn gia súc, chế biến thực phẩm có công nghệ cao tạo ra sản phẩm tinh chế. Khuyến khích các doanh nghiệp tham gia vào tiêu thụ sản phẩm nông, lâm, ngư nghiệp bên cạnh chính sách bình ổn giá, để tránh người dân bị ép giá khi thu hoạch và bán sản phẩm.
Với đặc thù là một tỉnh nằm trong vùng trung du và miền núi khu vực Đông bắc Việt Nam, tỉnh Thái Nguyên có 9 đơn vị hành chính, trong đó có 5 đơn vị hành chính thuộc loại địa hình đa dạng, phức tạp, có nhiều xã là vùng núi và vùng cao, đó là các huyện: Định Hóa, Đại Từ, Phú Lương, Đồng Hỷ và Võ Nhai. Sự khó khăn, phức tạp tập trung ở việc giao thông đi lại trắc trở, đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống chủ yếu nhờ canh tác nông nghiệp, lâm nghiệp với kiểu kinh tế tiểu nông là chủ yếu, trình độ dân trí thấp, kinh tế nghèo nàn, chậm phát triển nên việc triển khai công tác xây dựng gia đình văn hóa của tỉnh còn hạn chế. Muốn thành công trong việc xây dựng gia đình văn hóa nơi đây với đầy đủ các tiêu chí của nó thì việc làm trước tiên là phải củng cố đời sống vật chất của gia đình đồng bào các dân tộc.
Ý thức được tầm quan trọng của vấn đề trên, các cấp ủy Đảng, chính quyền đã chỉ đạo tập trung giải quyết vấn đề vốn sản xuất cho các hộ gia đình. Sự hỗ trợ vốn từ chương trình 135, 327 của chính phủ và chương trình PMA được đầu tư từ những nước phát triển đã đáp ứng phần nào nhu cầu về sản xuất kinh doanh, xóa đói giảm nghèo, từng bước hiện đại hóa và nâng cao chất lượng của các hoạt động tín dụng, tạo điều kiện để nhân dân kịp thời tiếp cận, nhất là trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn.
Trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp và nông thôn, đặc biệt đối với khu vực có các đồng bào dân tộc ít người như Hmông, Ngái, Sán Chay, Sán Dìu, Dao sinh sống (ở các huyện: Võ Nhai, Đại Từ, Phú Lương) thì cần tăng cường hơn nữa công tác tuyên truyền, sử dụng cán bộ là người dân tộc để vận động bà con dân bản ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, nhằm làm thay đổi dần dần từ suy nghĩ đến cách làm, qua đó nâng cao dân sinh, phát triển kinh tế, ổn định xã hội.
Thực hiện tốt các phương pháp trên, tạo điều kiện giải quyết gánh nặng về nhu cầu giải quyết việc làm trong tỉnh, thực hiện sự phân công lao động giữa các ngành nghề trong xã hội, góp phần giảm thiểu sự phân hóa giàu nghèo giữa nông thôn và thành thị, tạo bước đột phá cho phong trào xây dựng gia đình văn hóa của tỉnh Thái Nguyên.
Hai là, Phát triển kinh tế vùng, chuyển dịch cơ cấu kinh tế là động lực quan trọng góp phần tạo nên thành công của phong trào xây dựng gia đình văn hóa ở tỉnh Thái Nguyên
Thái Nguyên là một trong những tỉnh bắt đầu quá trình công nghiệp hóa đầu tiên của cả nước với tiềm năng về tài nguyên khoáng sản có trữ lượng lớn, đất đai màu mỡ, khí hậu ôn hòa khá thuận lợi để phát triển cây, rừng, vật nuôi, dễ kết hợp phát triển nông, lâm, ngư nghiệp. Thái Nguyên cũng là tỉnh khá giàu tiềm năng về du lịch, kết cấu hạ tầng kỹ thuật khá hoàn chỉnh với
2.573km đường giao thông, hệ thống kênh mương hoàn thiện, 100% xã có mạng lưới bưu chính viễn thông, phủ sóng truyền hình 100%.
Mặc dù là tỉnh đi đầu trong cả nước tiến hành công nghiệp hóa với trọng điểm là khu công nghiệp Gang Thép, nhưng hiện nay, so với các tỉnh, thành phố trong cả nước, Thái Nguyên vẫn là một trong những tỉnh có nền kinh tế chậm phát triển, thiếu ổn định chưa tương xứng với tiềm năng, sản xuất nông nghiệp chiếm tỉ trọng lớn, sự phân hóa giàu - nghèo về kinh tế giữa thành thị với nông thôn, khu vực miền núi, vùng cao với vùng trung du của tỉnh ngày càng lớn, đời sống của nhân dân còn nhiều khó khăn.
Với những thuận lợi và khó khăn kể trên, phát huy lợi thế của tỉnh nhà để phát triển kinh tế vùng, chuyển dịch cơ cấu kinh tế là một trong những giải pháp quan trọng để thực hiện thành công quá trình xây dựng gia đình văn hóa biểu hiện cụ thể ở những mặt sau:
Khu vực trung du của tỉnh bao gồm thành phố Thái Nguyên, thị xã Sông Công và các huyện Phổ Yên, Phú Bình do có điều kiện thuận lợi về giao thông, dân cư tập trung đông đúc và sinh sống bằng nhiều nghề khác nhau như thương nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, công nghiệp và sản xuất nông nghiệp, dịch vụ… đã tạo cho cư dân vùng này có đời sống khá hơn và năng động hơn so với vùng núi và vùng cao của tỉnh, điều này khiến cho các hộ gia đình có điều kiện thuận lợi hơn trong việc tiếp thu những giá trị văn hóa mới, tiếp cận những tri thức mới để củng cố và nâng cao chất lượng cuộc sống, phát triển kinh tế gia đình bền vững, tạo lập nền tảng vững chắc cho quá trình xây dựng gia đình văn hóa của mình. Vì vậy, phát triển kinh tế ở địa bàn này trước hết cần đẩy mạnh phát triển dịch vụ, du lịch trở thành ngành kinh tế trọng điểm của vùng.
Theo hướng đó, Tỉnh ủy và Ủy ban Nhân dân Thành phố Thái Nguyên và các huyện Phổ Yên, Phú Bình lập quy hoạch dịch vụ thương mại, mở rộng
mạng lưới dịch vụ theo hướng hiện đại, văn minh, chỉ đạo hoàn thành đề án cải tạo, nâng cấp chợ dân sinh, xây dựng các siêu thị và các dịch vụ công cộng tại khu vực thị xã Sông Công, khu công nghiệp Gang Thép… Riêng khu vực thành phố tập trung đầu tư phát triển chợ đầu mối Túc Duyên và xây dựng các khu chợ theo hướng hiện đại là chợ Thái, chợ Đồng Quang, chợ Minh Cầu… Tại khu vực các huyện Phú Bình, Phổ Yên phấn đấu xây dựng mỗi xã có một chợ nông thôn để giải quyết nhu cầu việc làm, duy trì và đảm bảo đời sống của trên 6000 hộ kinh doanh và đáp ứng nhu cầu trao đổi của nhân dân trong vùng.
Các cơ quan chức năng của Tỉnh nên phối hợp chặt chẽ hơn nữa với các cơ quan chức năng của Trung ương, chỉ đạo Thành phố và các Huyện trong việc thực hiện đầu tư tôn tạo, bảo tồn các khu di tích lịch sử, các công trình văn hóa như Dinh Công Trứ, Trại lính Khố xanh, đền thờ Đội Cấn (thành Phố Thái Nguyên); cụm di tích lịch sử cách mạng xã Kha Sơn (huyện Phú Bình); Đền Lục Giáp (xã Đắc Sơn, huyện Phổ Yên). Bên cạnh đó, việc khuyến khích đầu tư phát triển các khu du lịch sinh thái như khu sinh thái Thái Hà (thành phố Thái Nguyên), các hệ thống nhà hàng, khách sạn nhằm khai thác có hiệu quả tiềm năng du lịch thu hút khách đến thăm quan, nghỉ ngơi giải trí cũng rất quan trọng. Từ việc đầu tư thích đáng cho các hoạt động trên, mức hưởng thụ các giá trị tinh thần trong người dân và các gia đình trên địa bàn vùng trung du của tỉnh sẽ được nâng cao hơn.
Một lẽ tất yếu nữa cần quan tâm đó là việc tập trung đẩy mạnh phát triển các ngành công nghiệp thế mạnh của vùng như: công nghiệp khai thác khoáng sản, công nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng, may mặc gia công hàng xuất khẩu… Các cấp ủy Đảng, các cơ quan chức năng và toàn thể nhân dân cần thực hiện tốt công tác quảng bá, thu hút các đơn vị, cá nhân, tập thể sản xuất kinh doanh đầu tư để mở rộng các cụm và khu công nghiệp Gang Thép,
Phổ Yên và Sông Công. Kết hợp với công tác quảng bá là việc đầu tư trang thiết bị sản xuất hiện đại, tiến hành điều tra, khảo sát tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm mới, vừa khai thác có hiệu quả nguồn nguyên nhiên liệu, vừa bảo vệ môi trường và an sinh xã hội. Đây là một trong những giải pháp tối ưu góp phần tăng thu nhập, nâng cao mức sống của các hộ gia đình nơi đây, đồng thời giải pháp đó góp phần quan trọng vào quá trình ổn định và phát triển kinh tế khu vực trung du của tỉnh.
Trong lĩnh vực nông nghiệp, Phổ Yên và Sông Công cũng là vùng sản xuất lương thực, thực phẩm lớn nhất tỉnh. Để phát huy lợi thế này của vùng, thì giải pháp tốt nhất là tập trung vào ba khâu quan trọng, đó là giống, kỹ thuật và đầu ra cho sản phẩm. Tiến hành đưa vào trồng trên địa bàn huyện Phú Bình, Phổ Yên những giống lúa mới như Tám thơm, Bao thai, Bắc hương, Khang dân… là những giống lúa cho năng suất cao và khả năng thích nghi tốt với những điều kiện tự nhiên là một việc cần làm ngay. Cùng với việc trồng giống mới là đẩy mạnh việc thâm canh, thực hiện chương trình sản xuất lúa cao sản đưa năng suất lên 51 tạ/ha và xây dựng các mô hình điểm về thâm canh lúa, ngô năng suất cao; Tập trung chọn lọc giống cây trồng, vật nuôi phù hợp với điều kiện đất, thổ nhưỡng, trình độ canh tác của người dân, chẳng hạn, trên địa bàn thành phố Thái Nguyên phát triển vùng chuyên canh rau ở phường Túc Duyên, ở huyện Phổ Yên, huyện Phú Bình đất đai màu mỡ thích hợp trồng các loại cây lương thực, cây công nghiệp ngắn ngày như đỗ tương, lạc, thuốc lá… nuôi cá và chăn nuôi gia súc, gia cầm; Phát triển các vùng nguyên liệu tập trung đã có, lập kế hoạch khai thác nguồn nguyên liệu để chế biến làm tăng giá trị sản phẩm hàng hóa, củng cố phát triển hình thức chăn nuôi trang trại, kinh tế hợp tác xã, tạo mối liên kết chặt chẽ giữa bốn nhà: nhà nông, nhà khoa học, nhà doanh nghiệp, nhà nước.
Như vậy, việc chuyển đổi cơ cấu kinh tế theo hướng dịch vụ, du lịch - công nghiệp - nông nghiệp tại vùng trung du trên địa bàn tỉnh Thái nguyên là một giải pháp thông minh của chính quyền địa phương, tạo điều kiện phát huy các tiềm năng, thế mạnh của từng gia đình, từng địa phương, chuẩn bị điều kiện trực tiếp nhất giúp nâng cao nhận thức của đồng bào trong công tác xây dựng gia đình văn hóa của tỉnh nhà. Tuy nhiên, chỉ đề ra giải pháp thì chưa đủ mà việc cần kíp là phải triển khai sâu rộng vào thực tiễn, có đánh giá tác động, hiệu quả và rút kinh nghiệm.
Dân cư ở khu vực miền núi, vùng cao của tỉnh thuộc các huyện Đại Từ, Định Hóa, Phú Lương, Đồng Hỷ, Võ Nhai chủ yếu là đồng bào các dân tộc thiểu số, trình độ dân trí thấp, kinh tế chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp, đời sống của người dân bấp bênh, thiếu ổn định. Để khắc phục được tình trạng trên, không phải là dễ dàng đối với các cấp ủy Đảng, chính quyền và nhân dân ở nơi đây. Chính vì vậy, việc chuyển đổi cơ cấu kinh tế trong vùng, nhằm nâng cao mức sống, mức hưởng thụ các giá trị vật chất, tinh thần của người dân là việc làm thiết thực. Dựa vào kết quả nghiên cứu và số liệu thống kê thực trạng kinh tế trên địa bàn vùng núi, vùng cao của tỉnh, một số giải pháp phù hợp hơn đã được đưa ra như sau:
Thứ nhất, phát triển kinh tế ở miền núi, vùng cao của tỉnh trước hết cần thực hiện định canh, định cư để ổn định đời sống nhân dân. Đồng bào tại các xã Na Mao, Cát Nê (huyện Đại Từ); Bản Lại, Nà Chát, Nà Mị, bản Noong, xã Linh Thông, xã Tân Thịnh (huyện Định Hóa); xóm Suối Két, Bắc Bé, Làng Muông thuộc xã Yên Thành (huyện Phú Lương); Bản Chương, xóm Khuổi Mèo, xóm Nà Pheo thuộc các xã Sảng Mộc, Phú Thượng (huyện Võ Nhai)…